Lễ Chúa Giê-Su
Chịu Phép Rửa – năm A (Mt 3,13-17)
Kính thưa cha cùng các bạn sinh viên
thân mến,
Sau đại lễ
Giáng Sinh mừng Con Thiên Chúa nhập thể làm người, các bài đọc của
phụng vụ trong thời gian qua liên tục đề cập đến các biến cố trong
cuộc đời thơ ấu của Đức Giê-su, cụ thể, đó là việc ba vua từ phương
Đông tìm đến, việc dâng Chúa Giê-su trong Đền Thờ, thánh gia trốn sang
ai cập và trở về, biến cố các trẻ thơ bị sát hại bởi bàn tay tàn
bạo của vua Hêrôđê, v.v.. Còn Chúa nhật hôm nay, Giáo hội dành để
kính nhớ việc Chúa Giê-su chịu phép rửa của ông Gioan Tẩy giả. Biến
cố này mang nhiều ý nghĩa khác nhau và cũng để lại cho ta nhiều bài
học bổ ích.
Thực
vậy, chúng ta dễ dàng nhận ra việc Chúa Giê-su chịu phép rửa vừa
khép lại những biến cố xảy ra trong thời thơ ấu của Đức Giê-su đồng
thời mở ra một đời sống mới trong sứ vụ của Người. Bài đọc một
chúng ta vừa nghe đề cập đến sứ vụ của người tôi tớ đau khổ, đó là
thiết lập công lý của Thiên Chúa trên địa cầu. Người tôi tớ đau khổ
đó chính là hình ảnh báo trước của Đức Giê-su Ki-tô. Thiết lập công
lý chính là bày tỏ tình thương và lòng nhân ái của Thiên Chúa cho
con người. Bài đọc hai trích từ sách công vụ tông đồ còn cho ta biết
sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su đi đến đâu thì thi ân giáng phúc đến
đó, Người chữa lành mọi thứ bệnh tật và giải phóng con người khỏi
ma quỷ.
Dù
là Con Một Thiên Chúa, là Đâng vô tội, thế nhưng Đức Giê-su đã khiêm
nhường bước xuống dòng sông Giođan để lãnh nhận phép rửa, một biến
cố đánh dấu một giai đoạn hoàn toàn mới mẻ trong đời sống và sứ
vụ của Đức Giê-su.
Các
bài đọc trong thánh lễ hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta nhớ lại
phép rửa của mình. Chúng ta cũng đã chịu một phép rửa, không phải
như phép rửa của Gioan nhưng là phép rửa do chính Chúa Giê-su thiết
lập bằng máu của Người. Phép rửa đó cũng đưa chúng ta vào một đời
sống mới, vào sứ vụ mới.
Vậy thì, đời
sống mới của người Ki-tô hữu là gì? Sứ vụ mới của người Ki-tô hữu
là gì? Chúng ta có ý thức và sống điều đó hay chưa? Đời sống của
một sinh viên Công giáo có khác với đời sống của một người sinh viên
không Công giáo hay không?
Ngày chịu
phép rửa, chúng ta hay người đại diện chúng ta đã hứa trước mặt
Thiên Chúa và Hội thánh rằng chúng ta sẽ từ bỏ ma quỷ và những cám
dỗ của nó để chỉ tin vào một Thiên Chúa là Cha yêu thương mà thôi,
thế nhưng trong thực tế cuộc sống, chúng ta có giữ được lời hứa đó
hay không? Những khi gặp khó khăn, đau khổ hay thử thách chúng ta có
tin tưởng và chạy đến với Thiên Chúa hay chúng ta cũng đi xem thầy, đi
coi bói như nhiều người khác.
Cách đây không
lâu, tôi nghe được câu chuyện về một bạn trẻ, sau khi tốt nghiệp đại
học ra trường, em tìm kiếm vất vả khắp nơi mà vẫn không kiếm được
việc làm. Mãi về sau, em quyết định đi hành hương và khấn với Đức
Mẹ Tapao. Và quả thật, điều mầu nhiệm đã xảy ra với em. Sau khi đi
hành hương về, em xin được việc làm cho một công ty của Đài Loan. Một
công việc phù hợp, với mức lương làm em thỏa mãn. Em xác tín rằng
Đức Mẹ đã nhận lời và công việc này là công việc Đức Mẹ ban cho em.
Thế nhưng, khi làm cho công ty này, em phải đối diện với một thách
thức khác, đó là công ty này thường xuyên cúng bái hay làm các hình
thức tương tự. Từng nhân viên đều phải tham gia vào công việc này. Em
rất lấy làm bối rối và nghĩ ngợi về điều này. Em tìm đủ mọi lý
do để tránh mặt, nhưng điều này không tránh khỏi cặp mắt dò xét của
nhiều người. Khi mọi người dò hỏi lý do thì em khẳng định mình là
người Công giáo nên không thể tham gia vào những việc cúng bái này.
Chuyện đến tai vị Giám đốc và em đứng trước nguy cơ mất việc nếu cứ
tiếp tục như vậy. Biết chuyện, nhiều người khuyên em không nên cứng
nhắc quá, cứ giả bộ làm cho xong việc. Thế nhưng em khẳng định: công
việc này là do Đức Mẹ ban cho, nên nếu Đức Mẹ thấy không phù hợp
nữa thì chắc Mẹ sẽ ban cho công việc khác.
Vâng, bạn trẻ
trên đã can đảm trung thành với lời hứa của mình trong bí tích Rửa
tội dù đối diện với nguy cơ mất việc.
Xã hội hôm nay
đang có rất nhiều thách thức như thế. Môi trường đại học với cách
thức giáo dục hiện tại đã loại bỏ tôn giáo ra khỏi đời sống con
người. Cuộc sống xã hội mở ra nhiều lựa chọn đòi hỏi các bạn phải
can đảm tuyên xưng hay ít nhất là giữ vững đức tin của mình.
Tôi biết có
rất nhiều bạn trẻ, khi còn ở quê thì rất năng nổ trong các sinh hoạt
của giáo xứ hay các hội đoàn. Thế nhưng khi vào thành phố học đại
học, các bạn như vừa thoát ra khỏi sự kềm cặp của bố mẹ, của gia
đình để tự do bay nhảy. Kết quả là việc đạo nghĩa bị bỏ bê dần.
Việc tham dự thánh lễ hay lãnh nhận các bí tích cũng thưa thớt dần,
thay vào đó là những cuộc vui chơi với chúng bạn.
Chính vì vậy,
khi nhìn thấy sự hiện diện của các bạn ở đây, tôi rất là mừng.
Mừng cho các bạn, cho gia đình các bạn và cho cả Giáo hội nữa. Vì
điều đó chứng tỏ nhiều người trẻ vẫn ý thức được giá trị của bí
tích rửa tội, vẫn trung thành với những gì đã hứa với Chúa khi chịu
phép rửa. Ước gì các bạn ngày càng cố gắng để sống tốt hơn nữa. Điều
đó không chỉ tốt cho các bạn mà thôi nhưng còn góp phần biến đổi môi
trường mà các bạn đang hiện diện. Ước gì Thiên Chúa cũng sẽ nói
với các bạn rằng: con là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về con.
Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét