Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐỜI TU: CÁM DỖ TRONG ĐỜI TU



Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.

Hành trình “tâm linh” mà chúng ta phải theo đuổi được trải bằng những chướng ngại vật. Khi một số ở bên trong còn một số lại ở bên ngoài. Mỗi chúng ta đều mang thân phận tội lỗi vốn tự nhiên khiến mình trở thành một kẻ đồng lõa của sự dữ. Chúng ta có thể nói, theo lời diễn giải của Phaolô, “Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt” (x. Rm 7, 14). Thế gian, xác thịt và ma quỷ (x. 1Ga 2, 14-16) bắt gặp trong chính bản thân chúng ta, một sự đồng lõa ngầm. Và ngay cả khi tội đồng lõa nội tại này bị loại bỏ, thì chúng ta vẫn mở cho những xúi giục, níu kéo và xu nịnh bên ngoài xui khiến chúng ta tạo ra khoảng trống cho điều xấu xa vào đời ta. “Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này ?” (Rm 7, 24). Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu xin Chúa Cha “giải thoát chúng ta khỏi sự dữ”.
Chúng ta nên chiêm niệm sự cám dỗ dưới viễn cảnh : Đức Kitô vẫn đang bị thử thách trong chính chúng ta.
2.    NHỮNG CÁM DỖ CỦA CHÚA GIÊSU

Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

LỜI GIẢNG ĐẦU TIÊN CỦA ĐỨC GIÊ-SU

Thứ Hai tuần I TN (Mc 1,14-20)

Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1,15).
Đi từ cuộc sống: Một nữ bác sĩ được đi học về siêu âm ở nước ngoài. Khi về Việt Nam, chị là người có năng lực nhất của bệnh viện về lãnh vực này. Tuy nhiên, khi trong tác ở vị trí trưởng phòng siêu âm, chị buộc phải theo chủ trương của bệnh viện, đó là tư vấn cho những ai có “nhu cầu” về việc phá thai. Không thể chấp nhận chủ trương này vì là người Công giáo, chị đã xin chuyển công tác trước sự “ngạc nhiên” của rất nhiều người.
Lời Chúa soi đường: Lời rao giảng đầu tiên của Đức Giê-su chính là Tin Mừng của Thiên Chúa. Tin Mừng đó là: hãy sám hối và tin vào Tin Mừng vì Nước Trời đã đến gần. Sám hối là gì? Tin vào Tin Mừng là gì? Bài Tin Mừng đã cho chúng ta câu trả lời. Bốn môn đệ đầu tiên đã bỏ chài lưới cùng những người thân mà đi theo Đức Giê-su. Như vậy, “sám hối” là từ bỏ lối sống quen thuộc để chọn một lối sống ý nghĩa hơn và “tin” là đi theo lời mời gọi của Đức Giê-su.

Chung lời cầu nguyện: Hai chữ “sám hối” chúng con nghe sao thật nặng nề. Chúng con không dám dứt khoát từ giã lối sống cũ nghèo nàn để chọn một đời sống mới phong phú và ý nghĩa hơn. Chúng con sợ sự thay đổi, sợ những gì mới lạ, sợ ra khỏi sự ù lì cứng nhắc của mình. Chúng con “tin” vào Chúa nhưng không dám “đi theo” Chúa. Chúng con sợ những đòi hỏi Chúa đưa ra. Chúng con chiều chuộng bản thân hơn là yêu Chúa. Xin cho chúng con thêm can đảm để chọn Chúa làm gia nghiệp đời mình.

PHÉP RỬA ĐỔI MỚI (2)

Chúa Giê-su chịu phép rửa – Năm A (Mt 3,13-17)

Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình (Mt 3,13-17).
Đi từ cuộc sống: Chúng ta đang sống trong một xã hội tồn tại rất nhiều nghịch lý. Chưa bao giờ khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển như hiện nay cũng như chưa bao giờ con người đề cao chính mình như hiện nay. Vậy mà có lẽ chưa bao giờ con người tỏ ra mê tín như hiện tại. Thực vậy, để mua một miếng đất, một căn nhà, người ta phải đi “coi thầy” xem có hợp với tuổi của mình không! Để quyết định lấy nhau hay chọn ngày cưới, người ta cũng đi “coi thầy” xem có hợp tuổi không! Và dĩ nhiên, tệ nạn trên vẫn không ngoại trừ những tín hữu theo Chúa.
Lời Chúa soi đường: Biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa đã mở ra một chẳng đường mới trong sứ vụ của Người. Từ đây, Người không còn sống “ẩn dật” nữa nhưng ra đi để công bố và trao ban lòng thương xót của Thiên Chúa. Biến cố này nhắc lại phép rửa của mỗi người chúng ta. Trong Phép rửa đó, chúng ta đã được tái sinh làm con Chúa, chúng ta đã tuyên bố từ bỏ ma quỷ và những cám dỗ của nó. Thế nhưng chúng ta đã thực sự sống đời sống mới do Phép rửa mang lại hay chưa?
Chung lời cầu nguyện: Xin Chúa giúp chúng con sống trọn lời hứa của mình trong bí tích Rửa Tội, đó là một lòng tin tưởng và tín thác vào Chúa mà thôi. Amen.


Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

NIỀM VUI TRONG CHÚA


Thứ Bảy sau lễ Hiển Linh (Ga 3,22-30)
Ông Gioan nói với các môn đệ: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 2,30).
Đi từ cuộc sống: Một giáo dân chia sẻ: Trong một chuyến đi công tác tông đồ, chị đã có một niềm vui rất khó tả khi được tiếp xúc với những người dân tộc thiểu số vùng Gialai. Những gì các chị mang đến cho họ thật là nhỏ bé so với niềm vui mới lạ mà các chị cảm nhận được nhờ họ. Đó là niềm vui của sự hiệp thông và liên đới.
Lời Chúa soi đường: Gioan Tẩy Giả cho các môn đệ biết niềm vui của ông là được nhìn thấy Đức Giê-su và nghe tiếng của Người. Chính vì vậy, khi gặp Đức Giê-su, ông đã không ngần ngại làm chứng về Người. Thậm chí ông còn giới thiệu để chính các môn đệ của mình đi theo Đức Giê-su. Niềm vui của Gioan là làm mọi sự để Đức Giê-su được nổi bật lên dù ông phải lu mờ đi. Đó chính là niềm vui đích thực, niềm vui trong Chúa và không ai có thể lấy mất được.
Chung lời cầu nguyện: Trong cuộc sống, chúng con chỉ biết chạy theo những thú vui chóng qua bên ngoài mà quên quy hướng đời mình về Chúa. Những niềm vui chúng con có được thì dễ đến và cũng chóng qua. Xin cho chúng con biết tìm kiếm niềm vui trong Chúa, nhất là niềm vui khi qua chính cuộc đời chúng con, Chúa được nổi bật lên và được mọi người dễ dàng nhận biết. Amen.

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

CÁI CHẠM CHỮA LÀNH



Thứ Sáu sau lể Hiển Linh (Lc 5,12-16)

Đức Giê-su giơ tay đụng vào người phong hủi và bảo : "Tôi muốn, anh sạch đi." Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh (Lc 5,13).

Đi từ cuộc sống: Có người cho rằng con người sợ nhất là nỗi cô đơn. Thời đại công nghệ thông tin có thể mở ra rất nhiều nguồn giao lưu quen biết nhưng cũng đóng lại rất nhiều các mối quan hệ thiết thực. Bạn có thể “kết bạn” rất nhiều trên Facebook nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ dễ dàng tim được một “cái chạm” yêu thương, cảm thông và chữa lành khi cần.


Lời Chúa soi đường: Phong hủi là căn bệnh khiến cho con người không chỉ đau đớn về thể xác nhưng còn bị cô lập về thể xác và tinh thần. Họ bị khai trừ khỏi cộng đoàn, mọi người xa lánh. Theo quan niệm bấy giờ, hễ đụng vào cái gì họ sẽ làm cho cái đó ra ô uế! Thế nhưng Đức Giê-su đã đ ngược lại với thái độ này. Người đã yêu thương chạm tay vào người phong hủi và lập tức anh được chữa lành. Đó là mmột cái chạm đầy yêu thương, cảm thông và có sức chữa lành con người.
Chung lời cầu nguyện: Xin Chúa cho con biết quan tâm đến người khác để có thể “chạm” vào cõi lòng họ, một cái chạm đầy yêu thương và chia sẻ như Chúa đã làm. Amen.

Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

PHÉP RỬA ĐỔI MỚI (1)

Lễ Chúa Giê-Su Chịu Phép Rửa – năm A (Mt 3,13-17)

Kính thưa cha cùng các bạn sinh viên thân mến,
Sau đại lễ Giáng Sinh mừng Con Thiên Chúa nhập thể làm người, các bài đọc của phụng vụ trong thời gian qua liên tục đề cập đến các biến cố trong cuộc đời thơ ấu của Đức Giê-su, cụ thể, đó là việc ba vua từ phương Đông tìm đến, việc dâng Chúa Giê-su trong Đền Thờ, thánh gia trốn sang ai cập và trở về, biến cố các trẻ thơ bị sát hại bởi bàn tay tàn bạo của vua Hêrôđê, v.v.. Còn Chúa nhật hôm nay, Giáo hội dành để kính nhớ việc Chúa Giê-su chịu phép rửa của ông Gioan Tẩy giả. Biến cố này mang nhiều ý nghĩa khác nhau và cũng để lại cho ta nhiều bài học bổ ích.
Thực vậy, chúng ta dễ dàng nhận ra việc Chúa Giê-su chịu phép rửa vừa khép lại những biến cố xảy ra trong thời thơ ấu của Đức Giê-su đồng thời mở ra một đời sống mới trong sứ vụ của Người. Bài đọc một chúng ta vừa nghe đề cập đến sứ vụ của người tôi tớ đau khổ, đó là thiết lập công lý của Thiên Chúa trên địa cầu. Người tôi tớ đau khổ đó chính là hình ảnh báo trước của Đức Giê-su Ki-tô. Thiết lập công lý chính là bày tỏ tình thương và lòng nhân ái của Thiên Chúa cho con người. Bài đọc hai trích từ sách công vụ tông đồ còn cho ta biết sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su đi đến đâu thì thi ân giáng phúc đến đó, Người chữa lành mọi thứ bệnh tật và giải phóng con người khỏi ma quỷ.

TIN MỪNG CHO NGƯỜI NGHÈO

Thứ Năm sau lễ Hiển Linh (Lc 4,14-22a).

Lời Chúa: Đức Giê-su mở ra, gặp đoạn chép rằng:  Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn (Lc 4,18).
Suy niệm: Đức Giê-su đến trần gian để loan báo Tin Mừng cho những kẻ nghèo hèn. Theo thánh sử Luca, người nghèo là những người không có địa vị, những người bệnh tật, đau khổ, tội lỗi, v.v.. Nhờ thần Khí Chúa cùng hiện diện và hoạt động, Đức Giê-su đã mang lại TIN MỪNG thực sự cho những người nghèo.
Liên hệ cuộc sống: Những người nghèo ngày nay vẫn đang hiện diện rất nhiều xung quanh ta. Họ là những người đang cô đơn, tuyệt vọng, nghèo đói, thiếu tình thương, bị xúc phạm nhân phẩm, v.v.. Sau khi sống lại, Chúa Giê-su cũng đã ban Chúa Thánh Thần và sai chúng ta đem Tin Mừng cho mọi người. Chúng ta đã thực thi sứ vụ này như thế nào?
Niềm xác tín: Con xác tín rằng những người nghèo luôn là đối tượng ưu tiên số một trong Nước Chúa, con cũng xác tín rằng những người sẽ dễ nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời họ.

Cầu nguyện: Xin cho con luôn ý thức trách nhiệm đem TIN MỪNG đến cho người nghèo.

THỬ THÁCH

Thứ Tư sau lễ Hiển Linh (Mc 6,45-52)

Lời Chúa: Khi các môn đệ thấy Đức Giê-su đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. Người lên thuyền với các ông, và gió lặng. Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hoá nhiều : lòng trí các ông còn ngu muội ! (Mc 6,49-52)

Suy niệm: Đức Giê-su làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để bày tỏ quyền năng Thiên Chúa, thế nhưng các môn đệ không hiểu. Vì không hiểu, vì lòng trí còn ngu muội nên các ông bàng hoàng sợ hãi khi thấy Đức Giê-su đi trên mặt biển.
Liên hệ cuộc sống: Lòng trí con người thường ngu muội trước các việc làm của Thiên Chúa. Khi chưa hiểu được ý nghĩa việc Chúa làm, con người thường đặt câu hỏi tại sao: Tại sao con thất bại? Tại sao con đau khổ? Tại sao Chúa thử thách con?
Niềm xác tín: Dù chưa hiểu rõ thánh ý Chúa trong mỗi biến cố cuộc đời, nhưng con xác tín rằng thánh ý Ngài luôn muốn điều tốt lành cho con.

Cầu nguyện: Xin cho con đừng thất vọng sợ hãi khi gặp thử thách đau thương nhưng luôn tín thác vào chương trình nhiệm mầu của Thiên Chúa.

Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

PHÉP RỬA ĐỔI MỚI

Lễ Chúa Giê-Su Chịu Phép Rửa – năm A (Mt 3,13-17)
13 Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. 14 Nhưng ông một mực can Người và nói : "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !" 15 Nhưng Đức Giê-su trả lời : "Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính." Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người.
16 Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. 17 Và có tiếng từ trời phán : "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người."
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Sau đại lễ Giáng Sinh mừng Con Thiên Chúa nhập thể làm người, các bài đọc của phụng vụ trong thời gian qua liên tục đề cập đến các biến cố trong cuộc đời ẩn dật của Đức Giê-su, đó là việc ba vua tìm đến bái thờ vị Vua vừa mới sinh, việc dâng Chúa Giê-su trong Đền Thờ, thánh gia trốn sang ai cập và trở về, biến cố các trẻ thơ bị sát hại bởi bàn tay tàn bạo của vua Hêrôđê, v.v.. Chúa nhật hôm nay, Giáo hội dành để kính nhớ việc Chúa Giê-su chịu phép rửa của ông Gioan Tẩy giả. Biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa mà chúng ta cử hành hôm nay mang nhiều ý nghĩa khác nhau và cũng để lại cho ta nhiều bài học bổ ích.
Thực vậy, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra việc Chúa Giê-su chịu phép rửa vừa khép lại những biến cố xảy ra trong thời gian sống ẩn dật của Đức Giê-su vừa mở ra một đời sống mới trong sứ vụ của Người. Bài đọc một chúng ta vừa nghe đề cập đến sứ vụ của người tôi tớ đau khổ, đó là thiết lập công lý của Thiên Chúa trên địa cầu nhờ Thần Khí. Người tôi tớ đau khổ đó chính là hình ảnh báo trước của Đức Giê-su Ki-tô. Thiết lập công lý chính là bày tỏ tình thương và lòng nhân ái của Thiên Chúa cho con người: “Cây lau bị giập cũng không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét cũng không nỡ tắt đi”. Bài đọc hai trích từ sách công vụ tông đồ, thánh sử Luca còn cho ta biết sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần khi chịu phép rửa, Đức Giê-su đi đến đâu thì thi ân giáng phúc đến đó, Người chữa lành mọi thứ bệnh tật và giải phóng con người khỏi ma quỷ.

THINH LẶNG (Mc 6,30-31)

30 Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. 31 Người bảo các ông : "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút." Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.
Tĩnh tâm là thời gian mời gọi mỗi người chúng ta tạm biệt những cuộc vui đông đúc nhộn nhịp để hưởng nếm sự an vui trong cõi lòng lặng thinh. Tĩnh tâm cũng là thời gian chia tay với những cuộc hẹn hò chóng qua để bước vào cuộc hẹn hò thiêng liêng với Thiên Chúa và với chính cõi lòng mình. Tĩnh tâm mời gọi chúng ta bỏ qua những lo toan tính toán để đặt cuộc đời và sứ vụ dưới ơn soi sáng của Chúa Thánh Linh. Giây phút thinh lặng trước những quyết định quan trọng là điều cần thiết đối với người môn đệ Đức Giê-su.