“Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: “này bà,
bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền” (Lc 13,12) Lòng thương xót
của Thiên Chúa không chờ đợi con người phải kêu xin, Ngài cũng không
cần hỏi han thăm dò. Đúng hơn, Ngài thấy và chạnh lòng thương. Ngài tự
động bày tỏ lòng thương xót. Xin lòng thương xót Chúa chạm đến tâm
hồn chúng con.
Giảng giải đạo lý thánh bằng lời nói và chữ viết cũng như những phương thế khác giúp phổ biến và am hiểu đức tin là điều cốt yếu của ơn gọi Đa Minh (x. HP, số 102)
- Trang chủ
- Nói với Chúa
- Thường Niên ▼
- Tuần I
- Tuần II
- Tuần III
- Tuần IV
- Tuần V
- Tuần VI
- Tuần VII
- Tuần VIII
- Tuần IX
- Tuần X
- Tuần XI
- Tuần XII
- Tuần XIII
- Tuần XIV
- Tuần XV
- Tuần XVI
- Tuần XVII
- Tuần XVIII
- Tuần XIX
- Tuần XX
- Tuần XXI
- Tuần XXII
- Tuần XXIII
- Tuần XXIV
- Tuần XXV
- Tuần XXVI
- Tuần XXVII
- Tuần XXVIII
- Tuần XXIX
- Tuần XXX
- Tuần XXXI
- Tuần XXXII
- Tuần XXXIII
- Tuần XXXIV
- Vọng và Giáng Sinh ▼
- Chay và Phục Sinh ▼
- Lễ Riêng ▼
- Đức Mẹ ▼
- Gia đình
- Tài liệu ▼
Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015
LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA KHÔNG GIỚI HẠN
Đến với lòng thương xót Chúa
Lòng thương xót của
con người
Một anh mù, hằng ngày ngồi
bên vệ đường để xin lòng thương xót của người khác. Có lẽ lòng thương
xót của mọi người cũng đủ nuôi sống anh qua ngày. Thế nhưng từ trong
sâu thẳm tâm hồn, anh vẫn khao khát. Một khao khát mà chỉ có lòng
thương xót của Thiên Chúa mới có thể khỏa lấp.
Do vậy, khi vừa nghe nói Đức
Giêsu đang đi ngang qua, anh liền kêu lớn tiếng. Bị đám đông ngăn cản,
anh không nhụt chí nhưng càng kêu lớn tiếng: Lạy ông Giêsu, con vua
Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!
Nếu bằng lòng với lòng
thương xót của mọi người, có lẽ suốt đời anh cũng chỉ là “ngồi bên
vệ đường”. Thế nhưng anh mù Ba-ti-mê đã dám đứng lên, vứt bỏ áo
choàng (là gia tài và là “đồ nghề” của anh) để đến với lòng thương
xót của Đức Giêsu. Chính những hành động dứt khoát này đã thể hiện
niềm tin của anh vào lòng thương xót của Đức Giêsu.
Kính thưa ông bà anh chị em,
chúng ta có cần đến lòng thương xót của Chúa và của người khác
giống như anh mù Ba-ti-mê? Chúng ta đang sống trong xã hội mà nhiều
người có của cải dư dật, họ suốt ngày sống trong bốn bức tường mà
chẳng cần đến người khác. Họ không cần đến lòng thương xót của
người khác và do đó cũng chẳng quan tâm đến người khác. Nếu chúng ta
không cần đến lòng thương xót của người khác thì khó mà hiểu và trao
ban lòng thương xót cho người khác.
Thực ra, không ai giàu đến độ
không cần đến người khác và cũng không ai nghèo đến mức không có gì
để trao ban cho người khác. Cộng đồng nhân loại là cộng đồng của liên
đới và hiệp thông. Do đó, chỉ những ai sống khép kín, kiêu ngạo mới
không cần đến lòng thương xót của người khác. Ai khiêm tốn nại đến
lòng thương xót của anh chị em mình thì mới có khả năng hiểu được
anh chị em mình cũng cần lòng thương xót nơi chúng ta. Thực thi lòng
thương xót cũng là cách thức thể hiện hình ảnh cao quý của Thiên
Chúa nơi con người.
Lòng thương xót của Thiên Chúa
“Thiên Chúa là Đấng Từ Bi và Nhân Hậu, Người chậm giận và giàu
tình thương” (Tv 103,9). Anh Ba-ti-mê đã nhận ra tình trạng mù lòa
của mình để “đứng đậy”, “chạy đến” với lòng thương xót của Chúa. Thế
còn chúng ta, chúng ta có nhận ra tình trạng mù lòa của mình? Đôi mắt
thể xác chúng ta tuy sáng nhưng đôi lúc chúng ta mù lòa trước tình yêu
của Thiên Chúa, mù lòa không nhận ra tội lỗi của mình, mù lòa trước
nhu cầu của người khác. Vậy, mỗi người chúng ta cũng phải can đảm
“đứng lên”, dứt khoát rời bỏ tình trạng cũ kỹ của mình để chạy
đến với lòng thương xót Chúa. Thậm chí, dù cho “đám đông” có ngăn
cản chúng ta thì cũng đừng tuyệt vọng, đừng nhụt chí, đừng bỏ cuộc
nhưng hãy giữ vững niềm tin, vững lập trường và vững quyết tam đến
với lòng thương xót Chúa. Chắc chắn với những hành động thể hiện
niềm tin như thế, Chúa sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ!
Chúng ta có thể đến với lòng
thương xót Chúa bằng nhiều cách thức khác nhau. Đó có thể là sám
hối và thay đổi nếp sống, có thể là tham gia các giờ kinh nguyện
kính lòng thương xót Chúa, là đến với các Bí tích, nhất là Bí
tích Hòa giải. Một khi đã đón nhận lòng thương xót Chúa, chúng ta
hãy trở nên những sứ giả của lòng thương xót Chúa.
Anh mù đã được lòng thương xót Chúa chạm đến, anh được chữa
lành và dứt khoát theo Chúa trên con đường lên Giê-ru-sa-lem. Ước gì
mỗi người chúng ta, mỗi gia đình chúng ta cũng được “chạm đến” lòng
thương xót Chúa, được cảm nhận sự ngọt ngào của ân sủng Chúa và
nhờ đó theo Chúa trên con đường ban phát lòng thương xót. Ước gì mỗi
người chúng ta đều trở thành những sứ giả nhiệt thành của lòng
thương xót Chúa, nhờ đó, mọi người có thể cảm nhận được lòng thương
xót của Chúa và của anh chị em mình giữa một xã hội đầy vô cảm như
hiện nay. Amen.
Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015
PHỤC VỤ VÀ TRUYỀN GIÁO
Chúa nhật 29 TNB (Mc 10,35-45)
Con Thiên Chúa đến
để phục vụ
Người đời ai cũng muốn làm
lớn, hay ít là cũng phải có một vị thế nào đó để không phải phục
vụ người khác. Chúng ta đang sống trong thời đại dịch vụ nên có
khuynh hướng chọn lựa những dịch vụ nào phục vụ tốt nhu cầu chúng
ta. Tuy nhiên, những việc “phục vụ” này luôn tỷ lệ thuận với kinh phí
bỏ ra.
Trong khi đó, Giáo hội lại mời
gọi ta “lội ngược dòng”. Dòng nước ngược này chính Con Một Thiên Chúa
đã đi trước làm gương cho chúng ta. Từ địa vị ngang hàng Thiên Chúa, Ngài
đã tự nguyện mặc lấy xác phàm như chúng ta. Ngài đã đón nhận đau
khổ buồn sầu như chúng ta và thậm chí “cúi xuống” phục vụ chúng ta.
Đức Giêsu không làm những dấu
lạ lớn lao để “chiêu dụ” lòng tin của dân chúng nhưng người “la cà”
với họ, ăn uống với họ, chung chia niềm vui tiệc cưới với họ, sẻ
chia nỗi buồn tang tóc với họ, đồng hành với họ trong những giờ cầu
nguyện tại Hội đường, hành hương với họ về Giêrusalem, v.v.. Đức Giêsu
đã đi trên con đường của Người Tôi Trung như trong bài đọc một để cúi
xuống gánh lấy tội lỗi người khác, nhờ thế, nhiều người được nên
công chính.
Trò không thể hơn Thầy. Trò
không thể đi con đường nào khác với con đường của Thầy. Vì thế Đức
Giêsu mời gọi các môn đệ và qua đó, mời gọi Giáo hội hãy đi con đường
phục vụ như Người.
Giáo hội được mời
gọi sống phục vụ
“Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em”
(Mc 10,43). Từ xưa đến nay, các Đức Giáo Hoàng đều tự nhận mình là
“tôi tớ của các tôi tớ Chúa”, đó như một cách thức nhắc nhở mỗi
người nói riêng và Giáo hội nói chung về giáo huấn của Đức Giêsu. Giáo
hội được mời gọi không phải để “cai trị” nhưng để phục vụ. Phẩm trật
Giáo hội không phải “được chọn” để “thống lãnh” cho bằng để hướng dẫn
và phục vụ dân Chúa. Do đó, nơi nào tinh thần “giáo sĩ trị” vẫn còn
thì nơi đó người ta chưa sống trọn giáo huấn của Chúa Giêsu.
Giáo hội được mời gọi để
phục vụ tất cả mọi người, không phân biệt “lương” hay “giáo”; không
phân biệt giàu nghèo; già trẻ; tốt xấu. Nếu như Con Thiên Chúa đến
thế gian để tìm kiếm những “con chiên lạc”, những “kẻ ốm đau” thì
Giáo hội cũng được mời gọi như thế. Những người nghèo, người đang đau
khổ, người vấp ngả trong đức tin, những người đang mang sự mặc cảm,
tự ti, phải là đối tượng ưu tiên của Giáo hội.
Không chỉ giáo sĩ, tu sĩ mà
cả giáo dân cũng được mời gọi sống phục vụ theo tinh thần Đức Giêsu.
Mọi người đều được mời gọi sống các mối tương quan trong tinh thần
phục vụ, dù là tương quan cá nhân hay trong gia đình, cộng đoàn hay
giáo xứ, Giáo hội hay xã hội. Để được vậy, mỗi người và cộng đoàn
cần thấm nhuần tinh thần Đức Giêsu, đó là tôn trọng, cảm thông và chia
sẻ. Thực vậy, phục vụ không chỉ thể hiện bằng hành động mà thôi
nhưng trước hết là tinh thần, là tấm lòng. Ai có tấm lòng thực sự
thì họ sẽ biết cách để phục vụ anh chị em mình cách cụ thể và
thiết thực nhất.
Phục vụ là cách thức truyền giáo
Hôm nay cũng là ngày Giáo hội
cầu nguyện cách đặc biệt cho công cuộc truyền giáo. Thiết nghĩ,
ngoài việc cầu nguyện, mỗi người, mỗi cộng đoàn, mỗi giáo xứ cũng
có thể góp phần vào việc truyền giáo bằng những việc làm cụ thể.
Mỗi người tùy theo ơn riêng, tùy theo khả năng và hoàn cảnh sống của
mình, có thể cộng tác truyền giáo bằng lời cầu nguyện, bằng sự
hiện diện thể lý hay hiệp thông trong tinh thần, bằng cách góp công
sức hay vật chất. Tuy nhiên, có một cách thức cụ thể mà ai cũng có
thể thực hiện được, đó là sống tinh thần phục vụ.
Dĩ nhiên, không nhất thiết là
phải phục vụ những người xa lạ, những người chưa theo đạo, nhưng có
thể là “phục vụ” chính gia đình của mình, phục vụ giáo xứ, phục
vụ những người quen biết, láng giềng xung quanh. Chính tinh thần sẵn
sàng phục vụ, phục vụ cách quên mình sẽ là động lực lôi cuốn người
khác đến với đạo, với Đức Kitô. Và như thế, ta có thể nói, một
người hy sinh phục vụ là một nhà truyền giáo, một gia đình sống tinh
thần cho đi là một gia đình truyền giáo, một giáo xứ sẵn sàng phục
vụ mọi người, mọi giới, mọi thành phần là một giáo xứ truyền
giáo. Nếu được như thế, Tin Mừng Cứu Độ sẽ được loan báo đến tận
cùng thế giới theo lệnh truyền của Đức Giêsu.
Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015
HÃY CHỌN MỘT NIỀM VUI
Nỗi buồn thường tự tìm đến mà
không cần hỏi ý kiến ta nhưng niềm vui thì ta có thể tự tạo cho mình. Một niềm
vui dù nhỏ đến đâu, nhưng nếu cảm nhận với tất cả tấm lòng, ta cũng sẽ thấy nó
rất có giá trị. Những niềm vui như thế không hề thiếu vắng nơi vùng truyền giáo
này.
Với tôi, niềm vui nho nhoi đó là sáng sáng
nhìn các em cắp cặp đến nhà thờ, trên tay cầm que củi để “đổi” lấy gói xôi hay ổ
bánh mì trước khi đi tiếp đến trường học.
Với người thành thị, cầm 20 ngàn trong tay
cũng phải phân vân xem ăn gì cho thích hợp, nhưng với các em ở đây, chỉ cần “khẩu
phần” 2 ngàn đồng thôi cũng đủ. 2 ngàn chẳng đáng là bao, nhưng nhìn từng bước
chân trần hân hoan của các em mẫu giáo, lớp 1 chạy đến “đổi” phần ăn sáng, tôi
cũng cảm thấy ấm lòng. 2 ngàn chẳng đáng là bao, thế mà thỉnh thoảng vẫn nghe
các thầy cô kể lại có em này, em kia, ngất trong lớp học vì đói và lạnh.
Thế đấy, với nhiều người, cầm 2 ngàn trong tay chẳng biết để
làm gì; nhưng cũng với rất nhiều người, 2 ngàn đó có thể sưởi ấm được bao cõi
lòng và nuôi dưỡng bao mơ ước.
Vậy bạn có muốn chọn cho mình một niềm vui? Dù nho nhoi,
nhưng chắc chắn đó là cách khởi đầu một ngày mới rất tốt, đặc biệt là khi bạn
biết phó dâng niềm vui đó trong sự Quan Phòng của Thiên Chúa!
Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015
TỐT - XẤU
Thứ Năm, tuần XVII (Mt 13,47-53)
Cũng như chiếc lưới bao gồm cả cá xấu lẫn cá tốt, Giáo hội cũng
luôn có cả người tốt lẫn người xấu. Thiên Chúa để vậy là do lòng khoan nhân của
Ngài. Ngài tạo cơ hội và chờ đợi con người biến đổi. đến ngày tận thế, cơ hội sẽ
chấm dứt. Mọi sự cần phân minh rõ ràng. Tốt xấu không còn chung đụng với nhau nữa.
Giáo xứ và gia đình cũng thế, luôn có người này người kia. Chúa
không muốn ta loại trừ ngay những kẻ xấu nhưng muốn ta kiên nhẫn và chờ đợi, thậm
chí là phải tạo cơ hội để người xấu có dịp trở về.
Thực ra, ngay chính bản thân mỗi người chúng ta cũng thế,
luôn tồn tại hai khuynh hướng tốt xấu. cuộc sống hiện tại là cơ hội Chúa cho để
phấn đấu, để biến đổi cái xấu trở nên tốt hơn. Cơ hội sẽ chấm dứt vào ngày kết
thúc đời mình. Không ai biết đó là ngày nào, vậy nên ta phải tận dụng cơ hội
này chứ đừng chủ quan.
Lạy Chúa, xin giúp con nắm lấy cơ hội này để huấn luyện bản
thân ngày một tốt hơn. Amen.
Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015
BIẾN CẢI CÁI XẤU
Thứ Ba, Tuần XVII (Mt 13,36-43)
Hạt giống tốt là con cái Nước Trời, cỏ lùng là con
cái Ác thần. Ruộng chẳng phải là độc quyền của lúa tốt nhưng cỏ
lùng len lỏi khá nhiều.
Thế gian không chỉ dành cho người tốt nhưng kẻ xấu
cũng trà trộn khắp nơi.
Nếu như cỏ lùng không thể biến thành lúa tốt thì
ngược lại, người xấu có thể trở thành người tốt.
Người Kitô hữu không chỉ được mời gọi lớn lên trong
đức tin và đức ái nhưng còn phải giúp biến đổi thế gian.
Ánh sáng có nhiệm vụ đẩy lui bóng tối thế nào thì
người Kitô hữu có ơn gọi biến cải cái xấu như thế.
Tâm lý chung, ta sẽ lo sợ khi thấy cái xấu tràn lan. Ta
cũng dễ dàng nhận ra lý do này, lý do kia.
Thế nhưng ít khi ta nhận trách nhiệm về mình: những Kitô
hữu chưa chu toàn nhiệm vụ!
Thử hỏi: Tôi đã làm gì để biến cải những cái xấu
quanh tôi?
Trách nhiệm của cộng đoàn Kitô hữu là tạo nên môi
trường sống lành mạnh quanh mình chứ không dừng lại ở sự hài lòng
bản thân.
Xin Chúa giúp con biến cải cái xấu quanh mình để
thế giới mỗi ngày một tốt hơn. Amen.
SỨC SỐNG BÊN TRONG
Thứ Hai, tuần XVII TN (Mt 13,31-35)
Hạt cải và nắm men khác với hòn đá ở sức sống bên
trong.
Hòn đá đặt ở đâu vẫn trơ trọi một mình.
Ngược lại, hạt cải và nắm men nếu gặp môi trường
thuận lợi sẽ lan truyền sức sống ra bên ngoài.
Bạn và tôi, chúng ta muốn là hạt cải và nắm men
tràn trề sức sống hay muốn là hòn đá khô khan nguội lạnh?
Sức sống bên trong đó chính là ơn Chúa!
Qua bí tích Thanh Tẩy, mỗi Kitô hữu đều đã lãnh
nhận ấn tín không phai nhòa, đó là hồng ân cao quý cùng nhiều ơn
lành khác.
Đừng để những ơn đó trở nên vô hiệu nhưng hãy tạo cơ
hội để ơn Chúa lan tỏa đến mọi người.
Đừng chôn vùi ơn Chúa mà không sinh ích lợi gì cho
bản thân và tha nhân.
Hạt cải muốn trở sinh bông hạt phải chết đi hình
dáng cũ của mình. Bột muốn dậy men, nắm men phai tiêu hao dần.
Sức sống “nội tại” có vẻ như sẽ tiêu hao đi, nhưng
thực ra nó không bao giờ mất hết. Trái lại, nếu liên kết với môi
trường xung quanh, nó sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nhiều.
Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015
KHÓ KHĂN VÀ CÁCH GIẢI QUYẾT
Chúa nhật XVII TNB (Ga 6,1-15)
Đông đảo dân chúng đến với Đức Giêsu và các môn đệ:
Philipphê cảm thấy bất lực vì chỉ thấy khó khăn
trước mắt và tìm cách giải quyết theo kiểu con người.
Anrê phát hiện ra một tia hy vọng khi nhìn thấy những
thứ (bánh mì và cá) mà họ (đứa bé) sở hữu.
Đức Giêsu biến hy vọng nhỏ nhoi đó thành một dấu lạ.
Cuộc sống của chúng ta cũng luôn đối diện với những
khó khăn thử thách như thế.
Khó khăn sẽ càng chồng chất nếu ta chỉ cậy dựa vào
sức riêng mình.
Hãy học Anrê để nhìn ra những tia hy vọng, dù mong
manh, nơi anh chị em chúng ta, dù là những người nhỏ nhất.
Và nhất là, hãy noi gương Đức Giêsu để dâng những tia
hy vọng đó lên cho Thiên Chúa. Hãy xin Người chúc lành và biến những
tia hy vọng đó thành dấu lạ, nhờ đó, khó khăn không còn là thử
thách đáng sợ nữa, những là cơ hội để ta bày tỏ lòng tín trung vào
Chúa.
SỨ MẠNG PHỤC VỤ
Ngày 25.7: Thánh Giacôbê Tông đồ (Mt 20,20-28)
Xã hội hiện đại là xã hội của dịch vụ. Ai càng làm lớn,
càng có nhiều tiền thì sử dụng càng nhiều dịch vụ. Dịch vụ là
dùng tiền để yêu cầu người khác đáp ứng theo nhu cầu của mình. Trái
lại, phục vụ là tự nguyện bỏ tiền bạc và công sức để đáp ứng
phần nào nhu cầu người khác.
Ấy vậy mà Đức Giêsu luôn mời
gọi ta hãy phục vụ chứ đừng dùng dịch vụ. Không chỉ dạy ta mà thôi,
Người còn đi đầu trong việc nêu gương. Người phục vụ tất cả mọi hạng
người. Người dạy dỗ, chữa lành, an ủi, cho ăn, …tột đỉnh việc phục
vụ của Chúa Giêsu là hy sinh mạng sống mình trên thập tự giá.
Theo gương Thầy Giêsu, các môn
đệ cũng là những người phục vụ và hiến dâng mạng sống mình, cụ
thể như thánh Giacôbê mà Giáo hội mừng lễ hôm nay.
Mỗi người chúng ta cũng
được mời gọi tham gia vào sứ mạng phục vụ của Giáo hội.
Xin Chúa giúp con biết
nhận ra đâu là những đối tượng Chúa mời gọi con phục vụ và liệu con có thể làm gì được cho họ. Amen.
Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015
ĐÁM ĐÔNG KHÁT KHAO
“Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất
đông thì cạnh lòng thương” (Mc 6, 30-34)
Dường như luôn có một đám người rất đông bao quanh Đức
Giêsu và các môn đệ. Người đi đâu, họ theo đó. Đôi mắt mòn mỏi, tâm
hồn khát mong, đôi tai chờ đợi. Họ thèm được nghe, được thấy, được
chạm đến Lời quyền năng, Lời yêu thương và Lời chữa lành.
Đức Giêsu rất thành công, các môn đệ xem ra cũng thành
công, thế nhưng đám đông thèm khát vẫn luôn hiện diện bên cạnh các
ngài.
Ngày nay vẫn thế, bên cạnh mỗi người Kitô hữu, vẫn
luôn có một đám đông thèm khát như thế.
Ai sẽ khỏa lấp nỗi khát mong của họ? Mỗi Kitô hữu
đều được mời gọi trở thành cộng tác viên ban phát tình thương của
Thiên Chúa.
Vậy đâu là đám đông đang ở bên tôi? Những người nào
thuộc phạm vi chăm sóc của tôi? Là gia đình, bạn bè, đồng nghiệp?
Xin cho con trở nên khí cụ của Chúa trong việc ban
phát tình thương và loan báo Tin Mừng.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)