Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

HẬU PHỤC SINH


Còn hơn một tiếng nữa mới bắt đầu nghi thức Thứ Bảy Tuần Thánh, mình tranh thủ đi dạo một vòng trong làng. Từ xa đã thấy hai người đàn ông đang ngồi ngay trước cổng đường vào nhà thờ. Mình tiến lại bắt chuyện:
-         Hai anh ăn cơm chưa mà ngồi đây?
-         ồ, nhà có cái gì ăn đâu! Nhà nghèo lắm! lâu lâu có tí rau thôi chứ đâu có gì đâu!
Người đàn ông có vẻ lớn tuổi hơn trả lời. Giọng rụt rè.
Người còn lại điệu đứa con nhỏ, thậm chí chẳng thèm nhìn mình. Tay cầm hộp xôi – có lẽ mua ở đâu đó.
-         ồ, có xôi ăn là ngon rồi!
Đang tính kéo dài thêm câu chuyện thì đứa bé con chú Giáo phu gọi to,
-         cha ơi, về ăn cơm.
-         ừ, cha về ngay.
Mình đành chào hai ông để về thì cả hai đều mở to mắt nhìn mình.
- Cha hả, vậy mà cứ tưởng là công an
- Tưởng công an! Vậy hai hôm nay các ông không đi lễ à?
Hỏi thì hỏi vậy thôi chứ mình cũng phải về ngay, phần để nhà chú Giáo phu khỏi phải đợi, phần để tránh cho hai ông khỏi ngại.
Thế nhưng mình cũng cứ thắc mắc trong lòng, ngay trước đường vào cổng nhà thờ mà sao không nhận ra mình, khi mà mình đã ở đây hai ngày rồi!
Mình đem thắc mắc nói với chú Giáo phu thì được biết hai người đó trước đây cũng là người công giáo, sau theo lời xúi giục đi theo lạc giáo hmon. Bây giờ về làng nhưng mặc cảm, chưa hòa nhập được với dân làng.
Trong làng hiện còn khoảng 20 gia đình trong tình trạng như thế. ngay cả mẹ và chị chú Giáo phu cũng thuộc dạng này. Họ sống mặc cảm, cô lập. Con cái họ cũng thế, không học hành, đời sống khó khăn thiếu thốn vả về vật chất (vì trước đây họ cha rằng sắp tận thế - thời điểm năm 2000 – nên bỏ bê không lo làm ăn, kéo theo ảnh hưởng lâu dài) lẫn tinh thần, nhất là đời sống đức tin.
Nghe câu chuyện mà lòng thấy xót xa. Nghi thức Phục sinh sau đó diễn tiến tốt đẹp nhưng lòng mình vẫn không thấy thoải mái lắm. Nghe nói đêm nghi thức vài người trong nhóm họ cũng đi tham dự nhưng chỉ đừng ở đàng xa. Mình biết, Đấng Phục sinh sẽ không bỏ rơi họ nhưng làm thế nào để họ nhận ra điều đó.
Lúc chia tay bà còn, mình có nói gần nói xa với bà con như một lời nhắn nhủ. Hy vọng bà con sẽ là ánh lửa tiếp nối ánh lửa Phục sinh để sưởi ấm tâm hồn những anh chị em chưa hiệp nhất trọn vẹn với chúng ta.
Chia tay bà con mà lòng còn vẫn còn chút gì đó chưa trọn!


Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

LÁ…


Nay non mơn mởn… mai sẽ già, sẽ vàng, sẽ héo, sẽ rụng, sẽ mục nát!
Cầm nhành lá trên tay… ta được nhắc nhở về sự đổi thay của con người.
Tiếng hò reo tung hô Vua Giêsu … rồi sẽ chuyển thành tiếng gào thét kết án một “Tử tội”!
Môi miệng cùng ăn chung một tấm bánh, uống chung một chén rượu … sẽ được dùng để chuyển trao một nụ hôn phản hội!
Môi miệng hào hứng thề sống chết … sẽ nhút nhát nói lời chối từ!
Những bước chân từng hăm hở theo Thầy… giờ đây co giò chạy tán loạn!
Lá là thế…tạm bợ biết bao, mỏng dòn biết mấy!
Nhưng…
Nguồn sức sống vẫn luôn luân chuyển trong thân, chẳng thay đổi bao giờ.
Con người bất trung… nhưng Chúa hằng trung tín.
Con người đổi thay vì sợ hãi… nhưng Thiên Chúa bất biến vì yêu thương.
Xin tình yêu của Chúa lấp đầy những sợ hãi trong con … để con luôn trung tín đáp trả lời mời gọi yêu thương của Ngài.




Thỉnh thoảng…


Thỉnh thoảng thức khuya để cảm thông với những người không thể ngủ dù rất muốn.
Thỉnh thoảng nhịn ăn để biết cái đói cồn cào của những người không có gì bỏ miệng.
Thỉnh thoảng đi dưới trời mưa để biết cái ướt át của những căn nhà dột nát.
Thỉnh thoảng đi đường xa trong tiết trời giá lạnh để hiểu cái rét của những người phải thức khuya dậy sớm hàng ngày để mưu sinh.
Thỉnh thoảng đi xa để biết cảm giác của những người nhớ nhà.
Thỉnh thoảng nhìn bữa ăn của những người nghèo để thấy cái sung túc của chính bản thân.
Thỉnh thoảng bỏ đi những cái lâu ngày không dùng để thấy nhiều người đang rất cần nó.
Thỉnh thoảng ngồi trò chuyện lâu giờ với một người để nhận ra những khắc khoải bên trong tâm hồn họ.
Thỉnh thoảng ngồi nhắm mắt để tâm trí được mở ra.
Thỉnh thoảng “dừng chân” để thưởng thức giá trị cuộc sống.
Thỉnh thoảng… có những phút thỉnh thoảng như trên sẽ thấy yêu cuộc sống hơn!
P/s: Thỉnh thoảng rãnh rỗi ngồi suy tư tí gọi là…