Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

CHỌN THẦN TƯỢNG



Thứ Bảy – tuần 1 mùa Chay (Mt 5,43-48)
Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện
Đi từ cuộc sống: Tôi hỏi một em người Bana: học xong 12, em muốn thi đại học ngành gì? Đáp: em muốn học tiếng Hàn. Tôi mừng thầm, vậy là em có định hướng cho mình từ khá sớm! Tôi hỏi tiếp: tại sao em thích học tiếng Hàn? Đáp: vì em muốn được nói chuyện với các thần tượng! Tôi chưng hửng! Vừa buồn vừa đau. Cái phòng trào “thần tượng sao Hàn” nó lan mạnh đến thế rồi ư?
Lời Chúa soi đường: Đức Giê-su không cấm chúng ta hãy chọn cho mình một thần tượng, nhưng Người cũng chỉ cho biết hãy chọn thần tượng như thế nào. Đã có lần Đức Giê-su nói: anh em đừng gọi ai dưới đất này là thầy vì anh em chỉ có một Thầy trên trời. Bài Tin Mừng hôm nay Người lại mời gọi: anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. Như thế, thần tượng của chúng ta chỉ là Vị Cha Chung ở trên trời.
Tận hưởng niềm vui: Người là thần tượng duy nhất và xứng đáng bởi tình thương và cách cư xử của Người đối với mọi người. Người cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Người cho mặt trời soi sáng người tốt cũng như kẻ xấu. Người yêu thương hết mọi người và quan tâm đặc biệt đến những kẻ tội lỗi, vì họ cần tình thương hơn cả. Đó là niềm an ủi và là niềm vui lớn lao cho chúng ta, những người thường xuyên vấp phạm.
Chung lời cầu nguyện: xin Chúa giúp chúng con luôn hướng về Chúa và noi theo gương Người, là thần tượng duy nhất đời con.

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

LUẬT VÀNG



Thứ Năm – tuần 1 mùa Chay (Mt 7,7-12)
Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.
Đi từ cuộc sống: Một hành khát lên đường từ sáng sớm, mang theo niềm hy vọng mong manh. Nắng lên, bụng đói lã, cổ họng khô ran, bước chân rệu rã, mắt anh bừng sáng bởi vó ngựa tung tóe bên đường. Ồ, đức vua chăng? Anh thầm nghĩ với chút vui mừng. Hy vọng đời ta sẽ thay đổi! Chuẩn bị áo xống, anh sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ. Xa giá dừng lại trước mặt anh, nhà vua bước xuống, chậm rãi tiến lại gần, nhân ái mĩm cười. Ôi, lẽ nào! Chưa hết sững sờ, nhà vua đưa tay ra: anh có gì cho, hãy cho ta. Ơ hay, anh có nghe nhầm không? Vua mặc cẩm bào lại xin một hành khất tả tơi. Hậm hực cho tay vào túi, anh móc ra đúng một hạt lúa, bực dọc đặt vào tay vua. Vua nhân ái mĩm cười từ biệt. Xa giá khuất dần, anh thất thểu trở về. Trong căn nhà tồi tàn, anh đổ những gì vất vả sau một ngày lang thang. Ô, cài gì đây? Một hạt vàng lấp lánh. Anh không tin vào mắt mình nữa! Chợt nhớ đến hạt lúa anh đã trao cho đức vua. Ôi giá mà… (ý thơ Tagor)
Lời Chúa soi đường: Đức Giê-su đưa ra quy luật vàng, hãy chủ động làm cho người khác những gì mình muốn người khác làm cho mình. Ai cũng muốn người khác đối xử tốt với mình, muốn vậy, mình hãy chủ động đối xử tốt với người ta.
Tận hưởng niềm vui: Quy luật thật đơn giản nhưng không dễ thực hiện. Thiên Chúa đã đối xử với con người thật tốt, thế nhưng chúng ta đang đối xử với Người như thế nào? Tôi đang đối xử với cha mẹ, với anh em, vời bạn bè như thế nào?
Chung lời cầu nguyện: Xin giúp con lấy tình bác ái huynh đệ mà cư xử với nhau.

Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

MỞ MẮT NHÌN DẤU LẠ



Thứ Tư – tuần 1 mùa Chay (Lc 11,29-32)
Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.
Đi từ cuộc sống: Hai người bạn cùng song hành trên một con đường. Bỗng người thứ nhất dừng lại nói: hình như có ai vừa đánh rơi tiền! Quả nhiên, đi thêm vài bước cả hai nhìn thấy một đồng tiền nằm bên vỉa hè. Đi thêm một lát, người thứ hai bỗng dừng lại nói: hình như có một tổ chim mới nở! Đi thêm vài bước, hai người nhìn thấy trên một cành cây bên vệ đường, có một tổ chim với đàn chim non ríu rít đòi mồi. Cùng đi một đường nhưng khả năng nghe của hai người khác nhau.  Sự khác biệt không phụ thuộc ở lỗ tai cho bằng khởi đi từ suy nghĩ và cõi lòng. Lòng nghĩ đến tiền thì sẽ nhạy cảm với tiếng rơi của tiền, lòng yêu thiên nhiên thì sẽ nhạy cảm với tiếng hót của chim.
Lời Chúa soi đường: Đức Giê-su rao giảng và làm bao dấu lạ trước mắt mọi người, thế nhưng có người thì tin và được chữa lành, có người thì cứng lòng đòi hỏi phải có dấu lạ, có người thì ganh tỵ và tìm cách loại trừ. Lòng đã không tin thì Đức Giê-su có làm thêm 10 dầu lạ nữa họ cũng chẳng nhận ra!
Tận hưởng niềm vui: Mùa chay là thời điểm để chúng ta hướng lòng về dấu lạ vĩ đại nhất: cái chết và phục sinh của on Thiên Chúa. Thế nhưng chúng ta đang chuẩn bị lòng mình như thế nào? Đâu là những suy nghĩ và bận tâm của ta? Ta đang nhạy cảm với lời mời gọi của Chúa và của Giáo hội hay đang mãi bận tâm tìm kiếm gì khác?
Chung lời cầu nguyện: Xin cho con nhạy cảm với tiếng Chúa đang nói với con trong mùa chay thánh này.


Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

CẦU NGUYỆN KHÔNG PHẢI CƠ CHẾ “XIN CHO”



Thứ Ba – Tuần 1 Mùa Chay (Mt 6,7-15)
Khi cầu nguyện, Anh em đừng lải nhải, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì.
Đi từ cuộc sống: Một chị Tân tòng bày tỏ nỗi băn khoăn của mình khi không biết chọn đọc kinh nào vì có nhiều quá: nào là kinh theo đối tượng (xin với Chúa, với Đức Maria, với các thánh), nào là kinh theo nhu cầu, theo thời gian v.v.. mà chị thì đâu có nhiều thời gian. Tôi thấy rõ sự bối rối của chị nhưng cũng rất thông cảm vì chị là một Tân tòng!
Lời Chúa soi đường: Nhiều người cũng đặt vấn đề này với Đức Giê-su và câu trả lời của Người thật đơn giản: Anh em đừng lải nhải, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì. Đức Giê-su chỉ dạy một lời kinh duy nhất đáng đọc mà thôi: Kinh Lạy Cha. Lời kinh cho mọi người đọc ở mọi nơi, mọi lúc và mọi nhu cầu.
Tận hưởng niềm vui: Điều quan trọng khi cầu nguyện không phải là nói nhiều nhưng là tâm tình phó thác. Thiên Chúa không phải là ông chủ khắc nghiệt để ta phải cực nhọc “xin xỏ” từng cái, Ngài là Cha yêu thương thấu rõ mọi nhu cầu của con cái. Ngài không “làm việc” theo cơ chế “xin cho” nên chúng ta cũng không phải lo lắng về “thủ tục”. Cầu nguyện đơn giản chỉ là bày tỏ tâm tình của đứa con bé nhỏ với người Cha đầy lòng yêu thương và thấu hiểu con cái mình.
Chung lời cầu nguyện: Ápba, Cha ơi. Xin Cha giúp con luôn nhớ địa vị làm Con của mình để con luôn đến với Cha trong tâm tình yêu mến và phó thác.

Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

NGƯỜI BIỆN HỘ CHO TA



Thứ Hai - Tuần 1 mùa Chay (Mt 25,31-46)
Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn ; Ta khát, các ngươi đã cho uống ; … Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng ;
Đi từ cuộc sống: Một người kia có hai người bạn thân và một người bạn thường thường. Ngày nọ, ông ra phải ra hầu tòa. Hai người bạn thân lấy lý do có việc bận nên không đến dự được, chỉ có người bạn thường thường đến dự. Không chỉ vậy, anh ta còn biện hộ tích cực để giúp ông ta thắng vụ kiện. Người đàn ông đó là mỗi người chúng ta, hai người bạn thân là gia đình và tiền bạc. Ngay khi chết, tiền bạc sẽ bỏ mặc ta với cái hòm, gia đình cũng chỉ tiễn ta đến nắm mộ. Chỉ có những việc bác ái ta làm là người bạn thường thường sẽ theo ta đến tận ngày xét xử và “biện hộ” cho ta trước mặt Đấng Phán xét.
Lời Chúa soi đường: Lời Chúa hôm nay nói về ngày phán xét chung thẩm. Tất cả mọi người đều trình diện trước mặt Chúa với những công việc họ đã làm. Tiêu chuẩn duy nhất để “biện hộ” cho ta chính là thái độ và hành động yêu thương khi còn sống.
Tận hưởng niềm vui: Chúa không xét xử ta dựa trên những thành công hay thất bại, tiền tài hay danh vọng, nhưng dựa trên mức độ yêu thương. Mà yêu thương là khả năng Chúa ban cho tất cả mọi người. Ai cũng có một trái tim bằng thịt và biết rung động theo nhịp yêu thương. Ai giữ nhịp yêu thương trong mọi hoàn cảnh và trong suốt cuộc đời sẽ không sợ xét xử.
Chung lời cầu nguyện: Xin cho con biết “chăm sóc” trái tim mình để nó luôn rung nhịp yêu thương trước mọi hoàn cảnh con đối diện.

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

TIN VUI CHO NGƯỜI TỘI LỖI

Thứ Bảy sau lễ Tro (Lc 5,27-32)
Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn
Đi từ cuộc sống: Kinh nghiệm sâu xa của con người khi phạm tội là sự mặc cảm. Mặc cảm vì đã làm điều sai trái, vì bất xứng, vì không vượt thắng những yếu đuối đam mê. Càng mặc cảm ta càng né tránh Thiên Chúa hoặc là chờ cho sự mặc cảm qua đi ta mới dám đến với bí tích giao hòa. Do vậy, thật đáng tiếc khi nhiều người luôn giam mình trong sự mặc cảm.
Lời Chúa soi đường: Lời Chúa hôm nay kể lại: Đức Giê-su trông thấy người thu thuế tên là Lêvi và đã gọi ông. Nghề thu thuế bị người Do Thái coi khinh vì công việc đó đòi hỏi sự “hợp tác” với đế quốc (Rôma) và nó cũng dễ bị lạm dụng để bóc lột dân nghèo. Tin Mừng không cho biết Lêvi có bóc lột dân nghèo hay không nhưng Đức Giê-su đã “nhìn thấy” và chủ động gọi ông. Chắc hẳn cái nhìn của Đức Giê-su khác hẳn với của Người Do Thái, vì thế, thái độ của Người cũng khác hẳn.
Tận hưởng niềm vui: Đức Giê-su đã đến dùng bữa tại nhà Lêvi, một hành động mà chắc chắn những người Do Thái “đạo đức” không dám làm. Hành động “khác thường” của Đức Giê-su là niềm vui cho chúng ta, những người tội lỗi. Vì Đức Giê-su đã dõng dạt tuyên bố: Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn.
Chung lời cầu nguyện: Xin cho chúng con biết chạy đến với  tình thương Chúa dù cảm thấy mình tội lỗi đến đâu đi nữa.

Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

KHÔNG AI ĐỘC QUYỀN LÀM VIỆC THIỆN

Thứ Tư – Tuần VII TN (Mc, 9,38-40)
Ông Gio-an nói với Đức Giê-su : "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta."
Đi từ cuộc sống: Năm 1992, linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông quyết định xây cho các thai nhi xấu số một nắm mộ tươm tất thay vì “nằm vất vưởng” khắp nghĩa trang thành phố Pleiku. Công việc của cha nhận được sự ủng hộ và cộng tác của nhiều người, thuộc nhiều thành phần khác nhau. Cha được cấp cho một mảnh đất bên triền đồi, các Sư tại các Chùa cũng đến đề nghị được cộng tác, nhiều người khác đã góp công sức và tiền của trong công việc từ thiện này.
Lời Chúa soi đường: Gioan thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ thì cố ngăn cản vì người đó không thuộc nhóm các ông. Gioan đã lấy nhóm của mình làm chuẩn, làm điểm quy chiếu. Theo cái nhìn hạn hẹp của Gioan, làm phép lạ là độc quyền của nhóm, dù cho thực tế, có lần các ông đã không trừ nổi tên quỷ! (x. Mc 9,18)
Tận hưởng niềm vui: Đức Giê-su mở rộng cái nhìn của Gioan. Tiêu chuẩn không phải là thuộc một nhóm nhỏ nhưng là “nhân danh Thầy”. Với cái nhìn này, khái niệm “nhóm” của Đức Giê-su được mở rộng: bất kể ai cũng có thể làm phép lạ, làm việc thiện, việc tốt, miễn là họ không chống lại những người mang danh Đức Ki-tô.
Chung lời cầu nguyện: Chúng con vẫn hay phân biệt nhóm này với nhóm kia. Sự ích kỷ, so đo nhiều khi làm cản trở chương trình của Chúa. Xin cho con mở rộng tầm nhìn để cộng tác với nhau xây dựng Nước Chúa ngay trên trần gian này.

ĐỐI DIỆN THỰC TẠI

Thứ Ba, tuần VII TN (Mc 9,30-37)
Đức Giê-su dạy các môn đệ rằng : "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại." Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.
Đi từ cuộc sống: “Chán quá mọi người ơi, ước gì thời gian quay trở lại”. Đó là status của các bạn trẻ mà tôi thường đọc được trên facebook. Qua status đó, tôi đọc được một nỗi lòng muốn được chia sẻ để vơi nhẹ nỗi lòng, để tìm một sự đồng cảm. Đàng sau lời tâm sự đó, cũng có thể là một ước muốn né tránh thực tại, một thực tại buồn chán không ai muốn đối diện.
Lời Chúa soi đường: Đời sống đức tin cũng hay đối diện với những thực tại như thế. Theo Tin Mừng, đây là lần thứ hai Đức Giê-su tiên báo cuộc khổ nạn cho các môn đệ. Người muốn các ông dần làm quen để đối diện với chúng. Thế nhưng các ông vẫn không hiểu. Đã không hiểu, lẽ ra các ông phải hỏi Đức Giê-su, thế nhưng các ông lại sợ không dám hỏi.
Tận hưởng niềm vui: Các môn đệ đang sợ điều gì? Chắc không phải sợ Đức Giê-su vì đã có lần các ông không hiểu và đã hỏi lại Người (x. Mc 4,10-13). Hẳn là các ông thấy thực tại đó chẳng dễ đón nhận. Đó là một thực tại u buồn, thê lương và mang màu tang tóc. Các ông muốn tranh né thực tại đó để tiếp tục theo đuổi những mong ước của mình. Đức Giê-su đã cảnh tỉnh các ông bằng tấm gương về sự phục vụ.
Chung lời cầu nguyện: Chúa đã đối diện với những thực tại đau thương để đồng cảm với thân phận con người và mang lại niềm an ủi cho những ai đang đối diện với chúng. Xin Chúa thêm sức để chúng con can đảm đối diện với chính thực tại của mình.

ĐƯỢC VÀ MẤT

Thứ Sáu – Tuần VI TN (Mc 8,34-9,1)
Đức Giê-su nói: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”
Đi từ cuộc sống: Một người nọ vất vả cả đời để tạo dựng sự nghiệp. Đời ông như bản nhạc đủ mọi nốt thăng trầm. Thế rồi đến lúc nhắm mắt xuôi tay, ông ra đi với đôi tay trắng. Trước giờ ra đi, ông tâm sự: Tôi đã mất tất cả tài sản vật chất nhưng bù lại tôi được ba người con gái dâng hiến đời mình cho Chúa. Một đời long đong tưởng mất tất cả, nhưng không, ông được nhiều cái mà cuối đời mới nghiệm ra.
Lời Chúa soi đường: Lời Chúa hôm nay nói về được và mất: Ai liều mất mạng sống vì Chúa và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy; được cả thế gian mà mất mạng sống thì có ích chi? Như vậy, được và mất ở thế gian này xét cho cùng chỉ là tương đối. Kinh nghiệm cuộc sống cũng đúc kết được bài học đó qua câu chuyện “tái ông mất ngựa”. Thế nhưng ở đây ta không đánh cược với cuộc sống. Chúng ta có một tiêu chí, một mục tiêu để đánh giá “được và mất’, đó là vì Chúa và vì Tin Mừng, vì sự sống đời đời.
Tận hưởng niềm vui: Chúa đã trao phó thân xác cho con người đóng đinh nhưng Chúa đã nhận lại sự sống vinh hiển. Giáo hội đã sản sinh bao chứng nhân liều mất mạng sống mình vì Chúa và vì Tin Mừng để rồi hôm nay, tên các ngài được ghi dấu trong sổ trường sinh.
Chung lời cầu nguyện: Xin Chúa giúp chúng con nhận ra đâu là giá trị vĩnh cửu mang lại sự sống đời đời để can đảm theo đuổi dù có phải đánh mất nhiều thứ khác nơi cuộc đời này.