Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Giàu có để làm gì?

Nếu hỏi mọi người có muốn giàu có không thì có lẽ ai cũng sẽ trả lời là có. Thế nhưng nếu hỏi tiếp giàu để làm gì thì có lẽ sẽ có vô vàn câu trả lời khác nhau.
Gần đây, dư luận hay bàn tán xôn xao về các đại gia Việt Nam: Nào là mua xe khủng, đám cưới tổ chức vài chục tỷ, nào là ăn chơi sành điệu, sống đúng phong cách, đẳng cấp. Trong khi đó, ở một thái cực khác, nhiều người, nhiều gia đình suốt đời chỉ ao ước có một “ngôi nhà mơ ước” mà cũng không có. Đó phải chăng là nghịch lý mà đồng tiền mang lại: kẻ ăn không hết, người làm không ra.
Đến đây tôi lại nhớ đến Quách Tĩnh, một nhân vật tiểu thuyết của Kim Dung. Quách Tĩnh được mọi người biết đến như là “chàng khờ”. Thế nhưng Kim Dung lại khéo léo “sắp xếp” để cho “chàng khờ” này có một cuộc tranh luận với Thành Cát Tư Hãn về đề tài Anh Hùng. Thành Cát Tư Hãn hãnh diện cho mình là Anh hùng vì đã đánh Tây dẹp Bắc, thâu tóm đất khắp cả thiên hạ. Quách Tĩnh chỉ cần một câu hỏi đã làm đảo ngược tình thế! Chàng hỏi: “thế khi chết người ta cần bao nhiêu đất?” Thành Cát Tư Hãn bất ngờ trước câu hỏi này và càng khó chịu hơn với cách lý luận “đơn sơ” của Quách Tĩnh : nếu khi chết họ chỉ cần một thước đất để nằm thì việc gì khi sống phải chiếm cho được nhiều đất, để rồi gây ra bao cảnh tang thương. Dù có chút cay đắng, nhưng trước cách lý luận của “chàng khờ”, Thành Cát Tư Hãn đành phải “cất” đi niềm kiêu hãnh của mình.

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Mầu nhiệm thánh ý Chúa (Lc 9,43-56)

Tuần XXV - thứ Bảy

43 Mọi người đều kinh ngạc trước quyền năng cao cả của Thiên Chúa.Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm, Người nói với các môn đệ : 44 "Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây : Con Người sắp bị nộp vào tay người đời." 45 Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy. 46 Một câu hỏi chợt đến với các ông : trong các ông, ai là người lớn nhất ? 

Tai nạn thảm khốc xảy ra, trời như sụp đổ. Những người đang trong độ tuổi sung mãn nhất của đời người phải nằm đất động hoặc ra đi mãi mãi. Đối diện với những hoàn cảnh đó, con người không ngừng thốt lên câu hỏi tại sao. Tại sao lại là tôi? Tại sao là gia đình tôi chứ không phải ai khác? Thiên Chúa ở đâu? Ngài muốn gì? Có những người ngã gục trước những câu hỏi không lời giải đáp nhưng cũng có những người mạnh mẽ đứng dậy sau những tháng ngày miệt mài tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa.

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

"Biết" Đức Giê-su (Lc 9,18-22)

Ngày 27: Thánh Vinh Sơn Phaolô
Tuần XXV - thứ Sáu
18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng : "Dân chúng nói Thầy là ai ?" 19 Các ông thưa : "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại." 20 Người lại hỏi : "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?" Ông Phê-rô thưa : "Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa." 21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.
22 Người còn nói : "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy."
 Chúng ta không được nhìn một người nông dân nghèo hay một phụ nữ nghèo theo dáng vẻ bên ngoài của họ, hay theo cảm nghĩ của chúng ta về trình độ hiểu biết của những người ấy, … Nhưng nếu nhìn dưới ánh sáng đức tin, chị em sẽ thấy họ là hiện thân của Con Thiên Chúa, Đấng đã muốn là người nghèo… (thư của thánh Vinh Sơn Phaolô gửi cho các Nữ tử Bác ái).

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Hoán cải là gì?

Làm thế nào để sự lựa chọn của ta và ân sủng của Thiên Chúa kết hợp với nhau?

Trong sách Công vụ Tông đồ, thánh Luca kể một số câu chuyện về những người dân ngoại gia nhập Giáo hội sơ khai như thế nào. Trong vài thế kỷ đầu, tiến trình điển hình gồm ba giai đoạn: loan báo Phúc âm, sự hoán cải và sau đó là phép rửa.
Ngày nay, trình tự này có thể sẽ khác nhưng cả ba yếu tố này vẫn là thiết yếu: loan báo Phúc âm_chia sẻ Tin Mừng; hoán cải_một quyết định từ bỏ thế gian và trở về cùng Thiên Chúa; phép rửa_sự dồi dào của ân sủng Chúa để tẩy sạch chúng ta khỏi tội lỗi và biến thành con cái Thiên Chúa cũng như là thành viên của Giáo hội. Chúng ta hãy lần lượt nhìn vào ba yếu tố chìa khóa này.

Trở nên sự thắc mắc cho người khác (Lc 9,7-9)

                                                      Tuần XXV – thứ Năm

Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói : "Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy." Kẻ khác nói : "Ông Ê-li-a xuất hiện đấy !" Kẻ khác nữa lại nói : "Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại." Còn vua Hê-rô-đê thì nói : "Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi ! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế ?" Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.

Trong tác phẩm “Dân Làng Hồ” (tường thuật về công cuộc truyền giáo tại Kontum), cha cố Ân (Dourisboure) đã thuật lại những lời thắc mắc của người dân bản địa về các thừa sai ngoại quốc như sau: Tại sao các ông từ bỏ cha mẹ, từ bỏ gia đình, quê hương đất nước để đến nơi khỉ ho gà gáy này? Các ông không thương yêu cha mẹ, gia đình sao? Các ông không sợ khổ sao? Các vị thừa sai đã trả lời những câu hỏi của họ bằng chính cuộc đời mình.

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Nghe và thực hành Lời Chúa (Lc 8,19-21)

Tuần XXV - thứ Ba

 Người ta báo cho Đức Giê-su biết : "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy." Người đáp lại : "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành."
Khởi đầu năm mới, hầu như mọi người Công giáo đều muốn chọn cho mình một câu Lời Chúa (hái lộc) để làm kim chỉ nam hướng dẫn đời sống mình trong năm mới. Đây là một thói quen tốt lành và rất đáng được phát huy! Thế nhưng thực tế nhiều khi ta chỉ làm theo thói quen, theo phong trào, vì thử hỏi sau khoảng 3 tháng, mấy ai trong chúng ta còn nhớ câu Lời Chúa của mình là gì?
Có lẽ những lo toan của cuộc sống đã chiếm hết thời gian. Và rồi Lời Chúa giống như hạt giống được gieo vào giữa bụi gai, bị bóp ghẹt giữa bộn bề cuộc sống. Cũng có thể ta sống quá hời hợt, do đó Lời Chúa như hạt giống gieo bên vệ đường, bị chim trời là những thú vui tạm bợ tha mất. Thế nhưng sâu xa, có lẽ do chúng ta thiếu thói quen “nghe và thực hành” Lời Chúa. Chúng ta nghe nhưng thiếu một quyết tâm, hoặc có quyết tâm nhưng thiếu dấn thân, quyết tâm chưa mãnh liệt, do đó chúng ta dễ dàng buông xuôi.
Đức Giê-su luôn nhấn mạnh Lời của Người không phải chỉ để nghe mà thôi nhưng còn phải đem ra thực hành. Chính khi thực thi Lời Chúa chúng ta mới trở thành những môn đệ đích thực. Cựu ước cũng luôn nhấn mạnh đến việc phải vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Vâng phục có gì khác hơn là nghe và đem ra thực hành!

Lạy Chúa, chúng con đã nghe Lời Chúa rất nhiều nhưng chưa chú tâm thực thi bao nhiêu. Xin cho con có đủ can đảm để thực thi và sống Lời Người mỗi ngày một trọn vẹn hơn.

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Cách thức lắng nghe (Lc 8,16-18)

Tuần XXV - thứ Hai

 “Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm ; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất" (Lc 8,18).
Vừa bước ra khỏi nhà thờ, có người hỏi tôi, bài Tin Mừng hôm nay nói về điều gì vậy. Tôi bất chợt giật mình và bắt đầu lục lọi ký ức. Chắc hản đó là kinh nghiệm mà nhiều người đã trải qua. Đơn giản là bởi ta nghe Lời Chúa với một trí lòng đóng kín.
Các nhà tu đức có nhiều chỉ dẫn về cách thức lắng nghe và đọc Lời Chúa, nhưng tựu trung là phải sẵn sàng để cho Chúa Thánh Thần tác động. Người sẽ có nhiều cách thức để tác động nơi ta. Đó có thể là sự tác động nơi trí tưởng tượng, hoặc cũng có thể là sự tác động nơi trí hiểu giúp ta có một sự liên hệ thực tế để dễ hiểu Lời Chúa hơn. Đó cũng có thể là sự tác động nơi trái tim giúp ta thêm lòng yêu mến Chúa và tha nhân hơn, hoặc đó là sự tác động nơi ý chí giúp ta thêm quyết tâm thực thi Lời Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp con mỗi khi lắng nghe và đón nhận Lời Chúa, để Lời Chúa luôn là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Các thiên thần là ai?

Ngày 29: Tổng Lãnh Thiên Thần

Từ “thiên thần” được dịch từ tiếng danh từ Hy-lạp là angelus có nghĩa là “sứ giả, người đưa tin”. Kinh Thánh có đề cập đến các thiên thần nhưng không cho biết con số bao nhiêu (cũng không có sự phân biệt giữa các thiên thần và tổng lãnh thiên thần). Kinh thánh có nhắc đến vài vị xem ra có danh tánh riêng như Micael, Raphael, Gabriel nhưng các nhà chú giải vẫn hoài nghi, không chắc đó là tên riêng hay chỉ là biệt hiệu nhằm diễn tả một sứ vụ của họ.
Theo nguyên gốc Do-thái, Micael có nghĩa là “ai bằng Thiên Chúa?”, được nói tới ở sách Daniel (10,13), quen được giải thích là vị lãnh đạo các thiên sứ để đương đầu với Satan (Kh 12,7-12). Raphael có nghĩa là “Thiên Chúa cứu chữa” và xuất hiện trong sách Tobia. Gabriel có nghĩa là “người của Thiên Chúa” cũng được nói tới ở sách Daniel (8,16; 9,21-22) và đặc biệt trong Tin Mừng Luca khi nói về cảnh truyền tin cho ông Dacaria và Đức Maria.

Những người phụ nữ theo Đức Giêsu (Lc 8,1-3)

 Tuần XXIV - thứ Sáu

Ngày 20: thánh Anrê Kimtêgon và các bạn, tử đạo

Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ đặt tựa đề cho đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe là: “Những người phụ nữ đi theo Đức Giê-su”. Quả thật, trong ba câu ngắn ngủi thì chỉ có một câu đầu tiên là vừa đề cập đến sứ vụ của Đức Giê-su vừa đề cập đến Nhóm Mười Hai. Hai câu còn lại, tác giả Tin Mừng dùng để kể đến các Bà. Các bà vừa được kể tên vừa được kể thêm một yếu tố để xác định, chẳng hạn như: là người đã được chính Đức Giê-su chữa bệnh và trừ quỷ hay là vợ ông Khu-da, quản lý của vua Hêrôđê. Hơn nữa, tác giả Tin Mừng còn nói đến vai trò của các bà trong sứ vụ của Đức Giê-su: đó là cùng đi với Người và lấy của cải mình mà giúp đỡ. Nhìn kỹ danh sách trên, ta thấy những phụ nữ theo Đức Giê-su gồm đủ mọi hạng người: giàu sang có, bình dân có, bị quỷ tấn công có, những người vô danh cũng có.

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Kinh Mân Côi với gia đình: Gia đình sống thánh ý Thiên Chúa

Thứ ba: Đức Ma-ri-a sinh Chúa Giê-su nơi hang đá
Chủ đề: Gia đình sống thánh ý Thiên Chúa

Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa (Gs 24,15)

Thánh ý Thiên Chúa bước đầu đã được thực hiện. Mẹ đã đón nhận Đấng Cứu Thế vào cung lòng mình, thánh Giuse đã đón nhận, che chở và chăm sóc cho hai mẹ con, Ngôi Hai đã nhập thể giữa lòng nhân loại. Mỗi người một cách thế khác nhau, nhưng từng thành viên trong gia đình thánh gia đã vui vẻ và mau mắn đón nhận cũng như chu toàn thánh ý Thiên Chúa. Thánh ý Thiên Chúa là trung tâm của đời sống gia đình. Mọi thành viên từ bỏ những ý riêng của mình để phục vụ thánh ý Thiên Chúa, làm cho thánh ý được thể hiện giữa lòng nhân loại. Một khi đón nhận và sống thánh ý Thiên Chúa, gia đình thánh gia đã góp phần mang ơn cứu độ đến cho nhân loại.
Các gia đình ngày nay ít dành thời gian cho Thiên Chúa. Còn đâu những bữa cơm thân mật quây quần trong tâm tình tạ ơn! Còn đâu những giờ kinh thiêng liêng thân thưa với niềm phó thác! Thiên Chúa không còn là trung tâm của đời sống gia đình. Ngài dường như không đủ sức quy tụ gia đình lại với nhau. Ngài cũng chẳng còn là “đối tượng” được ưu tiên hàng đầu trong mọi quyết định của gia đình. Người ta sẵn sàng li dị hay chia tay, người ta đang tâm phá thai hay đưa ra những quyết định trái nghịch luân lý mà chẳng quy về giáo huấn của Chúa. Người ta đặt lợi ích của bản thân lên trên tất cả chứ không phải là tìm và thực thi thánh ý Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho các gia đình biết đặt Chúa ở trung tâm của đời sống. Xin cho trong mọi quyết định, gia đình luôn hướng về Chúa là Đấng gìn giữ và dẫn dắt mọi biến cố, để gia đình thực sự là nơi tình yêu Chúa được thể hiện trọn vẹn.