Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

HẬU PHỤC SINH


Còn hơn một tiếng nữa mới bắt đầu nghi thức Thứ Bảy Tuần Thánh, mình tranh thủ đi dạo một vòng trong làng. Từ xa đã thấy hai người đàn ông đang ngồi ngay trước cổng đường vào nhà thờ. Mình tiến lại bắt chuyện:
-         Hai anh ăn cơm chưa mà ngồi đây?
-         ồ, nhà có cái gì ăn đâu! Nhà nghèo lắm! lâu lâu có tí rau thôi chứ đâu có gì đâu!
Người đàn ông có vẻ lớn tuổi hơn trả lời. Giọng rụt rè.
Người còn lại điệu đứa con nhỏ, thậm chí chẳng thèm nhìn mình. Tay cầm hộp xôi – có lẽ mua ở đâu đó.
-         ồ, có xôi ăn là ngon rồi!
Đang tính kéo dài thêm câu chuyện thì đứa bé con chú Giáo phu gọi to,
-         cha ơi, về ăn cơm.
-         ừ, cha về ngay.
Mình đành chào hai ông để về thì cả hai đều mở to mắt nhìn mình.
- Cha hả, vậy mà cứ tưởng là công an
- Tưởng công an! Vậy hai hôm nay các ông không đi lễ à?
Hỏi thì hỏi vậy thôi chứ mình cũng phải về ngay, phần để nhà chú Giáo phu khỏi phải đợi, phần để tránh cho hai ông khỏi ngại.
Thế nhưng mình cũng cứ thắc mắc trong lòng, ngay trước đường vào cổng nhà thờ mà sao không nhận ra mình, khi mà mình đã ở đây hai ngày rồi!
Mình đem thắc mắc nói với chú Giáo phu thì được biết hai người đó trước đây cũng là người công giáo, sau theo lời xúi giục đi theo lạc giáo hmon. Bây giờ về làng nhưng mặc cảm, chưa hòa nhập được với dân làng.
Trong làng hiện còn khoảng 20 gia đình trong tình trạng như thế. ngay cả mẹ và chị chú Giáo phu cũng thuộc dạng này. Họ sống mặc cảm, cô lập. Con cái họ cũng thế, không học hành, đời sống khó khăn thiếu thốn vả về vật chất (vì trước đây họ cha rằng sắp tận thế - thời điểm năm 2000 – nên bỏ bê không lo làm ăn, kéo theo ảnh hưởng lâu dài) lẫn tinh thần, nhất là đời sống đức tin.
Nghe câu chuyện mà lòng thấy xót xa. Nghi thức Phục sinh sau đó diễn tiến tốt đẹp nhưng lòng mình vẫn không thấy thoải mái lắm. Nghe nói đêm nghi thức vài người trong nhóm họ cũng đi tham dự nhưng chỉ đừng ở đàng xa. Mình biết, Đấng Phục sinh sẽ không bỏ rơi họ nhưng làm thế nào để họ nhận ra điều đó.
Lúc chia tay bà còn, mình có nói gần nói xa với bà con như một lời nhắn nhủ. Hy vọng bà con sẽ là ánh lửa tiếp nối ánh lửa Phục sinh để sưởi ấm tâm hồn những anh chị em chưa hiệp nhất trọn vẹn với chúng ta.
Chia tay bà con mà lòng còn vẫn còn chút gì đó chưa trọn!


Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

LÁ…


Nay non mơn mởn… mai sẽ già, sẽ vàng, sẽ héo, sẽ rụng, sẽ mục nát!
Cầm nhành lá trên tay… ta được nhắc nhở về sự đổi thay của con người.
Tiếng hò reo tung hô Vua Giêsu … rồi sẽ chuyển thành tiếng gào thét kết án một “Tử tội”!
Môi miệng cùng ăn chung một tấm bánh, uống chung một chén rượu … sẽ được dùng để chuyển trao một nụ hôn phản hội!
Môi miệng hào hứng thề sống chết … sẽ nhút nhát nói lời chối từ!
Những bước chân từng hăm hở theo Thầy… giờ đây co giò chạy tán loạn!
Lá là thế…tạm bợ biết bao, mỏng dòn biết mấy!
Nhưng…
Nguồn sức sống vẫn luôn luân chuyển trong thân, chẳng thay đổi bao giờ.
Con người bất trung… nhưng Chúa hằng trung tín.
Con người đổi thay vì sợ hãi… nhưng Thiên Chúa bất biến vì yêu thương.
Xin tình yêu của Chúa lấp đầy những sợ hãi trong con … để con luôn trung tín đáp trả lời mời gọi yêu thương của Ngài.




Thỉnh thoảng…


Thỉnh thoảng thức khuya để cảm thông với những người không thể ngủ dù rất muốn.
Thỉnh thoảng nhịn ăn để biết cái đói cồn cào của những người không có gì bỏ miệng.
Thỉnh thoảng đi dưới trời mưa để biết cái ướt át của những căn nhà dột nát.
Thỉnh thoảng đi đường xa trong tiết trời giá lạnh để hiểu cái rét của những người phải thức khuya dậy sớm hàng ngày để mưu sinh.
Thỉnh thoảng đi xa để biết cảm giác của những người nhớ nhà.
Thỉnh thoảng nhìn bữa ăn của những người nghèo để thấy cái sung túc của chính bản thân.
Thỉnh thoảng bỏ đi những cái lâu ngày không dùng để thấy nhiều người đang rất cần nó.
Thỉnh thoảng ngồi trò chuyện lâu giờ với một người để nhận ra những khắc khoải bên trong tâm hồn họ.
Thỉnh thoảng ngồi nhắm mắt để tâm trí được mở ra.
Thỉnh thoảng “dừng chân” để thưởng thức giá trị cuộc sống.
Thỉnh thoảng… có những phút thỉnh thoảng như trên sẽ thấy yêu cuộc sống hơn!
P/s: Thỉnh thoảng rãnh rỗi ngồi suy tư tí gọi là…



Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

HÃY KÝ THÁC ĐƯỜNG ĐỜI CHO CHÚA

Thứ 7 tuần XXX TNC (Lc 14, 1.7-11)
Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14, 11).
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu không nhằm dạy ta một nghệ thuật sống: chọn cái này để được cái kia. Chọn chỗ cuối để được mời lên chỗ vinh dự. Chúa mời gọi ta hãy có lòng khiêm nhường thực sự. khiêm nhường như chính Chúa đã làm gương cho chúng ta. Khiêm nhường thực sự là phó thác đời mình trong tay Chúa. Chỉ có Chúa mới biết vị trí nào phù hợp và tốt cho ta.
Những vị trí ta tự tìm lấy có thể là ảo tưởng. Để đạt được vị trí đó, đôi khi ta phải “xô đẩy” người khác để chen chân vào. Thậm chí, có khi ta còn dùng người khác như viên đá lót đường, như bàn đạp để ta tiến bước. Có thể ta sẽ đạt được những vị trí như mình mong ước nhưng chắc chắn nó sẽ không bền. Người khác cũng sẽ tìm cách để kéo ta xuống.
Cũng có thể có những người khác đưa ta vào một vị trí nào đó. Ta có một nhóm người ủng hộ để nâng ta lên, đưa ta vào vị trí ta thích. Thế nhưng, người ủng hộ ta cũng có giới hạn. Cũng sẽ có nhóm người khác không ủng hộ ta, họ cũng sẽ tìm cách đưa ta xuống để đưa người khác lên. Do vậy, vị trí đó cũng sẽ không bền.

Có một vị trí khác sẽ bền vững hơn, đó là vị trí ta để cho Chúa xếp đặt: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính người sẽ ra tay”. 

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

AI YÊU THƯƠNG THÌ KHÔNG QUAN TÂM ĐẾN VIỆC XÉT XỬ

Thứ Sáu tuần XXIX TN (Lc 12,54-59)
Khi anh đi cùng đối phương ra tòa, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong” (Lc 12,58)
Luật cần thiết trong cuộc sống, nhưng khi đã cạn tàu ráo máng, người ta mới dùng luật với nhau. Đã dùng luật thì sẽ có người thắng kẻ thua. Niềm vui của kẻ thắng dựa trên nỗi buồn của kẻ thua. Nếu cuộc đời luôn phải xử với nhau theo kiểu thắng thua, nghĩa là luôn dùng luật với nhau thì thật nặng nề.
Chúa không muốn chúng ta dùng luật với nhau nhưng mời gọi hãy làm hòa với nhau. Không cần dùng đến luật nhưng hãy “thỏa thuận” với nhau. Đúng hơn, Đức Giêsu chỉ để lại cho chúng ta một luật duy nhất, đó là “Hãy yêu thương nhau” (Ga 15,12).
Chúa dùng một luật duy nhất để xét xử chúng ta, đó là luật yêu thương. Nếu ngay ở thế gian này chúng ta dùng luật yêu thương để đối xử với nhau thì chẳng cần quan tâm đến việc xét xử.


Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2016

HÃY KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN

Chúa nhật XXIX TNC (Lc 18,1-8)
Lời Chúa hôm nay với sứ điệp rất rõ ràng: Anh em hãy kiên trì cầu nguyện. Có lẽ nhiều người sẽ hỏi: Chúa nhân từ quãng đại, Chúa quyền phép vô biên, tại sao không ban ngay mà đòi hỏi ta phải kiên trì? Xin thưa, trước hết, Chúa muốn ta tin tưởng vào Ngài và thứ đến, Chúa muốn ta quý trọng điều sẽ lãnh nhận.
Thực vậy, chỉ ai tin tưởng thì mới kiên trì. Nếu không tin tưởng thì chẳng ai kiên trì làm gì! Một người đi đường chẳng may bị cảnh sát giao thông bắt dừng lại. Thường phản ứng đầu sẽ là “xin xỏ”. Khi xin, ta thường quan sát phản ứng của người đó. Nếu thấy có “hy vọng” ta sẽ kiên nhẫn để xin vì tin  có khả năng sẽ được. Còn nếu ngay từ đầu ta thấy thái độ dứt khoát của họ thì thôi, chẳng phí lời làm gì!
Thứ đến, có kiên trì xin ta mới quý trọng điều sẽ lãnh nhận. Nếu điều gì ta xin được một cách quá dễ dãi thì ta dễ coi thường. Một đứa con xin bố mẹ tiền để mua cái điện thoại hay chiếc xe. Nếu bố mẹ cho ngay mà không xét đến nhu cầu và lợi ích của nó thì sẽ dễ dẫn đến nguy cơ đứa con sẽ xem thường món đồ đó. Nó sẽ không biết giữ gìn. Nó cũng chẳng tiếc, chẳng xót khi món đồ đó bị hư. Trái lại, nếu thay vì chiều lòng con cái ngay, bố mẹ bảo con hãy cố gắng học cho giỏi rồi sẽ mua cho, hay là con hãy đi làm, dành dụm tiền rồi nếu thiếu bao nhiêu bố mẹ sẽ giúp thêm cho. Khi đó, chắc chắn đứa con sẽ trân trọng món đồ hơn, biết giữ gìn cẩn thận hơn. Nó sẽ xót xa khi món đồ đó bị hư bởi vì đó là món đồ mà nó đã đóng góp công sức vào mới có được.
Cũng vậy, khi cầu nguyện, Chúa muốn ta kiên trì, nhất là cộng tác với Chúa, để dạy ta biết trân trọng ơn Chúa ban cho. Quả thật, tất cả mọi ân huệ đều là món quà tặng nhưng không, xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhưng lòng thương xót Chúa không phải là sự dễ dãi. Chúa mời gọi ta phải cộng tác, phải đổ công sức vào để biết trân trọng hơn quà tặng của Thiên Chúa.
Quả thật, trong bài đọc một, Chúa có thể dùng quyền uy của mình mà cho quân Ít-ra-en chiến thắng một cách dễ dàng và mau chóng. Thế nhưng Ngài không muốn làm như vậy. Ngài muốn dân phải cộng tác: Mô-sê cầu nguyện còn Giô-suê thì cầm quân chiến đấu. Muốn chiến thắng thì phải cầu nguyện và chiến đấu chứ không phải ngồi không mà có. Dân Ít-ra-en chiến thắng là nhờ lời cầu nguyện chứ không phải nhờ vào tài năng của ông Giô-suê hay nhờ sức mạnh của dân. Bằng chứng là khi Mô-sê mỏi, hạ tay xuống thì dân Ít-ra-en thua, còn khi ông giơ tay lên thì dân thắng. Dù cho đôi khi Mô-sê có vẻ đuối sức trong khi cầu nguyện nhưng không sao, ông vẫn có thể tìm sự nâng đỡ. Có người nâng đỡ để tay ông luôn giơ lên cao trong tư thế cầu nguyện. Chúa có thể cho dân chiến thắng cách dễ dàng nhưng Người không làm như vậy. Dân phải cố gắng chiến đấu. Mô-sê phải kiên trì cầu nguyện thì chiến thắng mới đến. Chúa muốn dân ý thức chiến thắng đó là hồng ân Chúa ban qua việc cầu nguyện chứ không phải do khả năng của ai.
Trong Tin Mừng, qua câu chuyện quan tòa và bà góa, Đức Giêsu một lần nữa mời gọi ta rất rõ ràng: Hãy kiên trì cầu nguyện, Chúa sẽ cho. Không phải vì sợ ta quấy rầy như quan tòa trong câu chuyện nhưng Chúa nhận lời ta vì lòng thương xót của Ngài. Vì Ngài là người Cha giàu lòng thương xót, luôn ban điều tốt lành cho con cái mình. Ngài biết điều gì cần cho ta hơn chính bản thân ta, nhưng không vì thế mà dễ dãi. Lòng thương xót không phải là sự dễ dãi. Nếu Chúa dễ dãi, con người có nguy cơ xem thường ơn thánh của Ngài. Ngài muốn ta kiên trì cầu xin không chỉ vì muốn ta lệ thuộc vào Ngài nhưng còn vì muốn ta tin tưởng và trân trọng ơn thánh của Ngài. Đặc biệt, Ngài muốn ta cộng tác với Ngài để ơn thánh thực sự mang lại hiệu quả trên cuộc đời mỗi người chúng ta.

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì lòng thương xót của Ngài. Chúng ta hãy kiên trì cầu nguyện trong tin tưởng vì lòng thương xót Chúa chắc chắn sẽ đáp lời. Chúng ta hãy cộng tác để biết trân trọng ơn món quà ân sủng mà Thiên Chúa tặng ban cho ta.

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016

PHÉP LẠ VÀ LÒNG SÁM HỐI

Thứ 3 tuần XV TN
Lời Chúa: “Bấy giờ Đức Giêsu bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối” (Mt 11,20)
Đi từ cuộc sống: Ngày nay còn có phép lạ nữa không? Câu hỏi này chắc sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau. Có người bảo không vì Chúa đã về trời. Sứ vụ của Người ở trần gian coi như đã hết. Có người bao còn vì Chúa vẫn hoạt động, vẫn quan phòng. Có người bảo tùy đức tin của mỗi người, ai nhạy cảm với ơn Chúa thì nhìn ra phép lạ, ai thờ ơ nguội lạnh thì sẽ chẳng bao giờ nhận biết. Có điều chắc chắn là hễ nghe nói ở đâu có phép lạ đang xảy ra thì hầu như ai cùng muốn một lần đi tận mắt nhìn cho biết. Không biết được mấy người tự hỏi phép lạ đó (nếu đúng) xảy ra nhằm mục đích gì?
Lời Chúa soi đường: Chúa Giêsu làm rất nhiều phép lạ. Những phép lạ Người làm nhằm bày tỏ quyền năng và tình thương Thiên Chúa. Những phép lạ đó còn cũng cố niềm tin và mời gọi người ta sám hối ăn năn. Do vậy, dù có chứng kiến nhiều phép lạ đến mấy mà không nhận ra các điều trên thì cũng như không. Thậm chí còn phải chịu trách nhiệm nặng hơn nữa. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa khiển trách những người chứng kiến nhiều phép lạ Chúa làm mà không chịu sám hối ăn năn. Họ sẽ chịu xét xử nghiêm khắc hơn.
Cảm nghiệm tình thương: Vì Lòng Thương Xót, Chúa đã làm nhiều dấu lạ để giúp chúng con. Qua các phép lạ Chúa bày tỏ quyền năng và tình thương, Chúa kêu gọi vững tin và sám hối. Xin cho mỗi người chúng con cảm nhận được tình thương và Lòng Thương Xót của Chúa.

Dấn thân phục vụ: Dấu lạ vẫn đang tiếp diễn hằng ngày cho những ai có đức tin. Với đức tin và tình yêu, mỗi người chúng ta cũng có thể cộng tác để nối dài những phép lạ của Chúa. Ước gì những dấu lạ đó có thể hoán cải lòng mọi người.

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

CHÚA THÁNH THẦN VÀ ƠN BÌNH AN

Chúa nhật VI Phục Sinh (Ga 14, 23-29)

Sự kiện thời sự nổi bật nhất thời gian qua chính là hiện tượng cá chết hàng loạt ở mảnh đất miền trung thân thương. Sự kiện đó không chỉ mang đến nổi bất an lo lắng cho đồng bào miền trung nhưng còn đánh động lương tâm của bất cứ ai tâm huyết với dân tộc Việt. Trong bối cảnh đó, làm thế nào để nói về bình an cho họ. Hay khi chứng kiến những tai nạn giao thông, nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và trồng trọt, làm thế nào để nói về bình an cho người đi đường hay người tiêu dùng? Làm thế nào để lấy lại niềm tin và bình an cho người dân? Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay sẽ hé lộ cho ta câu trả lời.
Trong bài đọc một, các môn đệ đang phải đối diện với vấn đề nan giải: cắt bì theo luật Môsê là dấu chỉ thuộc về Thiên Chúa. Vậy những người ngoại giáo theo đạo có cần cắt bì nữa không? Chỉ cần tin vào Đức Giêsu là đủ hay họ vẫn phải giữ luật cũ của Môsê? Nếu không khéo giải quyết, Giáo hội mới hình thành sẽ có nguy cơ chia rẻ hay tan rã. Rất may, các Tông Đồ đã biết cách giải quyết, không dựa vào ý riêng hay khả năng riêng của các ông nhưng dựa vào Chúa Thánh Thần: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định” (Cv 15,28). Khi quyết định cùng với Chúa Thánh Thần, quyết định đó hướng đến lợi ích chung của toàn thể dân thánh. Quyết định đó mang tính xây dựng và nó thực sự mang lại bình an cho tất cả mọi người.
Trở lại những câu chuyện của chúng ta. Sự bất an xuất phát từ những quyết định tự do của con người. Con người tự mình quyết định mà không cần đến sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Những quyết định như thế thường hướng đến những mục đích riêng tư. Nó không có tính xây dựng và do đó không mang lại bình an cho con người. Chúng ta tách mình ra khỏi Thiên Chúa. Chúng ta loại bỏ Chúa Thánh Thần ra khỏi những quyết định của chúng ta. Do đó, những quyết định của chúng ta thường mang lại bất an cho nhau.
Quả thực, bình an đích thực chỉ có trong Chúa Thánh Thần. Trước khi chia tay, Đức Giêsu nói với các môn đệ: Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an của Thầy cho anh em. Các Tông Đồ chỉ có bình an đích thực khi đón nhận Chúa Thánh Thần. Có Chúa Thánh Thần, các ông không còn sợ sệt hoang mang nhưng can đảm làm chứng Thầy đã phục sinh. Có Thánh Thần, các ông không còn “ngu muội” nữa vì Thánh thần giúp các ông hiểu lời Kinh Thánh cũng như nhớ lại những lời Thầy đã nói khi còn sống. Như thế, bình an mà Đức Giêsu hứa ban chính là Chúa Thánh Thần.
Ai đón nhận Chúa Thánh thần, để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn cuộc đời mình, người đó cũng sẽ luôn ở trong Chúa Giêsu và giữ điều răn của Người. Đó là điều răn yêu thương. Ai sống điều răn yêu thương của Chúa thì người đó sống tương quan tốt với Thiên Chúa và tha nhân. Người đó sẽ có bình an và là người xây dựng bình an. Người lại, những ai có ác tâm, những ai lòng dạ gian dối thì sẽ chẳng thể tìm được bình an đích thực. Bởi bình an đích thực chỉ đến từ Thiên Chúa là Đấng chân thực.
Tóm lại, một khi con người loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống thì không thể tcó được bình an đích thực. Bản thân họ không có thì cũng không thể mang lại cho người khác. Còn những ai đón nhận Chúa Thánh Thần và sống theo sự hướng dẫn của Ngài thì dù giữ muôn trùng khó khăn thử thách, họ vẫn bình an vì có Chúa luôn ở cùng họ.


Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

CON ĐƯỜNG VÀ ĐÍCH ĐẾN

CON ĐƯỜNG VÀ ĐÍCH ĐẾN 
Thứ Ba tuần IV Phục Sinh (Ga 12,44-50)
Đi từ cuộc sống: con đường là cái trước mắt, đích đến thuộc về tương lai. Con đường có nhiều sự lựa chọn nhưng đích đến chỉ có một. Con đường có thể thay đổi nhưng đích đến thì không. Đối diện với con đường ta có thể mệt mỏi nhưng hướng nhìn về đích đến sẽ cho ta niềm hy vọng.
Lời Chúa soi đường: Đức Giêsu nói Ngài là đường dẫn ta về Chúa Cha. Những gì Ngài đã nói và đã làm đều nhân danh Chúa Cha và xuất phát từ Cha (Ga 12, 49). Con đường mang tên Giêsu cũng có nhiều lựa chọn khác nhau tùy theo bậc sống và hoàn cảnh của mình nhưng đích đến cũng chỉ là một. Con đường Giêsu cũng có lúc thăng lúc trầm nhưng đích đến vẫn là Cha Nhân Lành. Đi trên con đường Giêsu, hiện tại ta có thể mệt mỏi, vất vả vì phải chiến đấu và từ bỏ liên tục nhưng con đường đó chắc chắn dẫn ta đến sự sống muôn đời.
Cảm nhận tình thương: Cha tôi đã ban chúng cho tôi và không một ai có thể cướp chúng khỏi tay tôi (x Ga 10,29). Thiên Chúa yêu thương, chọn gọi và gìn giữ mỗi người chúng ta. Trên đi trên con đường Giêsu chúng ta sẽ không sợ bị lạc, cũng không sợ bị ai bắt bởi có Thiên Chúa luôn gìn giữ.

Dấn thân hành động: Xin cho chúng con luôn trung kiên để đi trọn con đường mang tên Giêsu và đến được cùng đích cuộc đời là kết hiệp cùng Thiên Chúa là Cha giàu Lòng thương xót.

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

THẦY CÓ LỜI BAN SỰ SỐNG

THỨ BẢY TUẦN III PS (Ga, 6, 60-69)
Đi từ cuộc sống: Lời Chúa vẫn còn khó hiểu đối với nhiều người thời nay. Có những lời cũng dễ hiểu nhưng sao trần trụi quá, cụ thể và quyết liệt quá. Nghe mà không thể đón nhận được. Có những người dựa vào một hai câu Lời Chúa để hiểu theo nghĩa đen rồi dùng nó châm chọc, kích bác Chúa và Giáo hội. nhưng cũng có những người tuy không hiểu nhiều nhưng sẵn sàng đón nhận vì đơn giản đó là Lời Chúa.
Lời Chúa soi đường: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì sẽ có sự sống đời đời”. Lời rất thật, rất cụ thể nhưng cũng rất chân thành. Thật và cụ thể đến nỗi có các môn đệ đã không thể chịu nỗi và phải rút lui. Nhưng trái lại, Phêrô hùng hồn tuyên bố: “bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai, vì chỉ có Thầy mới có Lời ban sự sống”. Chúa Giêsu khẳng định, không ai có thể đến với Thầy được nếu Chúa Cha không ban ơn.
Cảm nhận tình thương: Để hiểu Lời Chúa, chúng ta không chỉ cậy dựa vào trí khôn mà thôi nhưng trước hết là nhờ ơn Chúa. Nhiều người trong chúng ta có lẽ thua kém người đời rất nhiều xét về mặt tri thức. Thế nhưng, tạ ơn Chúa vì chúng ta không gặp khó khăn khi đón nhận Lời Chúa.

Dấn thân hành động: với lòng khiêm nhường, chúng ta xin Chúa mở trí để mỗi ngày càng thêm hiểu biết và sẵn sàng đón nhận Lời Chúa hơn.