Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

HÌNH THỨC VÀ CHẤT LƯỢNG



Thứ Ba tuần XXVIII TN (Lc 11,37-41)
Chuộng hình thức, đó không phải là câu chuyện thời đại nhưng là câu chuyện có từ rất xưa. Áp lực cuộc sống, áp lực công việc, chạy theo thành tích khiến cho người ta không còn cư xử chân thành với nhau. Người ta nhận xét, đánh giá nhau cũng dựa theo những hình thức bên ngoài. Cuộc sống ngày càng hời hợt, con người suy nghĩ ngày càng nông cạn, tương quan con người với nhau ngày càng lỏng lẻo.
Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu cho thấy “tấm lòng” bên trong mới là điều đáng quý, là cái có tính chất quyết định. Bên ngoài sạch sẽ, đẹp đẽ nhưng bên trong nhơ uế thì cũng như không!
Xét về bề ngoài, xem ra chúng ta đang giữ đạo rất tốt, thế nhưng đôi khi chúng ta cũng nen xem lại “chất lượng bên trong”. Chúng ta đang xây dựng một mối tương quan như thế nào với Chúa và với nhau?

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

KIÊN NHẪN CẦU NGUYỆN (Lc 11,5-13)



Thứ năm tuần XXVII TN
Xã hội càng văn minh, khoa học càng tiến bộ con người càng mất kiên nhẫn. Chỉ cần máy tính khởi động chậm tí là ta bực bội, ai trễ hẹn tí là ta giận dữ. Chờ đợi là hai tiếng mà ta muốn loại ra khỏi từ điển cuộc sống mỗi ngày.
Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời ta sống chậm lại và biết chờ đợi với niềm hy vọng. Thiên Chúa không phải là một cái máy, hễ ta nhấn Enter là buộc Ngài phải “trả lời” ngay. Thiên Chúa mời gọi ta đi vào tương quan với Ngài, một cách chậm rãi nhưng sâu sắc, một tương quan sống động và đòi hỏi biết khám phá, một tương quan mang thông điệp hy vọng : Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gỏ cửa thì sẽ mở cho.

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

SỐNG LỜI CHÚA



Chúa nhật 26 TNA (Mt 21,28-32)


“Tôi rất ngưỡng mộ Đức Giê-su và giáo lý của Ngài nhưng tôi chưa trở thành một Ki-tô hữu bởi vì các Ki-tô hữu chưa sống giáo lý của Ngài”. Đó là tâm sự của Mahatma Gandhi, vị anh hùng của dân tộc Ấn Độ. Quả thật, chính bài giảng trên núi và nhất là tám mối phúc là khởi hứng cho chính sách bất bạo động của ông. Ông cũng có ý định theo đạo Công giáo, thế nhưng một biến cố đáng tiếc đã xảy ra. Khi còn là sinh viên, trong một lần đến nhà thờ để cầu nguyện, người giữ cửa nhà thờ đã chận lại và mời ông tìm đến một nhà thờ khác dành cho người da màu. Ông tự ái trở về và không bao giờ đến nhà thờ nữa.
Câu chuyện trên cũng là một lời chất vấn cho chúng ta, những Ki-tô hữu, rằng chúng ta đã sống theo giáo lý và Tin Mừng của Đức Giê-su hay chưa? Chúng ta nghe lời Chúa rất nhiều nhưng đã sống lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày hay chưa? Lời Chúa hôm nay cho thấy, điều quan trọng không chỉ là nghe và nói lời Chúa nhưng là thực thi lời Chúa.
Điều đó đòi hỏi chúng ta không chỉ “giữ đạo trong nhà thờ” nhưng mời gọi chúng ta “đem đạo vào trong cuộc sống”. Có như vậy chúng ta mới xứng đáng là những người thừa hưởng Nước Trời.

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

ĐÓN NHẬN CUỘC THƯƠNG KHÓ ĐỜI MÌNH


Thứ Bảy tuần XXV (Lc 9,43-45)
Mọi người còn đang hớn hở với những “chiến tích” Đức Giê-su đã làm thì Người dội ngay một gáo nước lạnh: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”. Các môn đệ chưng hửng, chẳng hiểu Thầy nói gì, nhưng lại sợ, không dám hỏi lại.
Nhiều khi chúng ta cũng đang hí hửng với những thành công thì tai họa ập xuống bất ngờ; mọi việc đang suôn sẻ thì điều trái khuấy xuất hiện. Thay vì đón nhận chúng ta sẽ trách Chúa : Tại sao?
Cuộc đời vẫn còn nhiều bí ẩn bị che khuất bởi niềm tin yếu kém. Thánh ý Chúa vẫn luôn là một câu hỏi khó trả lời. Có khi để trả lời được ta phải biết đón nhận “cuộc thương khó” của đời mình!
Xin Chúa giúp con can đảm đón nhận thánh ý Chúa.

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

TÌM GẶP THẦY GIÊSU



Thứ Năm, tuần XXV TN (Lc 9,7-9)
Rồi vua Hêrôđê tìm cách gặp Đức Giê-su
Dù xuất phát từ động lực là gì đi nữa thì ý muốn của vua Hêrôđê cũng gợi cho ta suy nghĩ: ta có tìm cách gặp Đức Giê-su?
Ngày nay, ta chưa thể gặp Đức Giê-su mặt đối mặt nhưng ta có thể gặp Người qua đời sống cầu nguyện, vua việc lắng nghe Lời Chúa, qua bí tích Thánh Thể và nhất là qua gặp gỡ tha nhân.
Mỗi ngày đều có rất nhiều cơ hội để ta gặp thầy Giê-su nhưng liệu ta có tận dụng cơ hội? Câu trả lời thuộc về trách nhiệm của mỗi người!