Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

THỜI GIAN THIÊN CHÚA IM LẶNG (Mt 9,27-31)



Tuần I Mùa Vọng - Thứ Sáu


27 Đức Giê-su đang đi đường, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng : "Lạy Con Vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi !" 28 Khi Đức Giê-su về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ : "Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không ?"
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giê-su có vẻ thờ ơ với lời kêu xin của hai người mù. Thực vậy, khác với những lần trước, Đức Giê-su chủ động trong việc lắng nghe hay nhận thấy tiếng kêu xin của các bệnh nhân, lần này, Đức Giê-su dường như chẳng hay biết gì dù hai người mù đã kêu xin ngay khi Người đang đi đường. Tác giả Tin Mừng không cho biết đoạn đường từ đó về đến nhà là bao xa nhưng chắc chắn nó là đoạn đừng khá dài với hai người mù! Khởi đầu lời kêu xin, hai người mù đã bày tỏ niềm tin của mình qua việc dùng tước hiệu “Con Vua Đa-vít” để gọi Đức Giê-su. Thế nhưng, Người vẫn im lặng. Đoạn đường của im lặng này chính là đoạn đường của đức tin được tôi luyện.
Đoạn đường này có lẽ mỗi người chúng ta cũng đã từng bước đi. Chúng ta đã cất lời kêu xin với với tất cả đức tin của mình. Thế nhưng Thiên Chúa vẫn im lặng. Sự im lặng của Thiên Chúa đôi khi làm ta cảm thấy khó chịu. Cái im lặng khiến ta thấy cuộc đời thật nghiệt ngã! Thế rồi ta dễ tủi thân, trách hờn Thiên Chúa thậm chí “nghĩ chơi” với Người. Đó có thể là thời gian khiến ta thất vọng, buông xuôi.
Quả thực, sự im lặng của Thiên Chúa đôi khi là một mầu nhiệm ta không thể lý giải bằng lý trí của mình. Thế nhưng có một điều chắc chắn, giống như đoạn kết của câu chuyện này, đó là sau thời gian im lặng, Thiên Chúa sẽ lên tiếng khi con người kiên trung đến cùng.
Lạy Chúa, xin cho con giữa vững đức tin đến cùng để dù phải trải qua thời gian im lặng của Chúa thì con vẫn luôn xác tin rằng rồi cũng đến lúc Ngài sẽ ra tay!

HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (5)




Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.


Người tu sĩ theo Đức Giêsu không sống cho riêng mình. Họ sống theo một cách khác. Họ sẵn sàng sống mạo hiểm khi sứ vụ cần đến. Đức Giêsu đã nói với những kẻ theo Người về sự nguy hiểm trong sứ vụ được giao phó : “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10, 16). Hình ảnh đàn chiên ở giữa bầy sói mới chỉ là một chút kinh khiếp thôi.
Người tông đồ Đức Giêsu cũng dễ bị tổn thương như chiên con ; họ (người tông đồ) hoàn toàn không được bảo vệ và bị tước đi sự phòng vệ. Khi ấy, sức mạnh ở trong tay những kẻ chống đối. Ấy vậy mà Đức Giêsu muốn những người đi theo Người hãy thực thi sứ vụ ngay giữa thế giới thù địch như thế. Người yêu cầu họ không vội vàng, thiếu suy nghĩ (“khôn ngoan như rắn”), nhưng Người không muốn họ chơi trò chơi giả dối (“đơn sơ như bồ câu”). Chúng ta hãy nhớ lại những lời Người phán : “Ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8, 35), và vì thế chúng ta định hình cuộc sống theo cương lĩnh phục vụ anh chị em chúng ta ngay cả phải hy sinh mạng sống mình.

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

HÃY SÁM HỐI (Mt 3,1-12)

Chúa nhật 2 mùa Vọng - năm A 

 Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2)
Lịch sử Do thái là lịch sử thăng trầm của tin và phản bội, ra đi và trở về, tội lỗi và sám hối. Trong lịch sử đó, các ngôn sứ xuất hiện như những nốt son đánh dấu một sự đổi mới. Vậy mà bẵng đi 400 năm vắng bóng ngôn sứ, cuộc sống chẳng có gì đổi mới, dân chúng dường như mệt mỏi với sự chờ đợi. Bổng nhiên một ngôn sứ xuất hiện như dòng suối chảy qua sa mạc. Người người xếp hàng để được tưới mát. Vị ngôn sứ trình làng với lời giảng trọng tâm: Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần.
Sám hối là từ bỏ con đường cũ để chọn con đường mới tốt hơn, là quá trình thay đổi não trạng, là vứt bỏ tội lỗi để mặc lấy một quả tim mới, một tinh thần mới (Ez 36,26), là trở về hiệp thông với Thiên Chúa. Sám hối là nhìn nhận thực trạng đi hoang của mình để tìm đường trở về.

SÁM HỐI VÌ NƯỚC TRỜI (Mt 3, 1-12)

Chúa nhật 2 Mùa Vọng - Năm A

                                 Nước trời đã được tiên báo
1Hồi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng : 2"Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần." 
Trọng tâm lời loan báo của Đức Giê-su là Triều đại Nước Thiên Chúa. Ông Gio-an Tẩy giả đến trước Đức Giê-su để chuẩn bị lòng dân đón đợi Người cũng đã loan báo cùng chủ đề này. Ông kêu gọi mọi người hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần. Thế nhưng, ông không phải là người đầu tiên loan báo về điều đó.
Thực vậy, bài đọc một của ngày hôm nay cho ta thấy tiên tri I-sai-a đã tiên báo về một thời kỳ hòa bình, thời mà những kẻ nghèo hèn được bênh vực, sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ, bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, trẻ thơ sẽ đùa giỡn bên hang rắn lục (Is 11,1-10). Đây là thời kỳ mà con người mọi thời đại vẫn hằng mong mỏi. Không mong mỏi sao được bởi nó vẽ lên một khung cảnh thật thanh bình, nơi đó, con người và thiên nhiên hòa nhập nên một, những thế lực địch thù sống an hòa bên nhau. Sẽ không còn cảnh sợ hãi trốn chạy hay chết chóc lan tràn. Khung cảnh này làm ta nhớ lại khu vườn địa đàng, nơi mà ông bà nguyên tổ đã sống hạnh phúc khi chưa phạm tội.
Thế giới thanh bình, đó là niềm mong ước của con người mọi thời đại. Và dường như con người chưa bao giờ được hưởng niềm mong ước đó. Phải chăng đó là một lý tưởng xa vời? Thưa không. Ông Gio-an Tẩy giả đã khẳng định nước đó đã đến gần.

VIỆC LÀM, HOA TRÁI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA ĐỨC TIN (Mt 7,21.24-27)

Tuần I Mùa Vọng – Thứ Năm

Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : "Lạy Chúa ! lạy Chúa !" là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.
Đức tin là quà tặng Thiên Chúa thương ban cho con người nhưng đồng thời đức tin cũng phải là lời đáp trả của con người đối với Thiên Chúa. Thực vậy, con người không thể lãnh nhận đức tin một lần rồi chôn vùi trong ảo tưởng rằng mình đã được cứu độ! Những ai đón nhận đức tin như thế chẳng khác nào người xây nhà trên cát. Mưa to gió lớn sẽ làm ngã nghiêng và chẳng mấy chốc sụp đổ tan tành. Đức tin như thế chẳng khác nào là lớp vỏ bộc bên ngoài, là sự an ủi giả tạo và chưa phải là đức tin thực sự.
Một đức tin thực sự không phải lãnh nhận để chôn vùi nhưng để sống, để hành động, để thực thi ý muốn của Cha, để trổ sinh hoa trái là những việc lành. Đó mới là một đức tin đích thực mà Đức Giê-su đòi hỏi ở các môn đệ. Đức tin không chỉ để tuyên xưng ngoài môi ngoài miệng nhưng phải được tuyên xưng bằng hành động theo thánh ý Thiên Chúa. Thánh Phaolô cũng cho biết một đức tin như Chúa đòi hỏi thì phải sinh hoa trái là mọi thứ việc lành và ngày càng hiểu biết Thiên Chúa hơn (Cl 1,10). Thánh Giacôbê thì còn khẳng định mạnh hơn nữa: đức tin không có việc làm là đức tin chết (Gc 2,17).
Như vậy, việc làm vừa là hoa trái của đức tin vừa là bằng chứng của đức tin. Là hoa trái bởi đức tin Ki-tô giáo nhất thiết đòi hỏi chúng ta phải hành động như vậy. Một đức tin đúng nghĩa phải mang lại những việc lành như bác ái, yêu thương, tha thứ, thiền hòa, nhân hậu, v.v.. đó là những hoa trái mà thánh Phaolô gọi là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Là bằng chứng vì qua những việc lành này, người ta nhận thấy “anh em là môn đệ” của Thầy Giê-su.
Lạy Chúa, xin cho con không chỉ tuyên xưng Chúa trên môi miệng khi ở nhà thờ mà thôi nhưng biết tuyên xưng Chúa qua đời sống bằng những việc làm cụ thể của mình. Có như thế đức tin của con mới sinh hoa trái và con mới làm chứng cho niềm tin của mình được.



Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

LỜI MỜI GỌI TRUYỀN GIÁO (1Cr 9,16-19.22-23)

Ngày 03: Thánh Phanxicô Xaviê

Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng !
Thánh nhân sinh năm 1506 trong một gia đình quyền quý thuộc miền Bắc nước Tây ban Nha ngày nay. Năm 19 tuổi, Ngài đến Paris học. Tại Paris Ngài sống trong cùng một căn phòng với Thánh I Nhã. Năm 28 tuổi, ngài cùng với nhóm bạn của Thánh I Nhã khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và làm việc tông đồ. Năm 31 tuổi ngài chịu chức linh mục tại Venezia miền Bắc nước Ý (1537). Năm 35 tuổi ngài xuống tàu đi truyền giáo ở vùng Đông Á theo lệnh Đức Thánh Cha Phaolô III. Những vùng đất đã in đậm dấu chân ngài là Ấn Độ, Malaisia, Inđônêsia và Nhật Bản. Ngài ước mong vào Trung Hoa truyền đạo nhưng không được mãn nguyện bởi ngài đã chết trên đường đến đó vào ngày 03/12/1552. Ngài được Đức Thánh Cha Grêgôriô XV phong thánh cùng với thánh I Nhã vào năm 1622 và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo. Thánh Phanxicô Xaviê là vị truyền giáo vĩ đại, người tiên phong cho cuộc truyền giáo thời mới. Ngài hòa nhập vào dân mà ngài muốn mang Tin Mừng đến ; ngài sống nghèo với những người lao động. Ngài hoạt động thật năng nổ cho cuộc truyền đạo và kích thích được tinh thần này ở Âu Châu. Hàng nghìn người đã theo gương ngài để mang Tin Mừng đi muôn phương.[1]
Truyền giáo là lời mời gọi dành cho hết mọi tín hữu. Mỗi người đều có thể thực hiện tùy theo địa vị và hoàn cảnh của mình. Ngày nay, Giáo hội đang mời gọi các Ki-tô hữu “tân phúc âm hóa” đời sống, khởi đi từ chính bản thân, gia đình giáo xứ và xã hội. Như vậy, truyền giáo ngày nay không nhất thiết đòi hỏi chúng ta phải bước chân ra đi đến các vùng xa xôi, việc đó dĩ nhiên vẫn rất cần thiết nhưng chỉ phù hợp cho những ai có đặc sủng riêng biệt. Còn nhiệm vụ thiết thực của mỗi người là truyền giáo ngay nơi mình đang sống, là thánh hóa bản thân và từ đó giúp thánh hóa môi trường xung quanh. Truyền giáo ngày nay là giúp mọi người, kể cả các tín hữu, tái khám phá sự hiện diện sống động của Đức Giê-su trong cuộc đời mình, là làm mới lại Tin Mừng được rao giảng và lắng nghe.
Hơn nữa, chúng ta cũng có thể cộng tác vào công cuộc truyền giáo của Giáo hội bằng nhiều cách thức khác nhau. Đó có thể là những lời cầu nguyện hàng ngày, cũng có thể là những hy sinh nhỏ bé dâng lên Thiên Chúa để cầu nguyện cho những bước chân truyền giáo. Đó cũng có thể là những đóng góp cụ thể bằng vật chất cho những vùng sâu vùng xa, những nơi đang cần sự nâng đỡ của những tấm lòng bác ái. Những công việc tưởng chừng nhỏ nhặt đó sẽ đem lại những lợi ích lớn lao nếu ta thực hiện với tất cả lòng yêu mến.
Ước gì lệnh truyền của Đức Giê-su (Mc 16,15-20) trước khi về trời cũng như lời bày tỏ của thánh Phaolô luôn vang vọng trong tim mỗi người. Ước gì mỗi tín hữu là một chứng nhân truyền giáo thì gương mặt và giáo lý của Đức Giê-su sẽ nhanh chóng được mọi người nhận biết và áp dụng vào cuộc sống.



[1] Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh.

VAI TRÒ TRUNG GIAN (Mt 15,29-37)

Tuần I Mùa Vọng - Thứ Tư

30 Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành. 36 Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông.
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại hai phép lạ đặc biệt Đức Giê-su đã thực hiện. Gọi là hai nhưng thực ra cũng có thể gọi là rất nhiều bởi trong phép lạ thứ nhất, ta không thể biết chính xác bao nhiêu người đã được Đức Giê-su trực tiếp chữa lành bệnh tật. Có thể xem việc Đức Giê-su chữa lành cho từng người cũng là từng phép lạ riêng rồi! Tuy nhiên, mối bận tâm của tác giả Tin Mừng có vẻ như không phải là con số các phép lạ cho bằng vai trò trung gian của những người xung quanh.
Thực vậy, trong việc chữa lành bệnh tật, tác giả nhấn mạnh đến việc có những đám đông dân chúng đến với Đức Giê-su. Khi đi, họ không mang theo lương thực nhưng là những người bệnh tật. Tác giả kể ra đủ thứ bệnh tật cho thấy rằng dường như mọi loại bệnh trên trần gian này đều được mang đến với Đức Giê-su. Khi đến nơi, họ đặt những người bệnh đó dưới chân Người để được chữa lành. Như vậy, trong phép lạ này, vai trò trung gian của đám đông, những người khỏe mạnh là rất quan trọng trong việc giúp đỡ và mang người khác đến với Chúa.
Có lẽ vì bận “mang” người khác đến với Đức Giê-su mà họ quên “mang” theo thức ăn chăng? Tác giả Tin Mừng chỉ cho biết là Đức Giê-su đã chạnh lòng thương trước đám đông theo Người ba ngày rồi mà không có gì ăn. Tuy sự chạnh lòng thương của Người đến trực tiếp từ đám đông nhưng Người không hỏi đám đông có gì ăn không mà lại hỏi riêng các môn đệ. Người không lấy thức ăn từ đám đông để làm phép lạ nhưng lấy từ các môn đệ. Khi làm phép lạ xong, Đức Giê-su không nhờ đám đông giúp việc phân phát nhưng trao cho các môn đệ và các môn đệ phân phát cho đám đông. Như vậy, trong phép la hóa bánh ra nhiều, tác giả Tin Mừng dường như muốn nhấn mạnh đến vai trò trung gian của các môn đệ trong việc trung chuyển lòng thương xót và ân huệ của Thiên Chúa cho dân chúng.
Lạy Chúa, chắc Chúa cũng muốn mỗi người chúng con là trung gian trong việc mang người khác đến với Chúa cũng như mang ơn Chúa đến cho người khác. Xin cho chúng con luôn ý thức mình là khí cụ tình thương của lòng thương xót Ngài.


HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (4)

NÊN MỘT VỚI ĐỨC KITÔ, ĐẤNG CỨU THẾ
Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.
Những cách thế trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Đấng đã chịu đau khổ và chịu chết vì chúng ta, khai mở đường tâm linh cho bất kỳ tu sĩ chính danh nào bước theo Người. Chính Thánh Thần, Đấng xây dựng con người nội tâm, dẫn người tu sĩ đến việc từ bỏ mọi thứ, ngay cả bản thân mình, để có thể đem mọi thứ và mọi người về với Đức Kitô.
Khi kêu gọi các tông đồ, Đức Giêsu đã nói : “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Tuy nhiên đây không là lời mời gọi dấn thân vào con đường buồn chán và đau khổ. Chính sự khiêm hạ mới là chìa khóa đưa người tu sĩ đến hạnh phúc, đó cũng là từ bỏ bản thân, bất chấp những đòi hỏi quyết liệt của việc từ bỏ để cùng chia sẻ niềm vui với Đức Giêsu.

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (3)

Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.
Thánh Phaolô nói với chúng ta : “Giữa các anh em, hãy có tâm tình của Đức Giêsu Kitô, Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, … nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2:5-9). Những lời này thúc giục chúng ta đồng hóa chính mình với Đức Giêsu khiêm nhường. Tuy nhiên, khiêm nhường là gì ? Chức năng của đức khiêm nhường trong việc thực thi đời sống tu trì là gì ?
Những gì chúng ta coi là to lớn thì Thiên Chúa xem là nhỏ nhặt, những gì chúng ta coi là lố bịch, Thiên Chúa xem là cao cả[1]. Khiêm nhường là sức mạnh hay là nhân đức nhằm đặt để chúng ta vào trong nhãn quan của Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta có thể đánh giá lại và nhìn mọi thứ như chúng là. Khiêm nhường là một quà tặng, một nhân đức giúp chúng ta phần nào hiểu được những gì là đáng giá dưới ánh mắt Thiên Chúa, cũng như những gì Ngài muốn nơi mỗi người chúng ta. Khi Chúa Cha kêu gọi chúng ta nên giống Chúa Giêsu, Ngài kêu gọi chúng ta nên giống với những tình cảm sâu kín nhất của Chúa Giêsu.

TIN VUI CHO NGƯỜI BÉ MỌN (Lc 10,21-24)

Tuần I Mùa Vọng – Thứ Ba

Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói : "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
Bài Tin Mừng hôm nay có thể được đặt tựa đề là tin vui cho người bé mọn. Những người bé mọn theo Tin Mừng Luca là những người nghèo, hèn mọn, khiêm nhường, đơn sơ, những tội nhân thành thật hoán cải. Chính họ là những người sẵn sàng đón nhận ơn Chúa ban.
Tin vui cho người bé mọn vì hai lý do. Thứ nhất, họ là những người được Thiên Chúa Cha lựa chọn để mạc khải mầu nhiệm nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa là một mầu nhiệm thật khó hiểu đối với trí tuệ con người. Do đó, những ai càng tự hào và dựa vào tài trí khôn ngoan của mình thì càng xa rời nước Thiên Chúa. Khi đó, Nước Thiên Chúa bị giấu kín không phải bởi Thiên Chúa keo kiệt nhưng bởi con người đã đóng kín lòng mình!
Thứ hai, những người bé mọn là những người được Đức Giê-su chọn lựa để mạc khải cho thấy những dấu hiệu của vương quyền Thiên Chúa. Những lời giảng dạy đầy quyền uy của Người; những phép lạ lẫy lừng người đã làm; tất cả đều diễn ra trước mắt mọi người, thế nhưng, chỉ những người bé mọn mới mau mắn tin tưởng và đi theo Người. Họ là các môn đệ, là những người tội lỗi, bệnh tật, đau yếu, là những người không có chức quyền trong đời sống tôn giáo cũng như xã hội. Thế nhưng họ là những người xác tín vào quyền năng của Đức Giê-su.

Lạy Chúa, xin cho con luôn đến với Chúa bằng tâm hồn đơn sơ tín thác để con cũng là một trong số những người bé mọn được ngài mạc khả cho biết mầu nhiệm Nước Trời.