Chúa nhật II Phục sinh – Chúa nhật Lòng Thương Xót
CẢM NGHIỆM VÀ CHIA
SẺ LÒNG THƯƠNG XÓT
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Giáo hội đang sống trong Năm
Thánh Lòng Thương Xót Chúa. Chúa nhật hôm nay lại được gọi là Chúa nhật
của Lòng Thương Xót. Vì vậy, đây quả là dịp đặc biệt để chúng ta
chiêm ngắm Lòng Thương Xót Chúa đối với Giáo hội cũng như đối với mỗi
người chúng ta.
Bài đọc một hôm nay trích từ
sách Công vụ Tông Đồ cho ta thấy Lòng Thương Xót của Chúa được thực
hiện qua bàn tay của các Tông Đồ: “nhiều
dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân nhờ bàn tay các Tông Đồ”
(Cv 5,22). Bệnh nhân từ khắp nơi được đưa đến để ít ra nhờ cái bóng
của Phêrô phủ lên cũng sẽ được lành. Chúa Giêsu tuy không còn hiện
diện cách thể lý nhưng ân sủng và Lòng Thương Xót của Ngài vẫn tiếp
tục hoạt động qua các Tông Đồ. Những dấu lạ điềm thiêng vẫn tiếp
tục được thể hiện, thậm chí còn mạnh mẽ hơn nữa để bày tỏ Lòng
Thương Xót Chúa cũng như củng cố đức tin cho cộng đoàn tiên khởi nhỏ
bé đang dần hình thành.
Lòng Thương Xót Chúa còn được
thể hiện cách đặc biệt trong bài Tin Mừng. Trong đêm Đức Giêsu bị bắt,
tình trạng các Tông Đồ có thể nói là thê thảm. Các ông phân tán mỗi
người mỗi nơi. Kẻ ở gần thì phản bội, người theo chân Chúa từ xa xa
thì chối bỏ, người thì tháo chạy thoát thân. Sau những ngày đau
thương đó, có lẽ các ông đang mang trong mình những mặc cảm: mặc cảm
vì đã bỏ thầy, đã chối Thầy.
Thế rồi, Chúa Giêsu Phục sinh
hiện đến, đứng giữa các ông. Người không hề quở trách, cũng chẳng
có ý nhắc lại chuyện cũ. Trái lại, người chào cách thân tình: Bình an cho anh em! Đối với Người,
các môn đệ vẫn là những người anh em yêu quý. Không những không nhắc
lại chuyện cũ, Người còn tin tưởng giao cho các ông nhiệm vụ quan
trọng: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì
Thầy cũng sai anh em”. Vì biết đây là nhiệm vụ khó khăn nên Người
không để các ông cô độc. Người thổi hơi để ban Thánh Thần cho các ông.
Tất cả những thái độ, lời nói, hành động của Đức Giêsu đối với các
Tông Đồ đều bày tỏ Lòng Thương Xót của Ngài đối với các ông.
Với Lòng Thương Xót, Đức Giêsu
nhìn ra hoàn cảnh của các môn đệ để ban ơn bình an và tha thứ. Ngài
cảm thông và trao cho các ông cơ hội để làm lại cuộc đời. Lòng Thương
Xót gàn gắn lại những đổ vỡ trong quá khứ và mở ra một tương lai.
Lòng thương Xót nối lại tình Thầy trò và gắn kết nghĩa anh em. Lòng
Thương Xót quên đi những lỗi lầm và thiếu sót của người khác.
Anh chị em thân mến, Chúa nhật
thứ hai Phục sinh, chúng ta được mời gọi cảm nghiệm Lòng Thương Xót
Chúa đồng thời chia sẻ Lòng Thương Xót cho nhau.
Chúng ta hãy dành ít phút
tĩnh lặng để nhớ lại xem đã bao lần ta lỗi phạm với Chúa. Trong đời
sống, có thể ta không công khai chối Chúa như Phêrô nhưng chắc cũng
nhiều lần ta né tránh tuyên xưng Chúa. Ta không đến nỗi bán Chúa như
Giuđa nhưng chắc cũng nhiều lần quay lưng lại với tình yêu Chúa dành cho ta. Ta không đến nỗi trút bỏ
tấm áo để chạy trốn như người môn đệ trong vườn Giêtsêmani nhưng chắc
cũng có lần trốn tránh lời mời gọi dấn thân của Chúa. Thế nhưng,
như Chúa đã tỏ lòng thương xót với các Tông Đồ thì Chúa cũng tỏ
lòng thương xót với chúng ta. Có thể như các tông đồ, chúng ta mặc cảm
về những tội lỗi, thiếu sót của mình nhưng qua Bí Tích Hòa Giải,
Chúa sẽ tha thứ. Chúa sẽ không nhắc chuyện cũ nhưng tin tưởng và trao
cho ta cơ hội để làm lại cuộc đời. Vì thế ta hãy cảm tạ Chúa vì
Ngài luôn bày tỏ Lòng Thương Xót cho chúng ta.
Một khi đã cảm nghiệm Lòng
Thương Xót của Chúa, chúng ta cũng được mời gọi bày tỏ lòng thương
xót cho nhau. Đừng gán mác cho nhau theo những lỗi lầm trong quá khứ
của họ. Hãy tin tưởng và trao cho nhau cơ hội làm lại cuộc đời. Đừng
nhìn nhau với cái nhìn oán hờn, giận dữ hay trách móc nhưng hãy cảm
thông và giúp nhau mở ra những tương lai. Hơn lúc nào hết, chúng ta đang
được mời gọi sống khẩu hiệu của Năm Thánh Lòng Thương Xót: đó là
hãy “Thương Xót như Chúa Cha” (Lc
6,36).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét