Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Tuần XXIII - thứ Bảy

chưa có dữ liệu

Ai là người thân cận của tôi ? (Lc 10, 25-37)

Chúa nhật XV, năm C

Bài Tin mừng ngày hôm nay đưa chúng ta vào trọng tâm của giáo lý Do Thái giáo và Ki-tô giáo. Thực vậy, nhà thông luật đã đại diện cho toàn thể các tín hữu mọi thời đại để hỏi Đức Giê-su (dù cho ông chỉ muốn thử Người) câu hỏi quan trọng nhất: Phải làm gì để được sự sống đời đời? Qua câu trả lời của chính ông, một cách gián tiếp, Đức Giê-su cũng trả lời cho tất cả chúng ta bằng cách nhắc lại điều răn của Cựu Ước. Một điều răn căn bản mà hầu như tất cả mọi người đều biết, đó là luật mến Chúa và yêu người mà Cựu Ước đã thường xuyên nhắc đi nhắc lại.
Tuy nhiên nhà thông luật đã nêu lên một vấn nạn quan trọng, đó là: Ai là người thân cận của tôi? Theo ngôn ngữ tiếng Việt, người thân cận ám chỉ những người bà con trong gia đình, chòm xóm láng giềng gần gũi hay bạn bè thân thuộc. Xa hơn nữa, người thân cận ám chỉ những người nghèo khổ khó khăn cần sự giúp đỡ. Đây cũng chính là quan niệm của người Do Thái.
Theo não trạng của người Do Thái, chỉ những người Do Thái mới là thân cận của nhau. Còn những người khác như dân ngoại, người Sa-ma-ri không những không phải là người thân cận mà còn là những người đáng ghê tởm vì họ không cùng tôn giáo. Dù cho sách Lê-vi (x. Lv 19, 34) và sách Đệ Nhị Luật (x. Đnl 10, 18-19) dạy rằng những người ngoại kiều sống trong đất Do Thái cũng phải được đối xử tử tế và được yêu mến nhưng thực tế thì điều đó rất khó xảy ra.

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Sinh nhật Đức Ma-ri-a (8-9)

Xét dưới khía cạnh lịch sử, không có sử liệu nào nói đến ngày sinh của Đức Ma-ri-a. các tài liệu Tân ước cũng chỉ cho ta biết Đức Ma-ri-a là người Nazarét, đã thành hôn với Giuse và là mẹ của Đức Giê-su mà thôi. Tuy nhiên, theo truyền thống cũng như sách “Tiền Phúc âm của Giacôbê” thì song thân của Đức Ma-ri-a là ông Gioakim và bà Anna. Ngoài ra, tác giả cuốn sách trên còn cho biết nhiều chi tiết về thời thơ ấu của Đức Ma-ri-a cũng như cuộc sống của song thân ngài. Tuy thế, ngày sinh của ngài cũng không được nhắc tới. Điều này cũng thật dễ hiểu vì thời đó có mấy ai để ý đến ngày sinh của mình như thời nay, huống gì là ngày sinh của người khác!
Xét dưới khía cạnh phụng vụ, có hai giả thuyết về ngày lễ này. Giả thuyết thứ nhất, lễ kính sinh nhật Đức Ma-ri-a vào ngày 8.9 bắt nguồn từ Giêrusalem. Vào thế kỷ thứ V, một ngôi nhà thờ được cất lên vào chô mà truyền thống cho rằng là nơi bà Anna đã sinh Đức Ma-ri-a. Có thể ngôi nhà thờ này được cung hiến vào ngày 8.9! Giả thuyết thứ hai cho rằng bên Đông Phương trước kia, ngày 8.9 trùng vào những ngày đầu năm dân sự, do vậy người ta muốn kính nhớ Đức Ma-ri-a vào những ngày đầu năm này. Đến giữa thế kỷ thứ VI hoặc đầu thế kỷ thứ VII lễ này được truyền bá sang Tây Phương.
Xét dưới khía cạnh thần học, lễ này liên quan đến bản thân Đức Ma-ri-a cũng như đến lịch sử cứu độ. Vì lòng quý mến Đức Ma-ri-a, Giáo hội muốn nhắc nhớ đến từng biến cố trong cuộc đời của Mẹ. Xem lịch phụng vụ trong một năm ta sẽ thấy những thánh lễ dành cho Mẹ cũng tương tự những thành lễ dành Đức Giê-su, con yêu dấu của Mẹ. Như vậy, Giáo hội vừa muốn nhắc chúng ta về mối tương quan mật thiết giữa Đức Ma-ri-a với Chúa Giê-su đồng thời cũng mời gọi ta noi theo các nhân đức của Mẹ trong cuộc đời. Lễ này cũng nhắc nhớ chúng ta về một biến cố quan trọng trong lịch sử cứu độ. Lịch sử cứu độ diễn ra với cao điểm là biến cố Nhập thể của Đức Giê-su. Do đó, ngày sinh nhật của Đức Ma-ri-a coi như là chấm dứt giai đoạn chuẩn bị. Người Mẹ ra đời báo hiệu sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế trong nay mai.
Tài liệu tham khảo
Phan Tấn Thành, Hiểu để sống đức tin, tập 1

Kinh Mân Côi với gia đình: Chia sẻ trong gia đình

      Mầu nhiệm vui
Thứ hai: Đức Ma-ri-a đi thăm bà Ê-li-sa-bét
Chủ đề: chia sẻ trong gia đình
Chớ để (tâm) hồn con chìm đắm trong phiền muộn, cũng đừng để mình nặng trĩu những ưu tư” (Hc 30,21)

Được tin người chị họ đang mang thai khi tuổi đã xế bóng, Đức Ma-ri-a đã “vội vã lên đường”. Hình ảnh Mẹ hăng say băng đồi vượt dốc cho thấy niềm vui và nhu cầu cần được chia sẻ trong cuộc sống. Thời gian ba tháng sống bên nhau là thời gian hai người mẹ tương lai tâm sự với nhau về những điều lạ lùng Thiên Chúa đã can thiệp trong cuộc đời mình, về niềm vui cũng như những băn khoăn lo lắng cho tương lai của hai con trẻ, và chắc chắn là còn về nhiều điều khác nữa trong cuộc sống.

Tâm sự với nhau thực sự là nhu cầu cần thiết trong mọi gia đình. Qua đó, những nỗi niềm, những ưu tư, những khát vọng được nói lên, được lắng nghe và được chia sẻ. Ngày nay, nhiều gia đình không sắp xếp được thời gian để ngồi trò chuyện trực tiếp với nhau. Những cuộc trò chuyện trên điện thoại, qua máy tính nhiều khi còn nhiều hơn là tiếp xúc trực tiếp với nhau. Hậu quả là con người dần trở nên khô cứng, vô cảm.

Lạy Chúa Giê-su, chia sẻ với nhau chính là một cách để thông chia tình yêu và sống mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Xin cho các gia đình biết trân trọng những giây phút bên nhau và dành thời gian cho nhau. Trong những giờ quây quần đáng quý đó, xin Chúa hiện diện giữa họ và đồng hành với họ trong mọi biến cố vui buồn của gia đình. Amen. 

Kinh Mân Côi với gia đình_Hồng ân sự sống

Mầu nhiệm vui

Thứ nhất: Thiên thần truyền tin cho Đức Ma-ri-a

Chủ đề: Hồng ân sự sống

Con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban” (Tv 127,3)

Đang tận hưởng cuộc sống bình yên giữa làng quê êm ả Nadarét, bỗng đâu sứ thần xuất hiện với thông điệp bất ngờ. Tuy có chút bối rối, nhưng khi biết sự sống mà mình sẽ cưu mang đến từ Thiên Chúa và là hồng ân cho cả nhân loại, Đức Ma-ri-a đã vui nhận đáp lời xin vâng.
Mỗi một mầm non sự sống đều là ân lộc Chúa ban. Chính Thiên Chúa đã thiết lập quy trình tình yêu: hoa trái của tình yêu chính là một sức sống mới. Dẫu cho thực tế, có những sự sống không phải là kết quả của tình yêu nhân loại, nhưng chắc chắn khơi nguồn từ Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là chủ sự sống đã thổi sinh khí vào con người. Một vài phụ huynh có thể lo âu về sự sống này, nhưng nếu họ hiểu rằng mọi người bước vào trần gian đều mang theo một sứ mệnh thì có lẽ họ sẽ không nở từ chối các mầm non sự sống này.

Lạy Chúa, càng ngày càng có nhiều người mẹ đang tâm bỏ đi sự sống do chính mình góp phần tạo nên. Xin cho họ, nhờ lời chuyển cầu của mẹ  Ma-ri-a, nhận ra sự sống không phải là một món nợ nhưng là một quà tặng, không phải là tội lỗi nhưng rất linh thiêng, không phải là bóng tối hướng về quá khứ nhưng là ánh sáng chiếu đến tương lai, nơi sự sống đó sẽ thi hành sứ mệnh độc đáo duy nhất của mình. Amen.

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Cầu nguyện cho cuộc khủng hoảng Syria: Cầu cho những người lính


“Ðối với những ai hy sinh phục vụ tổ quốc trong quân ngũ, họ cũng phải coi mình như những người đem lại an ninh và tự do cho các dân tộc. Và nếu họ chu toàn bổn phận này, họ thực sự đóng góp vào việc củng cố hòa bình” (Hiến chế Mục vụ, số 79).

Hình ảnh những người lính mặc quân phục, tay cầm vũ khí, đã trở nên nỗi ám ảnh cho nhiều người. Giáo huấn của Giáo hội nhìn nhận sự hiện diện cần thiết của họ nhưng giáo huấn cũng nói rõ nhiệm vụ của họ là “đem lại an ninh và tự do cho các dân tộc”. Như vậy, người lính không phải là hình ảnh của sự bạo lực, chết chóc nhưng là người gìn giữ hòa bình. Nhiệm vụ của họ là mang lại sự an tâm và an toàn cho người dân. Họ là những người gìn giữ quyền lợi không chỉ cho đất nước của họ mà thôi nhưng là “cho các dân tộc”.

Xin Chúa cho những người lính biết ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ cao quý của mình. Xưa kia, trên thập giá, Chúa đã xin Cha tha tội cho những người lính vì họ không biết việc họ làm (x. Lc 23,34), nay, xin Chúa cũng thứ tha cho những người lính chưa ý thức đủ về vai trò và trách nhiệm của mình. Đồng thời, xin Chúa cũng soi sáng để họ có thể chu toàn tốt bổn phận của mình hầu góp phần vào việc xây dựng và củng cố hòa bình. Amen.

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Cầu nguyện cho cuộc khủng hoảng Syria: Cầu cho những nạn nhân


Một cuộc tấn công bị nghi ngờ có sử dụng vũ khí hóa học. Hàng ngàn người dân bị ảnh hưởng, hàng trăm người chết, trong đó có nhiều trẻ em.

Lạy Chúa, một lần nữa, những người dân đơn sơ chất phác trở thành nạn nhân của một cuộc khủng hoảng chính trị. Thay vì an vui với cuộc sống thanh bình, sớm chiều làm lụng kiếm sống, nay họ phải sống trong cảnh nơm nớp lo âu. Thay vì hằng đêm gia đình đoàn tụ, nay họ phải sống trong cảnh chia lìa. Thay vì sống trong một căn nhà ấm cúng, nay họ phải lủi thủi kiếm chỗ nương thân. Thay vì tin tưởng và phó thác vào Thượng Đế, nay bao nghi vấn gợi lên trong đầu họ. Thay vì cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, nay họ nghi kỵ và căm thù nhau.


Xin đừng bỏ rơi họ, Lạy Chúa. Trong cuộc sống dương thế, Chúa cũng đã trải qua những kinh nghiệm đau thương này, những kinh nghiệm đau thương của thân phận con người. Nhưng rồi, Chúa đón nhận tất cả vì vâng phục thánh ý Chúa Cha cũng như vì yêu thương chúng con. Xin Chúa biến những đau thương thành cơ hội để họ nhận ra những giá trị cao quý khác trong cuộc sống. Xin Chúa biến những thất vọng thành cơ may để họ tìm về nương tựa vào Đấng là Núi Đá Bền Vững. Xin Chúa chạm đến những tâm hồn đang đau khổ để họ cảm được sự êm ái dịu ngọt của Chúa. Xin Chúa thực hiện nơi họ mối phúc mà Ngài đã hứa khi nói: “Phúc cho ai sầu khổ vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5,5). 

Cầu nguyện và cầu bầu cho hòa bình tại Syria

Đây là kinh nguyện cho ngày 2 trong một tuần cầu nguyện cho Syria. Chiến dịch cầu nguyện được cơ quan Bác Ái Công Giáo trợ giúp cho Giáo Hội nghèo khó.
trích nguồn: http://vietcatholic.org/News/Html/113749.htm 

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu,
Xin lắng nghe tiếng than khóc của người dân Syria
Xin nâng đỡ những ai chịu đau khổ vì bạo tàn
Xin an ủi những ai đang thương khóc kẻ chết
Xin ban sức mạnh cho các nước láng giềng của Syria để họ tiếp đón những người tị nạn
Xin cải hóa tâm hồn những người đang cầm vũ khí
Và bảo vệ cho những ai đang dấn thân kiến tạo hòa bình.
Lạy Thiên Chúa của niềm hy vọng,
Xin soi sáng cho các vị lãnh dạo để họ lựa chọn hòa bình thay vì chiến tranh, và tìm kiếm sự hòa giải với những kẻ thù của họ
Xin đốt nóng Giáo Hội hoàn vũ với ngọn lửa của sự thương cảm đối với người dân Syria
Và ban cho chúng con niềm hy vọng cho một tương lai được xây dựng trên công lý cho tất cả mọi người
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Hoàng Tử của Hòa Bình và Ánh Sáng thế gian.
Amen

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Thái độ của đức tin (Lc 4,16-30)

Tuần XXII - thứ Hai

Sau khi đã nổi tiếng khắp vùng, Đức Giê-su quyết định trở về quê quán của Người. Hẳn dân làng Na-da-rét cũng đã nghe đồn thổi về Người. Giờ đây, tại hội đường của quê hương, chính tai họ lại được nghe những lời ân sủng thốt ra từ miệng Người và họ đã không giấu được sự thán phục của mình.
Thế nhưng, với họ như thế vẫn chưa đủ. Làm sao họ có thể chấp nhận chuyện một người mà họ nghĩ là mình biết rất rõ, một người đã lớn lên giữa họ, lại trở thành một người nổi tiếng sau một thời gian ngắn vắng mặt? Câu hỏi của họ liên quan đến nguồn gốc của Đức Giê-su vừa bày tỏ sự ngạc nhiên vừa lộ vẻ khinh miệt. Lòng kiêu căng và tính ích kỷ đã ngăn cản họ. Do vậy, chỉ dựa vào những lời hay ý đẹp của Người mà thôi thì chưa đủ. Họ còn muốn chứng kiến những phép lạ! Họ nên giống cha ông mình, cứng lòng trước các ngôn sứ.
Đức Giê-su hiểu thấu tâm can họ nhưng Người không chiều theo đòi hỏi của họ. Phép lạ Người làm là để bày tỏ quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa chứ không phải để thoả mãn sự tò mò của con người. Người cũng không muốn người khác tin nhận mình chỉ dựa vào các phép lạ mà thôi, vì đó là một niềm tin không có nền tảng vững chắc. Niềm tin cần phải được đặt nền trên toàn bộ sứ vụ của Đức Giê-su, nghĩa là cả cuộc sống và công trình cứu độ mà Người thực hiện.
Khi không được đáp ứng, họ nổi cơn thịnh nộ và muốn giết Người. Đó là thái độ của người Do thái xưa kia. Thế còn thái độ của chúng ta ngày nay thì sao?
Chúa Giê-su đã nói: Phúc cho ai không thấy mà tin (Ga 20,29). Vậy thì chúng ta là những người có phúc vì chúng ta đã không nghe trực tiếp những lời Người nói và không thấy tận mắt những việc Người làm. Thế nhưng chúng ta đã sống đức tin đó như thế nào? Liệu có phải lúc nào chúng ta cũng xác tín vững vàng vào Thiên Chúa hay không? Có lẽ ít ai trong chúng ta dám khẳng định điều đó. Vì thực tế trong cuộc sống, đức tin của chúng ta bị thử thách rất nhiều và ắt hẳn đã có lần chúng ta tỏ ra nghi ngờ niềm tin của mình.
Thực vậy, trong cuộc sống ngày nay, đức tin của chúng ta đang đối diện với rất nhiều thử thách. Thử thách đó có thể là những sự dữ đang xảy ra quanh ta hay cho chính chúng ta, đó có thể là những tai ương bệnh tật, là nghèo đói đau khổ, là bất công oan ức. Nhất là khi đối diện với những nghịch cảnh đó, chúng ta cầu nguyện nhưng không thấy Chúa nhận lời.
Chúng ta vẫn đến nhà thờ, vẫn tham dự thánh lễ, đọc kinh và làm các việc đạo đức, vẫn nghe lời Chúa thường xuyên, thế nhưng đời sống đức tin của chúng ta vẫn khô khan nguội lạnh! Chúng ta vẫn giữ đạo nhưng gia đình thì đổ vỡ, con cái thì hư hỏng, công việc làm ăn đôi khi cũng thất bại. Đó là những lúc đức tin của chúng ta bị thử thách nặng nề.
Trong những lúc như thế, liệu chúng ta có thách thức Thiên Chúa hay khiêm tốn để sẵn sàng lắng nghe và tìm hiểu thánh ý Người; liệu chúng ta ủ rũ thất vọng và trách móc Thiên Chúa hay chúng ta tin tưởng, cậy trông và tín thác vào tình thương Thiên Chúa.
Quả thật, nhiều lúc chúng ta cảm thấy Chúa vắng bóng trong cuộc đời mình, thế nhưng thực tế thì Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Do vậy, để đứng vững trong đức tin đòi hỏi chúng ta phải cố gắng rất nhiều. Hơn thế nữa, chúng ta cần ý thức chính bản thân mình để khiếm tốn nói như các tông đồ: Con tin, nhưng xin thầy thêm đức tin cho chúng con (x. Lc 17,5).
Đức tin là một hồng ân, chính Chúa Thánh Thần ngự trong linh hồn và thúc giục chúng ta tin tưởng, yêu mến Thiên Chúa. Chính vì thế, để nuôi dưỡng và gia tăng đức tin, chúng ta phải cầu nguyện không ngừng. Nhất là khi chúng ta đang sống trong năm đức tin, năm mà Giáo hội mời gọi mỗi người hãy tái khám phá lại đức tin của mình, đồng thời gia tăng niềm tin ấy mỗi ngày. Một trong những cách thức cụ thể mà Giáo hội đề nghị cho mỗi người, đó là xây dựng mối tương qua gần gũi, thân mật với Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ chúng ta.

 Gợi ý chia sẻ:
1.      Có khi nào đức tin của bạn bị lung lay?

2.      Bạn có kế hoạch nào để sống năm đức tin cách cụ thể hơn?

Khiêm nhường đích thực là cho đi chính bản thân mình (Lc 14,1.7-14)

Chúa nhật XXII, năm C

“Có qua có lại mới toại lòng nhau”, nhân gian vẫn thường quan niệm như thế. Đó cũng là quy tắc ứng xử thông thường trong cuộc sống. Ngày nay, dòng đời được đánh dấu bằng những bữa tiệc, nào là thôi nôi, sinh nhật, cưới hỏi, kỷ niệm hôn phối, giổ quảy, v.v.. những bữa tiệc nhiều đến nỗi nó trở thành một hình thức trả lễ, một nghĩa vụ phải chu toàn.

Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su không nhằm đưa ra một quy tắc ứng xử. Người cũng không dạy ta một bài học nhân bản về đức khiêm nhường. Đó cũng chẳng phải là một nghệ thuật sống: chọn chỗ cuối để được mời lên chỗ nhất. Điều Người muốn dạy ta là nhân đức khiêm nhường đích thực: Khiêm nhường là cho đi chính bản thân mình.

Khi đãi tiệc hãy mời những kẻ nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Theo Tin mừng Luca, đây là những từ diễn tả sự quy tụ của Nước Trời. Khi mời những đối tượng trên, chủ tiệc không thể mong đợi sự đáp trả, và như thế là ông cho đi không chỉ những gì ông có hay dư thừa nhưng là cho đi chính bản thân mình. Ông cho đi chính mồ hồi, nước mắt của ông. Đó là sự cho đi của tình yêu.

Chính đứa Giêsu đã làm gương cho chúng ta về cả hai khía cạnh của bài Tin Mừng hôm nay. Người đã khước từ địa vị vốn có của mình để tự nguyện chọn lấy chỗ rốt hết trên trần gian này, đó chính là cây thập giá. Bằng lựa chọn này, Đức Giê-su không chỉ cho chúng ta những gì Người có hay sở hữu, nhưng là cho đi chính mạng sống Người. Nhờ sự cho đi này, Người đã quy tụ muôn dân nước trong bữa tiệc Nước Trời. Chuyện còn lại tùy thuộc vào thái độ đáp của chúng ta nữa mà thôi.


Qua bài Tin Mừng này, Đức Giê-su mời gọi chúng ta hãy sống khiêm nhường, không phải để được tôn vinh trước mặt người đời nhưng là trước mặt Thiên Chúa. Muốn vậy, ta phải dám cho đi chính bản thân mình để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân, để quy tụ mọi người trong bàn tiệc Thiên Quốc.