Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Thánh Martin, chứng nhân hy vọng

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an (Mt 5,5).
Ki-tô giáo không phải là một tôn giáo “khoái khổ”, càng không phải là một tôn giáo tìm mọi cách trốn tránh “bể khổ” trần gian. Nói đúng hơn, Ki-tô giáo khuyến khích đón nhận đau khổ như thực tại gắn liền với thân phận con người để qua đó vươn tới miền hạnh phúc vô tận.
Quả thật, Đức Giê-su là Con Một Thiên Chúa, là đầu của Hội thánh, thế nhưng “Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22). Đức Giê-su đã đón nhận tất cả đau khổ kiếp người, thế nhưng cái chết của Đức Giê-su không phải là một sự tuyệt vọng cho bản thân Người cũng như cho các môn đệ. Tuy các môn đệ từng buồn rầu bỏ về quê, thế nhưng sự Phục sinh của Đức Giê-su đã mang lại một bầu khí mới, một sức sống mới. Giờ đây tuyệt vọng và bi thương được đổi thành hy vọng và hoan lạc. Giờ của thập giá đã qua và giờ của vinh quang đã đến. Sự Phục sinh của Đức Giê-su đã mang lại một niềm hy vọng mới cho cuộc sống con người. Giờ đây, đau khổ vẫn là khổ đau nhưng không phải là khổ đau trong tuyệt vọng. Phảng phất đau đó là niềm hy vọng phục sinh cho những ai biết phó thác và kết hiệp với những khổ đau của Đức Giê-su.
1.      Thánh Martin với kinh nghiệm cá nhân
Có thể nói, Martin được sinh ra trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Cha là một sĩ quan da trắng thuộc dòng dõi Tây Ban Nha, mẹ là một người da đen gốc Panama. Màu da đen giống mẹ vô tình đã trở thành một trở ngại cho tình phụ tử. Vì sợ bị kỳ thị, người cha đã buồn rầu từ bỏ ba mẹ con sau khi thuê cho họ một căn hộ lụp xụp ở thủ đô Lima. Trong gia đình thì bị cha từ bỏ, ngoài xã hội thì đối mặt với nạn kỳ thị chủng tộc, những cư xử bất công với người da đen và thổ dân.

Sinh ký tử quy

Với người Việt, chết chưa phải là hết. Chết là rời bỏ cõi tạm để trở về với cội nguồn: lá rụng về cội. Chết là từ giã cõi đời này để “ra đi”, tiến vào một cõi khác: qua đời. Sống chỉ là một cuộc “rong chơi” vắn vỏi, tạm bợ để rồi chết là trở về “nhà”: sinh ký tử quy.
Tâm thức của người Việt thật gần gũi với quan niệm về con người và sự chết của Hội thánh Công giáo. Con người là một tổng thể xác hồn. Xác từ đất mà đến và sẽ trở về với đất; hồn do Chúa mà có và sẽ trở về với Ngài. Do vậy, sống trong cõi đời này không đơn thuần là một cuộc “rong chơi” cho “thỏa chí tang bồng”, hay chỉ để cảm nghiệm và hòa mình vào vũ trụ vạn vật như một giấc mộng vô ưu. Người tín hữu “rong chơi” dưới sự dẫn dắt của ơn thánh để cùng nhau bước qua cõi tạm tiến vào cõi phúc vĩnh hằng, cội nguồn đích thực. Hơn nữa, trở về với cõi sống không những chỉ có linh hồn mà thôi nhưng là con người trọn vẹn xác hồn, với tất cả sự hoàn hảo của nó. Đó chính là ý nghĩa, là mục đích và là niềm hy vọng của chúng ta.

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Mâu thuẫn giữa ngôn sứ và nhà cầm quyền (Lc 13,31-35)

Tuần 30 - Thứ Năm

Có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa Đức Giê-su rằng : "Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông !" Người bảo họ : "Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này : 'Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được.'”

Mâu thuẫn giữa các nhà cầm quyền và các ngôn sứ của Thiên Chúa không phải là vấn đề mới mẻ. Ngay từ trong Cựu ước, khi mà “chính quyền” và “giáo quyền” đều do chính Thiên Chúa tuyển chọn và tấn phong, thì cũng đã xuất hiện những mâu thuẫn. Vấn đề cũng dễ hiểu bởi con người đã để cho tự do và tội lỗi thống trị hơn là vâng phục Thiên Chúa.

Thánh Giuđa-Tađêô Tông đồ

Ngày 28: Thánh Tađêô Tông đồ

Theo ý kiến các Thánh Giáo Phụ và Thánh Sử thì Thánh Giuđa Tađđêô Tông Đồ thuộc hoàng tộc Đavít. Thật vậy, thân phụ Thánh Tađđêô - ông Clêôpha - là bào huynh của Thánh Cả GIUSE. Thân mẫu Thánh Giuđa Tađđêô - bà Maria Clêôpha - là chị em họ với Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA.

Thánh Giuđa Tađđêô là một trong 12 Tông Đồ và theo Thánh sử Marcô, ngài chiếm hàng thứ 10, còn theo Thánh sử Luca, ngài xếp hàng thứ 11.

Lãnh vực hoạt động tông đồ của Thánh Tađđêô thật mênh mông. Trước tiên, ngài rao giảng Tin Mừng tại Giuđêa, rồi đến Mesopotamia và sau cùng tại Ba-Tư. Đi đến đâu, Thánh Tađđêô đều phổ biến chân lý Ngôi Lời nhập thể và làm nhiều phép lạ nhân danh Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Rất đông môn đệ theo ngài và con số Kitô-hữu mỗi ngày một gia tăng. Ngài chỉ định các phó tế, Linh Mục, Giám Mục và thành lập các giáo đoàn địa phương tại tất cả nơi nào ngài truyền đạo.

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Hãy chiến đấu để vào Nước Trời (Lc 13,22-30)

Tuần XXX - Thứ Tư 

Đức Giê-su nói : "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết : có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được".
Kể từ sau biến cố sa ngã, con người luôn ý thức về thân phận tội lỗi của mình, đồng thời con người cũng ý thức rằng để được hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa thì con người cần phải được cứu độ. Đó là mối bận tâm chung của người Do-thái ngày xưa. Chính vì thế, có người đã đến gặp Đức Giê-su để đặt vấn đề: Những người được cứu thì ít có phải không?
Câu hỏi trên ngầm chỉ một sự tự hào nào đó. Thực vậy, dường như anh ta đã biết phải làm thế nào để được cứu rồi nên vấn đề anh quan tâm là số lượng người được cứu. Suy nghĩ này phản ánh thái độ của người Do-thái lúc bấy giờ nói chung. Họ tự hào mình là dân được tuyển chọn, là dân mà từ đó sẽ sinh ra Đấng Cứu Thế, vậy nên, một chỗ dành cho họ trong Nước Trời là lẽ đương nhiên!

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Hỡi gia đình, hãy sống niềm vui đức tin

Bài nói chuyện của Đức Phanxicô với các gia đình về chủ đề ”Hỡi gia đình, hãy sống niềm vui đức tin”. (ngày 26.10.2013)

1. Có một câu của Chúa Giêsu trong Tin Mừng theo thánh Mathêu, Đấng đến gặp gỡ chúng ta: ”Hỡi tất cả những ai mệt mỏi và bị áp bức, hãy đến cùng Thầy, và Thầy sẽ bổ sức cho các con” (Mt 11,28). Cuộc sống thường vất vả. Làm việc cơ cực; tìm kiếm công ăn việc làm thật vất vả. Nhưng điều đè nặng nhất trong cuộc sống là sự thiếu tình thương. Thật là nặng nề khi không nhận được một nụ cười, không được đón nhận. Một số thinh lặng, nhiều khi trong gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái, giữa anh chị em với nhau, cũng thật là nặng nề. Không có tình yêu thương thì vất vả trở nên nặng nề hơn. Tôi nghĩ đến những người già cô độc, những gia đình cơ cực vì không được giúp đỡ để săn sóc những mgười trong gia đình cần được sự chú ý đặc biệt và chăm sóc. Chúa Giêsu nói:”Hãy đến cùng Thầy, hỡi tất cả những ai vất vả và bị đè nén”!

Kinh Mân Côi và gia đình: Đời sống gia đình là một lời rao giảng

Năm Sự Sáng
Thứ ba: Đức Giê-su rao giảng Tin Mừng
Chủ đề: Đời sống gia đình là một lời rao giảng

Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời. (Mt 5,14-16).

Đức Giê-su đến trần gian với sứ vụ khai mở Nước Trời, loan báo Tin Mừng cứu độ, thông truyền tình yêu của Thiên Chúa cho con người. Ngài đi khắp nẻo đường quê hương để mời gọi người ta ăn năn sám hối. Ngài chọn lấy một lối sống bình dân, giản dị như bao người khác. Ngài hòa mình vào dòng đời, mặc lấy những khổ đau của một kiếp nhân sinh. Ngài rao giảng và làm chứng cho tình yêu bằng lời nói và hành động, bằng lời giảng dạy và cả cuộc sống. Tất cả đều quy hướng về một tình yêu đặc biệt Thiên Chúa dành cho con người.
Trong diễn văn đọc trước đại biểu của các phong trào về gia đình tại Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về gia đình ngày 12.10.1980, Đức Gio-an Phao-lô II đã nhắc nhở các gia đình Kitô giáo phải sống chiều kích thiêng liêng bằng những yếu tố tạo thành thực tại của gia đình, đó là tình yêu giữa vợ chồng, tình yêu giữa cha mẹ và con cái. Sự cảm thông, lòng tha thứ, sự tương trợ giáo dục con cái cũng như công việc niềm vui nỗi khổ. Trong hôn nhân Ki-tô giáo, tất cả những yếu tố này được bao bọc, được thấm nhuần ơn thánh và hiệu năng của bí tích, do đó trở thành con đuờng sống Phúc âm, một trường dạy đức ái Ki-tô giáo. Gia đình là hình thức sống Tin Mừng một cách đặc biệt. Học hỏi Tin mừng, thực thi Tin mừng chính là sống trọn vẹn chiều kích thiêng liêng của gia đình.
Lạy Chúa, nhờ ân sủng của bí tích Hôn nhân, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Ma-ri-a, xin cho các gia đình thành tâm sống trọn chiều kích thiêng liêng của mình. Đó là một cách thức sống Tin Mừng và loan báo Tin Mừng hiệu quả trong bối cảnh của gia đình hiện nay.

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Kinh Mân Côi và Gia đình: Đời sống gia đình dưới sự hiện diện của Thiên Chúa

                    Năm sự Sáng
Thứ hai: Đức Giê-su dự tiệc cưới Ca-na
Chủ đề: Đời sống gia đình dưới sự hiện diện của Thiên Chúa

1 Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. 2 Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. 3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người : "Họ hết rượu rồi." (Ga 2,1-3).

Đức Giê-su đã làm phép lạ đầu tiên của mình tại tiệc cưới Ca-na. hôm đó, tiệc cưới đang vui say, lòng người đang náo nức, bỗng nhiên hết rượu. Sự cố bất ngờ có nguy cơ gây đỗ vỡ. Mầm móng của lo âu xuất hiện ngay trong khởi đầu của một gia đình trẻ. May thay, đã có sự hiện diện của mẹ  Ma-ri-a và Đức Giê-su. Mẹ đã kịp thời quan sát và Đức Giê-su cũng kịp thời can thiệp. Tiệc cưới tiêp tục vui say. Hạnh phúc tiếp tục triển nở, vì đã có Chúa ở cùng.

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Kinh Mân Côi và Gia đình: Gia đình sống bí tích Thanh Tẩy

MẦU NHIỆM SỰ SÁNG
Thứ nhất: Đức Chúa Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan
Chủ đề: Gia đình sống bí tích Thanh Tẩy


21 Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, 22 và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng : Con là Con của Cha ; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con. (Lc 3,21-22).

Dầu là con Thiên Chúa, Đức Giê-su cũng đã khiêm tốn bước xuống dòng sông Gio-đan để nhận phép rửa của ông Gio-an. Một phép rửa tỏ lòng sám hối ăn năn dù rằng Người chẳng phạm tội. Phép rửa Người lãnh nhận tiên báo một phép rửa khác do chính Người sẽ thực hiện, đó là phép rửa trong nước và Thánh Thần. Phép rửa này không chỉ để tỏ lòng sám hối ăn năn mà thôi nhưng được thực hiện trong niềm tin vào Thiên Chúa và mang lại ơn tái sinh cho con người (x. Ga 3,5).
Con người được sinh ra nơi gia đình nhưng được tái sinh trong Giáo hội nhờ bí tích Thanh Tẩy. Ngày lãnh phép Thanh Tẩy, con người nhận lấy tấm áo trắng cùng nến sáng, biểu trưng cho sự sống mới trong đức tin. Gia đình là nơi nuôi dưỡng và giáo dục con người phần xác thế nào thì cũng dưỡng dục và huấn luyện đời sống đức tin như vậy. Gia đình là nơi mọi người nhắc nhở và trợ giúp nhau sống trọn vẹn đức tin của mình. Gia đình cũng là môi trường để thực hành các nhân đức Ki-tô giáo như bác ái, hy sinh, dấn thân, v.v..

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

PHARISÊU HIỆN ĐẠI (Lc 11,42-46)

Tuần XXVIII - Thứ Tư

Đức Giê-su nói: “Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu ! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm, mà các điều kia cũng không được bỏ.”

Pharisêu là những người tách biệt ra để sống và tuân giữ luật một cách chi ly, cặn kẽ. Nộp thuế thập phân là một nghĩa vụ của người Do thái. Luật này chỉ áp dụng cho một số nông sản nhất định. Thế nhưng những người Pharisêu đã giữ luật chi ly đến độ nộp thuế thập phân cho cả thứ hoa mầu nhỏ bé nhất trong nhà. Một “ý thức” thật tốt nếu như họ không xao lãng những điều quan trọng hơn. Thực vậy, thực thi lẽ công bình và yêu mến Thiên Chúa là điều quan trọng hơn của luật, thậm chí là quan trọng nhất, thế nhưng họ lại xao lãng. Chú trọng những điều tiểu tiết để rồi bỏ qua những điều chính yếu, thật là không đáng chút nào. Họ đáng nhận sự khiển trách của Đức Giê-su.
Thái độ của những người Pharisêu cũng có thể là thái độ của mỗi người chúng ta, những Pharisêu hiện đại. Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta quá chú tâm vào những tiểu tiết mà bỏ qua những điều chính yếu cần thực hiện: chúng ta đánh giá con người dựa vào một vài lỗi lầm lặt vặt mà quên đi cả một phẩm giá và nhân vị; chúng ta tìm cách để kiếm thêm chút lợi nhuận nhỏ bé nhưng quên đi cả một cuộc sống cùng cực của những con người chân lấm tay bùn. Đôi khi vì danh dự chúng ta hủy đi một sự sống; vì quyền lợi, chúng ta bất cần danh dự, vì thành tích mà “bán” đi sự trung thực.
Xin Chúa cho con đủ thông mình để biết chọn lựa những gì là thiết yếu hơn trong cuộc sống.