Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Thánh Matta

Ngày 29 Tháng 7: Thánh Matta

Nhiều người cảm thấy mệt mỏi khi tham gia hội đoàn này, đoàn thể kia. Có người cảm thấy việc phục vụ Hội thánh, giáo phận, giáo xứ sao mà mệt mỏi, khó khăn đủ điều. Thậm chí có người muốn rút lui cho được yên thân. Họ đã không phân biệt “việc của Chúa và chính Chúa” như lời của Đức cố Hồng y Phanxicô.
Cuộc đời thánh nữ Matta có thể làm mẫu gương cho ta. Ngài chính là điển hình cho con người phục vụ. Ngài bận bịu phục vụ đến nỗi cảm thấy mệt mỏi và từ mệt mỏi chuyển sáng bực tức. Giới hạn của sự chịu đựng đã hết. Ngài cất tiếng phàn nàn về người thân (x. Lc 10,38-42). Sau lời nhắc nhở của Đức Giê-su, có vẻ như ngài đã rút kinh nghiệm. Trong lần Lagiarô qua đời, ngài không còn đóng vai người chị bận rộn trong gia đình nữa. Ngài mau mắn chạy đến gặp Đức Giê-su khi nghe tin Người đến. Trong lần gặp gỡ này, ngài đã tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô (x. Ga 11,1-53), một công thức tuyên xưng tương tự như tông đồ trưởng Phêrô (x. Mt 16,16). Trong lần mô tả sau cùng của Tin mừng tại gia đình của ba chị em, Matta vẫn đóng vai một người phục vụ bận rộn. Nhưng lần này chị không còn bực tức, cũng chẳng còn phàn nàn. Lúc này trong đầu chị không chỉ là công việc mà thôi, nhưng chị biết chị đang làm gì và làm cho ai (x. Ga 12,1-9).

Lạy Chúa, xin cho con gặp được Chúa trong mọi việc con làm để công việc không còn là một gánh nặng nhưng là cơ hội để con gặp gỡ chính Chúa.

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Anh em cứ xin (Lc 11,1-13)

Chúa nhật XVII, năm C

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh!”, người ta vẫn than với nhau như thế. Mà đúng thật, cuộc đời ai cũng trải qua những giây phút long đong khổ sở. Có người suốt đời phải khổ với chồng với con, có người luôn sống trong khắc khoải lo âu, có người đang nhà êm cửa đẹp bỗng đâu ngọn lửa thiêu rụi tất cả. Khi bất lực trước đau khổ, con người thường nhớ đến Đấng Trên Cao và nài xin với tất cả lòng thành.
Anh em cứ xin, cứ tìm, cứ gõ,… lời Đức Giê-su phần nào khuyến khích và an ủi chúng ta. Thế nhưng chúng ta hay kinh nghiệm về sự vắng bóng của Thiên Chúa: con kêu hoài đến kiệt sức mà sao Chúa chẳng đáp lời (x.Tv 69,4). Cuộc kì kèo giữa Apraham và Thiên Chúa có lẽ phần nào soi sáng cho thắc mắc của chúng ta.
Bầu khí cuộc trò chuyện giữa Apraham với Thiên Chúa thật là thân mật. Dù ý thức mình chỉ là thân tro bụi nhưng Apraham vẫn cố kì kèo với Thiên Chúa để cứu thành Xơ-đôm. Ông dần hạ giá từ 50 người đến 45 rồi 30, 20 và sau cùng là 10 người. Tại sao ông dừng lại ở con số 10 mà không dám hạ xuống thấp nữa. Có lẽ ông ý thức được thân phận tro bụi của mình cũng như sự bất xứng của dân thành Xơ-đôm. Không phải lòng kiên nhẫn và thương xót của Thiên Chúa có giới hạn nhưng vì giới hạn của con người. Trước vinh quang Thiên Chúa, ông Apraham cũng như dân thành Xơ-đôm chỉ dám “ngã giá” tới đó mà thôi. Phần còn lại, có lẽ phó thác cho lòng nhân lành của Thiên Chúa.
Thiên Chúa nhân lành nhưng Thiên Chúa cũng là Đấng công minh. Mặc dù sự kì kèo của Apraham thất bại, nhưng Thiên Chúa không để mặc cho người công chính. Người trừng phạt kẻ tội lỗi nhưng cũng đưa tay che chở người công chính. Bằng chứng là gia đình ông Lót đã được cứu.
Anh em cứ xin, cứ tìm, cứ gõ. Đó là bổn phận của chúng ta. Bổn phận nài xin lòng nhân lành của Thiên Chúa. Phần còn lại, chúng ta phó thác cho sự công minh của Người. Thiên Chúa công minh nhưng cũng là Đấng giàu lòng thương xót. Người không xét xử ta xứng với lỗi lầm ta phạm (x.Tv 103,10). Trái lại, Người đối xử với ta như người cha đối xử với con cái.  

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Lúa tốt và cỏ lùng (Mt 13,36-43)

Tuần XVII - thứ Ba

Khoảng cách giữa thiên đàng và hỏa ngục có khi chỉ là một bước chân. Ánh sáng và bóng tối luôn xen lẫn với nhau. Những ý nghĩ thánh thiện vừa lướt qua thì những toan tính đen tối xuất hiện. Thật và giả luôn đan xen, hòa quyện nhau rất khó phân biệt. Vàng thau lẫn lộn nhiều khi đánh lừa cả những nhà chuyên môn! Bác ái và trục lợi tồn tại trong chính bản thân mỗi người nhiều khi chính đương sự cũng không nhận ra.
Đó là những minh họa cho lúa tốt và cỏ lùng cùng tồn tại và lớn lên trong lòng mỗi người. Xét về hình thức, lúa tốt và cỏ lùng rất giống nhau. Vậy làm thế nào để ta phân biệt? Chỉ những ai suốt đời gắn bó với lúa mới đủ tinh ý để phân biệt. Cũng vậy, chỉ những ai tâm hồn luôn trong sáng và thánh thiện mới đủ tỉnh thức nhận ra cái gì là tốt thực sự.
Lúa tốt và cỏ lùng khác nhau về nguồn gốc và hiệu quả. Lúa tốt đến từ Thiên Chúa và cho hoa quả là mùa gặt bội thu. Cỏ lùng thì ngược lại. Cũng vậy, muốn biết việc làm của ta là “lúa tốt” hay “cỏ lùng”, ta phải thành tâm xét xem động lực của chúng là gì? Chúng đến từ tình yêu dành cho Thiên Chúa và con người hay chỉ vì vinh dự bản thân? Cũng vậy, ta xét xem hiệu quả chúng mang lại là gì? Để vinh danh Thiên Chúa và sinh ích cho tha nhân hay để vun vén cho chính mình? Chỉ trong thinh lặng nội tâm đối diện với Thiên Chúa ta mới đủ can đảm và tỉnh táo để nhận thức lúa tốt và cỏ lùng thực sự nơi bản thân của ta.

Xin Chúa cho con biết thanh lọc chính mình để những việc con làm không chỉ vì lợi ích bản thân nhưng trước hết và trên hết là vì vinh danh Chúa và lợi ích cho tha nhân.

Đức Giê-su, mẫu gương người đồng hành

Xúc phạm đến Thiên Chúa là một lỗi phạm nghiêm trọng. Dù có ăn năn, con người vẫn không thể tự mình giải thoát. Chính vì vậy, Ngôi Lời Thiên Chúa đã đến, mặc lấy thân phận con người, chịu mọi sự gian khổ và cả cái chết để cứu độ con người (x. Dt 2, 9-10). Đây là cách đồng hành cao cả nhất.
Đồng hành là cùng đi, cùng chịu những tác động và ảnh hưởng, cùng chia sẻ những ưu tư lo lắng và cùng giúp nhau tiến về phía ánh sáng. Một anh em chúng tôi đã chia sẻ : “Lời đã mặc lấy thân phận con người và đồng hành với nhân loại. Lời đã trở nên bạn hữu của con người. Đức Giêsu có một nỗi đam mê, đó là nỗi đam mê con người, mê làm bạn với con người. Vì làm bạn với con người nên Đức Giêsu chia sẻ với con người trọn vẹn thân phận và mọi mối lo lắng trong cuộc sống. Có niềm vui hay nỗi khổ nào của kiếp nhân sinh này mà lại xa lạ với Đức Giêsu đâu. Người yêu thương và gần gũi với con người hơn chính con người gần gũi với nhau nữa.”[1]
Nếu phải tìm ra một khuôn mẫu cho sự đồng hành thì câu chuyện trên đường Emmau sẽ là minh họa tuyệt vời nhất. Câu chuyện này mở đầu với nỗi thất vọng của hai môn đệ trên đường về quê. Đức Giêsu Phục sinh chủ động tiến tới gần và cùng đi với họ. Ngài hỏi thăm hoàn cảnh của hai ông và dẫn các ông vào nguồn mạch thánh kinh. Ngài đã dùng thánh kinh để mở lòng họ và khi lòng họ đã bừng cháy, Ngài mới tỏ mình ra và sau đó liền rút lui để lại một khoảng không cho hai ông tự hành động. Đây là một câu chuyện thật súc tích và hàm ẩn nhiều ý nghĩa. Khởi đi từ việc chủ động làm quen với họ và kết thúc là việc khiến họ biến đổi bằng những hành động cụ thể. Đó chính là mục đích của việc đồng hành.
Chúng ta cùng bước vào hành trình về quê cùng Đức Giêsu và hai vị khách để tìm ra cách thức đồng hành với tha nhân.
1.          Nhận ra những ưu tư nơi con người
Tin mừng thánh Luca kể về hai môn đệ trên đường trở về quê nhà Emmau. Họ vừa đi vừa trò chuyện với nhau, lòng buồn bã. Đúng lúc đó Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ (x.Lc 24, 13-17).
Bước đầu tiên của việc đồng hành chính là nhìn và nhận ra những ưu tư nơi con người. Hai môn đệ trên không nằm trong số mười hai tông đồ, nghĩa là họ không được Chúa kêu gọi cách đặc biệt. Thế nhưng họ vẫn từ bỏ mọi sự để rong ruổi theo Thầy. Dù cho hy vọng của họ là khôi phục vương quốc Israel hay ước mong đạt đến sự trọn lành, thì bước chân của họ đã nói lên một tấm lòng khao khát. Họ đã thực sự khao khát và hành động để biến khao khát đó thành hiện thực. Thật vậy, sự thật là họ đã từ bỏ quê hương, gia đình và công ăn việc làm để theo đuổi một lý tưởng. Thế nhưng lý tưởng đó lại bị chận đứng trên đỉnh đồi Gôngôtha. Họ đi lên đỉnh núi với nỗi thất vọng ê chề. Giờ đây trước mắt họ là một khoảng trống âm u. Bước chân trở về Emmau nặng nề làm sao ! Họ phải từ bỏ niềm hy vọng để làm lại cuộc đời. Họ phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt với sự cười chê, khinh thường của làng xóm láng giềng. Chắc hẳn bước chân Emmau nặng trĩu mỏi mệt.
Hơn ai hết, Chúa Giêsu đọc được tâm trạng của họ. Chúa Giêsu không chỉ nhìn con người cách hời hợt theo dáng vẻ bên ngoài, Ngài có thể nhìn thấu suốt những bí ẩn bên trong. Ngài nhìn cách trọn vẹn và sâu thẳm. Thật vậy, Kinh Thánh nhiều lần thuật lại những cái nhìn đặc biệt của Chúa Giêsu. Khi thấy dân chúng theo mình nghe giảng nhiều ngày mà không được ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ, Đức Giêsu đã chạnh lòng thương vì thấy họ bơ vơ vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt. Khi đi qua bàn thu thuế, Đức Giêsu nhìn thấy Lêvi (mà người Dothái coi là tội lỗi) có tâm hồn khao khát chân lý, sẵn sàng từ bỏ tất cả để theo Người. Đức Giêsu nhìn ra niềm tin vững mạnh như đá tảng nơi những người đánh cá đơn thành mộc mạc. Ngài nhìn thấy  hai đồng tiền của bà góa là cả một gia tài. Ngài nhận ra trong hành động lau chân của cô gái tội lỗi một tấm lòng hối cải và yêu thương. Và còn nhiều nữa những tâm can Đức Giêsu nhìn xuyên thấu. Đó là cái nhìn của một người luôn quan tâm, chia sẻ và đồng hành cùng với con người. Từ cách nhìn đó, Đức Giêsu chủ động tiến đến với họ.
2.          Chủ động đến gần và lắng nghe
Nhận thấy những ưu tư lo lắng, những bất ổn nơi tâm hồn hai môn đệ, Đức Giêsu không bàng quan nhưng Ngài đã nhập cuộc. “Ngài đi bước trước, tự mình nhập cuộc và từ bỏ vị trí của mình – vị thế của Đấng Phục Sinh – để trở nên đơn sơ giản dị, giản dị đến độ họ tưởng Người cũng chỉ là một khách bộ hành như bao người khác[2]. Ngài đã chủ động trở nên ngang hàng với họ, cùng lộ trình với họ. Ngài nhập cuộc và tham gia vào chính những ưu tư lo lắng của họ : “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau chuyện gì vậy ?” (Lc 24, 17).
Ngài không chỉ chủ động “đến gần và cùng đi” với họ nhưng còn chủ động mở lòng họ. Người gợi ý cho họ thổ lộ tâm tình để rồi lắng nghe và đi vào tâm tình đó. Người không chủ động nói nhưng chủ động lắng nghe. Bởi vì nếu chủ động nói Người sẽ lôi câu chuyện về phía mình và như vậy làm mất đi ý nghĩa của sự đồng hành. Đồng hành tức là cùng đi. Do đó Chúa Giêsu chủ động lắng nghe những tâm tình của họ để “cùng đi” với họ xuất phát từ những tâm tình đó. Câu chuyện xảy ra ở Giêrusalem Đức Giêsu là người biết rõ hơn ai hết, thế nhưng Người không vội thể hiện mình. Người khiêm tốn, nhẫn nại lắng nghe. Khi lắng nghe như thế, Đức Giêsu làm cho hai môn đệ vơi đi phần nào phiền muộn. Người không chỉ lắng nghe nội dung câu chuyện nhưng còn lắng nghe những khát vọng tâm hồn. Nhờ thái độ quan tâm, Đức Giêsu  đã tạo được niềm tin nơi hai ông và hai ông đã không ngần ngại chia sẻ những tâm tư thâm sâu nhất của mình. Đó chính là nghệ thuật đồng hành của Chúa Giêsu.
Thật vậy, Lắng nghe là việc không thể thiếu trong các mối tương quan. Việc lắng nghe tích cực sẽ giúp người được lắng nghe bộc lộ tâm hồn cách cởi mở, trung thực, và tránh được thái độ sợ sệt, khép kín, phòng vệ. Lắng nghe ở đây bao hàm sự hiểu biêt, đón nhận và giúp người thụ huấn khám phá ra con người thật của họ, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong họ. Nhờ việc lắng nghe, cùng với sự chân thành bộc lộ của người thụ huấn, vị đồng hành có thể giúp cho đương sự nhận ra con người thật của họ, khát vọng thâm sâu của họ thông qua những biến cố và tình trạng thật của cuộc sống. Lắng nghe đích thực là thái độ đồng cảm không xét đoán, không phản đối và cũng không quả quyết. Chính thái độ này tạo cho người được đồng hành cảm thấy mình được đón nhận, được an toàn ; từ đó họ có thể dễ dàng bộc lộ tâm hồn mình, can đảm nhìn thẳng vào những gì sâu thẳm nhất, những khuynh hướng tốt cũng như xấu, những yếu đuối và thất bại.
3.          Chia sẻ với họ dựa trên nền tảng Thánh kinh
Sự lắng nghe trọn vẹn phải dẫn đến sự hiệp thông và chia sẻ. Đó chính là cách thức lắng nghe của Đức Giêsu. Sau khi nghe hai môn đệ bày tỏ nổi lòng, Đức Giêsu bày tỏ sự hiệp thông và trao ban niềm hy vọng bằng cách dùng Kinh Thánh giải thích sự việc. Đây là một bài học rất đáng giá cho ta học hỏi.
Trọng tâm câu chuyện của họ là một vấn đề rất thời sự có liên quan đến niềm khao khát tâm linh. Sự kiện con người Giêsu Nazarét bị treo trên cây thập giá đã gây hoang mang cho biết bao người. Sự kiện này đang gây lung lạc đức tin hai môn đệ. May thay, Đức Giêsu đã đến kịp thời. Qua Người, toàn bộ câu chuyện được đặt lại dưới ánh sáng Thánh Kinh. Thánh Sử Luca giải thích rõ : “Nào Đức Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ? rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả sách thánh” (Lc 24, 26-27). Có thể nói đây là mắt xích quan trọng nhất trong việc đồng hành, làm sao giúp họ nhìn lại những gì họ đã sống, đã cảm nghiệm, để từ đó họ khám phá ra Thiên Chúa, và kế hoạch của Người xuyên qua tất cả những thực tại đó, cho dù đó là thực tại đau thương, bi đát đến đâu chăng nữa.
Ta có thể hình dung trên đoạn đường dẫn về Giêrusalem, ba người cùng đồng hành bên nhau. Đức Giêsu vừa tiến bước vừa giải thích cho hai môn đệ về những gì đã được tiên báo và đã xảy ra. Hai môn đệ cùng sóng bước trong niềm vui, niềm hy vọng đang hé mở và lớn dần. Đức Giêsu giờ đây không còn là một người khách lạ nữa nhưng đã là một người bạn. Tình bạn giữa “người khách lạ” và hai môn đệ đã nảy sinh. Tình bạn của Đức Giêsu đã làm cho người khác được thăng tiến, biến đổi ; những ai một lần được gặp gỡ Người, sẽ thấy đời mình tràn đầy ý nghĩa. Đức Giêsu đồng hành với người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp, cuộc đời chị đã biến đổi ; Người đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau, các ông đã tìm được ý nghĩa sống giữa cơn khủng hoảng chao đảo. Đức Giêsu đến thế gian để chia sẻ với con người một tình bạn. “Đối với Đức Giêsu, khi gọi các môn đệ là bạn hữu, Người muốn chia sẻ cho các ông tất cả những gì kín ẩn, riêng tư nhất của lòng mình. Một tình bạn đích thực luôn là sự trao ban và chia sẻ. Thiết tưởng việc đồng hành cũng là thiết lập mối tương quan tình bạn như thế, tương quan giữa người đồng hành với người được đồng hành ; và đặc biệt là tương quan giữa người được đồng hành với Thiên Chúa”.[3]
Bầu trời càng lúc càng tối thêm nhưng lòng hai môn đệ lại bừng sáng. Ánh sáng của niềm tin vào Đức Giêsu Phục sinh. Dưới sự đồng hành và soi dẫn của Đức Giêsu, hai môn đệ đã được biến đổi. Một sự biến đổi âm thầm nhưng dứt khoát.
4.          Kết quả sự đồng hành : Biến đổi
Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn muốn đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng : “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn”” (Lc 24, 28-29). Ban đầu Đức Giêsu là một người xa lạ chủ động đến gần và cùng đi với họ, kết thúc là họ nài nỉ Ngài ở lại cùng họ. Trong suốt quá trình đồng hành, Đức Giêsu đã tạo được niềm tin và sự thân mật đáng kể với hai môn đệ. Khoảng cách giữa Người với họ đã được rút ngắn một cách tự do. Hành động nài nỉ Đức Giêsu ở lại là dấu hiệu khởi đầu của một sự biến đổi. Từ chỗ bị nỗi thất vọng bao phủ, hai ông chỉ nghĩ đến những ưu tư lo lắng của bản thân, giờ đây lòng hai ông đã được sưởi ấm, hai ông đã bắt đầu quan tâm đến người khác. Nhờ lời mời đó, hai ông sẽ nhận được những mạc khải quan trọng hơn.
Thật vậy, trong lúc đồng bàn với họ, Đức Giêsu đã “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ”. Những hành động trên là chìa khóa mở cửa tâm trí các ông. Những tháng ngày ở bên Đức Giêsu, họ đã quá quen với những hành động : cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho mọi người. Có lẽ hai ông chưa hiểu ý nghĩa hiến tế trong những hành động trên nhưng nó đã trở nên quá quen thuộc. Chúa Giêsu đã dùng những hành động, những cử chỉ quen thuộc để nhắc nhớ họ sự hiện diện của chính Ngài. Thật đơn giản việc đức Giêsu nói với họ : chính Thầy đây. Nhưng như vậy liệu họ có tin ? Giả như họ tin thì đức tin đó có trưởng thành với đặc tính tự do đáp trả ! Đức Giêsu đã không chọn cách đó. Ngài thể hiện mình qua những hành động nhắc nhớ để tâm hồn hai ông tự nhận ra sự hiện diện của Thầy và tự đáp trả.
Khi nhận ra người bạn đồng hành chính là thầy Giêsu, họ đã hành động một cách dứt khoát và mau mắn : ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem. Đây quả là một kết quả tuyệt vời của sự đồng hành. Với sự hiện diện của mình, Đức Giêsu đã khiến hai môn đệ biến đổi một cách hoàn toàn. Họ không chần chừ, do dự, so đo hay tính toán, ngược lại họ ngay lập tức đứng dậy, trở về Giêrusalem. Ở đây có hai hình ảnh thật là trái ngược. Đoạn đường từ Giêrusalem về Emmau diễn ra vào ban ngày nhưng hai môn đệ lại bước đi với những bước chân não nề chán nản, ngược lại, cũng đoạn đường đó nhưng theo chiều ngược lại, diễn ra vào đêm tối nhưng hai ông lại hăng say cất bước băng đêm tối. Điều gì tạo nên sự khác biệt ấy ? Đó chính là nhờ kết quả sự hiện diện và đồng hành của Đức Giêsu phục sinh. Gặp Chúa phục sinh và ra đi làm chứng cho Ngài, đó là hai hành động kế tiếp nhau và gắn liền với nhau. Hành động sau là hệ quả của hành động trước. Đó là một hành động tự nguyện, một hành động đáp trả tiếng gọi từ bên trong. Thiết nghĩ mọi sự đồng hành đều phải đưa đến những kết quả tương tự.
5.          Nhưng người lại biến mất
Sự đồng hành của Đức Giêsu đã đến đúng lúc và ra đi cũng đúng lúc. Thật vậy, trước kia Người nhận ra tâm trạng buồn sầu thất vọng của hai môn đệ nên đã đến đồng hành cùng. Giờ đây, khi sự đồng hành đã đến hồi kết thúc : hai môn đệ đã nhận ra sự hiện diện của chính Chúa, Người đã âm thầm rút lui “vô điều kiện”, tạo cơ hội cho hai ông tự do đáp trả. Người thực hiện vai trò dẫn dắt chứ không quyết định giùm. Người hướng dẫn và gợi mở để hai ông tự do quyết định hành động của mình. Đức Giêsu tôn trọng quyền tự do đáp trả của hai môn đệ.
Thực vậy, trong quá trình đồng hành, phải tránh tối đa mối tương qua kiểu quyền bính, để cho người được đồng hành thực sự tự do chọn lựa và quyết định. Người đồng hành không ra lệnh, không lấy quyết định giùm, nhưng hướng dẫn để người thụ hướng có thể bước đi trên chính đôi chân của mình mà đến với Thiên Chúa. Việc lắng nghe đích thực phải được mở rộng ra với chân trời tự do như thế.
Hơn nữa, “trong việc đồng hành thiêng liêng, cần phải đồng hành với Chúa Thánh Thần và trong Thánh Thần, nghĩa là người đồng hành phải nhận ra và giúp cho người thụ hướng nhận ra Thánh Thần đang hoạt động trong họ, để họ ngoan ngoãn bước theo đường lối Thánh Thần hướng dẫn, và can đảm thực thi thánh ý Chúa. Như vậy, Thánh Thần đồng hành bằng cách vừa làm cho người môn đệ tiến bước, vừa soi sáng và thúc đẩy người môn đệ hành động”.[4]
6.          Chúa Giêsu mời gọi ta đồng hành cùng nhân loại
Qua câu chuyện trên đường Emmau, Chúa mời gọi mỗi người Kitô hữu chúng ta dấn thân đồng hành cùng nhân loại. Thực vậy, “đồng hành thiêng liêng không chỉ là một đặc quyền của giáo sĩ hay tu sĩ. Đây đúng hơn là một đặc sủng được dành cho mọi người, một chức vụ mà bất cứ người Kitô hữu nào đều có thể thi hành. Thật vậy, nên coi xứ mạng đồng hành thiêng liêng như là một sự bổ túc tự nhiên cho phép thanh tẩy[5]. Hơn nữa, người đồng hành không phải là tác nhân chính. Họ chỉ là dụng cụ trong tay Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần mới là người hướng dẫn đích thực.
Xã hội ngày nay đang diễn ra với nhiều biến động. Toàn cầu hóa đã tạo ra một lớp người thất nghiệp. Họ đang vô vọng trong những bước đường tìm kế mưu sinh. Hiện đại hóa, thực dụng hóa đã tạo ra những con người mất niềm tin và phương hướng. Họ lạc lõng giữa cuộc đời mà không tìm được lối đi. Quanh họ chỉ toàn là những nẻo đường dẫn về emmau. Xã hội mở ra thì từng cá nhân đang khép kín dần. Cô đơn là căn bệnh trầm kha của xã hội hiện đại. Con người có thể đến với nhau qua những hào nhoáng bên ngoài nhưng bên trong họ vẫn là những khoảng trống lạnh lẽo. Hơn bao giờ hết, con người ngày nay đang rất cần người đồng hành. Nhất là trong lãnh vực thiêng liêng.
Bước theo Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi đồng hành cùng nhân loại. “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ[6]./.



[1] Phạm Quốc Văn, Trên đường Emmau_một thoáng nhìn về đồng hành thiêng liêng, tủ sách chuyên đề, trang 83.
[2] Sđd trang 92.
[3] Sđd, trang 84.
[4] Sđd, trang 89.
[5] X André Louf, Ân sủng còn kỳ diệu hơn, sách dịch trang 44.
[6] Công đồng Vaticano II, Hiến chế mục vụ, số 1.

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Chuyện đôi giày

Còn nhớ cách đây khoảng 20 năm, khi tôi được mẹ mua cho đôi giày, thằng bé khoái chí xỏ ngay vào chân, chạy ra đường đứng chóng nạnh, vểnh mặt lên trời! Ngày nay đôi giày đã trở nên quá quen thuộc, hầu như ai ai cũng sắm cho mình ít là một đôi để đi với thiên hạ. Đó là chưa kể nhiều người có cả một bộ sựu tập giày. Phần nào giày cũng đánh giá phong cách, thậm chí là đẳng cấp của con người nữa.
Điều này có thể xuất phát từ câu chuyện về nguồn gốc của đôi giày. Chuyện kể rằng có ông vua nọ, muốn thể hiện quyền uy của mình nên ông thường xuyên đi chu du khắp nơi. Tới đâu ông bắt dân ở đó phải trải thảm trên những nẻo đường ông sẽ đi qua. Vì thế không biết bao nhiêu trâu bò đã bị giết để lấy da làm thảm. Dân chúng chỉ biết thầm kêu ca oán trách. Lần nọ, vua quyết định đến một ngôi làng rất nghèo, có giết hết trâu bò trong làng cũng không đủ da làm thảm. Dân chúng đang hoang mang lo lắng thì có một người đứng ra hiến kế. Ông chỉ cần lấy hai miếng da nhỏ khâu lại thành đôi giày xinh xắn rồi đem dâng cho nhà vua. Vua mang vào cảm thấy vừa vặn, êm ái, nhẹ nhàng, dễ chịu. Trông lại đẹp mắt. Thế là vua hài lòng mang đôi giày mới này đi chu du. Cũng từ đó, đi tới đâu vua cũng có “thảm” lót chân mà dân chúng thì như thoát một món nợ!
Mới đầu chỉ có vua rồi sau đến quan lại, địa chủ, những người giàu sang và đến ngày nay, hầu hết mọi người đều sắm cho mình đôi giày. Bình thường ta có thể bầy hầy, luộm thuộm nhưng hễ xỏ đôi giày vào chân là lập tức ta trở nên tươm tất, gọn gàng. Con người cũng cảm thấy chín chắn, già dặn hơn.
Những ngày tết vừa qua, dù đã có đôi dép nhưng tôi cũng cố “tha” thêm đôi giày về để đi cho “ra dáng”. Nhưng cũng đôi giày này nhiều phen làm tôi lúng túng. Trước khi vào nhà ai tôi phải cúi xuống để cởi giày; trước khi ra đi cũng phải cúi xuống xỏ giày. Có những nhà sạch sẽ tôi phải cởi giày ra nhưng cũng có những nhà không được sạch lắm khiến tôi phân vân. Có những chủ nhà chờ tôi cởi giày nhưng cũng có những chủ nhà không cho cởi, một hai bắt tôi cứ “tự nhiên”. Như vậy vô tình đôi giày trở thành vật cản trong tương quan giữa tôi với người khác. Trong tư cách chủ nhà đôi khi tôi cũng bị lúng túng về điều này. Từ đó khiến tôi suy nghĩ thêm: để đi vào tương quan với người khác, đôi khi tôi phải cởi bỏ bớt vài thứ trong con người của mình. Lại nữa, có những thứ là rào cản khi tôi đến với người này nhưng là chuyện nhỏ khi đến với người khác.
Chuyện khác lại kể rằng một vị bề trên nọ trò chuyện với ba tu sĩ vừa đi truyền giáo ở xa về. Ngài đề nghị mỗi người hãy đặt lên bàn vật mà mình yêu quý nhất. Tu sĩ thứ nhất đặt lên cuốn Kinh Thánh vì đây là tất cả nội dung và động lực trong công việc truyền giáo. Tu sĩ thứ hai đặt lên tràng chuỗi Mân Côi vì đó là vũ khí giữ gìn anh trong suốt hành trình truyền giáo. Đến người cuối cùng, chàng chậm rãi cúi xuống, tháo đôi giày cũ kỷ rách nát ở đôi chân và đặt lên bàn trước con mắt khó chịu của mọi người. Vị bề trên hỏi lý do thì chàng giải thích: vì nó đã đồng hành với tôi bao năm qua. Nhờ nó mà tôi đến được những nơi xa xôi nhất, hẻo lánh nhất và cũng nguy hiểm nhất.

Có những lúc mệt mỏi, tôi chỉ muốn đi dép mà thôi. Cảm giác lúc ấy thật thoải mái dễ chịu làm sao! Nhưng suy đi tính lại tôi vẫn cố gắng mang giày vì qua đó thấy mình nghiêm túc hơn với chính mình. Thực ra chuyện đôi giày ở chân không quan trọng bằng đôi giày trong lòng. Nếu xỏ đôi giầy để thấy mình kiêu hãnh thì chi bằng cứ mang dép với tấm lòng vui tươi giản dị thì hơn. Mang đôi giày xinh đẹp đôi khi lại ngại xông pha vào những nơi bùn lầy nhơ nhớp, trong trường hợp lại mang dép lại linh động hơn. Thôi thì giày hay dép cũng được miễn ta luôn ý thức và sắm lấy cho mình tinh thần sẵn sàng RA ĐI và GẶP GỠ là được!

Truyền thống tôn giáo trong gia đình

Ngày 26 Tháng 7:  Lễ thánh Anna và Gioakim

Trong một buổi sinh hoạt với huynh đoàn Đaminh. Các cụ than thở: “Tụi nhỏ bây giờ chẳng để ý gì đến đạo nghĩa”. Tôi hỏi: “Thế gia đình các cụ có giờ kinh chung hay giờ đọc Lời Chúa chung với nhau không?” Các cụ đáp: “Chúng nó đi vắng suốt, về đến nhà thì lo học hành, có thời gian đâu mà kinh với kệ”. Tôi hỏi tiếp: “Thế có bao giờ các cụ kể chuyện kinh thánh hay hanh các thánh cho con cháu nghe không?” Các cụ nhăn mặt: “Chúng có chịu nghe đâu, hễ có thời gian rỗi là chúng lao vào game với chát chít chứ có chịu nghe mình ngồi kể đâu!” Đúng là khó thật! Phải chăng chúng ta đang đánh mất một điều gì đó?

Lạy Thiên Chúa, tai chúng con đã từng được nghe truyện cha ông vẫn thường kể lại về công trình Chúa đã làm nên thời các cụ thuở xa xưa ấy” (TV 44,2). Đó chính là truyền thống gia đình và tôn giáo của người Do thái. Gia đình tụ họp, kể lại cho nhau nghe những kỳ công Chúa đã làm. Một bầu khí tôn giáo ngay từ trong gia đình. Chắc hẳn Đức Maria đã đón nhận truyền thống này từ song thân của mình là bà Anna và ông Gioakim. Theo truyền thống, mà Anna son sẻ khi tuổi về già nhưng hai ông bà luôn trông cậy và nguyện cầu cùng Chúa, cuối cùng Chúa đã đoái thương và cho sinh hạ Đức Maria. Ngay từ bé, Đức Maria đã được bố mẹ dâng hiến cho Chúa. Chính trong bầu khí tôn giáo của gia đình mà sau này, Đức Maria đã rất mau mắn lắng nghe và đáp trả tiếng Chúa.

Thánh Anna và Gioakim đã nêu gương cho các bậc làm cha mẹ ngày nay, đó là tạo bầu khí tôn giáo ngay từ chính trong gia đình của mình. “Gia đình là Hội thánh tại gia”, gia đình phải là nơi đầu tiên nói về Chúa cho con trẻ, gia đình cũng là nơi Lời Chúa được cảm nghiệp, chia sẻ và sinh hoa quả. Ước gì các bậc làm cha mẹ ngày nay, ý thức trách nhiệm và ơn gọi cao quý của mình. Nếu như ngay từ bé, con trẻ không quen nghe nói về Chúa thì càng lớn lên sẽ càng khó để chúng có thể lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa.

Xin thánh Anna và thánh Gioakim bảo trợ cho các bậc làm cha mẹ biết biết tạo bầu khí tâm linh trong chính gia đình mình và quãng đại hiến dâng con cái mình cho Thiên Chúa. Amen.