Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

ĐAU KHỔ CỦA NGƯỜI NGÔN SỨ

Tuần 2 Mùa Vọng – Thứ Bảy (Mt 17,10-13)

10 Các môn đệ hỏi Người rằng : "Vậy sao các kinh sư lại nói Ê-li-a phải đến trước ?" 11 Người đáp : "Ông Ê-li-a phải đến để chỉnh đốn mọi sự. 12 Nhưng Thầy nói cho anh em biết : ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế." 13 Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả.
Dường như cuộc đời của người ngôn sứ luôn gắn liền với đau khổ. Cái đau khổ của họ là luôn hăng hái nhiệt tình nói lời của Chúa cho dân, chuyển tài tình yêu của người bằng những lời cảnh tỉnh lương tâm, mời gọi sám hối, canh tân lối sống để đẹp lòng Chúa hơn, thế nhưng kết cục là họ bị chính dân chúng ngược đãi. Còn gì đau đớn hơn khi chính những người mình yêu thương hướng dẫn lại quay lưng lại và bạc đãi mình? Một sự thật cay đắng! Tuy nhiên, cũng chính sự thật đó mà danh tiếng các ngài được lưu danh muôn đời.
I-sai-a là một tiên tri lớn, luôn nhiệt thành với lời Chúa và với dân, thế nhưng cuộc đời ông lại gặp phải sự chống đối từ vua A-kháp và nhất là hoàng hậu I-de-ven (x 1V 19,1-2). Cũng vậy, Gio-an Tẩy Giả đến loan báo thời đại của Thiên Chúa, chuẩn bị lòng dân đón đợi Đấng Cứu Thế mà bao lâu nay họ vẫn hằng mong đợi. Thế những cuộc sống trần gian của ông lại kết thúc trong tù, dưới sự phán quyết của vua Hê-rô-đê và hoàng hậu Hê-rô-đi-a. Đó là nét tương đồng giữa cuộc đời hai vị ngôn sứ lớn và cũng là tiên báo cuộc đời Đức Giê-su, Vị Ngôn Sứ Vĩ Đại.
Cuộc đời của mỗi Ki-tô hữu chúng ta cũng gắn liền với sứ vụ ngôn sứ. Qua bí tích Thanh Tẩy, chúng ta đón nhận ba sứ vụ của Đức Giê-su. Chúng ta đã bao giờ chịu đau khổ vì sứ vụ này chưa? Chúng ta đã bao giờ thao thức, trăn trở để nói lên Lời của Thiên Chúa, để cảnh tỉnh con người, để mời gọi người khác hoán cải và canh tân, để chuyển thông tình yêu Thiên Chúa cho người bên cạnh? Chu toàn sứ vụ này không bao giờ là điều dễ dàng. Vất vả, chống đối, đau khổ và cả hy sinh tính mạng là những điềm được tiên báo trước cho số phận của người ngôn sứ. Thế nhưng không vì thế mà ta nản chí sờn lòng. Nước Trời, điều mà các ngôn sứ rao giảng luôn là phần thưởng, là gia nghiệp không ai có thể lấy mất.

Lạy Chúa, mùa Vọng là thời gian hoán cải và canh tân đời sống. Lời Chúa hôm nay giúp chúng con nhìn lại cuộc sống mình để canh tân hầu xứng đáng đón đợi Chúa đến trong con mỗi ngày.

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

CÁI TÔI (Mt 11,16-19)

Tuần 2 Mùa Vọng - Thứ Sáu

16 Tôi phải ví thế hệ này với ai ? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, 17 và nói: "Tụi tôi thổi sáo cho các anh,/ mà các anh không nhảy múa;/ tụi tôi hát bài đưa đám,/ mà các anh không đấm ngực khóc than."
Con người được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa nhưng với sự khác biệt nhau. Mỗi người là một ngôi vị khác biệt với những nét độc đáo riêng. Đó là chưa kể sự khác biệt do hoàn cảnh lịch sử cá nhân và gia đình. Thế nhưng chính qua sự khác biệt đó mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta sống mối tương quan liên vị. Sống tương quan ngôi vị chính là cách thể thể hiện hình ảnh Thiên Chúa qua nơi bản thân mình.
Để sống mối tương quan này tốt đẹp, ta cần nhìn nhận và tôn trọng những khác biệt của nhau, những khác biệt đôi khi đến mức đối lập. Thế nhưng chính sự khác biệt đó lại cho thấy sự tự do và riêng biệt của mỗi người. Tương quan không có nghĩa là bắt người khác phải theo ý mình nhưng là kết nối chính những khác biệt để xây dựng một cái gì đó chung cục và tốt đẹp nhất.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su ví thái độ của “thiên hạ” (mà cụ thể là người Pharisêu và đa số dân chúng thời đó) giống như của lũ trẻ con. Trẻ con hay tôn mình lên. Chúng xây dựng thế giới quanh cái tôi của mình. Chúng lấy mình làm trung tâm để bắt người khác quy hướng về. Nhiều khi thái độ trẻ con này vẫn ở mãi trong ta. Chúng không trưởng thành theo dòng thời gian cùng với sự phát triển toàn diện. Chúng ẩn nấp đâu đó để rồi khi có cơ hội chúng lại trỗi dậy, bày tỏ cái tôi của mình, nhiều khi còn quyết liệt và lộ liễu hơn khi còn bé. Cũng có thể chúng thể hiện ra một cách tinh vi hơn, khéo léo hơn, nhưng nền tảng của chúng thì đã cắm sâu trong cõi lòng.
Bắt người khác chiều theo ý mình là nguyên nhân sự đổ vỡ các mối tương quan. Khi đó, người ta không còn quan tâm đến nhu cầu của người khác. Sự hờ hững và vô tâm sẽ len lỏi vào. Chúng rúc rỉa dần lương tâm con người và đổ vỡ tương quan là hệ quả tất yếu.

Lạy Chúa, xin cho con biết khiêm tốn cất đi cái tôi của mình để nhìn thấy nhu cầu của người khác, có như vậy, mọi mối tương quan con xây dựng nên mới tồn tại và phát triển cách tốt đẹp. Sống tốt các mối tương quan cũng là cách thể bày tỏ hình ảnh Thiên Chúa cho mọi người.

NGÀY 13: KÍNH THÁNH NỮ LUCIA

Ngày 13 tháng 12 là Lễ kính Thánh Nữ Lucia, trinh nữ tử đạo, năm 304. Bạn biết gì về vị Thánh này ? Tại sao gương của Thánh nữ lại quan trọng ? Đây là vài lý do:
Thứ nhất, có biểu tượng về tên của bà. Chữ Lucia có gốc từ tiếng Latin, nghĩa là ánh sáng – “Lux” hoặc “Lucis”. Lucia là vị Thánh của Ánh Sáng trong Mùa Vọng, Mùa Ánh Sáng. Ánh Sáng Mùa Vọng xuất hiện trong thời gian tối tăm trong năm. Với công việc tốt lành, sự trong sạch và tình yêu dành cho người nghèo, Thánh Lucia đã tỏa sáng ánh sáng thật của Sự Sống.
Thứ nhì, Thánh Lucia đối lập với Luxiphe. Luxiphe vốn là thiên thần, là “người mang ánh sáng” nhưng đã rơi vào thung lũng bóng tối. Luxiphe là ánh sáng sai lầm, còn Thánh Lucia phản chiếu ánh sáng thật của Ngôi Lời, Ánh Sáng Đức Kitô trong thế giới tối tăm và trụy lạc. Thánh Phaolô nói rằng các Thánh chiếu sáng như những vì sao trong đêm tối. Luxiphe được gọi là “Sao Mai Sáng” nhưng ánh sáng đó đã trở thành bóng tối khi ánh sáng chói lói của các Thánh chiếu tỏa.
Thứ ba, Thánh Lucia là vị Thánh của Ánh Sáng nhưng bà cũng “bị mất ánh sáng”, tức là bị mù. Tại sao ? Hồi đó, Lucia là cô gái xinh đẹp, có một anh chàng ngoại giáo nói yêu đôi mắt đẹp của Lucia, thế là Thánh nữ móc mắt mình cho người đó vì muốn giữ mình trọn đời đồng trinh vì Nước Trời. Do đó, Thánh Lucia là bổn mạng của những người khiếm thị. Thánh Lucia nhắc nhở chúng ta phải luôn cố gắng bước đi trên “con đường ánh sáng”, nghĩa là Thánh Lucia đã trao ánh sáng cho chúng ta !
Thứ tư, Thánh Lucia từ chối kết hôn với người ngoại giáo. Thời đó, ngoại giáo bị coi là tà giáo. Người ngoại giáo đó có quyền hành, chức tước, địa vị, của cải... Làm vợ người đó thì tương lai tươi sáng và rộng mở, nhưng Thánh Lucia vẫn nhất quyết từ chối. Đó là điều không dễ đối với một cô gái đẹp còn trẻ, vì sự cám dỗ về vật chất rất mạnh mẽ.
Thật xứng đáng để chúng ta yêu mến Thánh Lucia, vì bà đã không chịu thỏa hiệp. Thánh Lucia là một thiếu nữ nhưng sống như một anh hùng, một chiến binh can đảm vì Đức Kitô. Thánh Lucia nhắc chúng ta rằng nếu chúng ta không cương quyết thì chúng ta sẽ không được vào Nước Trời.
Lạy Thánh Nữ Lucia, xin nguyện giúp cầu thay. Amen.
TRẦM THIÊN THU, chuyển ngữ từ Patheos.com


Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

THỜI KỲ ÂN PHÚC (Mt 11,11-15)

Tuần 2 Mùa Vọng - Thứ Năm

11 "Tôi nói thật với anh em : trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.
Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đưa ông Gio-an ra làm bản lề để so sánh hai thời kỳ, thời kỳ của Cựu ước và Tân ước. Đức Giê-su khẳng định ông Gio-an chính là Ê-li-a, người phải đến để dọn đường cho Đấng Mê-si-a như Cựu ước đã tiên báo. Điều này được Đức Giê-su khẳng định lại thêm một lần nữa với ba môn đệ sau biến cố biến hình trên núi (x Mt 17,10-13). Với hình ảnh so sánh này, Đức Giê-su tự khẳng định Người chính là Đấng Mê-si-a đã được hứa ban. Cựu ước là thời kỳ để các ngôn sứ nói tiên tri nay đã chấm dứt. Mọi lời tiên báo đã được ứng nghiệm nơi bản thân Người. Người xuất hiện đã mở ra một thời đại ân phúc, thời của Vương quyền Thiên Chúa. Trong vương quyền đó, kẻ bé nhỏ nhất còn cao trọng hơn ông Gio-an, dù cho Gio-an là người cao trọng nhất trong số những phàm nhân đã lọt lòng mẹ nhưng dù sao ông vẫn thuộc về thế hệ cũ. Một thế hệ mà người ta dựa vào Lề Luật để sống hơn là dựa vào ân sủng Thiên Chúa.
Ngày nay, chúng ta đang sống trong thời kỳ ân phúc đó. Thời kỳ mà nhờ ân phúc của cái chết và sự phục sinh của Đức Giê-su, chúng ta được thánh hóa, được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su để làm chứng cho Người trên kắp cùng thế giới. Thế nhưng chúng ta có ý thức điều này không? Chúng ta đón nhận và sống ân phúc đó như thế nào? Chúng ta có để cho những ân phúc đó sinh hoa trái trong cuộc sống hằng ngày?
Dù là thời ký ân phúc, Đức Giê-su cũng xác định từ này Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh. Chỉ có ai mạnh sức mới chiếm được. Không phải chúng ta sống trong thời kỳ này là đương nhiên có được một vị trí trong Vương quốc Thiên Chúa. Nước Trời đòi hỏi mỗi người chúng ta phải chiến đấu hàng ngày, chiến đấu với những ham muốn xác thịt, với những đam mê trần tục, với những lựa chọn dễ dãi, nuông chiều bản thân; chiến đấu chống lại gian dối bất công. Với sức mạnh này, chúng ta không chỉ bảo đảm cho mình một chỗ trong Nước trời nhưng còn để góp phần xây dựng và mở mang nước đó ngay nơi trần gian này.

Xin Chúa cho con thêm sức mạnh để chiến đấu với xác tín rằng con không đơn độc trong cuộc chiến này nhưng luôn có ân sủng Chúa phù trợ con.

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐỜI TU: QUÀ TẶNG HAY ÂN SỦNG (1)



Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.



1.   TÂM LINH NHƯ MỘT HÀNH TRÌNH : ÂN SỦNG VÀ DẤN THÂN
Cái chìa khóa mà người tu sĩ chúng ta phải nắm bắt và theo đuổi tiến trình đời tu của mình cách tích cực chính là một ân sủng ưu việt, đòi chúng ta phải mở lòng mình ra qua hai cách đáp trảnghe theo.
“Hành trình tâm linh” của một tu sĩ là kết quả tuyệt vời của cuộc đối thoại trong tự do từ cả hai phía : Thiên Chúa và con người. Điều này có thể được giải thích theo những thuật ngữ trong hai khung cảnh Tin Mừng liên quan đến Phê-rô : Đầu tiên là việc thoát khỏi tù cách lạ thường (x. Cv 12, 1-11) ; thứ đến là nỗ lực của ông đi trên mặt biển hồ Ga-li-lê (x. Mt 14, 25-32).
1.1.      Hai khung cảnh Tin Mừng
khung cảnh đầu tiên chúng ta biết Phê-rô đang ở tù. Thiên sứ của Chúa đánh thức ông, giải thoát ông khỏi xiềng xích, mở mọi cửa nẻo cho ông, và cả cổng thành. Phê-rô được trao tặng con đường toàn vẹn dẫn đến tự do. Đây được xem như là món quà tinh tuyền mà Phê-rô nhận được. Thiên sứ chỉ cho ông cơ hội tuyệt vời này bằng những từ ngữ mang tính mệnh lệnh sau : “đứng dậy mau đi…, mặc quần áo vào…, xỏ dép vào…, khoác áo choàng vào…, đi theo tôi !”. Điều duy nhất đòi nơi Phê-rô là hãy đặt niềm tin vào người báo cho ông sự giải thoát, và ông phải có ước muốn được giải thoát mạnh mẽ. Phê-rô sẽ phải cất bước hướng đến tự do, được thúc đẩy bởi niềm tin, và tín thác rằng sự giải thoát sẽ được tỏ lộ khi ông vượt qua mọi thử thách có thể xảy ra trong hành trình đạt đến mục tiêu. Và thực ra, Phê-rô đã chấp nhận mọi rủi ro, đã tín thác vào Người ban cho ông cơ hội thoát khỏi ngục tù nhờ vào sự tín thác của ông.

CON CHIÊN LẠC (Mt 18,12-14)

Tuần 2 mùa Vọng – Thứ Ba

12 "Anh em nghĩ sao ? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao ? 13 Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. 14 Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.

Con người được tạo dựng và ở trong vườn địa đàng để vui sống trong tình yêu Thiên Chúa, thế nhưng ngay từ đầu, con người đã chiều theo khuynh hướng đi hoang của mình. Ông bà nguyên tổ đã bất tuân để đi ra khỏi vườn địa đàng, chạy xa khỏi vòng tay yêu thương của Đấng Tạo Hóa. Con người ngỡ rằng mình đi hoang để tìm được hoa thơm cỏ lạ nhưng rốt cuộc chỉ là gai góc xót xa.
Thiên Chúa yêu thương không đành lòng nhìn con cái mình mãi bước trong lầm lạc. Người đã cất bước lên đường, khởi đầu hành trình cứu độ. Lịch sử cứu độ là lịch sử đi tìm con chiên lạc. Thiên Chúa tìm thấy con chiên lạc, âu yếm đặt chúng lên vai vác về, nhưng rồi đâu lại vào đó, con người lại quen bước ra đi. Những bước chân ra đi và trở về đã tạo nên hành trình cứu độ. Đó là hành trình của những con chiên lạc và của Thiên Chúa yêu thương.
Lời tâm sự của thánh Augustin có lẽ cũng là lời xét mình cho mỗi chúng ta. Thiên Chúa đang chờ đợi con trong chính cõi lòng mình nhưng con lại mãi mê tìm Chúa bên ngoài. Hay như thánh Phaolô đã cảnh báo: Chúa của chúng ta là cái bụng. Do đó chúng ta mãi mê tìm Chúa trong những thú vui trần thế: nào là tiền bạc, danh lợi, quyền lực; nào là những bận tâm lo âu tầm thường. Chúng ta để cho những lo toan cuộc sống choán đầy tâm trí; chúng ta để cho những mối lo sợ lấn át; chúng ta để cho nỗi thất vọng len lõi. Rốt cuộc, chúng ta vẫn mãi bước những bước chân lầm lạc trong khi Thiên Chúa vẫn mãi đi tìm.
Mùa Vọng là thời gian Giáo hội mời gọi mỗi người chúng ta dừng những bước lầm lạc để chờ đợi và đón gặp Thiên Chúa. Chúa đã đến trần gian và Người sẽ còn đến một lần nữa. Chúa không muốn để lạc mất một con chiên nào! Chúa sẽ tạo mọi cơ hội cho mỗi người chúng ta bước trở về. Nếu chúng ta không tận dụng cơ hội thì chính chúng ta đã chủ động bước ra khỏi tình yêu của Người.
Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức Chúa đang mời gọi và tạo cơ hội cho chúng con trở về với Chúa. Tình thương Chúa luôn rộng mở để ốm ấp chúng con vào lòng như người mục tử vui mừng ôm ấp con chiên lạc. Xin cho chúng con biết quay đầu trở về cùng Chúa.



Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

MÙA VỌNG LÀ GÌ?



Trong tiếng Việt, vọng có nghĩa là “mong chờ”. Như vậy, mùa Vọng được hiểu là mùa mong chờ Chúa đến. Tuy nhiên, trong tiếng La tinh, mùa Vọng là Adventus có nghĩa là “đến”. Như vậy đây là mùa Chúa đến. Việc Chúa đến được hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất nhắc lại biến cố Chúa Nhập thể cách đây hơn 2000 năm, nghĩa thứ hai được hiểu là việc Chúa đến trong thời cánh chung.
Với hai ý nghĩa này, các bài đọc Sách Thánh trong các Chúa nhật mùa Vọng được chọn để làm nổi bật cả hai chủ đề này. Các bài đọc của Chúa nhật thứ nhất đề cập đến việc Chúa đến trong biến cố quang lâm và mời gọi mọi người chuẩn bị sẵn sàng cho biến cố đó. Các bài đọc của các Chúa nhật còn lại giới thiệu mẫu gương của những người sẵn sàng đón chờ Chúa Cứu Thế như Gio-an Tẩy Giả (Chúa nhật thứ 2 và 3) hay Đức Ma-ri-a (Chúa nhật thứ 4).
Cũng vậy, mùa Vọng được chia làm hai phần với móc phân chia là ngày 17/12. Phần thứ hai, từ là một tuần trước áp lễ Giáng Sinh, các bài đọc thường trích từ “Tin Mừng thời niên thiếu” hoặc là đề cập trực tiếp đến biến cố truyền tin. Điều đó cho thấy phụng vụ trong thời gian này được chọn lựa với mục tiêu chuẩn bị cho lễ giáng sinh đã gần kề.
Như vậy, mùa Vọng (Adventus) là mùa hướng lòng về ngày Chúa Kitô sẽ lại đến trong vinh quang để xét xử thế giới và con người, nhưng gần hơn cả là chuẩn bị tâm hồn và đời sống để mừng mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh. Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta nhìn lên Chúa, Đấng đang đến với chúng ta mỗi giây phút và một cách đặc biệt khi ‘Người sẽ lại đến trong vinh quang’.
Tài liệu tham khảo
Phan tấn Thành, O.P. Hiểu để sống đức tin, tập 1

TÍN ĐIỀU VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI



Dẫn nhập
Nếu như hai tín điều đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và Trọn Đời Đồng Trinh được Giáo hội tuyên xưng từ rất sớm (vào thế kỷ thứ IV), thì hai tín điều Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội và hồn xác lên trời mới được Giáo hội tuyên xưng vào thế kỷ XIX và XX. Điều đó không có nghĩa là hai tín điều này mới được mạc khải nhưng vì Giáo hội cần một thời gian suy tư dưới sự soi sáng của Chúa Thánh thần mới có thể hiểu nội dung súc tích của các tín điều này.
Lịch sử hình thành tín điều[1]
Ngay từ thời các giáo phụ, người ta đã ghi nhận sự thánh thiện của đức Maria nhưng không mấy ai đặt vần đề đức Maria thánh thiện (được khỏi tội) từ lúc nào. Thánh Anselmô là người khởi đầu cho những cuộc khảo luận thần học về đức Maria vô nhiễm. Ngài nêu lên vấn nạn: nếu đức Maria được sạch tội ngay từ lúc thụ thai thì hóa ra người không cần đến ơn cứu chuộc hay sao? Và rồi ngài trả lời rằng đức Maria được hoàn toàn cứu chuộc ngay từ trước khi sinh ra. Tuy nhiên không phải tất cả các nhà thần học đều đồng ý với lập luận ấy vì những vấn nạn về ơn cứu chuộc. Gulielmô de Ware và Gioan Scôtô giải quyết vấn nạn bằng cách phân biệt giữa ơn thánh “rào đón” và ơn thánh “chữa trị”. Cả hai đều là hiệu quả ơn cứu chuộc của Đức Kitô nhưng đức Maria được ơn “dự phòng”, nghĩa là người được giữ gìn khỏi tội vì nhắm thấy trước những công nghiệp của đức Kitô. Vào năm 1661, đức Giáo hoàng Alexandrô VII cho rằng đạo lý đã có tính cách phổ quát và cấm nói ngược lại. Vào năm 1849 sau khi tham khảo ý kiến của tất cả các Giám mục hoàn cầu, tín điều đức Mẹ vô nhiễm đã được công bố ngày 8/12/1854.[2]

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

SỨ VỤ MỤC TỬ (Mt 9,35-10,1.6-8)

Tuần I Mùa Vọng - Thứ Bảy

36 Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. 37 Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng : Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. 38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về."
10 1 Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.8 …Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.
Hình ảnh đám đông bơ vơ vất vưởng không người chăn dắt gợi nhớ đến một hình ảnh trong sách Êdêkien chương 34, nơi mô tả một đàn chiên tan tác vì mục tử chỉ biết bản thân mình chứ không chăm lo cho đàn chiên. Trong bối cảnh đó, Thiên Chúa hứa ban một vị mục tử nhân lành, người ssẵn sàng hy sinh bản thân mình để bảo vệ đàn chiên khỏi sói dữ đang gầm gừ đêm ngày. Hình ảnh Đức Giê-su “chạnh lòng thương” chính là hình ảnh vị mục tử nhân lành đã được hứa ban.
Người chăm lo cho đàn chiên bằng cách giảng dạy, loan báo tin vui, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, thắp lên niềm hy vọng. Không chỉ vậy, người còn tuyển chọn các môn đệ và ban cho các ông quyền chữa lành mọi bệnh tật cũng như khử trừ ma quỷ. Nhiệm vụ của các ông cũng là rao giảng Nước Trời đã gần đến. Như vậy, các ông được mời gọi cộng tác với Đức Giê-su trong sứ vụ chăm lo cho đàn chiên, cả phương diện giảng dạy cũng như chữa lành. Sự vụ của các ông không khác với sứ vụ của Đức Giê-su chỉ có quyền năng là các ông lãnh nhận từ Đức Giê-su. Các ông ra đi nhân danh Đức Giê-su. Các ông đã được cho không thì các ông cũng phải cho không. Các ông không lãnh nhận chỉ để giữ cho riêng mình. Vì sứ vụ mà các ông đã được ban cho. Các ông còn được mời gọi cầu nguyện để Cha trên trời ban cho nhiều thợ gặt khác nữa vì cánh đồng lúa chín thì nhiều.
Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi cộng tác vào sứ vụ của Đức Giê-su. Chúng ta cũng lãnh nhận được nhiều ơn lành từ Thiên Chúa. Những ơn đó không được để trở nên vô hiệu nhưng phải được sử dụng để sinh thêm nhiều hoa trái. Cánh đồng lúa vẫn bát ngát mênh mong, nhiều đàn chiên Chúa vẫn đang bơ vơ thiếu người chăm sóc. Lời mời gọi cộng tác của Đức Giê-su trở nên tha thiết hơn bao giờ hết.

Xin Chúa cho Giáo hội ngày càng có nhiều thợ gặt lành nghề trong cánh đồng truyền giáo để đến mùa gặt, những bó lúa vàng trĩu hạt được gặt về cho Chúa. Xin cho đàn chiên Chúa luôn được các mục tử chăm sóc giữ gìn khỏi mọi cạm bẩy và luôn an vui với những đồng cỏ xanh tươi.

HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (6)

ĐỒNG NHẤT VỚI ĐỨC KITÔ
QUA BỆNH TẬT VÀ CÁI CHẾT
Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.
Khái niệm sứ vụ thường bị giản lược chỉ còn là một “hoạt động” thì khái niệm ấy không đầy đủ. Nếu rơi vào trường hợp ấy, sứ vụ lúc ấy chỉ tồn tại khi có những hoạt động tông đồ nào đó được thực hiện ; sứ vụ được đồng nhất với hoạt động tông đồ hay chỉ là thói quen. Quả thực sứ vụ là “hoạt động”, nhưng cũng là “cuộc khổ hình”.
Đức Giêsu, trong khi chịu đựng đau đớn một cách kiên nhẫn trên Thập giá, đã đưa sứ vụ của Người đến sự hoàn trọn trong trường hợp hoàn toàn bị động, trong khoảnh khắc vừa đủ thốt lên, trong giây phút chẳng thể mang đến cho ai niềm an ủi. Chính trong khoảnh khắc ấy mà Người đã kêu lớn tiếng rằng : “mọi sự đã hoàn tất”. Chúng ta hãy chịu đựng bệnh tật, đau khổ bằng sự khiêm tốn và vâng phục hướng về tình yêu nơi Thiên Chúa, để nhận ra rằng qua những đau khổ chúng ta lấp đầy những gì là thiếu thốn trong nỗi đau của Đức Kitô. Khi đó chúng ta hãy cho thấy sự kiên nhẫn tuyệt vời để hứng chịu bệnh tật hay bất kỳ thiếu thốn nào đó do sự nghèo nàn của chúng ta. Bằng cách này chúng ta có thể thuyết phục người khác bằng chính đời sống chứng tá của chúng ta.