Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

LÊNH ĐÊNH CON CHỮ

Lênh đênh tìm con chữ
Thực tình mà nói, tìm con chữ vẫn là niềm vui của đa số các em nhưng hành trình của nó sao mà lênh đênh quá. Cũng giống như bao trẻ em người Kinh khác, được mặc trên người bộ quần áo đẹp, khoác trên vai chiếc cặp xinh xinh là niềm hãnh diện của nhiều em nhỏ Barnah. Thế nhưng khi đến trường, ngoài những trở ngại như bao em khác thì các em ở đây còn chịu một thiệt thòi rất lớn, đó là vấn đề ngôn ngữ. Nếu may mắn gặp một cô giáo Barnah, các em sẽ cảm được một sự gần gũi thân một rất tự nhiên, nhưng nếu gặp một cô giáo ngươi Kinh, các em sẽ thấy một khoảng cách vô hình, dù cho các cô đã cố xóa đi khoảng cách vô hình đó.
Đã vậy, hành trình đến với môn toán và môn văn lại càng cam go hơn. Môn toán đòi hỏi một tư duy trừu tượng, một lối tư duy vốn không phổ biến nơi người Barnah, một sắc tộc thích lối tư duy cụ thể, chi tiết. Ở một thái cực khác, môn văn đòi hỏi một sự gắn bó mang tính văn hóa và truyền thống, đòi hỏi sự cảm nhận của cái đẹp về ngôn ngữ. Thế mà đối với các em, tiếng Việt khác nào là một ngoại ngữ.
Nếu nói các em Barnah lười học thì có lẽ không chính xác, bởi ngay từ bé, hầu như các em đều thích thú với con chữ, có chăng là hành trình đến với con chữ của các em qua lênh đênh. Các em phải đối diện với các trở ngại quá sớm. Nếu là người đã đầy đủ ý thức, họ sẽ cố gắng vượt qua những trở ngại để đạt đến mục đích. Đàng này các em còn trong tuổi ăn, tuổi chơi. Khi gặp trở ngại, nếu không có sự động viên, can thiệp đúng lúc, các em sẽ rất dễ bỏ cuộc để trở về với cuộc sống “an nhiên” của mình.
Hành trình đến với con chữ của các em vốn lênh đênh, nên các em cần lắm những tấm lòng quảng đại của những người đi truyền cái chữ. Tuy thế, hành trình truyền cái chữ cũng lênh đênh không kém!
Lênh đênh truyền con chữ
Có thể nói, kiếm được một “chỗ đứng” trong ngành sư phạm hiện nay là điều khó, thường tốn kém không ít. Vì thế, thầy cô nào cũng háo hức hơn nếu được tiếp nhận một lớp người kinh, may ra sau vài năm sẽ gỡ “lại vốn”. Còn nếu nhận được một lớp các em người địa phương thì… chỉ còn biết trông cậy vào cái tâm lớn của nhà giáo dục mà thôi.
Rất may, đa phần các thầy cô mà tôi có dịp tiếp xúc trong thời gian qua vẫn còn cái tâm rất lớn. Xin phép thay mặt các em, cám ơn các thầy cô! Thế nhưng, cái tâm của các thầy cô cũng phải được thanh luyện qua nhiều thử thách.
Cảm hứng sư phạm và rào cản ngôn ngữ: kiến thức chuyên môn và sư phạm cũng cần có môi trường thuận lợi để tiếp thêm động lực và cảm hứng truyền đạt. Thế nhưng khác biệt ngôn ngữ một lần nữa lại là rào cản khó khăn. Làm sao giải thích cho các em hiểu ý niệm “căn bậc hai”, “lũy thừa”, v.v.. chỉ có cách là học vẹt, ngay cả bảng cửu chương cũng thế. Mà vì học vẹt nên sau một kỳ nghĩ thì mọi sự lại phải “khởi động” từ đầu. Thử tưởng tượng ta phải học bảng cửu chương bằng tiếng Anh thì sẽ hiểu được khó khăn của các em và nỗi khổ của giáo viên.
Đó là chưa kể đến rào cản sắc tộc. Các cô người Kinh muốn gần gũi để hiểu và cảm thông với các em cũng như để được các em tín nhiệm đòi hỏi thời gian và sự kiên trì. Mà một năm học thì sẽ thoáng qua với biết bao là công việc!
Thêm nữa, trong khi phụ huynh người Kinh lo lắng việc học cho con em mình nhiều khi quá đáng thì trái lại, phụ huynh người bản địa thường bỏ ngỏ điều này. Số người biết lo cho con học trường này, lớp nọ, cô kia là rất hiếm. Nếu gặp bố mẹ mà hỏi tại sao con không đi học nữa thì câu trả lời đơn giản sẽ là “hi kuă - nó không muốn”. Nó không muốn thì bố mẹ cũng chịu, không biết làm gì hơn dù con chỉ mới học cấp 1.
Các em học tự lực là chính, anh chị nào khá hơn thì còn biết chỉ cho em học chứ bố mẹ thì chịu. Các em cũng học với tinh thần rất vô tư. Xong học ở lớp là về vất sách vở và chơi. Chẳng mấy khi xem bài vở thêm ở nhà. Có vẻ như nhà trường cũng thất bại trong việc này nên chẳng mấy trường cho các em bài tập làm ở nhà. Nói chung, sự nghiệp truyền cái chữ vẫn còn lắm lênh đênh!
Lênh đênh dùng con chữ
Biểu đồ học sinh ở các xứ người địa phương sẽ là một hình kim tự tháp nhọn hoắt, bởi số lượng các em trụ lại đến cấp 3 và sau phổ thông là rất hiếm. Các bạn này thật đáng trân trọng và khuyến khích! Thế nhưng số phận lênh đênh của con chữ vẫn chưa dừng lại. Với cái chữ mà các em và gia đình đã tốn bao nhiêu công sức và tiền của, làm sao các em có thể dùng nó để nuôi sống bản thân và gia đình?
Quả là vấn nạn nhức nhối và ray rứt cho những ai quan tâm đến giáo dục! Điều này chắc cũng không cần phải nói nhiều vì nó đã là quốc nạn! Một năm bao nhiêu sinh viên ra trường? Bao nhiêu em có được việc làm đúng ngành nghề? Làm thế nào để xin việc đúng nghành nghề mà không phải mất tiền?
Vấn nạn quá lớn, xin nhường lại cho những nhà hữu trách. Ở đây xin nêu lên một băn khoăn: Nếu không dùng được thì học cho lắm cái chữ để làm gì? Có người nói, những người có học hay học nhiều thì cách cư xử, lối sống cũng sẽ khác hơn. Thế nhưng cũng có một thực tế là những làng càng gần thành phố, càng học nhiều, lại càng nhiễu nhiều tính xấu như đua đòi, trộm cắp, gia dối, v.v.. trong khi những làng càng ở xa lại càng giữ được truyền thống văn hóa, tính chân thành, đơn sơ!

Dĩ nhiên ta không phủ nhận lợi ích của cái chữ mang lại nhưng vấn đề là làm thế nào để phát huy nó, để nó thực sự hữu ích mà không phải trả một cái giá quá đắt. Song song với việc nâng cao trình độ văn hóa, ta cần làm thêm điều gì nữa? Làm thế nào để văn minh, văn hóa và nhân văn song hành cùng nhau? Đó có lẽ là vấn nạn đang đặt ra cho anh chị em Đaminh chúng ta, những người đã chọn lựa mảnh đất Tây nguyên này làm nơi dấn thân loan báo Tin Mừng sự sống. 

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

KHÔNG CÓ CHI!

 “Bĭ ‘dei kiơ! - Không có chi!” nhưng câu nói đó cứ mãi ám ảnh tôi. Lời nói thốt ra với vẻ mặt ngại ngùng. Tôi biết, họ ngại ngùng vì thầy vào nhà mà không có chi để tiếp! Họ cũng may mắn làm được căn nhà khang trang để ở, điều vẫn còn là mong ước của nhiều người, nhưng họ vẫn ý thức rằng, ngoài căn nhà ra thì “bĭ ‘dei kiơ!”
Tôi cũng ái ngại cho họ thật, nhưng ái ngại thì ít mà xót xa thì nhiều. Xót xa bởi trước đó tôi đã kịp liếc qua mâm cơm còn dang dở. Nói mâm cơm cho sang chứ thực ra chỉ có nồi cơm, chén muối ớt và ít rau luộc.
Tôi chợt nhớ lại câu chuyện của một cha già. Trong một lần ghé thăm nhà dân, ngài vào thăm nhà bếp. Khi cúi xuống mở nắp một chiếc nồi, ngài giật mình khi vỏn vẹn trong đó là 2 con chuột. Cùng lúc cúi xuống đó, ngài kịp nhìn thấy gói thuốc lá trong túi áo. Thế là theo sự thôi thúc của con tim, ngài quyết tâm từ bỏ thuốc là kể từ lúc đó.
“Không có chi”, trong nhiều trường hợp là lời từ chối khéo một lời khen nào đó, nhưng trong trường hợp này thì nghe thật nao lòng.
“Không có chi” cũng cho thấy một sự bất công về phát triển xã hội: có những người chẳng thấy làm chi mà cái chi cũng có, ngược lại, có những người việc chi cũng không từ nhưng trong nhà thì chẳng có cái chi.
Tôi chợt nhớ đến lời của thánh Phaolô: bị coi là vô danh tiểu tốt nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến; coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả. (x. 2Cr 6,8-10). Có thể xem là tự an ủi nhưng kỳ thực, tôi thấy nơi họ có rất nhiều thứ, những thứ mà Thiên Chúa đã ban cho họ, không ai có thể lấy mất hay thay đổi được.


Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

LÀM CHỨNG

Thứ Hai, tuần VI TN (Ga 15,27 – 16,4)
Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu”.
Làm chứng cho Thầy, đó là trách nhiệm và nghĩa vụ cao quý của người môn đệ. Chỉ những ai ở với Thầy ngay từ đầu mới có thể làm chứng cho Thầy. Nếu chúng ta chưa đủ can đảm, nếu chúng ta không biết cách làm chứng cho Thầy, điều đó cũng có nghĩa là chúng ta chưa ở lại trong Thầy. Chưa ở lại trong Thầy, chưa thấy động lực, chưa đủ quyết tâm, chưa có lòng mến nên sẽ rụt rè và dễ bỏ cuộc. Bởi, làm chứng cho Thầy không bao giờ là việc dễ dàng.
Thầy đã tiên báo trước, ai làm chứng về Thầy sẽ bị  người ta loại bỏ, loại trừ. Thậm chí, loại bỏ và loại trừ người làm chứng còn là thành tích và mục tiêu hàng đầu của “họ”, là công trạng mà họ ngỡ rằng sẽ được lãnh nhận trước mặt Thiên Chúa.
Biết bao người vì mang danh kitô hữu mà mất công ăn việc làm, con cái hết đường tiến thân. Biết bao người vì giữ nếp sống đạo mà bị loại trừ khỏi những sinh hoạt của xã hội, chịu bao thiệt thòi mất mát. Thậm chí họ còn bị nhìn với cái nhìn ác cảm. Như những người theo tà giáo vậy, dù cho họ đang thờ phượng một Thiên Chúa chân thật.
Thế nhưng, điều quan trọng là sau tất cả những khó khăn thử thách đó, họ vẫn cảm nhận được một niềm vui và sự bình an. Sự bình an không phải theo kiểu thế gian, một sự bình an không ai có thể lấy mất được, bởi nó có nền tảng nơi Thiên Chúa. Chỉ những ai thường xuyên ở lại trong Thiên Chúa mới cảm nhận được sự bình an quý giá này.

Ước gì mỗi kitô hữu chúng ta đều thường xuyên ở lại trong Thiên Chúa để có đủ nghị lực và lòng mến mà làm chứng cho Thầy, dù cho có phải trải qua những khó khăn thử thách nhưng sự bình an của Đấng Phục sinh vẫn luôn ở với chúng ta. Được vậy, chắc chắn chúng ta sẽ không còn sợ hãi. 

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

LÀ ÁNH SÁNG MUÔN DÂN

Thứ 7 tuần IV PS
Người ích kỷ thường giữ lại những gì tốt lành cho riêng mình. Họ không muốn chia sẻ vì sợ người khác cũng được như mình, vì sợ điều tốt lành của mình sẽ bị lấy mất. Tóm lại, họ chỉ nghĩ cho bản thân mà thôi.
Trái lại, người rộng lượng thường nghĩ đến người khác, mong người khác cũng nhận được những điều tốt lành như mình, lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của mình. Do vậy, họ sẵn sàng chia sẻ để được cảm nhận niềm vui của người khác.
Ơn cứu độ được Thiên Chúa thương ban cho toàn thể nhân loại qua dân Do thái. Thế nhưng, đa số người Do thái hiểu rằng đó là đặc quyền, là ơn riêng của họ. Do vậy, họ ganh tỵ và cảm thấy khó chịu khi dân ngoại nhận biết Thiên Chúa.
Thực vậy, từ lâu, Thiên Chúa đã dần hé mở chương trình cứu độ của Người, chẳng hạn như lời tiên báo của tiên tri Isaia vào năm 750 TCN: Ta sẽ đặt Ngươi làm ánh sáng muôn dân để Ngươi mang ơn cứu độ của ta đến tận cùng cõi đất (Is 49,6). Thế nhưng khi Phaolô và Banaba loan báo Tin Mừng cho dân ngoại thì gặp phải sự chống đối từ người Do Thái. Thậm chí họ còn trục xuất hai ông ra khỏi thành. (Cv 13,44-52)
Đôi khi, chính sự ích kỷ đã ngăn cản sức lan tỏa của Tin Mừng theo mong muốn của Chúa Giêsu. Đôi khi chính sự ích kỷ của bản thân người Ki-Tô hữu đã ngăn cản người khác đến với Chúa.

Đúng ra, mỗi người chúng ta đều được mời gọi trở thành ánh sáng cho người khác để dẫn đưa họ về với Đức Ki-Tô. Đó chính là trách nhiệm, là bổn phận, là ơn gọi cao quý của người Ki-Tô hữu.

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

HỒNG ÂN ĐỨC TIN

Thứ Năm tuần III PS (Ga 6,44-51)

"Không ai đến được với Tôi nếu Cha Tôi không lôi kéo người đó"
Chúa Giêsu đã nói: Người không tự mình đến thế gian nhưng là theo ý của Chúa Cha. Mà ý của Chúa Cha là tất cả những ai tin vào Đức Giêsu không phải chết nhưng sẽ sống lại vào ngày sau hết.
Nhưng, như thế nào là tin vào Đức Giêsu? Tự mình, chúng ta có thể tin vào Đức Giêsu được không? Đức tin trước hết là ơn ban của Chúa. Chính Thiên Chúa mời gọi và ban cho ta ơn đức tin. Phần ta, chúng ta chỉ có thể cộng tác với Thiên Chúa để đức tin càng ngày càng bền vững.
Trong bài đọc 1, trích từ sách Công vụ Tông đồ, có một vị quan đọc sách ngôn sứ Isaia nhưng không hiểu. Với sự trợ giúp của Thần Khí Thiên Chúa, Philiphê đã giảng giải lời Chúa cho ông, nhờ đó, ông đã hiểu và đã tin. Như thế, để tin vào Đức Giêsu cần có người giảng dạy, đặc biệt, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Còn trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói: không ai đến được với Tôi, nếu Cha Tôi, không lôi kéo người đó. Như thế, chúng ta biết và tin vào Đức Giêsu là nhờ Chúa Cha lôi kéo. Chúa Cha lôi kéo chúng ta theo nhiều cách thức khác nhau: Người sai Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta, hay Người cũng có thể dùng một người nào đó, thậm chí có khi là người mà ta chưa hề biết.
Tóm lại, đức tin của chúng ta trước hết là ơn ban của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta phải biết cảm ơn Ngài. Chúng ta hãy cầu nguyện và học hỏi để đức tin của ta ngày càng vững mạnh hơn. Amen.

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

CHƯƠNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA: AI TIN CHÚA CON SẼ ĐƯỢC CỨU ĐỘ

Thứ Tư, tuần III PS (Ga 6,35-40)
Kính thưa cộng đoàn, các bài đọc hôm nay đề cập đến chương trình, kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người. Chương trình đó, đôi khi khó hiểu, nếu ta nhìn vào từng sự kiện cụ thể, nhưng, dưới sự hướng dẫn của Chúa, tất cả đều sẽ trở nên tốt đẹp.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói cho ta biết Người không tự mình đến thế gian nhưng là theo ý muốn của Chúa Cha. Và ý muốn của Chúa Cha là tất cả những ai tin vào Chúa Con sẽ không phải chết đời đời nhưng sẽ sống lại vào ngày sau hết.
Thế nhưng, tin vào Chúa Con cũng không phải là điều đơn giản, bởi không phải chỉ nói “lạy Chúa, lạy Chúa” là tin vào Chúa. Không phải cứ rửa tội, là được ơn cứu độ. Tin vào Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta nhiều hơn thế.
Chẳng hạn trong bài đọc 1 trích từ sách Công vụ Tông đồ, sau khi phó tế Têphanô bị ném đá chết, Giáo Hội tại Giêrusalem tiếp tục bị bách hại khiến cho các tín hữu phải từ bỏ Giêrusalem mà phân tán khắp nơi. Vì tin vào Đức Giêsu Kitô, các tín hữu đầu tiên phải đối diện với sự truy bắt và bách hại của quan quân.

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

CÚI XUỐNG BÊN NGƯỜI ANH CHỊ EM

THỨ 5 TUẦN THÁNH

Anh em cũng hãy rửa chân cho nhau. Mẫu gương và giáo huấn của Đức Giêsu thật rõ ràng. Niềm tin vào Đức Giêsu xóa bỏ mọi khoảng cách, mọi ràng buộc và chỉ dành chỗ cho tình yêu mà thôi. Thiên Chúa đã yêu con người đến cùng và Ngài mời gọi chúng ta cũng hãy yêu thương nhau đến cùng. Tình yêu không chỉ diễn tả bằng lời nói nhưng là cúi xuống để gần hơn với nỗi đau của anh em mình, để nâng đỡ những bước chân rã rời kiệt sức, để làm tươi mát những tâm hồn héo úa, để lau sạch những bụi bặm trần ai, để mang lại sức sống mới cho những cuộc đời thất thểu. Những ai đã một lần cúi xuống bên cạnh người anh em mình thì cũng sẽ dễ cảm nhận được những lần Chúa cúi xuống bên cuộc đời của chính chúng ta.  

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

ĐÂU RỒI LÒNG NHÂN TỪ?

Thứ 2 tuần IIMC (Lc 6,36-38)
Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em trên trời là Đấng nhân từ” (Lc 6,36)
Dư luận mấy hôm nay đang tranh luận sôi nổi xem người việt hiền lành hay hung hãn. Câu trả lời có lẽ sẽ dễ dàng hơn nếu như không có thống kê mới đây về số người nhập viện trong mấy ngày đầu xuân do đánh nhau.
Trong khi chờ những phân tích và kết luận, cư xử nhân từ chính là đóng góp của người môn đệ cho xã hội Việt Nam thân yêu của chúng ta. Lòng nhân từ một khi được thực thi chắc chắn sẽ nhanh chóng lan truyền như chất men Tin Mừng len lỏi trong từng ngõ ngách cuộc sống.

Đó cũng là cách sống mùa Chay thực tế mà Mẹ Giáo hội luôn mời gọi mỗi người.

Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

ANH EM HÃY NÊN HOÀN THIỆN

Thứ 7 tuần IMC (Mt 5, 43-48)

Xã hội đang nhuốm màu bạo lực. Người ta sẵn sàng đâm chém nhau vì những lý do nực cười. Thiếu nền tảng tôn giáo, con người sống hời hợt và gạt qua một bên những giá trị nhân văn.

Trong khi đó, lời mời gọi dành cho người môn đệ vẫn là “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng Hoàn Thiện”. Người môn đệ không được bằng lòng với tiêu chuẩn đạo đức thông thường nhưng cần biết vươn lên không ngừng.

Trong ánh mắt người môn đệ, không còn ai là kẻ thù nữa nhưng tất cả là anh em cùng một Cha trên trời. Nếu chỉ chào hỏi anh em mình thôi thì có gì lạ thường đâu? Người môn đệ cần tiến thêm một bước nữa để chủ động trở nên anh em tất cả mọi người. 

Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

SỰ KHÁC BIỆT CỦA NIỀM TIN

Thứ Ba tuần IV TN (Mc 5,21-43)
Giữa hàng ngàn ngươi hành hương, chỉ có vài người cảm nhận được “ơn chữa lành”. Trong hàng triệu người đi theo Chúa, chỉ có vài người cảm nghiệm được tình Chúa xót thương. Điều gì làm nên sự khác biệt đó. Thưa, chính niềm tin.
Giữa đám đông chen lấn và đụng chạm đến Đức Giêsu, có một người tự nhủ: “tôi sẽ được sạch” và điều đó tạo nên sự khác biệt. Trong đám đông đi theo Người, có một người sấp mình bái lạy và cầu xin, Chúa nhận lời ông với điều kiện: hãy tin.
Nhiều người ngoại giáo sẽ hỏi nhau: tại sao người Công giáo lại làm\suy nghĩ như thế? Thưa, chính niềm tin. Chúng ta hãy tạo nên sự khác biệt không phải bởi lối sống “kỳ dị, xa lạ” nhưng bằng niềm tin vào Đấng yêu thương ta.