Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Ơn gọi làm mẹ

Nội dung
      I.      Hiện trạng phá thai hay cái nhìn ở tầng sự kiện
   II.      Nguyên nhân và giải pháp hay cái nhìn ở tầng ý nghĩa
1)    Nguyên nhân :
Ø Không có lý tưởng sống
Ø Cuộc sống hời hợt
Ø Tình yêu ích kỷ
2)    Giải pháp :Tìm lại ý nghĩa và ơn gọi làm người
Ø Ý nghĩa cuộc sống
Ø Nhận diện tình yêu đích thực
Ø Ý nghĩa và giá trị sự sống
o   Sự sống, một huyền nhiệm
o   Sự sống, một quà tặng
III.      Yêu sách tuyết đối : Thiên chức làm mẹ


      I.      Hiện trạng phá thai hay cái nhìn ở tầng sự kiện
Vấn nạn phá thai đang là một vấn đề gây nhức đầu cho cả xã hội. Những ai quan tâm đến sự sống, giáo dục, đạo đức, v.v., không thể không bàng hoàng khi biết Việt Nam là một trong ba nước có con số ca nạo phá thai cao nhất thế giới, trong đó phần lớn là những phụ nữ chưa lập gia đình. Giáo sư bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng – giám đốc Bệnh Viện Phụ Sản Từ Dũ, Sài-gòn – cho biết mỗi năm nước ta có khoảng 700.000 phụ nữ nạo phá thai. Riêng ở Sài-gòn, với khoảng 7 triệu dân, mỗi năm có khoảng hơn 100.000 ca sinh nhưng số ca nạo phá thai cũng tương đương. Tại bệnh viện Từ Dũ, mỗi năm tổng số sinh khoảng 45.000 người nhưng nạo phá thai hơn 30.000 người. Năm 2004 tại bệnh viện có trên 30.000 trường hợp nạo phá thai, trong đó gần 5.000 em gái dưới 19 tuổi. Thống kê của cả nước cho biết có khoảng 10% số ca nạo phá thai là ở lứa tuổi vị thành niên, chưa có gia đình, tức khoảng 70.000 ca / năm.[1]
Với những con số trên, nhiều người đã nhảy vào cuộc nhằm tìm hiểu các nguyên nhân cũng như hướng hạn chế. Xét về nguyên nhân ta có thể kể ra rất nhiều như bối cảnh xã hội, kinh tế, giáo dục, gia đình, cá nhân v.v.. Bài viết này chỉ nhắm vào đối tượng là những người phụ nữ trẻ_là những người chủ động trong việc quyết định số phận thai nhi_ với mục đích tìm ra những nguyên nhân sâu xa nhất, căn bản nhất dẫn đến tệ nạn trên. Do vậy, bài viết này không đề cập đến mọi nguyên nhân và giải pháp những chỉ đưa ra một cái nhìn triết lý để từ đó đi đến sứ vụ chung và cao cả của người phụ nữ. Đó chính là hồng ân làm mẹ.

   II.      Nguyên nhân và giải pháp hay cái nhìn ở tầng ý nghĩa
1)    Nguyên nhân
Nguyên nhân của việc phá thai ta không thể liệt kê hết được. Tuy nhiên dưới cái nhìn triết lý ta có thể thấy vài nguyên nhân nổi bật sau : đó là một cuộc sống không có lý tưởng, giới trẻ đã đánh mất các giá trị cao đẹp của cuộc sống, đặc biệt là đánh mất ý nghĩa của một tình yêu đích thực.
Ø Không có lý tưởng
Lịch sử Việt Nam là lịch sử của chiến tranh. Trải qua “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây…”[2], con người Việt Nam nói chung và giới trẻ việt Nam nói riêng đã công hiến cả cuộc đời cho quê hương. Lý tưởng của tuổi trẻ là cống hiến tuổi xuân cho đất nước để giành lấy độc lập và hòa bình.
Nếu như có chút thời gian thanh bình nào thì tuổi trẻ lại ra sức học tập để góp phần xây dựng nước nhà. Nói chung, xã hội luôn cung cấp đủ những lý tưởng, những lý do cao quí để sống và phấn đấu hết mình nhằm tạo lập cho bản thân và góp phần cho tổ quốc.
Thế nhưng hai từ lý tưởng hình như đang xa lạ dần với giới trẻ ngày nay. Đất nước đã thanh bình. Xã hội đã yên ổn. Và hình như sức sống của người trẻ cũng ngủ yên trong “giấc mộng” thanh bình !
Được sinh sống trong bầu khí “yên lặng”, trái tim người trẻ không còn thổn thức với những nhịp đập của xã hội. Người trẻ hầu như không còn quan tâm vận mệnh đất nước. Những vấn đề lớn của xã hội không thu hút được sự quan tâm của số đông giới trẻ. Xã hội phát triển, người trẻ cũng đang mở rộng tầm tay nhưng với mục đích thỏa mãn riêng cho bản thân chứ không phải là hướng đến lợi ích chung của xã hội.
Giới trẻ đánh mất lý tưởng cũng là một hậu quả tất yếu của một xã hội còn nhiều bất cập. Nạn tham nhũng, thiếu trách nhiệm, thiếu uy tín, thiếu trung thực trong nhiều lãnh vực quan trọng của xã hội như các cơ quan nhà nước, vấn đề giáo dục, y tế v.v. đã khiến giới trẻ mất lòng tin. Đứng trước những thực trạng như vậy người trẻ dễ cảm thấy bất lực và thất vọng. Họ không còn đủ lòng tin và mất luôn tinh thần cầu tiến. Họ phải đối mặt với những vấn đề gai góc trước mắt chứ không đủ thì giờ hay không dám xây đắp một lý tưởng xa xôi.
Ø Cuộc sống hời hợt
Từ việc không có lý tưởng dẫn đến việc người trẻ đang sống một cuộc sống rất hời hợt. Không có lý tưởng, người trẻ bị bó buộc vào những vấn đề hiện tại và không thể có cái nhìn xa hơn. Quá coi trọng các vấn đề hiện tại và tự che mình khỏi những hướng nhìn tương lai, người trẻ tự trói những ước mơ của mình. Những vấn đề họ quan tâm trong hiện tại này thường là những vấn đề mang tính thực dụng. Làm việc gì họ muốn có kết quả ngay. Chính vì vậy nhiều khi họ đã bỏ qua nhiều giá trị khác của cuộc sống.
Con người mong chờ điều gì thì sẽ nhạy cảm với điều đó, ngược lại thì họ sẽ vô tình bỏ qua. Nếu không có lý tưởng cao đẹp thì nhiều giá tị khác của cuộc sống như : tình bạn, chân thành, tín nghĩa, hy sinh, vươn lên, … cũng sẽ bị lãng quên. Thiếu các giá trị trên, thế giới này sẽ biến thành hàng hóa dưới mắt con người. Mọi thứ đều được mua bán sòng phẳng bằng tiền bạc hoặc là mạnh được yếu thua. Các giá trị trên trở thành những thứ sa sỉ phẩm. Dưới con mắt của xã hội kinh tế mọi thứ đã được nhìn bằng cách khác.
Cuộc sống hời hợt đưa con người đến vực thẳm của những cuộc khủng hoảng. Cuộc sống trở nên vô nghĩa. Mối dây ràng buộc gia đình ngày càng lỏng lẻo. Tình cảm cũng được con người đánh giá bằng những điều thứ yếu. Sự hời hợt khiến cho con người không thể thỏa mãn với chính mình. Hậu quả là nhiều bạn trẻ lao đầu vào những cuộc ăn chơi, vào những tệ nạn để “hóa giải” chính mình hay nói đúng hơn là để chạy trốn chính mình. Từ đấy những cuộc tình chóng qua bắt đầu xuất hiện như một chiếc áo nhằm che dấu chính mình.
Ø  Tình yêu ích kỷ
Xã hội ngày nay đề cao tự do. Nhưng người trẻ đã quá lạm dụng nó. Giới trẻ ngày nay sớm thoát ly gia đình để hòa nhập vào môi trường rất thuận lợi cho tự do cá nhân. Chính vì vậy họ được tự do lựa chọn lối sống cho mình (dĩ nhiên là vẫn trong vòng ảnh hưởng của xã hội). Nhưng vì quá tự do nên nhiều bạn trẻ đã phải trả giá đắt cho những lựa chọn này, nhất là trong lãnh vực tình cảm.
Đời không lý tưởng, cuộc sống hời hợt, do vậy nhiều bạn trẻ có những cái nhìn cũng rất hời hợt về tình yêu. Thực vậy, trong một xã hội tạp đa, nhiều người trẻ đã có cái nhìn ngộ nhận hay sai lệch về tình yêu. Có bạn cho rằng tình yêu là sự cuốn hút của người khác phái, tình yêu là chiếm hữu, tình yêu là tình dục, tình yêu là tiền tài, là thương mại, …
Trong bầu không khí như vậy, tình yêu của người trẻ trở nên bồng bột, nhất thời. Họ nhìn nhau và đánh giá nhau theo dáng vẻ hay giá trị hào nhoáng bên ngoài. Một cảm giác “phải lòng” họ cũng cho rằng đó là tình yêu để rồi dễ dãi với bản thân_hậu quả của cuộc sống hời hợt. Họ không đủ kiên nhẫn để đón nhận nhau bằng những hy sinh và sự tôn trọng, ngược lại họ muốn “người kia” phải “chứng tỏ” ngay tình yêu dành cho họ. Họ đòi hỏi tình yêu phải cụ thể hóa bằng những hành động. Thậm chí nhiều người đến với nhau không phải bởi sự thúc đẩy của tiếng gọi yêu thương nhưng là vì danh vọng của cải. Hậu quả là càng ngày càng có nhiều cuộc tình vụn vặt, phải lòng thì đến, không phải lòng thì chia tay. Và một hậu quả khác kéo theo làm nhức nhối cả xã hội : đó chính là vấn đề phá thai.

2)    Giải pháp :Tìm lại ý nghĩa cuộc sống và ơn gọi làm người
Ø Tìm lại những giá trị cao quí[3]
Những khủng hoảng của người trẻ xét cho cùng là những khủng hoảng tự bên trong. Vì thế cần tìm ra những giải pháp giải quyết tận gốc rể của vấn đề. Đó là nhiệm vụ quan trọng của gia đình, nhà trường và xã hội.
Ngay từ trong gia đình, những người lớn đã phải có trách nhiệm giúp cho trẻ cảm nhận tình yêu. Nhờ đó, tự trong sâu thẳm tâm hồn, trẻ biết yêu thương những người thân và bác ái đối với mọi người.
Lớn lên, trẻ đến trường. Nhà trường là nơi giúp trẻ hiểu thế nào là nhân lễ nghĩa trí tín. Dù cho ảnh hưởng của Nho giáo lên xã hội không còn như trước đây nhưng những giá trị tinh thần này vẫn rất cần thiết trong bối cảnh hôm nay.
Xã hội là ngôi trường mở rộng, là nơi áp dụng những gì trẻ đã tiếp thu nơi gia đình và trường học. Nơi đây, trẻ được lôi cuốn không phải bởi những lời nói nhưng bởi những gương sáng. Xã hội, hay cụ thể hơn là các đoàn thể, tổ chức, các nhóm… phải thu hút các bạn trẻ bằng những chương trình hành động cụ thể và thiết thực. Chính xã hội phải cung cấp và hướng dẫn cho các bạn trẻ những lý tưởng hay những giá trị đẹp của cuộc sống.
Xã hội hãy nói cho các bạn trẻ biết họ chỉ thực sự hạnh phúc khi có một trái tim được hướng dẫn bằng một lý trí sáng suốt, được hun đúc bằng một tình thương sâu đậm, được nối dài bằng một đôi tay ham làm.
Một trái tim được hướng dẫn bằng một lý trí sáng suốt có nghĩa là các bạn phải suy nghĩ, dựa trên một lập trường, trên cơ sở tự biết mình, đồng thời chấp nhận mình và biết được giá trị của sự im lặng.
Bạn hãy có một trái tim được hun đúc bằng một tình thương sâu đậm. Được tình người là được tất cả và mất tình người thì bạn sẽ là người nghèo nhất. Vì vậy để nuôi nấng tình người, các bạn hãy biết thông cảm, từ ái, quên mình, lắng nghe và giữ nụ cười.
Bạn hãy có một trái tim được nối dài bằng một đôi tay ham làm. Chỉ qua hoạt động thì cuộc sống mới đáng sống, miễn là hoạt động ấy tự do, nghĩa là tự ý mình nhập cuộc. Hãy làm những việc mình yêu thích. Và nếu không thể nào làm những việc mình yêu thích, thì hãy yêu thích việc mình làm. Và muốn hành động có hiệu quả, bạn hãy nhớ rằng: Không có việc gì nhỏ và phải luôn có lòng nhiệt tâm, quả quyết, không sợ khó và biết chấp nhận cuộc sống.
Trong cuộc sống các bạn đã đối diện với những biến cố trầm bổng. Các bạn sẽ ghi lại trên giấy, hay ít ra trong ký ức mình. Không có trường nào hay hơn trường đời. Không có thầy nào hay hơn chính mình. Với sự nhạy cảm của bản thân, các bạn sẽ khám phá ra những niềm vui nho nhỏ trong những lần chọn lựa, lần lo âu, lần sầu khổ, lần bị hiểu lầm, lần mất mát, lần cô đơn, lần chán nản, lần thành công, lần thất bại, v.v.. Và như vậy chính bạn đã tạo sự phong phú cho chính cuộc đời của các bạn.

Ø Nhận diện tình yêu đích thực[4]
Một khi nhận diện được những phẩm chất cao đẹp của cuộc sống, các bạn trẻ sẽ dễ dàng xác định được đâu là tình yêu đích thực.
Một tình yêu đích thực là tình yêu biết tôn trọng nhau, biết đối thoại với nhau, đón nhận nhau, hy sinh cho nhau, tha thứ cho nhau, có trách nhiệm với nhau và giúp nhau cùng thăng tiến.
Mong muốn người khác có được bản sắc riêng của họ, đó là một trong những đặc điểm của tình yêu đích thực. Chính thái độ tôn trọng cho thấy các bạn có tình yêu đích thực với nhau hay không. Một người yêu thương đích thực luôn hiểu rằng người mình yêu cũng có một cá tính hoàn toàn khác biệt. Hơn nữa, một người yêu đích thực luôn tôn trọng, thậm chí còn khuyến khích sự khác biệt và tính độc đáo này của người mình yêu. Mỗi người là một nhân vị độc đáo và được lớn lên từ nếp sống gia đình, văn hóa cộng đồng, môi trường sinh thái khác nhau, đặc biệt là sự khác nhau về mặt tâm sinh lý giữa người nam và người nữ. Thế nhưng cả hai lại có một điểm chung : đó là nhu cầu cần được tôn trọng.
Để đối thoại các bạn phải tôn trọng, biết lắng nghe và đón nhận nhau. Cuộc sống chắc chắn sẽ có những lúc hiểu lầm, khi đó bạn cần bình tĩnh, lắng nghe nhau với sự tin tưởng và tôn trọng đồng thời chân thành bộc lộ những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Các bạn cần đối thoại với nhau cách thường xuyên. Không những vậy còn phải biết cách đối thoại để đạt hiệu quả : đó là đối thoại đúng lúc, đúng chỗ và đúng cách.
Khi đã đối thoại với nhau, các bạn cần đi thêm bước nữa, đó là tha thứ cho nhau. Tha thứ không phải là quên đi nhưng là hóa giải những nghi ngờ bực bội thành sự cảm thông và bao dung. Các bạn đừng quá lệ thuộc vào một sự kiện nhưng hãy nhìn với cả con đường cuộc đời. Khi đó bạn sẽ dễ dàng bỏ qua những vấp váp nhỏ nhặt.
Không những tha thứ cho nhau, tình yêu đích thực đòi hỏi các bạn phải hy sinh cho nhau. Thực ra trong tình yêu, hy sinh không hề mang nghĩa mất mát gì cả. Ngược lại, nó sẽ luôn mang đến cho bạn những điều quí giá nhất. Ngoài ra, tình yêu đích thực luôn gắn liền với sự khôn ngoan suy xét và thái độ dấn thân đầy trách nhiệm. Yêu thương đích thực là một hành vi thăng tiến chính bản ngã ngay cả khi mục đích của nó là sự trưởng thành của người khác. [5]
Sau cùng và cũng là điều quan trọng nhất, tình yêu đích thực phải giúp cho cả hai cùng thăng tiến. Tôn trọng, đối thoại, tha thứ, hy sinh, v.v., cuối cùng cũng chỉ là giúp nhau thăng tiến cách toàn vẹn. “Nếu ta yêu đích thực, ta sẽ luôn nhắm đến mục tiêu thúc đẩy sự trưởng thành tinh thần nơi mình và người khác” [6].

Ø Ýnghĩa và giá trị sự sống : là quà tặng, chúng ta đón nhận, quản lý chứ không co quyền quyết định
o   Sự sống, một huyền nhiệm
Quá trình hình thành vũ trụ này chính là một “phép lạ”. Thực vậy, “vũ trụ dường như được điều chỉnh tỉ mỉ để cho phép xuất hiện một vật chất có trật tự, rồi sự sống, và cuối cùng là ý thức. Chỉ cần một trong những hằng số vật lý, ngay từ đầu đã chịu một sự thay đổi hết sức nhỏ bé, thì vũ trụ đã không có cơ may nào để các thực thể sống và có trí tuệ ở đó cả : có thể nó cũng sẽ chẳng bao giờ xuất hiện” [7]. Sự điều chỉnh đó đến từ đâu ? Ngày nay dù khoa học tiến bộ rất nhanh nhưng cũng đành bó tay trước những câu hỏi tương tự. Đó chẳng phải là một huyền nhiệm sao ?
Sự sống từ đâu mà có ? Thuyết tiến hóa Lamark cho rằng cơ thể sống đầu tiên có nguồn gốc từ vật chất vô cơ. Từ cơ thể sống đầu tiên đó tiến hóa lên đến con người và ý thức[8]. Cứ cho là thuyết này đúng, vậy thì đâu là những nguyên nhân đầu tiên để hình thành nên sự sống. Bằng “ngẫu nhiên” nào mà một số nguyên tử lại xích lại gần nhau để tạo thành những phân tử axit amin đầu tiên ? Và bằng “ngẫu nhiên” nào mà những phân tử ấy được tập hợp lại để đi tới tòa nhà phức tạp ghê gớm là AND ấy ? Đó là những câu hỏi mà Jean Guitton, Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp đã đặt ra và cuối cùng ông đi đến kết luận là “không có bất cứ ngẫu nhiên nào. Điều mà chúng ta gọi là ngẫu nhiên chỉ là sự bất lực của chúng ta trong việc hiểu một mức độ trật tự cao hơn”[9].
Sự sống trong thiên nhiên đã vậy, sự sống con người càng kỳ diệu hơn. Cuộc sống con người là một trong những huyền nhiệm đối với chính mình. Con người không hiểu hết về chính thực tại làm người của mình. Con người lại càng không thể thấu hiểu và chắc chắn con người sống để rồi đi đâu và về đâu. Con người sớm nhận thức được thân phận con người có bước khởi đầu và hồi kết nhưng lại không biết được lúc nào. Đó chính là một huyền nhiệm về chính con người.
Chính vì việc làm người có một bước khởi đầu và một đoạn kết không thể tránh nên con người luôn băn khoăn về mục đích của cuộc sống này? Đó cũng là một điều huyền nhiệm nữa được đặt ra cho con người.
Sự sống tự nó là một giá trị, thế nhưng con người chỉ nhận thức được điều đó khi con người quan tâm đến sự sống hay cuộc sống, điều đó chúng ta gọi là tình yêu. Như thế, sự sống con người sẽ xoay quanh hai chữ “tình yêu”. Sự sống thật của con người là bởi tình yêu mà ra, sự sống thật của con người thì sống động nhờ tình yêu và làm cho những sự sống khác cũng trở nên sống động nhờ tình yêu. Như vậy, ở đây đặc tính thật của một con người cốt yếu trong tình yêu.
Con người là huyền nhiệm, sự sống con người cũng là huyền nhiệm, ý nghĩa sự sống con người cũng là huyền nhiệm. Có một sự sống mà không thế lực nào có thể giết chết được. Chính sự sống đó làm nên giá trị cao cả của cuộc sống này và làm cho cuộc sống hiện tại được tràn đầy tình yêu giữa con người với nhau. Muốn khám phá cái cao trọng của sự sống, hãy học sống trong tình yêu và hãy học sống yêu thương.
o   Sự sống, một quà tặng
Chính vì là một huyền nhiệm nên con người không thể hay không có quyền làm chủ sự sống, dù là sự sống chính mình hay sự sống người khá. Sự sống con người chính là món quà tặng mà Thượng Đế đã trao gởi lại cho con người. Đức cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II trong Evangelium Vitae ( Tin Mừng của Sự Sống ), đã viết : “Con người không phải là chủ tể tối cao và cũng chẳng phải là người phán xét cuối cùng, mà con người, chính là sứ giả cho công trình của Thiên Chúa về sự sống và sự tạo dựng, thì đó mới chính là sự vĩ đại không thể so sánh được của con người.”
C.S. Lewis cũng đã từng hỏi: “Bạn có phải là tên chủ đất hay là kẻ tá điền về sự hiện diện của bạn không ?” Chúng ta không thể nào tự tạo ra chúng ta được hay đem con cái của chúng ta ra hiện diện nơi trần thế này được, vì sự sống chính là món quà cao quí nhất mà Thượng Đế dành cho con người. Qua tính hào hiệp và đại lượng cao cả của Ngài, Thượng Đế đã giao phó cho mỗi người trong chúng ta về mạng sống của chúng ta và mạng sống của tất cả mọi người.
Chính vì sự sống là một huyền nhiệm và là một quá tặng nên điều 3 trong bản Tuyên Ngôn Nhân quyền có ghi: “Mọi cá nhân đều có quyền sống”. Cũng vậy, điều 6 Công Ước quốc tế về Luật Dân sự và Chính Trị có quy định: “Quyền sống gắn liền với nhân vị con người. Không ai có thể bị tước mất quyền sống một cách độc đoán”. Như vậy, “Đối với con người, quyền căn bản nhất chính là quyền được sống ! Ấy thế mà một bộ phận trong nền văn hóa ngày nay đã muốn chối bỏ cái quyền căn bản cần được bảo vệ này”. Quyền sống bao gồm quyền được sinh ra và được sống cho đến khi chết một cách tự nhiên: “Bao giờ tôi còn sống tôi còn có quyền được sống”.” [10]

III.      Yêu sách tuyệt đối : Thiên chức làm mẹ
Người phụ nữ có một “ơn gọi” và “sứ vụ” đặc biệt, đó là trở thành những cộng tác viên của Đấng Tạo Hóa trong việc nuôi dưỡng và giữ gìn sự sống.
Sự kiện thai nhi hình thành và lớn lên trong bụng người mẹ quả là “mầu nhiệm” vượt quá sự chủ động của con người. Người mẹ chỉ biết đón nhận nó với tất cả sự thán phục và sung sướng. Sự sống không lệ thuộc vào trình độ hay khả năng của người mẹ. Sự sống hình thành cách tự nhiên và tất cả mọi người nữ đều có khả năng này (tự bản chất). Kinh Thánh Cựu Ước đã ghi lại lời nói của một người mẹ như sau : "Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài” (2Mcb, 7, 22-23a). Như vậy thiên chức làm mẹ là một ơn ban nhưng không dành cho mọi người nữ.
Nếu như Thượng Đế đã ban cho mọi người nữ khả năng làm mẹ thì cũng ban cho họ một trái tim tuyệt vời. Đó là trái tim yêu thương của người mẹ. Nhạc sĩ Y Vân đã diễn tả: “lòng mẹ bao la như biển thái bình”. Còn Bersot đã khẳng định: “trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt hảo nhất vẫn là trái tim của người mẹ”, hay nói như Grétry: “tuyệt phẩm của Tạo hóa, chính là trái tim của người mẹ”. Hoàng đế Napoléon đệ nhất lại qủa quyết: “tương lai của đứa con là công trình của người mẹ”. Điều quan trọng nhất người mẹ trao ban cho người con chính là phẩm hạnh của một con người. Người mẹ chính là thầy dạy đầu tiên của việc hình thành nhân bản nơi đứa con.
Giáo hội Công Giáo cũng luôn khẳng định tầm quan trọng của thiên chức làm me, ơn gọi làm mẹ là ơn gọi cao qúi không thể thay thế[11]. Giáo hội mời gọi các người mẹ Kitô hữu ý thức được vai trò thánh thiêng của người mẹ: “chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến việc làm rất quan trọng của các người phụ nữ, những người mẹ trong lòng gia đình… Lòng mong ước hợp lý đóng góp bằng những khả năng của mình cho thiện ích chung, và chính bối cảnh xã hội, kinh tế thường đưa người phụ nữ đến một họat động nghề nghiệp. Tuy nhiên cần tránh cho gia đình và nhân loại phải chịu một sự mất mát và nghèo nàn hơn, bởi vì người phụ nữ không thể thay thế trong việc sinh sản và giáo dục con cái. Bởi vậy, các chính quyền cần phải đưa ra những luật lệ thuận lợi cho việc thăng tiến nghề nghiệp của người phụ nữ và đồng thời bảo vệ cho ơn gọi làm mẹ và làm nhà giáo dục của họ”[12].



[1] Lê Thanh Hà, báo Tuổi Trẻ 8.8.2005
[2] Trịnh Công Sơn, bài hát “Gia tài của mẹ”.
[3] Tham khảo của Trần Duy Nhiên, bài viết “Quà gửi cho em”, truyển tập Nối lửa cho đời số 3, An Phong, 2000.
[4] Tham khảo bài viết “để có một tình yêu đẹp” của Nữ tu Nguyễn Thị Oanh, Dòng Đaminh Tam Hiệp.
[5] Scott Peck, con đường chẳng mấy ai đi, phần hai : tình yêu, linh mục Lê Công Đức dịch.
[6] Nt
[7] Jean Guitton, Grichka Bogdanov và Igor Bogdanov, Thượng đế và khoa học, nhà xuất bản Đà Nẵng, trang 77-78.
[8] Joanes Di Napoli, Vũ Trụ Học, Giuse Đỗ Ngọc Bảo chuyển ngữ, trang 139.
[9] Jean Guitton, Grichka Bogdanov và Igor Bogdanov, Thượng đế và khoa học, nhà xuất bản Đà Nẵng, trang 62.
[10] “Vượt qua ngưỡng cửa hy vọng”, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trích lại trên báo điện tử Ephata số 14.
[11] x. Mulieris dignitatem, số 18.
[12] Gioan Phaolô II, huấn từ ngày 19.03.1994, số 3.

Hy sinh

Nhận được thư mẹ mà tay con run run! Những lá thư mẹ gửi cho con không nhiều vì con có thường viết cho mẹ đâu! Những nét chữ to nhưng không tròn như ngày xưa nữa. Tay mẹ đang run! 
“Ý con đã quyết mẹ đành hi sinh vậy”. 
Mắt con hoa lên và cổ họng nghẹn ứ. Chỉ một câu ngắn gọn thôi, nhưng đây là lần đầu tiên mẹ tâm sự với con về chính mẹ. “Mẹ đành hi sinh vậy”. Con đã nghe và đã đọc biết bao lần những câu nói tương tự nhưng, “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Giờ đây chính con đã cảm nghiệm được nỗi hi sinh vất vả của mẹ. Đã từ lâu con vẫn biết rằng mẹ đã và đang hi sinh cho con rất nhiều, nhưng sao lúc này con thấy xót xa quá mẹ ơi! Không xót xa sao được khi nghe chính mẹ mình nói lên hai chữ hi sinh. Dù vẫn biết rằng hi sinh cho con cái là một trong những hạnh phúc của mẹ. Mẹ muốn hi sinh những gì thuộc về mình để cho con được sống hạnh phúc. Con không dám bảo mẹ thôi đừng hi sinh bởi mẹ đã hi sinh rồi! nhưng phận con cái ai nào muốn… .Phải chăng đó là qui luật? 

Sống khiết tịnh, ơn gọi cho mọi người

Chúng ta đang sống trong một xã hội đang đề cao khuynh hướng hưởng thụ. Lạc thú đang là đối tượng được nhiều người ham muốn, thậm chí nhiều người còn cho rằng nền văn hóa hiện nay là văn hóa hưởng thụ! Chính vì vậy, nhiều người chủ trương gạt bỏ mọi ràng buộc luân lý về tính dục để chiều theo và thậm chí, tôn sùng bản năng tính dục. Điều đó đang làm cho xã hội ngày càng biến chất, con người ngày càng bị tha hóa, những vết thương đang ngày càng bị khoét sâu nơi cá nhân cũng như gia đình. Hậu quả của một lối sống buông thả đang tác động ngày càng mạnh mẽ trên đời sống thể lý, tâm lý cũng như tâm linh của nhiều người.
Do đâu mà có hiện trạng này? Nếu phân tích kỹ lưỡng ta sẽ thấy có rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết, nguyên nhân chính của hiện trạng này là con người hôm nay đang đánh mất dần ý nghĩa cao quý của sự khiết tịnh. Chính vì không nhận thức đủ giá trị cao quý của sự khiết tịnh hoặc cho rằng khiết tịnh chỉ dành cho ai sống bậc tu trì nên nhiều người dễ dàng buông thả chính mình. Chính vì vậy bài viết này nhằm khám phá lại đời sống khiết tịnh như một ơn gọi và bằng cách nào ta có thể đáp trả lại ơn gọi này.
  1. Khiết tịnh, một ơn gọi
Giáo lý Hội thánh Công giáo khẳng định: “Đức khiết tịnh là một nhân đức luân lý. Nhưng đó cũng là hồng ân của Thiên Chúa, một ân sủng, một hoa trái của Thánh Thần (x. Gl 5, 22). Chúa Thánh Thần ban cho người tín hữu sức mạnh để noi theo (x. 1Ga 3, 3) sự thanh khiết của Đức Ki-tô” (số 2345). Nói đến ơn gọi trước hết ta cần xác định ba điều: Ai gọi, gọi ai và gọi để làm gì?
    1. Ai gọi
Dĩ nhiên ta cần khẳng định ngay rằng chính Thiên Chúa kêu gọi mỗi người chúng ta sống đức khiết tịnh. Trong bài giảng Trên Núi, Đức Giê-su đã dành mối phúc thứ sáu cho những ai “có tâm hồn trong sạch” (Mt 5,8). Tâm hồn là trung tâm của nhân cách luân lý, cũng chính “từ trong lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình và tà dâm” (Mt 15, 19). Theo Giáo lý của Hội thánh thì người có tâm hồn trong sạch là những ai biết dùng trí khôn và ý chí để sống thánh thiện như Thiên Chúa đòi hỏi, đặc biệt trong ba lãnh vực: bác ái, khiết tịnh, yêu mến chân lý và gìn giữ đức tin (x. GLHTCG, số 2518). Như vậy, lời mời gọi hãy “có tâm hồn trong sạch” cũng đồng nghĩa với lời mời gọi hãy có tâm hồn trinh khiết. Đây là lời mời gọi xuất phát từ chính Thiên Chúa và được công khai qua lời nói của Đức Giê-su.
Chỗ khác, Đức Giê-su không chỉ đồng tình với việc lên án ngoại tình, nhưng Ngài còn đi xa hơn khi đòi hỏi người ta không được có cái nhìn bất chính (x. Mt 5, 27-28). Cái nhìn bất chính, nghĩa là nhìn với sự ham muốn thì cũng là ngoại tình trong tư tưởng rồi. Qua đó, Đức Giê-su muốn mời gọi chúng ta hãy thanh luyện một cái nhìn thanh khiết để xứng đáng là môn đệ chân chính của Người.
    1. Gọi ai
Những lời mời gọi trên của Đức Giê-su không chỉ dành cho các tông đồ mà thôi nhưng là cho tất cả những ai muốn làm môn đệ Đức Giê-su, nghĩa là cho những ai muốn tin và theo Người. Thực vậy, sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo cũng khẳng định mỗi người hãy giữ đức khiết tịnh tùy theo bậc sống của mình. Người thì trong bậc trinh khiết hay độc thân của đời thánh hiến, người khác thì trong bậc gia đình hay độc thân, tùy theo luật luân lý xác định. Người có gia đình được mời gọi giữ đức khiết tịnh trong đời sống vợ chồng, người độc thân thì giữ đức khiết tịnh khi sống tiết dục. Như vậy, khiết tịnh không phải là “độc quyền” của những người sống đời dâng hiến như nhiều người lầm tưởng. Trái lại, khiết tịnh là lời mời gọi dành cho tất cả mọi người. Ki-tô hữu là người đã “mặc lấy Đức Ki-tô” (Gl 3, 27), khuôn mẫu của đời sống khiết tịnh. Ai tin vào Đức Ki-tô đều được mời gọi sống đời khiết tịnh tùy theo bậc sống của mình. Thánh Am-rô-xi-ô đã đúc kết lại trong ba hình thức khiết tịnh như sau: khiết tịnh của bậc hôn nhân, khiết tịnh của người góa bụa và khiết tịnh của kẻ đồng trinh (x. số 2348-2349).
    1. Gọi để làm gì
Câu hỏi thứ ba cũng đồng nghĩa với câu hỏi khiết tịnh là gì? Tại sao ta phải sống đức khiết tịnh?
Trước hết cần khẳng định khiết tịnh là một nhân đức. Là một nhân đức, khiết tịnh là lời mời gọi nhằm thăng tiến đời sống chứ không phải để hủy diệt hay cấm cản con người. Khiết tịnh không nhằm hủy bỏ khả năng tính dục nhưng hướng dẫn bản năng đó theo đòi hỏi của đức ái. Khiết tịnh cũng không phải là sự ức chế của tính dục nhưng điều khiển những ham muốn tính dục để hướng đến tình yêu đích thực.
Theo quan điểm Ki-tô giáo, khiết tịnh không chỉ đơn thuần là khả năng tự chủ bản năng tính dục vì những đòi hỏi luân lý, nhưng sâu xa hơn, vì con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,26). Thánh ý Thiên Chúa là muốn cho chúng ta sống thánh thiện để nên thánh, chính vì vậy, chúng ta hãy xa lánh sự gian dâm hay ô uế (x. 1Tx 4, 3-7). Để thực hiện được điều này, mỗi người, tùy theo ơn riêng Chúa ban, hãy sống khiết tịnh trong bậc sống của mình (x. 1Cr 7, 1-9) để được phần thưởng là sự sống bất diệt (GLHTCG, số 2347).
Hơn nữa, thánh Phao-lô khuyên mỗi người chúng ta hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô chứ đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng. Mặc lấy Đức Ki-tô cũng có nghĩa là loại bỏ những việc làm đen tối như chè chén say sưa, chơi bời dâm đãng để cầm lấy vũ khí của sự sáng (x. Rm 13, 12-14). Mặc lấy Đức Ki-tô, tức là để cho Đức Ki-tô hướng dẫn và làm chủ toàn vẹn con người của mình, từ suy nghĩ, ước muốn cho tới hành động. Mặc lấy Đức Ki-tô là hiến toàn thân cho Thiên Chúa và dùng các chi thể của mình như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa chứ không phải để làm điều bất chính, phục vụ tội lỗi (x. Rm 6, 13-14). Như vậy, giá trị của đức khiết tịnh không phải ở chỗ để cho lý trí làm chủ các bản năng tính dục con người cho bằng là để Chúa Ki-tô làm chủ tất cả con người của ta, cả lý trí lẫn bản năng của ta.
  1. Khiết tịnh, một lời đáp trả
Như đã trình bày ở trên, khiết tịnh là một ơn gọi xuất phát từ Thiên Chúa để mời gọi con người sử dụng thân xác và tính dục đúng mục đích và nhất là để tôn vinh Thiên Chúa. Là một ơn gọi, khiết tịnh cũng cần có sự đáp trả của con người. Con người đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa bằng cách thanh luyện cái nhìn của mình để có thể tôn trọng thân xác và sử dụng tính dục đúng mục đích.
    1. Thanh luyện cái nhìn
Trước hết cần phải xác định cái nhìn ở đây không đơn thuần chỉ là một tác động của đôi mắt. Tác động của đôi mắt chỉ là hình thức bên ngoài, là một bổn phận của giác quan, do đó nó vô thưởng vô phạt. Tính luân lý của hành vi không nằm ở ánh mắt nhưng nằm ở nội dung bên trong, tức là động lực hay hệ quả của ánh mắt. Chẳng hạn hành động nhìn người phụ nữ thì không tốt cũng chẳng xấu, nhưng nếu động lực thúc đẩy ta nhìn là thõa mãn dục vọng hay việc nhìn đó khơi lên những ước muốn bất chính thì cái nhìn đó lại trở thành tội. Bởi vậy Đức Giê-su đã nói, nếu nhìn người phụ nữ “mà thèm muốn” thì thà móc mắt mà ném đi để khỏi phạm tội. Đó là cái nhìn không trong sạch, cái nhìn đầy tà tâm, đầy ham muốn, đầy nhục dục. Đức Giê-su nói nhìn như thế thì cũng chính là ngoại tình ở trong lòng rồi (x. Mt 5,27-29).
Do vậy, để tránh những ước muốn và những hành động lỗi đức khiết tịnh, chúng ta cần khởi đi từ việc thanh luyện cái nhìn của mình. Cái nhìn trong sạch xuất phát từ ý hướng trong sạch, nghĩa là luôn nhắm đến cứu cánh đích thực của con người là lo tìm kiếm và chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong mọi sự (GLHTCG, số 1752).
Xuất phát từ ý hướng trong sạch, con người mới có thể có cái nhìn trong sáng, và nhờ đó kiểm soát được tình cảm và trí tưởng tượng, can đảm khước từ những tư tưởng dâm ô và làm chủ được các hành động của mình. Nhờ thế ta mới có thể tôn trọng thân xác mình và thân xác người khác.
    1. Tôn trọng thân xác
Như vậy, theo cái nhìn Ki-tô giáo, con người (bao gồm toàn thể hồn xác) là hình ảnh Thiên Chúa, thân xác con người là phần thân thể của Đức Ki-tô và là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác. Dó đó, chúng ta có bổn phận phải tôn vinh Thiên Chúa nơi chính thân xác chúng ta (x. 1Cr 6,12-20).
Chính vì thế, dù sống đời độc thân hay trong tương quan gia đình, mỗi người tín hữu đều được mời gọi phải tôn trọng thân xác. Với người sống đời độc thân, họ không được phép sử dụng thân xác theo sở thích, không được làm thân xác mình bị tha hóa (như thủ dâm). Cũng vậy, họ được mời gọi tôn trọng thân xác người khác như là tôn trọng thân xác của chính mình vậy. Hai điều trên cũng được áp dụng cho những người sống trong tương quan vợ chồng. Hơn nữa, họ còn được mời gọi tôn trọng thân xác người bạn đời của mình nữa. Là vợ chồng, điều đó không có nghĩa là họ được sử dụng tính dục theo ý riêng khác với mục đích Thiên Chúa mong muốn. Tóm lại, Thiên Chúa và Giáo hội luôn mời gọi mỗi người hãy sử dụng thân xác để tôn vinh Thiên Chúa và xây dựng cho nhau.
    1. Sử dụng tình dục đúng mục đích
Trước hết, Giáo hội khẳng định “Những hành vi thực hiện sự kết hợp thân mật và thanh khiết của đôi vợ chồng đều cao quý và chính đáng. Được thi hành cách thực sự nhân linh, những hành vi ấy biểu hiện và khích lệ sự hiến thân cho nhau nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong hoan lạc và biết ơn” (x. GS 49, 2). Như vậy, những hành vi tình dục trong quan hệ vợ chồng là điều chính đáng. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là trong mức độ nào thì những hành vi này là chính đáng?
Qua lời dạy của hiến chế Gaudium et Spes của công đồng Vaticanô II vừa nêu trên (và sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo trích lại ở số 2362), ta thấy chỉ những hành vi nào thực hiện sự kết hợp “thân mật và thanh khiết” và được thi hành cách “thực sự nhân linh” mới là những hành vi cao quý và chính đáng. Đó mới thực sự là những hành vi diễn tả tình yêu vợ chồng và hướng đến mục đích sinh sản và giáo dục con cái (GLHTCG, số 2353). Đây cũng chính là mục đích cao cả của tình dục trong đời sống hôn nhân. Nếu ta sử dụng khả năng tình dục ngoài đời sống vợ chồng hay nếu ta ham muốn hưởng thụ tình dục cách vô độ thì nó trở thành sai trái vì nhằm thỏa mãn bản thân chứ không nhằm mục đích truyền sinh và kết hợp trong tình yêu.
Thực ra, đức mến phải là linh hồn của mọi nhân đức. Dưới ảnh hưởng của đức mến, đức khiết tịnh là trường dạy tự hiến. Người sống khiết tịnh chỉ thực hiện hành vi tính dục vì mục đích trên như một sự tự hiến cho nhau trong tình yêu. Qua đó, họ trở thành nhân chứng của Thiên Chúa trung tín và yêu thương (GLHTCG, số 2346).
Tóm lại, đức khiết tịnh không phải là một điều tiêu cực nhưng là một nhân đức, một ơn gọi dành cho tất cả mọi người. Sống đức khiết tịnh là sống một sự tự do khỏi những ham muốn của dục vọng để hướng đến những mục đích cao quí hơn. Sống khiết tịnh là thể hiện một tình yêu trọn vẹn, một đức ái hoàn hảo theo gương Đức Ki-tô. Sống khiết tịnh là một lời chứng cho một đức tin kiên vững vào tình yêu và sự trung tín của Thiên Chúa. Để đáp trả lại lời mời gọi cao quý nhưng cũng đầy thách thức này, mỗi người cần gia tăng cầu nguyện để xin Chúa cho ta đủ ý thức, đủ can đảm và đủ yêu thương đế sống chứng nhân cho Chúa trong thời đại này.


Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Vươn tới Thượng Đế, con đường hiện sinh đích thực

1.      Ý thức hiện sinh
Theo Jaspers, vũ trụ này chia làm ba cấp độ, cấp độ sự vật, cấp độ hiện sinh và cấp độ siêu việt. Từ cấp độ sự vật sang cấp độ hiện sinh cần có một bước nhảy mà không phải ai cũng làm được. Chính vì vậy Jaspers cho rằng nhiều người sinh ra là người nhưng chưa hẳn đã làm người, tức là đã vươn lên tới mức hiện sinh như một nhân vị tự do và độc đáo. Do vậy những người sống vô ý thức, vô trách nhiệm, những người còn để mình bị nô lệ bởi dư luận, bởi những đoàn thể, những tập truyền thì họ mới chỉ là những đơn vị người chứ chưa phải là những nhân vị tự do.
Mọi hiện hữu đều phải hướng lên và vươn lên một cách mạnh mẽ. Do vậy một con người tự do thì phải biết ý thức về quyền tự do của mình, đồng thời cũng ý thức sâu xa về trách nhiệm làm người của mình. Ý thức hiện sinh tức là phải biết mình sống trong cuộc đời này để làm gì. Mình phải đặt những câu hỏi để tìm ra ý nghĩa cuộc đời của chính mình. Một khi đã xác định được ý nghĩa cuộc đời thì phải tự chọn lấy cách thức sống, phương thế hành động để làm sao đạt được mục đích và ý nghĩa đó. Ý thức được những điều trên mới là ý thực hiện sinh đích thực, ý thức đó làm cho con người trỗi vượt hơn các sự vật và tiến lên không ngừng. Cuộc sống con người là chuyển động tiến tới không ngừng cho tới khi ta đạt được ý nghĩa mà vì nó ta đi vào hiện sinh này.
Ý thức hiện sinh của Jaspers không dừng lại ở chỗ tự ý thức về nhân vị tự do và độc đáo của mình nhưng còn là ý thức về mối thông giao với tha nhân và nhất là mối tương quan giữa mình với siêu việt là nguyên ủy của mình. Nếu không giữ mối tương quan này thì hiện sinh không trung thực hay đúng hơn hiện sinh chưa đúng với trọn vẹn ý nghĩa của nó.

2.      Ý thức nhân vị
2.1.            Tìm một ý nghĩa
Hiện sinh khác với sinh tồn ở chổ sinh tồn coi sự sống là ý nghĩa của cuộc đời mà không cần biết sống như thế nào và sống để làm gì. Ngược lại, hiện sinh trước hết là đi tìm ý nghĩa cao quý của cuộc đời và thể hiện nó một cách độc đáo.
Dĩ nhiên đây là công việc của mỗi người. Mỗi người sẽ phải có trách nhiệm đi tìm câu trả lời cho mình và có lẽ mỗi người cũng sẽ có một câu trả lời khác mang nét độc đáo riêng của mình. Tuy nhiên, Jaspers cho thấy rằng ý nghĩa đích thực của hiện sinh phải là vươn tới siêu việt, tức là tìm về với Thượng Đế là nguyên ủy của mình. Điều này quả thực rất phù hợp với đức tin Công giáo.
Quả thực, theo Thánh kinh, con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và do đó con người sẽ còn khắc khoải lo âu cho tới khi nào được về với chính Đấng tác tạo nên mình (thánh Augustin). Trái cấm đã mở mắt con người và con người ý thức được rằng từ đây giữa mình và Thiên Chúa đã có một khoảng cách. Bước chân con người rời khỏi vườn Eđen khởi đầu cho hành trình tìm kiếm chính mình và cũng là để tìm về khu vườn xưa. Thiên Chúa đưa con người ra khỏi vườn Eđen để hứa ban cho con người một khu vườn khác đẹp hơn hoàn hảo hơn, khu vườn không có trái cấm, đó chính là Nước trời. Con người phải vươn lên trong hành trình làm người để với ơn cứu độ con người được trở về với nguyên ủy của mình.
Thế nhưng trong hành trình làm người này, không phải ai cũng nhân ra hay xác định đúng mục đích và ý nghĩa đời mình. Đó là lý do tại sao ngày nay nhiều người rời xa đức tin hay sống đức tin cách hời hợt. Xã hội và tôn giáo vẫn luôn cung cấp nhiều ý nghĩa và mục đích làm người nhưng những ai chỉ dừng lại ở những mục đích hay ý nghĩa tầm thường thì cuộc sống của họ chưa vươn tới tầm hiện sinh đích thực. Hiện sinh đích thực chỉ có khi ta dám lựa chọn và xây dựng chính mình dựa trên những mục đích và ý nghĩa có giá trị cao đẹp và hướng về siêu việt.
2.2.            Xây dựng chính mình
Jaspers nói rằng hiện sinh chỉ bắt đầu khi con người ý thức sâu xa cũng như chủ động để tự xây dựng nhân cách và định mệnh của mình. Ông nói cách mạnh mẽ rằng: tôi chỉ là cái tôi do chính tôi tạo nên … cái tôi trung thực đó không ở sau lưng tôi, cũng không phải là cái tôi hiện tại nhưng là cái tôi ở trước mặt tôi, là cái tôi đang trở thành, là cái mà tôi quyết tâm để trở nên.
Karl Jaspers không dừng lại ở cái tôi hiện tại nhưng ông luôn muốn tiến về phía trước. Chúng ta không chỉ xác định cho mình một mục đích để rồi để đó mà chiêm ngưỡng. Chúng ta cũng không tự thỏa mãn với ý nghĩa đã đề ra. Chúng ta chỉ được thỏa mãn khi nào hoàn thành chính mình, tức là đã tìm về được với nguyên ủy của mình. Để đạt được điều đó, mỗi người phải tự xây dựng chính mình.
Xây dựng chính mình còn là xác định cho mình lối sống và cách thế thể hiện niềm tin của chính mình. Nói tôi có đức tin mà không sống đức tin cũng sống như nói đời tôi có một ý nghĩa và mục đích nhưng thực tế ta chẳng làm gì. Xây dựng chính mình trong đời sống đức tin là sự trưởng thành không ngừng trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Xây dựng chính mình là sự hoàn thiện mình mỗi ngày.
Một khi đã xác định mục tiêu và ý nghĩa trong Thiên Chúa chúng ta phải xây dựng đời mình trong đời sống đức tin. Cái tôi không lệ thuộc quá khứ, không thỏa mãn với hiện tại nhưng hướng về tương lai, điều này mở ra cho những khát vọng của con người. Được như thế, tôi sẽ không mặc cảm với quá khứ hèn yếu của tôi, tôi sẽ không thất vọng với những vấp ngã hiện tại của mình. Cái tôi hướng về tương lai cho phép tôi đứng lên và tiến bước không ngừng.
Đời sống đức tin cần được xây dựng trên cái nhìn như thế. Đức tin là sự tiến bước trong hy vọng. Hiện tại tôi có thể bất toàn nhưng với cái nhìn đức tin tôi tin tưởng giao phó đời mình cho sự dẫn dắt của Chúa. Đời sống đức tin đòi hỏi một sự trưởng thành không ngừng. Tôi tin tưởng, tôi tiến bước tôi thất vọng và lại tin tưởng. Cuộc đời sẽ thử thách cho đến khi nào tôi hoàn toàn đặt niềm tin vào bàn tay Thiên Chúa.
2.3.            Tự do nhân vị
Ý thức nhân vị là ý thức đời ta có một mục đích và ý nghĩa, từ đó ta xây dựng đời mình và sống đời sống đó một cách tự do. Sống tự do là cách thức thể hiện nét hiện sinh trọn vẹn nhất. Tự do là khả năng cho thấy con người khác với sự vật và tự do cũng cho thấy con người không bị “quy định” bởi Thượng đế. Theo Jaspers, ý nghĩa sâu xa và hiện sinh của tự do là tự quyết và tự chọn. Đây cũng là điều rất thích hợp với đức tin Công giáo. Con người được mời gọi trở về với nguyên ủy của mình là Thiên Chúa nhưng con người không bị ép buộc. Con người có tự do để tự chọn và tự quyết hành trình của mình.
Thế nhưng phải hiểu và thực hành như thế nào mới xứng đáng là tự do của một nhân vị hướng về siêu việt.
Tự do không phải là hành động theo thúc đẩy bừa bãi của dục vọng nhưng là hành vi gắn liền với ý thức và trách nhiệm. Ý thức và trách nhiệm tức là ta phải băn khoăn suy nghĩ giữa nhiều con đường để lựa chọn. Điều này không có nghĩa là tự do của ta bị hạn chế. Ý  thức và trách nhiệm không phải là những ngoại lực tạo áp lực lên tự do của ta nhưng chính trong ý thức và trách nhiệm, hành vi tự do của ta mới mang tính nhân vị và hướng về siêu việt. Ý thức và trách nhiệm trở thành một luật của chính ta và cho chính ta.
Điều này có liên hệ đến cách sống đức tin của chúng ta. Ngày nay người ta rời bỏ Giáo hội một phần là vì họ thấy Giáo hội không đáp ứng được những đòi hỏi tự do của thời đại. Con người ngày nay bị ảnh hưởng bởi lối sống tự do thực dụng và do đó họ nhìn thấy trong Giáo hội chỉ toàn là những ràng buộc của luật lệ: Nào là không được ly dị, không được phá thai, không được sử dụng bao cao su, v.v.. Đó đây có những chống đối Giáo hội chỉ là vì họ chưa nhận ra giá trị thực sự của tự do nhân vị.
Ngay cả chúng ta, những người đang sống đức tin trong lòng Giáo hội, đôi khi chúng ta cũng sống với tinh thần nệ luật. Tôi hành động thế này là vì luật; tôi không hành động thế kia là vì luật không cho phép. Cuối cùng, có thể chúng ta vẫn sống đạo cách ngoan ngoãn nhưng xét cách sâu xa chúng ta chưa sống tự do đích thực. Hành động cách tự do xứng với nhân vị là tôi hành động như thế là vì tôi nhận ra nét cao cả của hành động đồng thời qua đó tôi thể hiện nhân vị của mình. Tôi hành động vì tôi đáng hành động như vậy chứ không phải vì luật. Sống được tinh thần tự do đích thực này tôi vẫn chu toàn luật nhưng không lệ thuộc vào luật, luật không phải là rào cản phải vượt qua nhưng là yếu tố giúp tôi thể hiện nhân vị của mình. Nếu hiểu và sống được tinh thần này thì tự do không chỉ giúp tôi thể hiện nhân vị của mình nhưng tự do này còn hướng tôi tiến đến gần nguyên ủy của mình là Thiên Chúa.
3.      Ý thức thông giao
Ý thức nhân vị của chính mình cũng đống nghĩa với việc ý thức nhận vị của người khác và tương quan với họ như là những nhân vị độc đáo và hiện sinh. Mối tương quan này được Jaspers diễn tả qua chữ thông giao. Như vậy, thông giao là mối tương quan của hai hiện sinh thực sự, tức là hai hiện sinh khác nhau, độc lập với nhau, thâm chí xung khắc với nhau nhưng mối tương quan này được thể hiện trong tình yêu thương. Jaspers cho rằng đấu tranh là nền tảng của thông giao. Không có đấu tranh thì không thể có tương quan yêu thương thực sự. Thông giao được ví như mối tình thiếu xung khắc là mối tình thiếu sâu sắc. Trong thông giao, hai yếu tố đấu tranh và yêu thương phải ngang bằng nhau.
Tư tưởng này làm vang vọng lại lời của Đức Giêsu: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì có gì là ân với nghĩa?” ( Lc 6, 32) hay “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” (Lc 6, 27). Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu vô vị lợi, một lời mời gọi mà có lẻ chỉ khi nào mức hiện sinh của ta tiến gần tới Thiên Chúa ta mới thực sự có được. Trên con đường đi tới của hiện sinh, chúng ta nhất thiết phải đạt được ý thức thông giao của Jaspers. Ý thức này đòi buộc chúng ta nhìn tha nhân như chính họ là. Một tương quan thực sự không nhất thiết là một tương quan dễ dàng. Một tương quan dễ dàng đôi khi là một tương quan hời hợt. Dưới cái nhìn đức tin, mỗi người đều mang trong mình hình ảnh Thiên Chúa, mỗi người đều là đến thờ của Chúa Thánh Thần. Do đó mỗi người đều là một nhân vị tự do và có giá trị cao cả.
Ý thức giá trị của mình đã khó, ý thức giá trị của người khác còn khó hơn. Trong tương quan với tha nhân, chúng ta phải đặt tha nhân ngang hàng với mình. Phải có cái nhìn tôn trọng chúng ta mới nhận ra những nét độc đáo và riêng biệt của tha nhân. Đây là tương quan hai chiều chứ không phải tương quan một chiều. Tương quan đích thực phải làm sao cho cả hai cùng lớn lên, cùng trưởng thành, cùng tiến về đích trong khi vẫn giữ những nét riêng của mình.
Tương quan này thực sự cần thiết trong đối thoại liên tôn, trong khi rao giảng Tin mừng cũng như trong công việc bác ái tông đồ. Đối thoại liên tôn cũng như rao giảng Tin mừng phải đặt nền tảng trên việc hiểu biết nhau, nhận ra những giá trị của nhau và giúp nhau tìm về nguyên ủy của mình. Thiếu cái nhìn tôn trọng, bình đẳng nhưng khác biệt và thạm chí xung khắc chúng ta sẽ khó đối thoại. Chân lý chỉ được nhìn thấy trong đối thoại thực sự mà đối thoại chỉ được xây dựng trên khác biệt nhưng bình đẳng và tôn trọng.
Cũng vậy trong việc mục vụ bác ái tông đồ, chúng ta hay có cái nhìn của người làm ơn. Chúng ta tự đặt mình ở địa vị khác cao hơn, trọng hơn để tương quan với người khác. Việc coi người khác là kẻ mang ơn, là người thụ động nhận sự giúp đỡ của mình là một hình thức đặt tha nhân ở dưới mình. Đây là một tương quan thiếu bình đẳng và theo Jaspers đây chưa phải là thông giao thực sự.
Chỉ khi ta có một ý thức thông giao thực sự, tức là ta xây dựng một tương quan thực sự với tha nhân khi đó ta mới là một hiện sinh đúng nghĩa. Mà theo tư tưởng của Jaspers, một hiện sinh đúng nghĩa phải là một hiện sinh hướng về Siêu Việt Thể chính là Thượng Đế.
4.      Soi vào hiện sinh, con đường tới siêu việt
Như đã trình bày, hiện sinh của Jaspers là hiện sinh trong tương quan với Siêu Việt Thể. Hiện sinh chỉ có ý nghĩa khi đặt mình trên con đường tiến tới gần Thượng Đế là nguyên ủy của mình. Vì thế có thể nói Siêu Việt thể là cùng đích của hiện sinh. Giống như Augustin, Jaspres cho rằng: hiện sinh không thể an nghĩ trong mình nó. Nó chỉ được thỏa mãn trong hữu thể siêu việt. Không có tương quan này hiện sinh không đáng là hiện sinh nữa. Vậy câu hỏi đặt ra là làm thể nào để hiện sinh đạt tới nguyên ủy của mình.
Jaspers cho rằng nếu dùng lý luận để tìm Thượng Đế thì Thượng Đế chỉ là một sản phẩm của tâm trí con người. Do đó chúng ta không thể tiến tới Thượng Đế bằng con đường lý luận nhưng bằng con đường của tượng số. Tượng số là những biểu tượng qua đó ta nhận ra cái vô cùng, cái cùng kỳ lý của vũ trụ. Điều này có nghĩa là vạn vật có một ý nghĩa sâu xa của nó mà ai với mức hiện sinh của mình sẽ chịu khó suy nghĩ thì qua đó sẽ gặp được đấng Siêu việt. Jaspers đề cập đến bốn loại tượng số là vũ trụ, ý thức con người, lịch sử tinh thần con người và hiện sinh của mỗi nhân vị. Trong bốn loại trên thì loại tượng số sau cùng là quan trọng nhất. Như đã nói ở trên hiện sinh đích thực là hiện sinh trong tương quan với Siêu Việt Thể cho nên qua hiện sinh chúng ta có thể và dễ dàng nhận biết Siêu Việt Thể nhất.
Như trên đã phân tích, tự do chính là yếu tố cao quý nhất của hiện sinh. Tuy nhiên cũng vì là hiện sinh nên con người còn bị giới hạn bởi thân xác trong hoàn cảnh sống hàng ngày. Vậy nên tự do của hiện sinh cũng bị giới hạn hay điều kiện hóa với những hoàn cảnh sống cụ thể, vào những tâm tình và giáo dục của ta. Như vậy, trên con đường tiến lên siêu việt, con người gặp phải bức tường là những giới hạn của mình. Chính những bức tường này giúp cho ta chạm trán với Đấng Siêu Việt. Chính trong những hoàn cảnh bị giới hạn như đau khổ, tội lỗi, bệnh tật và cái chết mà ta dễ tiếp xúc với Siêu việt hơn.
Chính trong những kinh nghiệm đau thương mà con người nhận thấy những giới hạn, những yếu đuối, những bất toàn của mình. Và cũng chính trong những hoàn cảnh đó, con người lại càng thấy mình cần đến Thượng đế và nhất là càng dễ tiếp xúc và cảm nhận sự hiện diện của Thượng Đế hơn.
Kinh nghiệm đức tin chính là kinh nghiệm gặp gỡ. Nhìn lại lịch sử đời ta, nhất là những lúc khó khăn thất vọng chúng ta sẽ dễ nhận thấy bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Những tri thức đến từ lý trí dĩ nhiên vẫn rất cần để soi sáng và hướng dẫn đời sống đức tin của ta. Tuy nhiên một cuộc gặp gỡ và tiếp xúc thật sự chỉ xảy ra trong kih nghiệm cuộc sống hàng ngày. Đó cũng chính là kinh nghiệm của người Do Thái. Qua bao biến cố đau thương trong lịch sử cứu độ, dân Israen đã tha thiết kêu cầu và nhận ra sự hiện diện quan phòng của Thiên Chúa. Những kinh nghiệm như thế chúng ta có thể gặp thấy trong rất nhiều thánh vịnh, chẳng hạn như : Sóng tử thần dồn dập chung quanh, thác diệt vong làm tôi kinh hãi,… Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Chúa, kêu lên Người là Thiên Chúa của tôi. Từ thánh điện, Người đã nghe tiếng tôi cầu cứu, lời tôi khấn nguyện vọng đến tai Người. (x.Tv 18, 5-7). Như vậy, chính khi nhìn lại những kinh nghiệm trong cuộc hiện sinh của chính mình hay của những hiện sinh xung quanh mà ta nhận ra sự hiện diện của Đấng Siêu Việt.


Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Giải pháp của con người (Mt 14,13-21)

Tuần XVIII - thứ Hai

Một nơi hoang vắng, dân chúng lại quá đông, lấy cái gì mà cho họ ăn? Chắc các môn đệ cũng đã nghĩ qua việc lo cho họ ăn, thế nhưng biết làm thế nào vì các ông chỉ có 5 chiếc bánh và hai con cá. Vì trời đã tối nên giải tán họ để mỗi người tự tìm lấy thức ăn cho mình có vẻ là giải pháp hợp lý nhất!
Quả thật, các môn đệ đã suy nghĩ chu đáo và đưa ra một giải pháp hợp lý nhất có thể. Điều đó cũng giống như lý luận của Mô-sê khi đối diện với một dân cứng đầu: Có phải con sinh ra chúng đâu mà Chúa lại đặt gánh nặng này lên vai con? Ông trách móc Thiên Chúa như thế khi phải giải quyết những tình huống cam go (Ds 11,12). Thế nhưng, dù sao đó cũng mới là suy nghĩ và kế hoạch thuần túy theo lý trí con người. Và hình như chỉ vậy thôi thì chưa đủ!
Thế mà, trong cuộc sống hằng ngày, lắm khi chúng ta chỉ dựa vào trí tuệ của mình để tìm ra giải pháp và nghĩ rằng đó là tốt nhất. Quả thật, Chúa cho con người trí tuệ để con người nghĩ ra đường lối (Cn 16,9). Thế nhưng, với hành trình đức tin thì như vậy thôi vẫn chưa đủ. Đức tin đòi hỏi một sự tín thác mà đôi khi, dưới con mắt người đời đó là một sự liều lĩnh, dại dột. Bởi vậy, thánh Phao-lô mời gọi ta hãy điên dại với Đức Ki-tô (1Cr 4,10). Hành trình đức tin không phải lúc nào cũng bước đi trên con đường ánh sáng rõ ràng. Hành trình đức tin đôi lúc phải bước đi những bước dò dẫm trong đêm tối, với xác tín rằng Chúa đang nâng đỡ từng bước chân ta.
Họ không cần phải đi đâu cả”. Câu trả lời của Đức Giê-su thật dứt khoát. Chính anh em hãy cho họ ăn. Với Người, 5 chiếc bánh và 2 con cá là quá đủ cho những ai biết tín thác vào quyền năng Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức rằng: “Tâm trí con người nghĩ ra đường lối, còn Đức Chúa hướng dẫn từng bước đi (Cn 16,9).

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Thành kiến (Mt 13,54-58)

Tuần XVII - thứ Sáu

Tôi chẳng thấy Thiên Chúa đâu cả!” Là người đầu tiên trở về từ vụ trụ, Gagarin đã phát biểu như thế. Trái lại, nhà vật lý Ampère khẳng định “con người chỉ vĩ đại khi cầu nguyện”. Còn nhà sinh vật học Luis Pasteur thì vừa di chuyển bằng tàu hỏa vừa lần hạt Mân Côi. Chân lý chỉ thực sự được mạc khải cho những ai khiêm tốn tìm kiếm, còn ai kiếm tìm với thành kiến có sẵn thì sẽ chẳng bao giờ gặp.
Những người cùng quê Nadarét tiếp xúc Đức Giê-su với thành kiến có sẵn. Chứng kiến những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người cũng như những phép lạ người làm, họ đặt câu hỏi: bởi đâu ông ta được như thế? Thực ra, họ tự hào là mình biết về nguồn gốc Đức Giê-su nên thắc mắc trên chỉ xuất phát từ sự tò mò với thành kiến có sẵn (tôi biết ông ta là ai rồi). Nếu họ thắc mắc một cách chân thành và khiêm tốn tìm kiếm thì chắc họ sẽ biết nguyên do bởi đâu.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng hay tiếp xúc người khác với thành kiến có sẵn. Chúng ta nghe đồn người này thế này, người kia thế nọ; chúng ta dựa vào một vài sự kiện trước đó để dán mác cho cả một con người. Chúng ta quên rằng mỗi một con người là một mầu nhiệm với nhiều biến đổi phúc tạp và sâu sắc cần được khám phá không ngừng.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết cất đi những thành kiến cũ kỹ khi tiếp xúc với nhau và khiêm tốn tìm hiểu nhau với ánh mắt thiện cảm hầu có thể khám phá ra những sự thật tốt đẹp nơi tha nhân.