Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016

PHÉP RỬA BIỂU LỘ LÒNG THƯƠNG XÓT

Đi từ cuộc sống: Các nghi thức giữ vai trò thiết yếu trong đời sống. Nó là những dấu chỉ hữu hình đánh dấu một cột móc quan trọng, đồng thời qua đó, nó cũng trao cho người lãnh nhận một sứ vụ. Chẳng hạn các nghi thức sai đi đánh dấu kết thúc giai đoạn huấn luyện để được sai đi. Ho sẵn sàng dấn thân thi hành sứ mạng đã lãnh nhận. Nghi thức vào đời ghi nhận sự trưởng thành và trách nhiệm làm chứng trong đời sống hàng ngày. Nghi thức hôn phối đánh dấu kết thúc đời sống độc thân để chu toàn nghĩa vụ gia đình.
Lời Chúa soi đường: Phép rửa ông Gioan Tẩy giả cử hành là một trong những nghi thức quen thuộc của người Do Thái để bày tỏ tâm tình sám hối. Do vậy, nghi thức này chỉ dành cho các tội nhân. Hơn nữa, điều đặc biệt trong phép rửa của ông Gio-an là chuẩn bị lòng để đón nhận Đấng Cứu Thế. Xét về cả hai lý do trên thì Đức Giêsu không cần phải lãnh nhận bởi Ngài vô tội và Ngài chính là Đấng Cứu Thế. Thế nhưng, Đức Giêsu đã tình nguyện lãnh nhận phép rửa. Vậy đâu là ý nghĩa việc làm này của Đức Giêsu.
Thứ nhất, Chúa nêu gương cho ta về đời sống khiêm nhường. Ngài không có tội nhưng tình nguyện đứng vào hàng ngũ của tội nhân. Đây là vinh dự cho chúng ta là những tội nhân vì Thiên Chúa không bỏ mặc ta, không chê ghét ta, nhưng tự nguyện trở nên đồng hàng với ta để nhờ đó nâng ta trỗi dậy. Lòng Thương Xót Chúa được diễn tả qua sự khiêm nhường. Ta hãy tạ ơn Chúa về điều đó!
Thứ hai, Chúa nêu gương cho ta về đức vâng phục. Vì yêu thương, vì Lòng Thương Xót, Đức Giêsu đã vâng phục thánh ý Chúa Cha đến ở với con người, để ban bố Lòng Thương Xót. Giờ đây, qua phép rửa này, Đức Giêsu chính thức thi hành sứ vụ của Ngài. Sứ vụ Ngài đã lãnh nhận từ Cha. Chính từ đây, cuộc đời trần thế của Ngài cũng sang trang. Ngài không còn ẩn dật ở miền quê Nazaret nữa nhưng bắt đầu hành trình rong ruổi để thi thố Lòng Thương Xót. Và quả thật, trong suốt cuộc đời, Ngài đã không mệt mỏi đi khắp đó đây để chu toàn thánh ý Thiên Chúa, đó là mang Lòng Thương Xót đến cho mọi người.
Cảm nhận tình thương: Thế đấy, vì yêu thương Ngôi Hai xuống thế làm người; vì yêu thương, người tự nguyện đứng vào hàng ngũ các tội nhân để tội nhân cảm nhận được sự gần gũi yêu thương. Vì yêu thương Ngài đã “đi hết làng này đến làng khác” để thực thi Lòng Thương Xót.
Dấn thân phục vụ: Phép rửa mà Đức Giêsu đã lãnh nhận nhắc nhở mỗi người chúng ta nhớ đến phép rửa của chính bản thân mình. Qua phép rửa, chúng ta trở nên con cái Chúa, trở thành thành viên của Giáo hội, được tham dự vào đời sống ân sủng của Giáo hội. Đồng thời, với phép rửa, chúng ta cũng lãnh nhận một sứ mạng từ Thiên Chúa và Giáo hội, đó là trở nên dấu chỉ Lòng Thương Xót Chúa, làm chứng cho Lòng Thương Xót Ngài.
Như Đức Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi thể hiện Lòng Thương Xót qua đời sống hàng ngày, qua lời nói, việc làm và nhất là cách cư xử của chúng ta với những người xung quanh. Đặc biệt, hãy thể hiện lòng thương xót qua thái độ khiêm nhường, lưu tâm đến những người nghèo khổ, những người vất vả lầm than, những người sống trong cảnh cơ cực, tủi hổ. Hãy chủ động trở nên tha nhân của mọi người, nhờ thế ta có thể chạm đến trái tim của từng người.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét