Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

HÃY DÙNG CHI THỂ ĐỂ PHỤC VỤ THIÊN CHÚA


Anh em đừng dùng chi thể anh em để làm điều bất chính, phục vụ cho tội, trái lại… anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, hãy dùng chi thể để làm điều công chính và phục vụ Thiên Chúa (Rm 6,13)

Lạy Chúa,
xin cho con biết dùng miệng lưỡi để nói về Chúa thay vì chỉ để nói những chuyện vô bổ tầm phào;
nói những lời an ủi thay vì trách móc hờn giận;
nói những lời thứ tha thay vì thù hận; nói những lời hòa giải thay vì chia rẻ.

Xin cho con biết dùng con mắt để nhận ra những ân ban của Ngài;
để nhìn thấy những khổ đau của anh chị em;
những bất công của cuộc sống;
những cuộc đời lầm lỗi đáng thương;
những biến đổi vô thường của cõi tạm.

Xin cho con biết dùng đôi tay để mở ra với đồng loại;
để nâng đỡ những người cùng khổ;
để sẻ chia với cảnh đời đói nghèo;
để nối kết những tâm hồn nguội lạnh;
để vỗ về những tâm hồn cô đơn.

Xin cho con đôi chân dám ra đi để đến với mọi người;
luôn vững chãi để đứng vững trước những cám dỗ;
luôn can đảm để tiến bước về phía trước;
luôn linh hoạt để dừng lại trước những cảnh đời đáng thương.
Xin cho con một trí óc sáng suốt để nhận ra chân lý;
luôn minh mẫn để phân biệt đúng sai;
luôn tỉnh táo để làm lợi cho Chúa;
luôn sáng tạo để mang lại niềm vui cho anh chị em.

Xin cho con một con tim luôn cảm nhận được tình yêu Chúa;
luôn đồng cảm với anh chị em;
luôn thương cảm với những cảnh cùng khổ
và biết động lòng thương với hết cả mọi người. Amen.



Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017

Chúa Ba Ngôi – nguồn mạch tình yêu

Chúa nhật Chúa Ba Ngôi (Ga 3,16-18)

Ạnh chị em thân mến, hôm nay Giáo hội long trọng mừng kính mầu nhiệm quan trọng nhất: mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm trọng tâm và là nguồn mạch mọi ơn lành cho chúng ta.
Nhắc đến mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, có lẽ cảm giác chung của chúng ta là khó hiểu. Khó hiểu cũng phải bởi đây là mầu nhiệm của tình yêu. Mà tình yêu thì luôn khó hiểu. Tình yêu của con người đã thế phương chi tình yêu của Thiên Chúa. Thế nhưng, càng khó hiểu thì càng nói lên chiều kích sâu đậm của tình yêu Thiên Chúa.
1. Tình yêu của Chúa Cha: nhân từ và nhẫn nại
Các sách Cựu Ước giới thiệu cho chúng ta Thiên Chúa là một người Cha ân cần chăm lo cho con cái. Ngài chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo trước khi dựng nên con người để hưởng dùng. Dù tội lỗi đã cướp đi hồng ân cao cả đó nhưng Thiên Chúa vẫn mở ra những cơ hội mới để con người được sống.
Thiên Chúa còn là người cha giàu lòng từ bi và nhân ái. Dù dân nhiều lần phản bội lại giao ước nhưng Thiên Chúa vẫn cất công tìm kiếm và trao ban cơ hội sửa chữa. Dù nhiều lần con người xúc phạm đến tình yêu Thiên Chúa nhưng Ngài vẫn rộng lòng thứ tha một khi họ biết ăn năn sám hối.
Khi thấy con cái mình bế tắc trong việc tìm về nguồn sự sống, Thiên Chúa lại ban Con Một đến để mang lại sự sống cho ta. Thiên Chúa như người cha luôn nhẫn nại để cho con cái được sống một cách dồi dào.
Tình yêu của Chúa Cha nhắc nhở ta hãy thể hiện tình yêu qua việc ân cần chăm lo cho nhau, nhất là đối với những người nghèo, những người cô thế cô thân. Hãy đón nhận nhau với lòng từ bi và nhân ái, hãy nhẫn nại và nhất là mở ra cơ hội để giúp nhau nên hoàn thiện hơn.
2. Tình yêu của Chúa Con – hy sinh mạng sống
Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Đó là khẳng định của Ngôi Hai Thiên Chúa khi đến trần gian này. Ngài đã cho chiên được sống cách dồi dào qua việc chữa lành bệnh tật, đuổi trừ ma quỷ, ban ơn tha tội và nhất là thiết lập các bí tích để tiếp tục ban ơn thánh cho chúng ta.
Để mang lại sự sống đời đời cho con người, Con Một Thiên Chúa đã chấp nhận hy sinh chính mạng sống mình: không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Có muôn vàn cách diễn tả tình yêu nhưng Con Một Chúa đã chọn cách triệt để là cái chết khổ nhục trên thập giá. Chúng ta không thể giải thích sự chọn lựa của Thiên Chúa dựa vào ngôn ngữ của lý trí. Chỉ có ngôn ngữ tình yêu mới có thể cảm nhận được phần nào.
Hơn nữa, trước khi lên trời, Chúa Giêsu còn hứa sẽ không để các môn đệ mồ côi nhưng ban Thánh Thần để hướng dẫn và đồng hành với các ngài.
Qua tình yêu của Ngôi Con ta học được bài học dấn thân. Tình yêu không chỉ thể hiện nơi đầu môi chóp lưỡi nhưng là dấn thân vì người mình yêu, là chịu liên lụy, chịu thiệt thòi vì người mình yêu thương.
3. Tình yêu của Chúa Thánh Thần – tình yêu thánh hóa
Chúng ta đang sống trong thời đại của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa, nghĩa là giúp ta nên thánh. Ngài soi lòng mở trí giúp ta nhớ lại và hiểu những lời giảng dạy của Đức Giêsu. Nhờ đó gìn giữ ta luôn sống trong đường lối và tình yêu của Thiên Chúa.
Những ân sủng vô vàn phong phú của Chúa Thánh Thần giúp ta sống đời Kitô hữu một cách trọn vẹn và ý nghĩa hơn. Giúp ta nên giống Chúa hơn mỗi ngày.
Tình yêu Chúa Thánh Thần dạy ta giúp nhau nên thánh trong tình yêu. Tình yêu đích thực phải giúp nhau nên tốt hơn, hoàn thiện hơn.
Anh chị em thân mến, sự tách biệt tình yêu của từng Ngôi chỉ là tạm thời, giúp ta hiểu hơn đặc tính của từng Ngôi. Thực ra Ba Ngôi luôn hoạt động trong mọi công trình và tình yêu Thiên Chúa cũng thế. Đó là một tình yêu hiệp nhất và tràn đầy. Xin cho mỗi người chúng ta cũng luôn sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong sự hiệp nhất và tràn đầy như thế.



Chúa Thánh Thần – nguồn ơn hiệp nhất

Lễ chúa thánh thần hiện xuống (Ga 20,19-23)

Anh chị em thân mến, có thể nói trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần được mạc khải cho ta sau cùng; nhưng cũng trong Chúa Thánh Thần, ân sủng ban cho ta dồi dào phong phú. Thánh Phaolô liệt kê cho ta vô vàn những hoa trái của Thánh Thần Thiên Chúa. Ba bài đọc trong thánh lễ hôm nay cũng giới thiệu cho ta những ân sủng phong phú của Chúa Thánh Thần. Qua đó, ta có thể nhận ra Chúa Thánh Thần là nguồn ơn của sự hiệp nhất.
Hiệp nhất trong ngôn ngữ
Bài đọc một trích từ sách Công vụ tông đồ là bài đọc đặc trưng nói về ơn Chúa Thánh Thần. Lưỡi tượng trưng cho bộ phận để nói. Lửa nói lên lòng hăng say, nhiệt tâm. Lưỡi lửa là lòng say mê rao giảng Lời Chúa.
Lời Chúa được cất lên bằng mọi thứ tiếng, mọi ngôn ngữ, nhưng điều dặc biệt hơn nữa là mọi người đều có thể nghe và hiểu bằng chính ngôn ngữ của mình. Xưa kia, vì tội kiêu ngạo mà con người không hiểu và chia rẻ nhau (biến cố xây tháp Baben) thì nay nhờ ơn Chúa Thánh Thần, mọi ngôn ngữ đều hiệp nhất nên một. Nhờ nghe và hiểu mà mọi người lòng trí hiệp nhất: họ để mọi sự làm của chung và một lòng một ý ca tụng Thiên Chúa.
Ngày nay, chúng ta sống trong một giáo xứ, trong cùng một gia đình, nói chung một thứ tiếng nhưng lắm lúc lại không hiểu nhau. Vợ không hiểu nỗi chồng, chồng không hiểu nỗi vợ; cha mẹ không hiểu con cái và con cái không hiểu cha mẹ. Hoặc có khi hiểu nhưng không thể cảm thông và tha thứ cho nhau. Lý do là thiếu sợi dây liên kết trong đời sống chúng ta. Chúng ta loại Chúa Thánh Thần là nguồn ơn hiệp nhất ra khỏi đời sống gia đình để rồi luôn thấp thỏm trong lo âu và sợ hãi.
Hiệp nhất trong ơn Chúa vì lợi ích chung
Trong thư của thánh Phaolô gửi cho tín hữu ở Côrintô, Ngài khẳng định: Thần khí tỏ mình ra nơi mỗi người mỗi cách là vì ích chung. Như đã nói, ân sủng của Chúa Thánh Thần thì vô vàn. Mọi người đều được mời gọi đón nhận. Nhưng những ơn đó ban cho mỗi người không như nhau: có nhiều đăc sủng khác nhau nhưng chỉ có một Thần Khí (x. 1Cr 12,4). Người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì đuọc ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người. (x. 1Cr 12,8-11).
Mỗi người trong giáo xứ, trong gia đình chúng ta đều được lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần. Mỗi người mỗi cách khác nhau nhưng tất cả đều phục vụ cho một lợi ích chung. Chúng ta không lãnh nhận ơn Chúa để giữ cho riêng mình. Chúa ban ơn cho ta cũng không chỉ vì bản thân ta. Người đánh đàn, kẻ phất nhịp, người đóng góp giọng ca, có cộng tác với nhau thì mới tạo thành một bản hòa tấu hay. Cũng thế, mỗi người được mời gọi cộng tác với nhau trong ơn Chúa để xây dựng lợi ích chung.
Hiệp nhất trong ơn tha thứ và hòa giải
Chúa Giêsu Phục sinh thổi hơi vào các tông đồ và nói: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai thì người đó được tha. Đó không chỉ là lệnh truyền ban quyền tha tội cho các tông đồ nhưng còn là lời mời gọi mỗi người hãy sống tinh thần tha thứ và hòa giải. Ơn Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn mỗi người, giúp ta sống tinh thần này. Nếu mỗi người để cho ơn Chúa Thánh thần tác động, cộng đoàn chúng ta sẽ là một cộng đoàn biết cảm thông, tha thứ và hòa giải. Đó là cộng đoàn của sự hiệp nhất.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên mỗi người để giúp chúng ta hiệp lòng hiệp ý hướng đến lợi ích chung trong tinh thần hòa giải và tha thứ.

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Lên trời – hành trình về quê hương đích thực

Chúa nhật Chúa lên trời (Mt 28, 16-20)


Chúa lên trời, hoàn tất hành trình dương thế 33 năm. Chúa từ giã trần gian để về với Cha dấu yêu. Chúa từ biệt cõi tạm để về quê hương đích thực. Tuy thế, Chúa lên trời đâu phải để kết thúc mọi sự, Ngài đang mở ra một chân trời mới. Chúa từ giã trần gian đâu phải để rời bỏ các môn đệ nhưng là để mở đường cho Đấng Bảo Trợ đến. Ngài từ biệt cõi tạm để hẹn gặp ta nơi cõi đời đời.
Quả thật, Ngài từng nói: nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, Thầy đi là để dọn chỗ cho anh em. Thầy sẽ trở lại dẫn anh em đi, để Thầy ở đâu thì anh em cũng ở đó. Đó là lời hứa tuyệt vời cho các môn đệ và cũng là lời đầy hy vọng cho mỗi người chúng ta.
Chúa lên trời nhắc nhớ ta hướng lòng về quê hương đích thực: đó là nhà Cha ta. Nơi đó có Anh Cả là Đức Giêsu đang đợi ta. Nơi mà chúng ta có một chỗ đã được dọn sẵn.
Trong kinh Mân Côi, khi suy niệm mầu nhiệm năm sự Mừng, ta đọc: thứ hai Đức Chúa Giêsu lên trời, ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời. Những sự trên trời là những sự gì? Đang ở dưới đất mà cứ hướng lòng lên trời, đó có phải là mộng mơ ảo tưởng?
Động từ “lên” khiến cho ta hiểu lầm rằng “trời” ở đâu đó trên cao, phía trên “chín tầng trời”. Thực ra, “lên” chỉ là cách diễn tả Đức Giêsu “về” với Cha. “Trời” không nhất thiết là ở trên cao nhưng đúng hơn là nơi Cha - Con hợp nhất với nhau. “Trời” là nơi tình yêu Cha Con hiện diện cách trọn vẹn. Hay nói tóm lại “trời” là nơi có tình yêu Thiên Chúa cách tràn đầy: Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời.
Như thế, yêu mến những sự trên trời là ao ước được kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa. Sống những sự trên trời là sống tình yêu thương cách trọn vẹn. Trời là nhà Cha ta. Nơi đó có Anh cả Giêsu đang đón đợi ta; có ông bà tổ tiên, bạn hữu đang sum họp.
Hiểu như thế thì nghĩ về trời đâu phải là mộng mơ ảo tưởng. Nước trời đâu phải là chuyện của tương lai. Bởi ngay ở trần gian này ta đã bắt đầu tham dự vào sự kết hợp với Thiên Chúa rồi. Ngay lúc này ta đã có thể sống những giá trị của tình yêu rồi.
Thực vậy, mỗi khi ta cầu nguyện, mỗi khi ta tham dự thánh lễ và nhất là mỗi khi rước Mình Máu Thánh Chúa, là ta đang kết hiệp với Chúa. Đó chính là sự khởi đầu của nước Trời ở trần gian này. Khi ta sống tình yêu thương là ta đang sống các giá trị Nước Trời ngay tại trần gian này. Như thế, yêu mến những sự trên trời là khao khát kết hợp với Thiên Chúa và sống tình yêu thương trong cuộc sống hằng ngày.
Yêu mến những sự trên trời còn được thể hiện bằng cách rao giảng và làm chứng về Đức Giêsu Phục Sinh. Điều gì ta yêu mến, ta sẽ tìm cách giới thiệu cho người khác. Rao giảng và làm chứng về Chúa cũng chính là mệnh lệnh của Đức Giêsu trước khi Ngài về trời: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Đó đồng thời cũng là lời mời gọi dành cho mỗi người chúng ta. Hằng ngày, chúng ta cầu nguyện, xin cho nước Cha trị đến, dưới đất cũng như trên trời. Đó chính là lời nguyện cho nước trời ngày càng rộng mở và hiện diện cách tràn đầy. Nhưng thiết nghĩ, mọi chuyện không chỉ dừng lại ở lời nguyện mà thôi nhưng phải được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực.
Rao giảng và làm chứng về Chúa, đó chính là nhiệm vụ của mỗi kitô hữu khi còn sống ở trần gian này. Đây là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi nhiều hy sinh, thậm chí có những nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng, Chúa mời gọi ta đừng sợ, vì có Chúa luôn ở cùng ta.
Xin cho mỗi người trong giáo xứ chúng ta ý thức những giá trị của nước trời ngay ở trần gian này; khao khát sống những giá trị đó cách trọn vẹn và nhất là rao giảng, làm chứng cho những giá trị đó qua chính cuộc sống hằng ngày của mỗi người chúng ta.

Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

TÌNH YÊU VÀ PHẦN THƯỞNG

Chúa nhật VI mùa Phục sinh (Ga 14,15-21)


Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga14,15). Lòng yêu thương phải đi đôi với hành động. Ai nói mình yêu thương mà chẳng có hành động nào để thể hiện thì đó là kẻ nói dối.
Con cái nói yêu thương ông bà cha mẹ mà lại bỏ ngoài tai những lời dạy bảo của các ngài thì chúng chỉ nói dối mà thôi. Đó chỉ là tình yêu nơi đầu môi chót lưỡi. Tình yêu vị lợi mà thôi. Cũng thế, nếu ta nói yêu mến Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Ngài thì ta cũng chỉ là kẻ nói dối không hơn không kém. Không phải ai nói “Lạy Chúa, Lạy Chúa” là được vào Nước Trời.
Thước đo cho tình yêu mến
Vậy, thước đo cho việc yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Ngài. Khi nói các điều răn, ta nghĩ ngay đến mười điều răn mà Chúa đã ban cho dân trên núi Sinai. Mười điều răn đó dạy ta tôn kính Thiên Chúa là Đấng duy nhất và yêu người thân cận như chính mình.
Dựa vào đó chúng ta thử xét xem mình đã yêu mến Chúa chưa? Tôi đã tôn kính Thiên Chúa hết lòng chưa? Tôi có thực sự cảm thấy niềm vui, sự hãnh diện và hạnh phúc khi tôn kính Chúa. Mỗi ngày Chúa nhật, tôi đến nhà thờ tham dự thánh lễ với tâm trạng như thế nào? Mỗi người hãy chân thật với lương tâm của mình để trả lời trước mặt Chúa xem đã yêu mến Chúa đến mức độ nào.
Hơn nữa, yêu mến Chúa còn thể hiện qua tương quan với anh chị em. Chúng ta đã sống công bằng, ngay thẳng với anh chị em chưa? Có khi nào trong cuộc sống, vì lợi nhuận trước mặt mà tôi lừa gạt, gian dối hay thậm chí ức hiếp anh chị em chưa?
Đó là chưa kể, tình yêu trong tân ước được diễn tả qua gương mẫu của chính Đức Giêsu. “Anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Điều răn duy nhất mà Đức Giêsu để lại cho chúng ta là điều răn yêu thương. “Thầy để lại cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34). Yêu thương không theo kiểu thế gian nhưng theo kiểu của Thầy Giêsu: hy chính chính mạng sống mình. Một tình yêu được mời gọi dám hy sinh, dám cho đi, dám đón nhận những thiệt thòi để anh chị em ta được sống và sống dồi dào. Xét theo tiêu chuẩn này thì mấy ai trong chúng ta dám tự hào mình đã yêu mến Chúa thật lòng!
Phần thưởng cho tình yêu mến
Đòi hỏi càng cao thì phần thưởng càng giá trị, đó là quy luật thường tình. Vậy phần thương cho tình yêu mến đó là gì?
Thưa, họ sẽ được Chúa Cha yêu mến, được Chúa Giêsu ở cùng và được Chúa Thánh Thần đến trợ giúp.
Ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến”, “Thầy sẽ không để anh em mồ côi”, “một Đấng Bảo Trợ khác sẽ đến ở với anh em luôn mãi”. Đó là những lời hứa mà Thầy Giêsu hứa ban cho các môn đệ, những người yêu mến Thầy. Đó cũng là những lời Thầy hứa cho mỗi người chúng ta.
Còn gì hạnh phúc hơn khi có Ba Ngôi Thiên Chúa ở cùng. Được Thiên Chúa lấy tình Cha con mà chăm sóc, được Chúa Giêsu ở bên mãi mãi và nhất là được Chúa Thánh Thần hiện diện bên cạnh như một Đấng Bảo Trợ.
Theo tiếng Hy lạp, Đấng Bảo Trợ là Paracletos có nghĩa đen là người được gọi đến để trợ giúp khi cần. Người đó có thể là một luật sư bênh vực ta trước tòa án, cũng có thể là người an ủi khi ta sầu khổ, người cố vấn khi ta gặp khó khăn, và là người động viên tinh thần khi ta chán nản.
Chúng ta đang sống trong thời của Đấng Bảo Trợ. Xin Ngôi Ba Thiên Chúa luôn bảo trợ ta trong mọi khó khăn của cuộc sống. Về phần ta, hãy chu toàn tốt các điều răn của Chúa để chứng tỏ lòng yêu mến của Mình, để nhờ đó, chúng ta nhận được phần thưởng là sự hiện diện và yêu mến của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Giàu – nghèo


-          Cha ơi, cha có nhiều bạn không?
-          Ờ, cũng tương đối nhiều
-          Thế bạn của cha có giàu không?
-          Cái này thì… hình như đa số là nghèo
Sau câu trả lời của tôi là một khoảng trống thinh lặng. Em thinh lặng có lẽ thất vọng về điều gì đó! Còn tôi thinh lặng vì nhờ câu hỏi của em mà tôi cũng chợt giật mình tự hỏi: ừ, sao bạn của mình toàn là nghèo và bình thường không vậy?
Để đánh tan cái thinh lặng không mấy dễ chịu đó, tôi hỏi Em:
-          Mà con hỏi để làm gì?
Với chút ngập ngừng, Em rụt rè:
-          Con tưởng nếu có ai giàu, thì con nhờ cha xin họ tài trợ cho các em một bộ váy đồng phục để múa. Giáo xứ mình hay múa mà các em không có bộ đồ nào cả.
Có chút thất vọng trong câu nói của em. Mình cũng hơi buồn vì có phần là “nguyên nhân” gây nên cái thất vọng đó. Thế nhưng ngay lập tức, mình nghĩ đến những chuyện khác xa xôi hơn muốn chia sẻ với Em.
1. Quả thật ông bà ta có nói “chọn bạn mà chơi”. Nhưng chọn ở đây là chọn tâm tính chứ không phải chọn giàu nghèo. Bạn bè cốt ở chỗ hiểu nhau, ở bên nhau khi khó khăn và cảm thấy vui khi có nhau. Vây nên, thà bạn nghèo mà có được cái “cốt lõi” của tình bạn còn hơn giàu mà chỉ hời hợt bên ngoài.
2. Em cần bộ đồng phục để múa. Ước mơ chính đáng. Em biết nghĩ đến cái chung, nghĩ đến các em. Nhưng đừng biến ước mơ đó thành cái mình phải “lo lắng”. Hãy giữ ước mơ đó trong lòng. Một lúc nào đó thuận tiện, ước mơ sẽ biến thành hiện thực theo nhiều cách thức riêng của nó. Còn nếu suốt ngày Em nghĩ về ước mơ đó, coi chừng, nó không còn là ước mơ, nhưng là cái để em lệ thuộc và trở thành nô lệ. Nhất là khi Em không làm chủ được ước mơ của mình mà tìm sự trợ giúp nơi người khác.
3. Trước hết hãy tự giúp mình và đừng lệ thuộc vào người khác. Hãy cố gắng giải quyết vấn đề trong khả năng của mình. Đừng trả giá cho ước mơ bằng cách lệ thuộc vào người khác. Cũng đừng nghĩ nhiều đến chuyện giàu nghèo nhưng hãy tận hưởng những niềm vui trong cuộc sống. Có những niềm vui mà tiền bạc không thể mua được. Đừng mặc cảm vì mình nghèo nhưng hãy mặc cảm vì chưa rộng lượng với anh chị em. Đừng mơ ước trở nên giàu có nhưng hãy mơ ước nhiều người tìm đến với mình để có niềm vui và sự bình an.
4. Đừng chủ động làm quen, kết bạn với những người giàu có vì nghĩ rằng họ sẽ giúp mình nhiều. Hãy để mọi sự đến cách tự nhiên. Cuộc đời đủ rộng lượng để gửi đến cho ta những người thật sự muốn cho đi mà không cần đáp trả. Chính Chúa sẽ gửi họ đến và cũng chính Ngài sẽ đáp trả thay cho ta.

Hãy sống với tất cả nhiệt tâm và lòng tín thác vào lòng nhân từ của Thiên Chúa! Người sẽ không để ta mồ côi đâu (x. Ga 14,18).

Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Đừng xao xuyến!

Chúa nhật 5 Phục Sinh (Ga 14,1-12)

“Chia tay” là cụm từ mà có lẽ chẳng ai muốn dùng đến. Chỉ cần nghĩ đến thôi cũng đủ tạo cho ta những cảm xúc xao xuyến bồi hồi. Nhất là khi chia tay với một ai đã từng gắn bó lâu dài, thân mật với ta. Cảm giác xao xuyến khó chịu biết bao!
Các môn đệ cũng đã trải qua kinh nghiệm như thế trong buổi tiệc ly. Không bồi hồi xao xuyến sao được khi mà Đức Giêsu tiên báo trước sẽ có cuộc chia ly. Các ông đã gắn bó với Thầy suốt ba năm qua. Bao nhiêu bình an, vinh dự đều nhờ sự hiện diện của Thầy mà có. Các ông biết rõ “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Các ông cũng đã vài lần kinh nghiệm cảm giác vắng Thầy (Mt 14,22-33). Ôi! Đáng sợ biết bao! Bởi vậy, thật dễ hiểu khi các ông xao xuyến. Không gian như chùng xuống hẳn.
Đức Giêsu biết vậy nên trấn an các ông: Anh em đừng xao xuyến! Tại sao đừng xao xuyến? Đức Giêsu đưa ra ít là ba lý do:
Sự vắng mặt tạm thời: “Tạm thời” ở đây được hiểu theo hai nghĩa: thời gian và không gian. Xét về thời gian, Đức Giêsu chỉ vắng mặt một “ít lâu” mà thôi (Ga 16,16). Sau đó, Người sẽ trở lại để đem các ông đi. Xét về không gian, Đức Giêsu chỉ vắng mặt (vắng sự hiện diện thể lý) chứ không bỏ rơi hoàn toàn. Bằng chứng là sau khi sống lại và lên trời, Chúa vẫn tiếp tục hoạt động với các Tông đồ.
Thầy đi dọn chỗ cho anh em: Lời động viên thật ngọt ngào biết bao! Nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, Thầy đi trước để dọn chỗ cho Anh em. Ngọt ngào ở chỗ Đức Giêsu cho ta biết “nhà Cha” có nhiều chỗ ở. Do vậy, chúng ta không sợ mất phần, bởi đơn giản, đó là nhà của Cha chúng ta. Chúng ta là con, chúng ta có phần dành sẵn cho mình rồi, không sợ thiếu, không sợ mất. Có điều là phải chuẩn bị chút thôi! Nhưng ai sẽ chuẩn bị chỗ ở cho ta. Là Đức Giêsu, Anh Cả của ta. Không ngọt ngào sao được, không xúc động sao được khi chính Đức Giêsu lại tự nguyện chuẩn bị chỗ ở cho ta. Thông thường, người bé phải phục vụ người lớn, người dưới phải phục vụ người trên. Nhưng ở đây, chính Đức Giêsu lại nêu gương phục vụ cho ta: Con Người đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Mc 10,45). Còn lời an ủi nào ngọt ngào hơn nữa? Còn lý do gì nữa để mà xao xuyến?
Lời hứa ở bên nhau: Để trấn an thêm các môn đệ, Đức Giêsu hứa sẽ trở lại và đem anh em đi, để Thầy ở đâu thì anh em cũng sẽ ở đó. Còn gì sung sướng bằng! Còn gì hạnh phúc hơn! Thầy đã hứa không bỏ rơi, sẽ ở bên nhau mãi mãi. Đó là bảo đảm để anh em đừng xao xuyến.
Với những lý do đó, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ hãy tin.
Anh chị em thân mến, lời hứa và lời mời gọi đó, ngày nay, Đức Giêsu vẫn tiếp tục đặt ra cho mỗi người chúng ta.
Ngày nay, có quá nhiều lý do khiến cho anh chị em xao xuyến. Đó không chỉ là cảm giác vắng bóng Thiên Chúa trong cuộc đời mình, nhưng còn bao nhiêu thử thách khác đang vây bủa xung quanh. Làm sao để gìn giữ hạnh phúc gia đình tránh khỏi những đổ vỡ? Làm sao để đảm bảo kinh tế cho gia đình? Làm thế nào để bảo vệ con cái trước những lôi kéo của xã hội?
Như xưa, Chúa đã trấn an các môn đệ như thế nào, ngày nay, Chúa vẫn tiếp tục ngỏ lời với mỗi người chúng ta như thế.
Anh chị em đừng xao xuyến, vì có Chúa luôn ở bên chúng ta. Sự vắng mặt thể lý của Ngài chỉ là tạm thời. Ngài vẫn luôn đồng hành cách thiêng liêng bên cạnh chúng ta như xưa kia đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau. Ngài sẵn sàng đưa tay nâng đỡ khi ta ngã ngục. Nhất là Ngài đã dọn sẵn cho ta một chỗ trong nhà Cha. Còn chần chờ gì nữa, hãy để lại những xao xuyến sau lưng và mặc lấy Thần khí Chúa để can đảm tiến bước về nhà Cha.


Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

HẬU PHỤC SINH


Còn hơn một tiếng nữa mới bắt đầu nghi thức Thứ Bảy Tuần Thánh, mình tranh thủ đi dạo một vòng trong làng. Từ xa đã thấy hai người đàn ông đang ngồi ngay trước cổng đường vào nhà thờ. Mình tiến lại bắt chuyện:
-         Hai anh ăn cơm chưa mà ngồi đây?
-         ồ, nhà có cái gì ăn đâu! Nhà nghèo lắm! lâu lâu có tí rau thôi chứ đâu có gì đâu!
Người đàn ông có vẻ lớn tuổi hơn trả lời. Giọng rụt rè.
Người còn lại điệu đứa con nhỏ, thậm chí chẳng thèm nhìn mình. Tay cầm hộp xôi – có lẽ mua ở đâu đó.
-         ồ, có xôi ăn là ngon rồi!
Đang tính kéo dài thêm câu chuyện thì đứa bé con chú Giáo phu gọi to,
-         cha ơi, về ăn cơm.
-         ừ, cha về ngay.
Mình đành chào hai ông để về thì cả hai đều mở to mắt nhìn mình.
- Cha hả, vậy mà cứ tưởng là công an
- Tưởng công an! Vậy hai hôm nay các ông không đi lễ à?
Hỏi thì hỏi vậy thôi chứ mình cũng phải về ngay, phần để nhà chú Giáo phu khỏi phải đợi, phần để tránh cho hai ông khỏi ngại.
Thế nhưng mình cũng cứ thắc mắc trong lòng, ngay trước đường vào cổng nhà thờ mà sao không nhận ra mình, khi mà mình đã ở đây hai ngày rồi!
Mình đem thắc mắc nói với chú Giáo phu thì được biết hai người đó trước đây cũng là người công giáo, sau theo lời xúi giục đi theo lạc giáo hmon. Bây giờ về làng nhưng mặc cảm, chưa hòa nhập được với dân làng.
Trong làng hiện còn khoảng 20 gia đình trong tình trạng như thế. ngay cả mẹ và chị chú Giáo phu cũng thuộc dạng này. Họ sống mặc cảm, cô lập. Con cái họ cũng thế, không học hành, đời sống khó khăn thiếu thốn vả về vật chất (vì trước đây họ cha rằng sắp tận thế - thời điểm năm 2000 – nên bỏ bê không lo làm ăn, kéo theo ảnh hưởng lâu dài) lẫn tinh thần, nhất là đời sống đức tin.
Nghe câu chuyện mà lòng thấy xót xa. Nghi thức Phục sinh sau đó diễn tiến tốt đẹp nhưng lòng mình vẫn không thấy thoải mái lắm. Nghe nói đêm nghi thức vài người trong nhóm họ cũng đi tham dự nhưng chỉ đừng ở đàng xa. Mình biết, Đấng Phục sinh sẽ không bỏ rơi họ nhưng làm thế nào để họ nhận ra điều đó.
Lúc chia tay bà còn, mình có nói gần nói xa với bà con như một lời nhắn nhủ. Hy vọng bà con sẽ là ánh lửa tiếp nối ánh lửa Phục sinh để sưởi ấm tâm hồn những anh chị em chưa hiệp nhất trọn vẹn với chúng ta.
Chia tay bà con mà lòng còn vẫn còn chút gì đó chưa trọn!


Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

LÁ…


Nay non mơn mởn… mai sẽ già, sẽ vàng, sẽ héo, sẽ rụng, sẽ mục nát!
Cầm nhành lá trên tay… ta được nhắc nhở về sự đổi thay của con người.
Tiếng hò reo tung hô Vua Giêsu … rồi sẽ chuyển thành tiếng gào thét kết án một “Tử tội”!
Môi miệng cùng ăn chung một tấm bánh, uống chung một chén rượu … sẽ được dùng để chuyển trao một nụ hôn phản hội!
Môi miệng hào hứng thề sống chết … sẽ nhút nhát nói lời chối từ!
Những bước chân từng hăm hở theo Thầy… giờ đây co giò chạy tán loạn!
Lá là thế…tạm bợ biết bao, mỏng dòn biết mấy!
Nhưng…
Nguồn sức sống vẫn luôn luân chuyển trong thân, chẳng thay đổi bao giờ.
Con người bất trung… nhưng Chúa hằng trung tín.
Con người đổi thay vì sợ hãi… nhưng Thiên Chúa bất biến vì yêu thương.
Xin tình yêu của Chúa lấp đầy những sợ hãi trong con … để con luôn trung tín đáp trả lời mời gọi yêu thương của Ngài.




Thỉnh thoảng…


Thỉnh thoảng thức khuya để cảm thông với những người không thể ngủ dù rất muốn.
Thỉnh thoảng nhịn ăn để biết cái đói cồn cào của những người không có gì bỏ miệng.
Thỉnh thoảng đi dưới trời mưa để biết cái ướt át của những căn nhà dột nát.
Thỉnh thoảng đi đường xa trong tiết trời giá lạnh để hiểu cái rét của những người phải thức khuya dậy sớm hàng ngày để mưu sinh.
Thỉnh thoảng đi xa để biết cảm giác của những người nhớ nhà.
Thỉnh thoảng nhìn bữa ăn của những người nghèo để thấy cái sung túc của chính bản thân.
Thỉnh thoảng bỏ đi những cái lâu ngày không dùng để thấy nhiều người đang rất cần nó.
Thỉnh thoảng ngồi trò chuyện lâu giờ với một người để nhận ra những khắc khoải bên trong tâm hồn họ.
Thỉnh thoảng ngồi nhắm mắt để tâm trí được mở ra.
Thỉnh thoảng “dừng chân” để thưởng thức giá trị cuộc sống.
Thỉnh thoảng… có những phút thỉnh thoảng như trên sẽ thấy yêu cuộc sống hơn!
P/s: Thỉnh thoảng rãnh rỗi ngồi suy tư tí gọi là…