Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Tóm lược Sứ Điệp Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo 2013 của ĐTC Phanxicô

Ngày Khánh nhật Truyền giáo năm nay diễn ra trong bầu khi kết thúc Năm Đức tin, đây là cơ hội tốt để chúng ta củng cố tình bằng hữu với Thiên Chúa.


1. Đức tin là một hồng ân cao quý mà Thiên Chúa đã ban để chúng ta được thông dự vào sự sống của Ngài cũng như làm cho đời sống ta ý nghĩa hơn. Là hồng ân, đức tin cần được đáp trả với lòng biết ơn, can đảm và phó thác. Hồng ân này được ban cho tất cả mọi người và chia sẻ hồng ân này là bổn phận của mọi Ki-tô hữu. Do vậy, không thể tách việc rao giảng Tin Mừng ra khỏi việc làm môn đệ Đức Kitô. Mức độ đức tin của chúng ta, dù là cá nhân hay cộng đoàn, được đo lường qua khả năng thông truyền đức tin cho người khác.

2. Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh đến bổn phận truyền giáo của mỗi Ki-tô hữu (Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân) và mỗi cộng đoàn (giáo phận, giáo xứ, dòng tu, các đoàn thể). Đặc tính của truyền giáo không dừng lại ở ranh giới địa lý, ở các dân tộc hay các nền văn hóa nhưng là ở tâm hồn của mỗi người.

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Thiên Chúa lớn hơn các "Gôliat"

Ngài ban sức mạnh để chúng ta chiến thắng những nỗi sợ hãi.

Ai có thể quên những sự kiện ngày 11.09.2001? Chúng đã đóng dấu trong ký ức chúng ta, và như các biến cố lớn khác, chúng đã góp phần định hình cách chúng ta nhìn thế giới. Ngày kỷ niệm những cuộc tấn công này – và nhiều hoạt động khác đã diễn ra trên toàn thế giới kể từ sau đó - là cơ hội để suy tư về phản ứng và sự đáp trả của chúng ta đối với bất kỳ loại đe dọa hay nguy hiểm nào rõ ràng như thế.
Đó có thể là một mối đe dọa trên toàn cầu như khủng bố quốc tế, chiến tranh, hoặc khả năng của một đại dịch. Nó cũng có thể là một cái gì đó rất cá nhân như một sự cám dỗ nội tâm mà chúng ta dường như không thể vượt qua hoặc một cuộc khủng hoảng gia đình như vấn đề con cái hay tài chính, hoặc là một cuộc hôn nhân đổ vỡ chẳng hạn.
Khi đối diện với các thách thức như thế, chúng ta thường có ba lựa chọn. Trước hết, có thể chúng ta không hành động hoặc là do dự vì sự sợ hãi làm cho tê liệt. Thứ hai, có thể chúng ta cố gắng lãng tránh các vấn đề và tiếp tục như không có gì thay đổi. Hoặc thứ ba, chúng ta có thể phải đối mặt với vấn đề, cương quyết làm tất cả những gì có thể để vượt qua. Dĩ nhiên, chúng ta biết đó là con đường cao thượng hơn để thực hiện, nhưng nó vẫn có vẻ rất đáng sợ. Vì vậy, chúng ta hãy xem một câu chuyện từ Cựu Ước cho thấy làm thế nào một người nhỏ bé có thể thực sự thay đổi tiến trình của các sự kiện lớn hơn mình rất nhiều.
Thách thức chống lại Thiên Chúa: Vùng đất người Canaan khoảng năm 1000 trước Công nguyên, người Do Thái dưới thời vua Saun đã bị kẻ thù của họ là người Philitinh quấy rối liên tục, nhuệ khí của họ suy giảm. Hai bên dàn trận trong một trận chiến, bên này đợi bên kia xuất quân trước. Cuối cùng, người Philitinh cử nhà vô địch của họ, một chiến binh mạnh mẽ tên là Gôliat. Ngày qua ngày, hắn thách thức Ítraen gửi nhà vô địch đến chiến đấu với hắn. Ai thắng trong trận đánh đối đầu này sẽ giành chiến thắng cho toàn bộ quân đội của mình, và quân đội của kẻ thua cuộc sẽ trở thành nô lệ.

Khát khao cầu nguyện (Lc 11,1-4)

Tuần XXVII – Thứ Tư


Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người : "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông."

Cầu nguyện là nhu cầu không thể thiếu đối với con người, nhất là trong tương quan với Thiên Chúa. Bởi cầu nguyện là lúc con người trò chuyện với Thiên Chúa, thân thưa với Ngài những tâm tư, tình cảm của mình; chia sẻ với Ngài những uất ức hay sướng vui, những lo toan hay hân hoan trong cuộc sống.
Tin Mừng Luca nhiều lần đề cập đến đời sống cầu nguyện của Đức Giê-su. Người thường tách riêng ra một mình để cầu nguyện. Trước những biến cố quan trọng, Người thức suốt đêm để cầu nguyện. Đời sống cầu nguyện của Đức Giê-su đã tác động các môn đệ, đã khơi lên nơi các ông nhu cầu sâu thẳm nhất của con người, khiến các ông phải chủ động đến xin Đức Giê-su dạy mình cầu nguyện.
Thường xuyên quì gối cầu nguyện say đắm cầu nguyện trong nhà thờ, nhà bác học Ampère (1775-1836) đã gây sự chú ý cho một chàng sinh viên. Lần nọ, chàng mạnh dạn tiến đến hỏi nhà bác học, để trở thành một nhà khoa học vĩ đại hay là trở thành một con người cầu nguyện, điều nào dễ hơn. Ampère đã khiêm tốn trả lời: con người chỉ trở nên vĩ đại khi cầu nguyện mà thôi!
Có bao giờ đời sống cầu nguyện của chúng ta khiến cho ai khác phải tò mò tìm hiểu? Việc cầu nguyện của chúng ta có giúp đưa người khác đến gần Thiên Chúa, có khơi lên nơi người khác một khát khao nào đó cần thỏa lấp? Chỉ khi chính chúng ta đã chìm đắm trong cầu nguyện, đã khỏa lấp nỗi khát khao của chính mình thì ta mới có thể tác động nơi người khác bằng chính đời sống cầu nguyện của ta.


Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Ở lại và lắng nghe (Lc10,38-42)

Tuần XXVII - Thứ Ba

40 Cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói : "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao ? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay !" 41 Chúa đáp : "Mác-ta ! Mác-ta ơi ! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá ! 42 Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi."

Một nhóm sinh viên lên kế hoạch đi thăm các cụ già neo đơn. Tôi hỏi các em đã chuẩn bị những gì. Các em đáp chẳng có gì nhiều, chủ yếu là đến trò chuyện và lắng nghe họ chia sẻ. Vâng! Người ta thường bảo người già hay nói nhiều. Cũng phải thôi khi họ sống trong cảnh neo đơn, một đời trải qua với bao kinh nghiệm, bao tâm tư vậy mà có mấy ai chịu ngồi lại với họ để nghe họ chia sẻ. Được chia sẻ và có người lắng nghe họ chia sẻ là một nhu cầu và ước muốn lớn của các cụ. Ngược lại, ở lại và lắng nghe người khác chính là cách thức bày tỏ tình yêu. Đó cũng là điều mà Đức Giê-su đã đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay.
Tất bật phục vụ khách ghé nhà là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Do thái. Chính tổ phụ Apraham cũng tự tay lấy nước và rửa chân cho ba người khách (x. St 18,4). Matta kế thừa truyền thống của dân tộc và cô cho như thế là cách phục vụ tốt nhất. Tiếc cho cô là thời đại đã đổi thay! Đức Giê-su đến đã đưa ra một cách thức phục vụ mới, đó là ở lại bên nhau và lắng nghe nhau. Đức Giê-su không nói lựa chọn của Matta là sai, nhưng nó sẽ tốt hơn nếu cô không quá lo lắng đến nỗi bỏ qua điều quan trọng là “ở lại và lắng nghe”.
Ở lại và lắng nghe là hành động của những tâm hồn thực sự yêu nhau. Vì yêu thương, họ không hề hối tiếc thời gian hay bất cứ điều gì khác để được ở bên nhau và lắng nghe nhau. Đời sống đức tin cũng mời gọi chúng ta ở lại bên Chúa để lắng nghe Chúa cũng như ở lại bên tha nhân để lắng nghe tha nhân. Đó cũng là cách thức sống điều răn mến Chúa yêu người vậy!
Chúa đã mời gọi “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9), xin cho chúng con luôn ở lại để lắng nghe và cảm nghiệm tình thương của Chúa, nhờ đó, chúng con có thể ở lại và chia sẻ tình thương Chúa cho anh chị em mình.

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Ai là người thân cận của tôi ? (Lc 10, 25-37)

Tuần XXVII - Thứ Hai


25 Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng : "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?" 26 Người đáp : "Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào ?" 27 Ông ấy thưa : "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." 28 Đức Giê-su bảo ông ta : "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống."
29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng : "Nhưng ai là người thân cận của tôi ?" 30 Đức Giê-su đáp : "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp...  36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?" 37 Người thông luật trả lời : "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giê-su bảo ông ta : "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."

Bài Tin mừng ngày hôm nay đưa chúng ta vào trọng tâm của giáo lý Do Thái giáo và Ki-tô giáo. Thực vậy, nhà thông luật đã đại diện cho toàn thể các tín hữu mọi thời đại để hỏi Đức Giê-su (dù cho ông chỉ muốn thử Người) câu hỏi quan trọng nhất: Phải làm gì để được sự sống đời đời? Qua câu trả lời của chính ông, một cách gián tiếp, Đức Giê-su cũng trả lời cho tất cả chúng ta bằng cách nhắc lại điều răn của Cựu Ước. Một điều răn căn bản mà hầu như tất cả mọi người đều biết, đó là luật mến Chúa và yêu người mà Cựu Ước đã thường xuyên nhắc đi nhắc lại.
Tuy nhiên nhà thông luật đã nêu lên một vấn nạn quan trọng, đó là: Ai là người thân cận của tôi? Theo ngôn ngữ tiếng Việt, người thân cận ám chỉ những người bà con trong gia đình, chòm xóm láng giềng gần gũi hay bạn bè thân thuộc. Xa hơn nữa, người thân cận ám chỉ những người nghèo khổ khó khăn cần sự giúp đỡ. Đây cũng chính là quan niệm của người Do Thái.

Kinh Mân Côi, Kinh Hòa Bình

Tuy việc lần hạt Mân Côi đã có từ thời Trung cổ nhưng lễ kính Đức Mẹ Mân Côi mới được đức Piô V, một tu sĩ Dòng Đa Minh, thành lập năm 1573[i], để tạ ơn Thiên Chúa sau cuộc chiến thắng của đạo quân Công giáo ở Lepanto[ii] vào ngày 07.10.1571. Để quãng bá ngày lễ này, Dòng Đa Minh đã dành ra 15 ngày thứ Bảy và một tháng trước đó để chuẩn bị. Thay vì dâng hoa như trong tháng 5, việc đạo đức chính trong tháng 10 là lần hạt Mân Côi. Tại các nhà thờ Dòng Đa Minh, các cha cũng lợi dụng dịp này để thuyết giảng không những về Đức Ma-ri-a mà còn về toàn bộ đức tin Ki-tô giáo, tóm lại trong 15 mầu nhiệm kính nhớ việc Nhập thể và Cứu chuộc của Đức Ki-tô. Tục lệ này được đẩy mạnh hơn nữa vào hai thế kỷ 19 và 20 cùng với những lần Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức và Fatima.
Hội Mân Côi đã được cha Michele Francois, một tu sĩ Dòng Đa Minh chính thức thành lập tại thành phố Koeln, nước Đức ngày 08.09.1475. Nhờ sự rao giảng của các cha Dòng Đa Minh, Hội Mân Côi nhanh chóng truyền bá đi khắp nơi. Vào ngày 07.10.1571, các hội viên Hội Mân Côi tụ họp nhau cầu nguyện, xin Đức Ma-ri-a ban ơn thắng trận. Vì thế Đức Giáo hoàng nhìn nhận chiến thắng này là hồng ân nhờ lời chuyển cầu của Đức Ma-ri-a.
Ngày nay, Giáo hội khuyến khích đọc kinh Mân Côi để cầu nguyện cho hòa bình.trong Tông thư Kinh Mân Côi được Đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 25.10.2002 có đoạn viết : “Một số hoàn cảnh lịch sử cũng khiến cho việc phục hồi Kinh mân nên hợp thời. Trước tiên, nhu cầu nài xin Thiên Chúa ban cho ơn bình an. Kinh mân côi đã được các vị tiền nhiệm của tôi và chính tôi nhiều lần đề nghị như một lời kinh cầu cho hoà bình. Vào lúc khởi đầu một ngàn năm mới với biến cố tấn công gây kinh hãi ngày 11.9.2001, chứng kiến mỗi ngày tại nhiều miền trên thế giới những cảnh đổ máu và bạo lực, khám phá lại Kinh mân côi có nghĩa là chìm sâu vào việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm Đức Ki-tô Đấng là bình an của chúng ta, bởi vì Người đã liên kết đôi bên thành một, và phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét (Ep 2,14). Vì thế, ta không thể đọc Kinh mân côi mà không cảm thấy thôi thúc dấn thân cách cụ thể để kiến tạo hoà bình, đặc biệt tại quê hương Đức Giê-su, đang bị thử thách nặng nề và đặc biệt gần gũi trong trái tim của mọi ki-tô hữu.” (số 6).

Tài liệu tham khảo
Phan Tấn Thành, O.P., Hiểu để sống đức tin, tập 1
Tông thư Kinh Mân Côi




[i] Đức Piô V bày tỏ ước muốn thiết lập lễ này nhưng ngài lại qua đời sớm, một năm sau, người kế nhiệm là Đức giáo hoàng Grêgôriô III chính thức thiết lập.
[ii] Sự bành trướng của Hồi giáo là nguy cơ lớn cho sự tồn tại của Ki-tô giáo. Đức Giáo hoàng Piô V đã phải đứng ra lập một liên quân Công giáo để chống lại sự bành trướng này. Trước khi lâm trận, ngài đã tổ chức tại Rôma ba ngày rước kiệu và đền tội. Ngài cũng kêu gọi các hồng y ăn chay mỗi tuần một ngày để cầu nguyện.

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

VIỆC BỔN PHẬN (Lc 17, 7-10)

Đức Giê-su nói: "Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó : 'Mau vào ăn cơm đi', chứ không bảo : 'Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau !' ?  Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao ? Đối với anh em cũng vậy : khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói : chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi."


Thuyết chính danh
Nho giáo đề cao thuyết chính danh: quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử, nghĩa là mỗi người phải sống đúng theo danh phận của mình thì xã hội sẽ tốt đẹp. Chồng sống cho ra chồng; vợ sống cho ra vợ; cha sống cho ra cha; con sống cho ra con. Ngày nay, thuyết này chẳng còn mấy ai lưu tâm nữa, đó là nguyên nhân của những bi kịch vẫn xảy ra hàng ngày: chồng bạo lực với vợ, vợ lừa chống, con đánh giá, cha giết con, v.v..
Suy niệm
Bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su nhắc nhở việc bổn phận của mỗi người trong cuộc sống. Mỗi người đều có những bổn phận riêng của mình, cần phải chu toàn với lòng khiêm tốn chứ không phải để đòi công trạng.

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Sứ điệp bình an (Lc 10, 1-9)

Tuần XXVI - Thứ Năm

Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!”
Bài Tin mừng hôm nay tường thuật lại việc Đức Giê-su sai bảy mươi hai môn đệ ra đi. Sau một thời gian ở với Chúa, được nghe những lời Chúa giảng, được chứng kiến những dấu lạ Người làm, nay đến lượt các ông được sai đi để dọn đường cho Chúa. Ở đây, không phải Đức Giê-su sai mười hai tông đồ nhưng là sai bảy mươi hai môn đệ. Điều này cho thấy tính phổ quát của sự việc. Đức Giê-su cần nhiều người cộng tác với Người trong việc đi đến các làng mạc mà loan báo sứ điệp của Chúa.
Điều này vẫn còn đúng trong thời đại ngày nay. Chúa đang cần nhiều cánh tay để tiếp nối sứ vụ của Chúa trong trần gian này. Chúng ta, những người Ki-tô hữu, nhờ Giáo hội và qua Giáo hội, chúng ta đã đến với Chúa, đã nghe những lời Chúa giảng, đã biết những việc Chúa làm, đã được Chúa ngự vào lòng qua bí tích Thánh Thể, đến lượt chúng ta cũng được sai đi để làm sứ giả cho Chúa. Đây là niềm hạnh phúc và là trách nhiệm của mỗi người chúng ta, vì sứ mạng truyền giáo của Giáo hội cũng là sứ mạng của mỗi thành viên. Sứ mạng của chúng ta ngày nay không nhất thiết là phải đi từ làng này đến làng khác nhưng là chính trong môi trường sống của chúng ta. Miễn sao nội dung của sứ điệp vẫn là “bình an cho nhà này!”.

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Các thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng

Ngày 02: Các thiên thần hộ thủ

Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá. (Tv 91,11-12). Lời này phải khơi dậy nơi bạn lòng cung kính, đem lại cho bạn lòng sùng mộ, và truyền đạt cho bạn niềm tin tưởng lớn lao biết chừng nào! Cung kính vì sự hiện diện của các ngài, sốt sắng vì lòng nhân từ của các ngài, tin tưởng vì được các ngài bao bọc chở che (Bài giảng của thánh Bênađo, viện phụ).

Quả thật, lời Thánh vịnh thật ngọt ngào biết bao: con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm (Tv 8,5 ). Dù con người tội lỗi và hay phản bội, thế nhưng Chúa đã cho Con Một đến để cứu độ, đã ban Thánh Thần để dẫn dắt và truyền cho thiên sứ giữ gìn ngày đêm. Rồi đây, con người sẽ cùng với các thiên sứ cất tiếng ca tụng Chúa trong Thành Đô của người.

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Giữa lòng Hội thánh, tôi sẽ là tình yêu

Ngày 1: Thánh Têrêxa Hài đồng Giê-su

Nếu Hội thánh là có một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, thì hẳn Hội thánh không thể thiếu chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất. Em hiểu rằng Hội thánh có một trái tim và trái tim đó bừng cháy tình yêu. Em hiểu rằng chỉ có tình yêu mới làm cho các phần tử của Hội thánh hoạt động và nếu tình yêu tắt ngúm thì các Tông đồ sẽ chẳng loan báo Tin Mừng nữa, các vị tử đạo sẽ chẳng đổ máu mình ra…(trích sách Tự thuật của thánh Têrêxa Hài đồng Giê-su).

Têrêxa sinh năm 1873 và mất năm 1897 tại Pháp, trong một gia đình có 9 người con, tuy nhiên chỉ có 5 cô con gái còn sống. Điều tuyệt vời là cả 5 cô đều đi tu! Mới bốn tuổi, mẹ Têrêxa qua đời, thế là chị lớn lên trong vòng tay yêu thương của người cha. Với quyết tâm tận hiến đời mình cho Chúa, chị đã xin vào Đan viện Cát Minh khi mới 15 tuổi. Vì chưa đủ tuổi nên chị đã xin đặc ân của Đức Giáo hoàng. Năm 24 tuổi chị qua đời trong tu viện. 28 năm sau, chị được Đức Giáo hoàng Piô XI phong hiển thánh, và đặt làm quan thầy các xứ truyền giáo. Sau đó chị được đặt làm quan thầy thứ hai của nước Pháp. Năm 1997, chị được Đức Gioan Phaolô II phong tiến sĩ Hội thánh. Con đường nên thánh của Chị có thể tóm lại trong hai chữ: Tình Yêu.