Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Chuyện đôi giày

Còn nhớ cách đây khoảng 20 năm, khi tôi được mẹ mua cho đôi giày, thằng bé khoái chí xỏ ngay vào chân, chạy ra đường đứng chóng nạnh, vểnh mặt lên trời! Ngày nay đôi giày đã trở nên quá quen thuộc, hầu như ai ai cũng sắm cho mình ít là một đôi để đi với thiên hạ. Đó là chưa kể nhiều người có cả một bộ sựu tập giày. Phần nào giày cũng đánh giá phong cách, thậm chí là đẳng cấp của con người nữa.
Điều này có thể xuất phát từ câu chuyện về nguồn gốc của đôi giày. Chuyện kể rằng có ông vua nọ, muốn thể hiện quyền uy của mình nên ông thường xuyên đi chu du khắp nơi. Tới đâu ông bắt dân ở đó phải trải thảm trên những nẻo đường ông sẽ đi qua. Vì thế không biết bao nhiêu trâu bò đã bị giết để lấy da làm thảm. Dân chúng chỉ biết thầm kêu ca oán trách. Lần nọ, vua quyết định đến một ngôi làng rất nghèo, có giết hết trâu bò trong làng cũng không đủ da làm thảm. Dân chúng đang hoang mang lo lắng thì có một người đứng ra hiến kế. Ông chỉ cần lấy hai miếng da nhỏ khâu lại thành đôi giày xinh xắn rồi đem dâng cho nhà vua. Vua mang vào cảm thấy vừa vặn, êm ái, nhẹ nhàng, dễ chịu. Trông lại đẹp mắt. Thế là vua hài lòng mang đôi giày mới này đi chu du. Cũng từ đó, đi tới đâu vua cũng có “thảm” lót chân mà dân chúng thì như thoát một món nợ!
Mới đầu chỉ có vua rồi sau đến quan lại, địa chủ, những người giàu sang và đến ngày nay, hầu hết mọi người đều sắm cho mình đôi giày. Bình thường ta có thể bầy hầy, luộm thuộm nhưng hễ xỏ đôi giày vào chân là lập tức ta trở nên tươm tất, gọn gàng. Con người cũng cảm thấy chín chắn, già dặn hơn.
Những ngày tết vừa qua, dù đã có đôi dép nhưng tôi cũng cố “tha” thêm đôi giày về để đi cho “ra dáng”. Nhưng cũng đôi giày này nhiều phen làm tôi lúng túng. Trước khi vào nhà ai tôi phải cúi xuống để cởi giày; trước khi ra đi cũng phải cúi xuống xỏ giày. Có những nhà sạch sẽ tôi phải cởi giày ra nhưng cũng có những nhà không được sạch lắm khiến tôi phân vân. Có những chủ nhà chờ tôi cởi giày nhưng cũng có những chủ nhà không cho cởi, một hai bắt tôi cứ “tự nhiên”. Như vậy vô tình đôi giày trở thành vật cản trong tương quan giữa tôi với người khác. Trong tư cách chủ nhà đôi khi tôi cũng bị lúng túng về điều này. Từ đó khiến tôi suy nghĩ thêm: để đi vào tương quan với người khác, đôi khi tôi phải cởi bỏ bớt vài thứ trong con người của mình. Lại nữa, có những thứ là rào cản khi tôi đến với người này nhưng là chuyện nhỏ khi đến với người khác.
Chuyện khác lại kể rằng một vị bề trên nọ trò chuyện với ba tu sĩ vừa đi truyền giáo ở xa về. Ngài đề nghị mỗi người hãy đặt lên bàn vật mà mình yêu quý nhất. Tu sĩ thứ nhất đặt lên cuốn Kinh Thánh vì đây là tất cả nội dung và động lực trong công việc truyền giáo. Tu sĩ thứ hai đặt lên tràng chuỗi Mân Côi vì đó là vũ khí giữ gìn anh trong suốt hành trình truyền giáo. Đến người cuối cùng, chàng chậm rãi cúi xuống, tháo đôi giày cũ kỷ rách nát ở đôi chân và đặt lên bàn trước con mắt khó chịu của mọi người. Vị bề trên hỏi lý do thì chàng giải thích: vì nó đã đồng hành với tôi bao năm qua. Nhờ nó mà tôi đến được những nơi xa xôi nhất, hẻo lánh nhất và cũng nguy hiểm nhất.

Có những lúc mệt mỏi, tôi chỉ muốn đi dép mà thôi. Cảm giác lúc ấy thật thoải mái dễ chịu làm sao! Nhưng suy đi tính lại tôi vẫn cố gắng mang giày vì qua đó thấy mình nghiêm túc hơn với chính mình. Thực ra chuyện đôi giày ở chân không quan trọng bằng đôi giày trong lòng. Nếu xỏ đôi giầy để thấy mình kiêu hãnh thì chi bằng cứ mang dép với tấm lòng vui tươi giản dị thì hơn. Mang đôi giày xinh đẹp đôi khi lại ngại xông pha vào những nơi bùn lầy nhơ nhớp, trong trường hợp lại mang dép lại linh động hơn. Thôi thì giày hay dép cũng được miễn ta luôn ý thức và sắm lấy cho mình tinh thần sẵn sàng RA ĐI và GẶP GỠ là được!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét