Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Lên trời – hành trình về quê hương đích thực

Chúa nhật Chúa lên trời (Mt 28, 16-20)


Chúa lên trời, hoàn tất hành trình dương thế 33 năm. Chúa từ giã trần gian để về với Cha dấu yêu. Chúa từ biệt cõi tạm để về quê hương đích thực. Tuy thế, Chúa lên trời đâu phải để kết thúc mọi sự, Ngài đang mở ra một chân trời mới. Chúa từ giã trần gian đâu phải để rời bỏ các môn đệ nhưng là để mở đường cho Đấng Bảo Trợ đến. Ngài từ biệt cõi tạm để hẹn gặp ta nơi cõi đời đời.
Quả thật, Ngài từng nói: nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, Thầy đi là để dọn chỗ cho anh em. Thầy sẽ trở lại dẫn anh em đi, để Thầy ở đâu thì anh em cũng ở đó. Đó là lời hứa tuyệt vời cho các môn đệ và cũng là lời đầy hy vọng cho mỗi người chúng ta.
Chúa lên trời nhắc nhớ ta hướng lòng về quê hương đích thực: đó là nhà Cha ta. Nơi đó có Anh Cả là Đức Giêsu đang đợi ta. Nơi mà chúng ta có một chỗ đã được dọn sẵn.
Trong kinh Mân Côi, khi suy niệm mầu nhiệm năm sự Mừng, ta đọc: thứ hai Đức Chúa Giêsu lên trời, ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời. Những sự trên trời là những sự gì? Đang ở dưới đất mà cứ hướng lòng lên trời, đó có phải là mộng mơ ảo tưởng?
Động từ “lên” khiến cho ta hiểu lầm rằng “trời” ở đâu đó trên cao, phía trên “chín tầng trời”. Thực ra, “lên” chỉ là cách diễn tả Đức Giêsu “về” với Cha. “Trời” không nhất thiết là ở trên cao nhưng đúng hơn là nơi Cha - Con hợp nhất với nhau. “Trời” là nơi tình yêu Cha Con hiện diện cách trọn vẹn. Hay nói tóm lại “trời” là nơi có tình yêu Thiên Chúa cách tràn đầy: Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời.
Như thế, yêu mến những sự trên trời là ao ước được kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa. Sống những sự trên trời là sống tình yêu thương cách trọn vẹn. Trời là nhà Cha ta. Nơi đó có Anh cả Giêsu đang đón đợi ta; có ông bà tổ tiên, bạn hữu đang sum họp.
Hiểu như thế thì nghĩ về trời đâu phải là mộng mơ ảo tưởng. Nước trời đâu phải là chuyện của tương lai. Bởi ngay ở trần gian này ta đã bắt đầu tham dự vào sự kết hợp với Thiên Chúa rồi. Ngay lúc này ta đã có thể sống những giá trị của tình yêu rồi.
Thực vậy, mỗi khi ta cầu nguyện, mỗi khi ta tham dự thánh lễ và nhất là mỗi khi rước Mình Máu Thánh Chúa, là ta đang kết hiệp với Chúa. Đó chính là sự khởi đầu của nước Trời ở trần gian này. Khi ta sống tình yêu thương là ta đang sống các giá trị Nước Trời ngay tại trần gian này. Như thế, yêu mến những sự trên trời là khao khát kết hợp với Thiên Chúa và sống tình yêu thương trong cuộc sống hằng ngày.
Yêu mến những sự trên trời còn được thể hiện bằng cách rao giảng và làm chứng về Đức Giêsu Phục Sinh. Điều gì ta yêu mến, ta sẽ tìm cách giới thiệu cho người khác. Rao giảng và làm chứng về Chúa cũng chính là mệnh lệnh của Đức Giêsu trước khi Ngài về trời: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Đó đồng thời cũng là lời mời gọi dành cho mỗi người chúng ta. Hằng ngày, chúng ta cầu nguyện, xin cho nước Cha trị đến, dưới đất cũng như trên trời. Đó chính là lời nguyện cho nước trời ngày càng rộng mở và hiện diện cách tràn đầy. Nhưng thiết nghĩ, mọi chuyện không chỉ dừng lại ở lời nguyện mà thôi nhưng phải được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực.
Rao giảng và làm chứng về Chúa, đó chính là nhiệm vụ của mỗi kitô hữu khi còn sống ở trần gian này. Đây là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi nhiều hy sinh, thậm chí có những nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng, Chúa mời gọi ta đừng sợ, vì có Chúa luôn ở cùng ta.
Xin cho mỗi người trong giáo xứ chúng ta ý thức những giá trị của nước trời ngay ở trần gian này; khao khát sống những giá trị đó cách trọn vẹn và nhất là rao giảng, làm chứng cho những giá trị đó qua chính cuộc sống hằng ngày của mỗi người chúng ta.

Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

TÌNH YÊU VÀ PHẦN THƯỞNG

Chúa nhật VI mùa Phục sinh (Ga 14,15-21)


Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga14,15). Lòng yêu thương phải đi đôi với hành động. Ai nói mình yêu thương mà chẳng có hành động nào để thể hiện thì đó là kẻ nói dối.
Con cái nói yêu thương ông bà cha mẹ mà lại bỏ ngoài tai những lời dạy bảo của các ngài thì chúng chỉ nói dối mà thôi. Đó chỉ là tình yêu nơi đầu môi chót lưỡi. Tình yêu vị lợi mà thôi. Cũng thế, nếu ta nói yêu mến Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Ngài thì ta cũng chỉ là kẻ nói dối không hơn không kém. Không phải ai nói “Lạy Chúa, Lạy Chúa” là được vào Nước Trời.
Thước đo cho tình yêu mến
Vậy, thước đo cho việc yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Ngài. Khi nói các điều răn, ta nghĩ ngay đến mười điều răn mà Chúa đã ban cho dân trên núi Sinai. Mười điều răn đó dạy ta tôn kính Thiên Chúa là Đấng duy nhất và yêu người thân cận như chính mình.
Dựa vào đó chúng ta thử xét xem mình đã yêu mến Chúa chưa? Tôi đã tôn kính Thiên Chúa hết lòng chưa? Tôi có thực sự cảm thấy niềm vui, sự hãnh diện và hạnh phúc khi tôn kính Chúa. Mỗi ngày Chúa nhật, tôi đến nhà thờ tham dự thánh lễ với tâm trạng như thế nào? Mỗi người hãy chân thật với lương tâm của mình để trả lời trước mặt Chúa xem đã yêu mến Chúa đến mức độ nào.
Hơn nữa, yêu mến Chúa còn thể hiện qua tương quan với anh chị em. Chúng ta đã sống công bằng, ngay thẳng với anh chị em chưa? Có khi nào trong cuộc sống, vì lợi nhuận trước mặt mà tôi lừa gạt, gian dối hay thậm chí ức hiếp anh chị em chưa?
Đó là chưa kể, tình yêu trong tân ước được diễn tả qua gương mẫu của chính Đức Giêsu. “Anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Điều răn duy nhất mà Đức Giêsu để lại cho chúng ta là điều răn yêu thương. “Thầy để lại cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34). Yêu thương không theo kiểu thế gian nhưng theo kiểu của Thầy Giêsu: hy chính chính mạng sống mình. Một tình yêu được mời gọi dám hy sinh, dám cho đi, dám đón nhận những thiệt thòi để anh chị em ta được sống và sống dồi dào. Xét theo tiêu chuẩn này thì mấy ai trong chúng ta dám tự hào mình đã yêu mến Chúa thật lòng!
Phần thưởng cho tình yêu mến
Đòi hỏi càng cao thì phần thưởng càng giá trị, đó là quy luật thường tình. Vậy phần thương cho tình yêu mến đó là gì?
Thưa, họ sẽ được Chúa Cha yêu mến, được Chúa Giêsu ở cùng và được Chúa Thánh Thần đến trợ giúp.
Ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến”, “Thầy sẽ không để anh em mồ côi”, “một Đấng Bảo Trợ khác sẽ đến ở với anh em luôn mãi”. Đó là những lời hứa mà Thầy Giêsu hứa ban cho các môn đệ, những người yêu mến Thầy. Đó cũng là những lời Thầy hứa cho mỗi người chúng ta.
Còn gì hạnh phúc hơn khi có Ba Ngôi Thiên Chúa ở cùng. Được Thiên Chúa lấy tình Cha con mà chăm sóc, được Chúa Giêsu ở bên mãi mãi và nhất là được Chúa Thánh Thần hiện diện bên cạnh như một Đấng Bảo Trợ.
Theo tiếng Hy lạp, Đấng Bảo Trợ là Paracletos có nghĩa đen là người được gọi đến để trợ giúp khi cần. Người đó có thể là một luật sư bênh vực ta trước tòa án, cũng có thể là người an ủi khi ta sầu khổ, người cố vấn khi ta gặp khó khăn, và là người động viên tinh thần khi ta chán nản.
Chúng ta đang sống trong thời của Đấng Bảo Trợ. Xin Ngôi Ba Thiên Chúa luôn bảo trợ ta trong mọi khó khăn của cuộc sống. Về phần ta, hãy chu toàn tốt các điều răn của Chúa để chứng tỏ lòng yêu mến của Mình, để nhờ đó, chúng ta nhận được phần thưởng là sự hiện diện và yêu mến của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Giàu – nghèo


-          Cha ơi, cha có nhiều bạn không?
-          Ờ, cũng tương đối nhiều
-          Thế bạn của cha có giàu không?
-          Cái này thì… hình như đa số là nghèo
Sau câu trả lời của tôi là một khoảng trống thinh lặng. Em thinh lặng có lẽ thất vọng về điều gì đó! Còn tôi thinh lặng vì nhờ câu hỏi của em mà tôi cũng chợt giật mình tự hỏi: ừ, sao bạn của mình toàn là nghèo và bình thường không vậy?
Để đánh tan cái thinh lặng không mấy dễ chịu đó, tôi hỏi Em:
-          Mà con hỏi để làm gì?
Với chút ngập ngừng, Em rụt rè:
-          Con tưởng nếu có ai giàu, thì con nhờ cha xin họ tài trợ cho các em một bộ váy đồng phục để múa. Giáo xứ mình hay múa mà các em không có bộ đồ nào cả.
Có chút thất vọng trong câu nói của em. Mình cũng hơi buồn vì có phần là “nguyên nhân” gây nên cái thất vọng đó. Thế nhưng ngay lập tức, mình nghĩ đến những chuyện khác xa xôi hơn muốn chia sẻ với Em.
1. Quả thật ông bà ta có nói “chọn bạn mà chơi”. Nhưng chọn ở đây là chọn tâm tính chứ không phải chọn giàu nghèo. Bạn bè cốt ở chỗ hiểu nhau, ở bên nhau khi khó khăn và cảm thấy vui khi có nhau. Vây nên, thà bạn nghèo mà có được cái “cốt lõi” của tình bạn còn hơn giàu mà chỉ hời hợt bên ngoài.
2. Em cần bộ đồng phục để múa. Ước mơ chính đáng. Em biết nghĩ đến cái chung, nghĩ đến các em. Nhưng đừng biến ước mơ đó thành cái mình phải “lo lắng”. Hãy giữ ước mơ đó trong lòng. Một lúc nào đó thuận tiện, ước mơ sẽ biến thành hiện thực theo nhiều cách thức riêng của nó. Còn nếu suốt ngày Em nghĩ về ước mơ đó, coi chừng, nó không còn là ước mơ, nhưng là cái để em lệ thuộc và trở thành nô lệ. Nhất là khi Em không làm chủ được ước mơ của mình mà tìm sự trợ giúp nơi người khác.
3. Trước hết hãy tự giúp mình và đừng lệ thuộc vào người khác. Hãy cố gắng giải quyết vấn đề trong khả năng của mình. Đừng trả giá cho ước mơ bằng cách lệ thuộc vào người khác. Cũng đừng nghĩ nhiều đến chuyện giàu nghèo nhưng hãy tận hưởng những niềm vui trong cuộc sống. Có những niềm vui mà tiền bạc không thể mua được. Đừng mặc cảm vì mình nghèo nhưng hãy mặc cảm vì chưa rộng lượng với anh chị em. Đừng mơ ước trở nên giàu có nhưng hãy mơ ước nhiều người tìm đến với mình để có niềm vui và sự bình an.
4. Đừng chủ động làm quen, kết bạn với những người giàu có vì nghĩ rằng họ sẽ giúp mình nhiều. Hãy để mọi sự đến cách tự nhiên. Cuộc đời đủ rộng lượng để gửi đến cho ta những người thật sự muốn cho đi mà không cần đáp trả. Chính Chúa sẽ gửi họ đến và cũng chính Ngài sẽ đáp trả thay cho ta.

Hãy sống với tất cả nhiệt tâm và lòng tín thác vào lòng nhân từ của Thiên Chúa! Người sẽ không để ta mồ côi đâu (x. Ga 14,18).

Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Đừng xao xuyến!

Chúa nhật 5 Phục Sinh (Ga 14,1-12)

“Chia tay” là cụm từ mà có lẽ chẳng ai muốn dùng đến. Chỉ cần nghĩ đến thôi cũng đủ tạo cho ta những cảm xúc xao xuyến bồi hồi. Nhất là khi chia tay với một ai đã từng gắn bó lâu dài, thân mật với ta. Cảm giác xao xuyến khó chịu biết bao!
Các môn đệ cũng đã trải qua kinh nghiệm như thế trong buổi tiệc ly. Không bồi hồi xao xuyến sao được khi mà Đức Giêsu tiên báo trước sẽ có cuộc chia ly. Các ông đã gắn bó với Thầy suốt ba năm qua. Bao nhiêu bình an, vinh dự đều nhờ sự hiện diện của Thầy mà có. Các ông biết rõ “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Các ông cũng đã vài lần kinh nghiệm cảm giác vắng Thầy (Mt 14,22-33). Ôi! Đáng sợ biết bao! Bởi vậy, thật dễ hiểu khi các ông xao xuyến. Không gian như chùng xuống hẳn.
Đức Giêsu biết vậy nên trấn an các ông: Anh em đừng xao xuyến! Tại sao đừng xao xuyến? Đức Giêsu đưa ra ít là ba lý do:
Sự vắng mặt tạm thời: “Tạm thời” ở đây được hiểu theo hai nghĩa: thời gian và không gian. Xét về thời gian, Đức Giêsu chỉ vắng mặt một “ít lâu” mà thôi (Ga 16,16). Sau đó, Người sẽ trở lại để đem các ông đi. Xét về không gian, Đức Giêsu chỉ vắng mặt (vắng sự hiện diện thể lý) chứ không bỏ rơi hoàn toàn. Bằng chứng là sau khi sống lại và lên trời, Chúa vẫn tiếp tục hoạt động với các Tông đồ.
Thầy đi dọn chỗ cho anh em: Lời động viên thật ngọt ngào biết bao! Nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, Thầy đi trước để dọn chỗ cho Anh em. Ngọt ngào ở chỗ Đức Giêsu cho ta biết “nhà Cha” có nhiều chỗ ở. Do vậy, chúng ta không sợ mất phần, bởi đơn giản, đó là nhà của Cha chúng ta. Chúng ta là con, chúng ta có phần dành sẵn cho mình rồi, không sợ thiếu, không sợ mất. Có điều là phải chuẩn bị chút thôi! Nhưng ai sẽ chuẩn bị chỗ ở cho ta. Là Đức Giêsu, Anh Cả của ta. Không ngọt ngào sao được, không xúc động sao được khi chính Đức Giêsu lại tự nguyện chuẩn bị chỗ ở cho ta. Thông thường, người bé phải phục vụ người lớn, người dưới phải phục vụ người trên. Nhưng ở đây, chính Đức Giêsu lại nêu gương phục vụ cho ta: Con Người đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Mc 10,45). Còn lời an ủi nào ngọt ngào hơn nữa? Còn lý do gì nữa để mà xao xuyến?
Lời hứa ở bên nhau: Để trấn an thêm các môn đệ, Đức Giêsu hứa sẽ trở lại và đem anh em đi, để Thầy ở đâu thì anh em cũng sẽ ở đó. Còn gì sung sướng bằng! Còn gì hạnh phúc hơn! Thầy đã hứa không bỏ rơi, sẽ ở bên nhau mãi mãi. Đó là bảo đảm để anh em đừng xao xuyến.
Với những lý do đó, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ hãy tin.
Anh chị em thân mến, lời hứa và lời mời gọi đó, ngày nay, Đức Giêsu vẫn tiếp tục đặt ra cho mỗi người chúng ta.
Ngày nay, có quá nhiều lý do khiến cho anh chị em xao xuyến. Đó không chỉ là cảm giác vắng bóng Thiên Chúa trong cuộc đời mình, nhưng còn bao nhiêu thử thách khác đang vây bủa xung quanh. Làm sao để gìn giữ hạnh phúc gia đình tránh khỏi những đổ vỡ? Làm sao để đảm bảo kinh tế cho gia đình? Làm thế nào để bảo vệ con cái trước những lôi kéo của xã hội?
Như xưa, Chúa đã trấn an các môn đệ như thế nào, ngày nay, Chúa vẫn tiếp tục ngỏ lời với mỗi người chúng ta như thế.
Anh chị em đừng xao xuyến, vì có Chúa luôn ở bên chúng ta. Sự vắng mặt thể lý của Ngài chỉ là tạm thời. Ngài vẫn luôn đồng hành cách thiêng liêng bên cạnh chúng ta như xưa kia đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau. Ngài sẵn sàng đưa tay nâng đỡ khi ta ngã ngục. Nhất là Ngài đã dọn sẵn cho ta một chỗ trong nhà Cha. Còn chần chờ gì nữa, hãy để lại những xao xuyến sau lưng và mặc lấy Thần khí Chúa để can đảm tiến bước về nhà Cha.