Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

SINH CON BẤT CHẤP SỰ PHẢN ĐỐI CỦA BÁC SĨ

Chuyện thời sự: Rachel Collins (quốc tịch Anh) được các bác sĩ chẩn đoán là bị thiếu nước ối, hậu quả là lượng máu nuôi thai nhi bị giảm sút, thai nhi sẽ bị suy dinh dưỡng và nghiêm trọng hơn là chết lưu trong tử cung hoặc chết ngay lúc chuyển dạ. Vì vậy các bác sĩ khuyên Collins nên chấm dứt thai kỳ bằng cách đẩy bào thai ra sớm. Bác sĩ còn cảnh báo là nếu sống sót thì đứa con sẽ không có thận hoặc phổi hoạt động không được hiệu quả.
Bất chấp khuyến cáo của bác sĩ, Collins quyết giữ bào thai trong bụng.
Collins đã viết nhật ký dành cho con mỗi ngày với hy vọng nó có thể giúp cô vơi bớt nỗi đau. Nhật ký có tiêu đề: “Alfie: sinh ra để sẵn sàng chiến đấu – Con là điều kỳ diệu của bố mẹ”. Alfie là tên mà cô dự định sẽ đặt cho con. Cuốn nhật ký lưu lại cảm xúc của bà mẹ trẻ khi hạnh phúc biết mình có con rồi lại rơi vào tuyệt vọng khi biết mình có thể mất con vĩnh viễn.
Ngày 21 tháng 10 năm 2013, bác sĩ chỉ định phải sinh mổ khẩn cấp bé Alfie ở tuần thứ 30 và thật bất ngờ là đứa bé hoàn toàn khỏe mạnh.
Giờ đây tất cả những trang nhật ký đã được cô lưu giữ cẩn thận chỉ chờ khi Alfie lớn lên, cô sẽ đưa cho con đọc. (nguồn: aFamily.vn)
Chút cảm nghĩ: Collins đã cảm nhận được sự sống kỳ diệu cô đang cưu mang và cương quyết giữ con đến cùng, bất chấp hậu quả. Nếu mọi người mẹ đều ý thức và can đảm bảo vệ sự sống thì các nghĩa trang đồng nhi không phải mọc lên trên khắp miền đất nước. Không biết Collins có tin vào Chúa hay không nhưng hành động của cô thật là một gương “sống Tin Mừng” vậy!

ĐỪNG VỘI CHỨNG TỎ

Thứ Năm – Tuần VI TN (Mc 8,27-33)
Đức Giê-su trách ông Phê-rô : "Xa-tan ! lui lại đàng sau Thầy ! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
Đi từ cuộc sống: “Cầm đèn chạy trước ôtô”, đó là thói xấu mà con người vẫn thường dùng trong tương quan với nhau. Chỉ mới học hỏi được chút ít, ta tưởng như đã nắm toàn bộ kho tàng tri thức! Biết được vài chi tiết về một người nào đó ta đã vội tỏ ra là biết tất cả về họ. Thật là một sai lầm!
Lời Chúa soi đường: Tông đồ trưởng Phêrô vừa lập “chiến công” khi đại diện anh em tuyên xưng niềm tin vào Đức Ki-tô. Thực ra “chiến công” này nhờ ơn Chúa soi sáng hơn là hiểu biết cá nhân. Bằng chứng là ngay sau khi tuyên xưng, ông lại kéo riêng Đức Giê-su ra và trách mắng Người. Ông chưa hiểu lời tiên báo của Đức Giê-su nhưng lại muốn “chạy trước Chúa”. Đức Giê-su đã gọi ông là Xa tan và bắt “lui lại đàng sau”. Ông còn phải học hỏi nhiều, phải cảm nghiệm nhiều và nhất là nhờ ơn Chúa nhiều mới có thể hiểu được chương trình của Thiên Chúa.
Tận hưởng niềm vui: Lời Chúa hôm nay cho ta bài học về sự khiêm tốn: Khiêm tốn trong lắng nghe, khiêm tốn trong học hỏi, khiêm tốn khi nhận xét, khiêm tốn khi chia sẻ và khiêm tốn khi thể hiện chính mình. Cuộc đời mỗi người là một bí ẩn. Cuộc sống luôn là một mầu nhiệm. Đức tin mời gọi ta khám phá. Đừng bao giờ tự mãn với những gì đã thủ đắc.
Chung lời cầu nguyện: Xin cho con luôn khiêm tốn trong tương quan với Chúa và với tha nhân.

XIN THAY ĐỔI VỢ TÔI !

Chuyện thời sự: Sau một trận cãi nhau, anh chồng nhắn tin cho tôi nhờ cầu nguyện. Thế nhưng nội dung tin nhắn của anh là: “Xin thầy cầu nguyện cho vợ tôi thay đổi tính nết, trở nên hiền dịu hơn, quãng đại hơn, biết yêu thương phục vụ hơn.”
Tôi không biết nội dung cuộc cải vả là gì. Tôi cũng không biết ai đúng ai sai. Thế nên tôi không vui lắm với lời đề nghị của anh. Tôi trả lời rằng sẽ cầu nguyện cho cả gia đình anh, nhất là trong năm Tân Phúc Âm hóa gia đình này. Vậy mà anh vẫn cố đề nghị: xin hãy cầu nguyện cho vợ tôi thay đổi!
Chút cảm nghĩ: Để xây dựng bầu khí gia đình, nhất là sau những đổ vỡ, cần phải có sự thay đổi của cả hai. Nếu mình chỉ muốn “người kia” thay đổi mà thôi thì cũng đồng nghĩa với khẳng định: tôi luôn đúng còn “người kia” luôn sai. Với suy nghĩ và thái độ như vậy thì thật khó thay đổi tình hình.
Để đời sống hôn nhân gia đình hạnh phúc, cả hai nên thường xuyên xét lại thái độ của mình, nhất là trong việc đón nhận nhau. Khi đến với nhau, họ đã thề hứa sẽ đón nhận nhau với tất cả sự khác biệt và yếu đuối. Vậy nên, dù cho trong một tình huống nào đó, có thể là do lỗi của chỉ một người, thì người còn lại cũng cần xét lại thái độ đón nhận của mình.
Sự khác biệt và yếu đuối của người này là “món quà” Chúa gửi đến cho người kia. Sống Tin Mừng không phải là lý tưởng gì cao xa, đó là lời mời gọi đón nhận nhau như một chứng tá. “Người kia” sẽ thay đổi nếu “người này” đón nhận họ với tất cả yêu thương. Vì thế, bất chấp lời đề nghị của anh, tôi vẫn thầm cầu nguyện cho hai người!

TÌNH LIÊN ĐỚI CAO CẢ

Thứ Tư - Tuần VI TN (Mc 8,22-26)
Đức Giê-su và các môn đệ đến Bết-xai-đa. Người ta dẫn một người mù đến và nài xin Đức Giê-su sờ vào anh ta.
Đi từ cuộc sống: Hồi còn bé, tôi có tham dự một buổi đọc kinh chung mà cho đến nay đọng lại nhiều ấn tượng. Một người hàng xóm bị tai nạn nặng, bệnh viện trả về. Tối đến, cả xóm quy tụ cùng gia đình để đọc kinh, cầu nguyện cho bệnh nhân và gia đình. Người bệnh nằm đó, không đi được, không nói được, nhưng không sao cả, còn có một cộng đoàn đức tin chung quanh.
Lời Chúa soi đường: Lời Chúa hôm nay cho thấy người ta dẫn một người mù đến và nài xin Đức Giê-su chữa lành. Tin Mừng không cho biết thái độ của bệnh nhân như thế nào nhưng nhấn mạnh đến thái độ và vai trò của đám đông. Tuy thế, Đức Giê-su vẫn chữa lành anh ta. Điều đó cho thấy sự cao cả của chiều kích liên đới trong đức tin. Điều đó cũng chất vấn cộng đoàn (giáo xứ, đoàn thể, gia đình) chúng ta: Cộng đoàn chúng ta đã mang ai đến với Chúa để được Người chữa lành hay chưa?
Tận hưởng niềm vui: Rồi cũng có lúc tôi bất động nằm im. Rồi cũng có lúc tôi không thể bày tỏ thái độ. Nhưng không sao! Đã có cộng đoàn đức tin liên đới với tôi. Họ sẽ mang tôi đến với Chúa. Họ sẽ cầu xin Chúa giúp tôi. Và như trong bài Tin Mừng hôm nay, tôi tin Chúa cũng sẽ “chữa lành” tôi.
Chung lời cầu nguyện: Xin Chúa giúp con mạnh dạn thể hiện tình liên đới trong cộng đoàn con đang hiện diện, để rồi đây, xin cho con cũng được hưởng hiệu quả của sự liên đới cao cả này.

THỰC TẠI VÀ ĐỨC TIN



Thứ Ba, tuần VI TN (Mc 8,14-21)
Đức Giê-su răn bảo các môn đệ: "Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê !" Và các ông bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh.
Đi từ cuộc sống: Lời Chúa nói với ta một đàng nhưng tâm trí ta lại nghĩ về một nẻo. Nhiều khi linh mục thì đang đọc Tin Mừng, nhưng lòng ta thì đang hướng về một miền xa xôi. Chúng ta quá bận tâm vào những thực tại trước mắt mà quên mất cùng đích đời đời.
Lời Chúa soi đường: Lời Chúa hôm nay cho thấy, Đức Giê-su đang cảnh tỉnh các môn đệ phải đề phòng “men Pharisêu và men Hêrôđê”, tức là những men xấu, có thể làm hư cả hủ bột, vậy mà tâm trí các ông chỉ nghĩ đến chuyện mình không có bánh ăn. Đành rằng ăn uống là nhu cầu thực tế trước mắt nhưng chỉ mới đây thôi, Đức Giê-su đã hai lần hóa bánh ra nhiều và đám đông ăn no nê. Các ông đã chứng kiến nhưng vẫn chưa hiểu. Lòng trí các ông vẫn đang bám vào những thực tại vụn vặt chứ chưa nhìn xa hơn bằng ánh mắt đức tin.
Tận hưởng niềm vui: Thực tại cuộc sống đôi khi chiếm hết thời gian và tâm trí chúng ta. Dù rất thực và rất khó khăn, nhưng không vì thế mà ta có quyền “tạm gác” đời sống đức tin qua một bên. Trái lại, đó càng là lời mời gọi ta tín thác vào Chúa. Ai tín thác vào Chúa sẽ không phải thất vọng. Chúa luôn biết lúc nào cần phải “can thiệp” để đáp lại lòng tin và lời nguyện xin của chúng ta.
Chung lời cầu nguyện: Lạy Chúa, thực tại cuộc sống luôn mở ra những con đường gai góc, nhưng nếu chúng con để cho gai góc bóp ghẹt đời mình thì hạt giống Lời Chúa cũng sẽ không trổ sinh hoa trái. Xin cho con luôn biết đặt niềm tin vào Chúa.

CHỚ THÁCH THỨC THIÊN CHÚA



Thứ Hai, tuần VI TN (Mc 8,11-13)
Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người.
Đi từ cuộc sống: “Tôi chẳng thấy Thiên Chúa đâu!”. Đó là câu nói ngạo mạn, đầy thách thức của Gagarin sau khi ông trở thành người đầu tiên bay một vòng quanh trái đất. Ông nói như thể bổn phận Thiên Chúa là “ngồi đó” để ông nhìn thấy và kiểm chứng như một thí nghiệm khoa học! Thực ra trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng dễ thách thức Thiên Chúa như thế, nhất là khi đối diện với những hoàn cảnh đau thương.
Lời Chúa soi đường: Đức Giê-su đã làm biết bao dấu lạ để bày tỏ lòng thương xót của Người, thế nhưng, những người Pharisêu vẫn đòi Người thực hiện một dấu lạ. Thực ra họ cũng chỉ muốn thách thức Đức Giê-su hay đòi Người phải hành động theo ý muốn của họ. Dẫu cho Đức Giê-su có thực hiện một dấu lạ nữa, theo yêu cầu của họ, thì họ cũng chẳng tin. Thành kiến đã che khuất con mắt đức tin của họ. Một khi lòng đã khép thì dấu lạ dù có tỏ tường họ cũng chẳng nhận ra.
Tận hưởng niềm vui: Mầu nhiệm của Chúa chỉ được mạc khải cho những người đơn sơ bé mọn. Chúa không hành động theo yêu cầu của con người nhưng theo sự khôn ngoan nhiệm mầu của Người. Có điều ta cần xác tín là Người luôn hành động vì tình thương đối với chúng ta, dù cho nhiều khi ta chưa thể hiểu thấu.
Chung lời cầu nguyện: Xin Chúa giúp con luôn tin tưởng và phó thác vào tình thương Chúa, nhất là khi con gặp đau khổ, xin đừng để con thất vọng bao giờ.

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

BÁC ÁI TRONG CƯ XỬ



Chúa nhật, tuần VI TN (Mt 5,17-37)
Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.
Đi từ cuộc sống: Khi chứng kiến những cảnh bạo lực trong xã hội, có người đặt câu hỏi: Tại sao giới trẻ ngày nay sinh ra và lớn lên trong thời bình nhưng lại cư xử với nhau cách bạo lực như thế? Một cái nhìn “đểu”, một câu châm chọc, một vụ va quẹt cũng đủ lý do để lao vào giải quyết bằng bạo lực, và án mạng xảy ra là hậu quả tất yếu!
Lời Chúa soi đường: Đức Giê-su đòi hỏi các môn đệ của Người phải sống công chính hơn các kinh sư và Pharisêu. Kinh sư và Pharisêu là những người giữ chi tiết luật Do thái nhưng như thế vẫn chưa đủ. Môn đệ của Chúa không chỉ bằng lòng với việc giữ luật “không giết người” nhưng còn vươn tới việc đối xử với nhau trong tình huynh đệ.
Tận hưởng niềm vui: Luật của Chúa Giê-su là luật bác ái trọn hảo, khởi đi từ tấm lòng chứ không phải là những cấm đoán. Đó là luật xây dựng và thăng tiến con người chứ không phải để bó buộc. Ai yêu thương thì sẽ chu toàn luật đó với niềm vui sướng. Ai thấy luật còn nặng nề thì chưa đủ yêu thương để cư xử bác ái với nhau.
Chung lời cầu nguyện: Mỗi người đều là hình ảnh của Chúa, thân xác mỗi người đều là đền thờ Chúa Thánh Thần, xin cho chúng con biết đối xử với nhau như thể chúng con đang đối xử với Chúa vậy.        

TÌNH YÊU DIỄN TẢ BẰNG HÀNH ĐỘNG



Thứ Bảy, Tuần V TN (Mc 8,1-10)
Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn ! Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường.
Đi từ cuộc sống: Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, cứ 5 giây thì có một đứa trẻ chết vì đói. Ngược lại, theo dõi báo chí, thỉnh thoảng ta vẫn thấy có những “đại gia” bỏ ra ca chục triệu cho một bữa ăn. Nếu mỗi người đều biết chạnh lòng thương khi thấy người khác đói khát thì cuộc sống này sẽ tốt đẹp hơn biết mấy!
Lời Chúa soi đường: Đức Giê-su đã nhiều lần chạnh lòng thương khi chứng kiến cảnh con người bơ vơ khổ cực. Không chỉ chạnh lòng thương, Người còn chuyển lòng thương xót thành những hành động. Tình thương của Chúa luôn thể hiện bằng hành động, nhờ đó, mọi người cảm nhận được tình thương cách cụ thể hơn, gần gũi hơn, thân thiết hơn.
Tận hưởng niềm vui: Khi nói đến tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta được phép liên tưởng đến một chương trình, một kế hoạch để thực hiện tình yêu đó. Khi nói Thiên Chúa yêu thương bạn, nghĩa là Thiên Chúa có một kế hoạch dành cho bạn. Đó là một niềm vui mà ít khi ta biết tận hưởng.
Chung lời cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con đừng nói lời yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi nhưng biểu lộ bằng những hành động cụ thể, những hành động giúp nhau đạt đến sự sống trọn vẹn, viên mãn.

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

ĐỨC TIN KHÔNG BIÊN GIỚI

Thứ Năm, tuần V TN (Mc 7,24-30)
Một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Đức Giê-su, liền vào sấp mình dưới chân Người. Bà là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà.
Đi từ cuộc sống: Trước tết, tôi được một người quen mời dự tất niên. Địa điểm cách thành phố Pleiku khoảng 40 km về hướng Bắc. Cuộc họp mặt gồm có vài người Kinh, 3 Yá (nữ tu người dân tộc) người Sê Đăng và những người hàng xóm người Ba Na. Cuộc hội ngộ tuy gồm những người khác nhau về sắc tộc nhưng lại có chung một ngữ: ngôn ngữ đức tin. Đức tin xóa tan mọi khoảng cách để tôi cảm thấy gần gũi hơn, thân quen hơn.
Lời Chúa soi đường: Đức Giê-su ưu tiên sứ vụ của người cho “những con chiên lạc nhà Israel”, thế nhưng, không ít lần Người đã chứng kiến một đức tin mãnh liệt nơi những người bị coi là “ngoại đạo”. Bài Tin Mừng ngày hôm nay cũng thế, đứng trước đức tin mãnh mẽ của một phụ nữ người Hy-lạp, Đức Giê-su đã cảm phục và làm phép lạ theo lời cầu xin của bà. Bà đã chứng tỏ rằng đức tin không bị giới hạn trong một lãnh thổ địa lý nào nhưng là ngôn ngữ chung của mọi dân tộc.
Tận hưởng niềm vui: Đức tin không có biên giới. Đức tin là ngôn ngữ chung của mọi quốc gia, mọi dân tộc, mọi tiếng nói. Có thể người ta không hiểu ngôn ngữ của tiếng nói nhưng ngôn ngữ của đức tin thì có thể cảm nhận được.
Chung lời cầu nguyện: Giữa một thế giới còn nhiều khác biệt, xin Chúa cho tất cả được hiệp nhất trong cùng một đức tin.