Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

VỊ TRÍ CỦA ANH LÀ Ở SAU THẦY



Thứ 5, tuần XVIII TN (Mt 16,13-23)
Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô : “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
Người đi trước là người dẫn đường, là người hướng dẫn, là thầy dạy. Kẻ theo sau để quan sát, bắt chước, đó là vị thế của một học trò.
Phê-rô đã quá nhanh nhảu khi chủ động kéo riêng Đức Giê-su ra và trách Người. Ông còn xin Thiên Chúa đừng thực hiện những điều mà Đức Giê-su vừa mạc khải. Khi hành xử như thế, Phê-rô đã hành xử theo suy nghĩ của con người và hậu quả của lối suy nghĩ đó là cản lối Thiên Chúa. Xuất phát từ thiện ý của mình nhưng thiếu lắng nghe tiếng Chúa nên Phê-rô đã bị Chúa “mắng”.
Trong cuộc sống, chúng ta cũng hay hành xử theo cách của Phê-rô. Chúng ta nghĩ như thế là tốt và muốn Thiên Chúa thực hiện theo ý chúng ta. Chúng ta thường “cầm đèn chạy trước ô tô” để chỉ vẽ cho Người. Chúng ta thường bỏ vị trí của người học trò để lắng nghe mà thay vào đó là đứng vào vị trí của người thầy để chỉ bảo.
Xin Chúa cho con biết khiêm tốn để luôn lắng nghe và tìm kiếm ý Chúa trong cuộc đời mình.

“Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy”



Thứ 5, tuần XVIII TN (Mt 16,13-23)
Chỉ mới đây thôi, Đức Giê-su khen Phê-rô vì đã được Chúa Cha mạc khải cho biết Người là ai, vậy mà giờ đây, chính Người lại quở ông là Xa-tan. Do đâu mà có sự thay đổi như vậy?
Khi tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Phê-rô không dựa vào kiến thức nhân loại nhưng là tri thức được mạc khải. Ông tuyên xưng không chỉ dựa vào những suy luận của lý trí con người nhưng dựa vào hồng ân đã lãnh nhận. Chỉ khi để cho bản thân lu mờ đi để hồng ân Chúa hướng dẫn cuộc sống thì con người mới có khả năng đưa ra những quyết định đúng. Các thánh, đơn giản là những người biết cậy dựa và tín thác vào Chúa trong những lựa chọn của đời mình.
Suy nghĩ theo lý trí của con người, Phê-rô không thể nào hiểu được kế hoạch của Thiên Chúa dành cho Thầy mình. Do vậy, khi nghe Thầy mạc khải về những đau khổ sắp chịu, ông đã “kéo” Đức Giê-su ra riêng và “trách” Người. Ông tưởng mình biết tất cả. Ông nghĩ mình biết điều gì Thiên Chúa nên làm. Ông “trách” Thầy mình đã nói gàn dỡ. Ông muốn “hướng dẫn” cả Đấng Ki-tô mà ông mới tuyên xưng. Chính khi hành động như vậy, ông đã để cho Xa-tan hướng dẫn. Vì vậy, Đức Giê-su đã mắng ông: “Xa-tan, hãy lui ra đàng sau”. Ông không đủ tư cách để đi trước, hướng dẫn Thiên Chúa.

Thưa Thầy! Chúng Con Ở Đây Thật Là Hay (Lc 9, 28b-36)

Ngày 6.8 : Chúa Hiển Dung

Con người được dựng nên để thông phần vào tình yêu và vinh quang Thiên Chúa. Chính vì vậy tình yêu và vinh quang này là niềm khao khát mong đợi của mọi người. Thánh Augustinô đã tâm sự : “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, và chúng con vẫn còn khắc khoải bao lâu chưa được nghỉ ngơi trong Chúa”. Bài tin mừng hôm nay kể lại cuộc hiển dung của Chúa. Đây là lần đầu tiên các môn đệ được chiêm ngưỡng thân xác phục sinh của Đức Giêsu. Cuộc hiển dung này được ông Môsê và ông Êlia, hai người phát ngôn của Lề Luật và ngôn sứ, và cũng là hai nhân vật tiêu biểu của Cựu Ước làm chứng.
Như xưa kia, Thiên Chúa đã đưa hai ông Môsê và ông Êlia lên núi để trở thành chứng nhân cho vinh quang Thiên Chúa, thì hôm nay, các tông đồ cũng được Chúa Giêsu dẫn lên núi và biểu lộ vinh quang cho họ. Được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa lòng trí các tông đồ ngất ngây. Phêrô thưa với Chúa nhưng ông không biết mình đang nói gì. Lời nói của ông là phản ứng của vô thức. Thế nhưng chính phản ứng này lại cho ta thấy sức hấp dẫn của vinh quang Thiên Chúa : “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay”. Được diện kiến thánh nhan Thiên Chúa, các tông đồ không còn muốn gì hơn là được luôn chiêm ngưỡng vinh quang đó. Thế nhưng, thời gian chưa cho phép. Các ông còn phải xuống núi để tiếp tục rong ruổi và làm chứng cho vinh quang của Thầy.

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Nói với Chúa và nói về Chúa

Ngày 8 tháng 8: Thánh Đa Minh

Cha Đa Minh đã sống trọn điều răn mến Chúa yêu người qua câu châm ngôn: Nói với Chúa và nói về Chúa.
Trước hết, cha luôn dành mọi thời gian có thể để “nói với Chúa”. Ngài nói với Chúa qua những giờ cầu nguyện sốt sắng, những giây phút cảm tạ, ngợi khen về bao công việc tốt đẹp Thiên Chúa đã thực hiện qua cuộc đời mình. Ngài nói với Chúa qua những hành động sám hối về những lỗi lầm, thiếu sót của mình cũng như của tha nhân. Ngài nói với Chúa qua những lời khẩn cầu tha thiết cho anh em và cho những người đang đắm chìm trong đau khổ, lầm lạc. Nói với Chúa là thời gian ngài lắng nghe tiếng gọi của Chúa cũng như nhu cầu của tha nhân. Nói với Chúa là thời gian ngài chìm đắm trong ân sủng qua đó ngài kín múc hồng ân và trao tặng cho tha nhân.

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Cho đi_thánh Laurenso

Ngày 9 tháng 8: Thánh Laurenso

Bên vệ đường, một cụ già ngồi trầm ngâm với chiếc nón trong tay, một người mẹ trẻ trao cho con gái tờ năm ngàn, em nhanh nhảu chạy đến bỏ tờ tiền vào nón với vẻ lễ phép. Sau thánh lễ, mọi người lặng lẽ lấy ví ra, rút một tờ tiền cho vào bao thư và đóng góp vào quỷ truyền giáo của Giáo hội. Trong giây phút sinh tử, một thanh niên quyết định nhường áo phao cho một phụ nữ để rồi phải nằm lại dưới lòng sông. Một nữ tu quyết định suốt đời dấn thân phục vụ các bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối. v.v.
Bên cạnh những tệ nạn cướp giật diễn ra hằng ngày, vẫn còn đó những gương sáng về sự cho đi. Có sự cho đi vì lòng thương hại nhưng cũng có sự cho đi vì mục đích cao quý; có sự cho đi được quyết định trong chốc lát nhưng cũng có sự cho đi là lựa chọn suốt cả cuộc đời; có sự cho đi những thứ bên ngoài như tiền bạc nhưng cũng có sự cho đi bằng cả mạng sống mình.

Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Thánh nữ Mônica, tình mẹ bao la

Ngày 27: Thánh monica
 
Mẹ chẳng còn trông mong gì trên đời này nữa. Trước đây, lý do duy nhất khiến mẹ ước mong được nán lại thêm một chút trong cuộc sống này là để nhìn thấy con thành một Ki-tô hữu trong Hội thánh Công giáo trước khi mẹ nhắm mắt lìa đời.[1] Đó là một trong những lời tâm sự cuối cùng của thánh nữ Mônica mà thánh Âu-tinh đã ghi lại trong cuốn Tự thuật.

Ước mơ thật giản dị, nhưng cũng thật lớn lao của một người mẹ. Giản dị bởi đó không phải là ước mơ cho con cái trở nên khôn ngoan, nổi tiếng, giàu sang hay quyền lực. Giản dị vì ngài chỉ mong ước con mình trở nên một Ki-tô hữu trong lòng Hội thánh. Nhưng, mong ước đó cũng thật lớn lao. Lớn lao bởi ngài đã dành trọn tâm tư, tình cảm và cả sức lực nữa để thực hiện ước mơ đó. Tấm lòng người mẹ thật bao la. Ngài đã theo chân con suốt một chặng đường dài để chăm sóc, để khuyên bảo, để cầu nguyện cho con nhận ra ánh sáng Chân lý đích thực.

Lạy Chúa, tình mẹ thật thiêng liêng và cao cả. Tình mẹ chính là hình ảnh rõ nét nhất của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Ngày nay, nhiều người mẹ vẫn dành trọn cuộc đời mình cho con cái, nhưng đích đến không còn là trở thành một Ki-tô hữu trong lòng Hội thánh. Thực vậy, nhiều người mẹ dành nhiều tiền bạc, thời gian và cả sức lực để lo cho con cái được ăn học đàng hoàng, được có chỗ làm ổn định, có tương lai khá giả; còn việc trở thành một Ki-tô hữu như thế nào thì họ phó mặc cho Giáo hội. Họ chỉ biết chở con đến nhà thờ mà không biết con mình học cái gì và học như thế nào. Trở thành một Ki-tô hữu trưởng thành là mục tiêu thứ yếu khuất chìm trong bao thứ mục tiêu khác.    
Xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của thánh nữ Mônica, soi sáng cho những ai đang sống thiên chức làm mẹ, biết hướng dẫn con mình đến mục tiêu hệ trọng nhất của đời người, đó là: sống với Chúa và sống cho Chúa.





[1] Trích bài đọc kinh Sách lễ thánh Mônica.

Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Gioan Tẩy giả bị trảm quyết (Mc 6,17-29)


Ngày 29 - Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết

Dân ta có câu: “thuốc đắng giả tật, sự thật mất lòng”. Nhà văn Trần Mạnh Hảo thì nói: “con người sợ nhất là sự thật”. Cái chết của Gio-an Tẩy Giả phần nào minh chứng cho tính chính xác của những câu nói trên.
Có thể nói sứ mệnh của Gio-an là làm chứng cho sự thật. Ông đến giúp cho mọi người nhìn vào sự thật của chính mình để thấy những lỗ hỏng, những thiếu sót khiến họ phải thốt lên: vậy chúng tôi phải làm gì? Ông đến để loan báo sự thật về thời Đấng Mê-si-a. Thời Đấng Mê-si-a không phải là một lời hứa suông nhưng là một thực tại đang đến ngay bên, thời đó đã gần kề.
Cũng vì nói lên sự thật về những hành vi trái luân lý mà Gio-an đã khiến cho nhiều người căm ghét để rồi ông phải trả giá bằng chính mạng sống mình. Tuy nhiên, cái chết của ông lại trở thành lời chứng hùng hồn hơn cả.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã nói “sự thật sẽ giải thoát anh em”. Xin cho chúng con biết yêu mến và can đảm làm chứng cho sự thật, để nhờ đó chúng con được giải thoát và được kết hiệp với Chúa là Sự Thật duy nhất.

Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Ngài Phải Lớn Lên, Còn Tôi Phải Nhỏ Đi (Lc 1,57-66.80)

Ngày 29 - Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết


Trở thành ngôn sứ là ơn gọi đặc biệt được chính Thiên Chúa tuyển chọn. Thiên Chúa đã từng phán với ngôn sứ Giêrêmia : ”Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi ; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1, 4-5). Lời Chúa phán trên cũng thật đúng cho trường hợp của Gioan Tẩy Giả.
Sự ra đời của Gioan Tẩy Giả đã gây thắc mắc cho nhiều người. Ai nghe thấy cũng đều để tâm suy niệm và tự hỏi : ”Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào ?” (Lc 3,16). Ba mươi năm sau, trong khi thi hành sứ vụ, người Dothái hỏi chính Gioan : “Ông là ai ?”, “Ông nói gì về chính mình ?”. Gioan đã trả lời : “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa” (Ga 1,23). Gioan tự nhận mình là tiếng hô đi trước để chuẩn bị cho Lời sẽ đến sau. Cuộc đời Gioan sẽ là hình ảnh tuyệt hảo cho người ngôn sứ.

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

câu chuyện Nước Trời



CHÚA NHẬT 17 TN Năm A
Tin mừng: Mt 13, 44-52
Khi ấy, Đức Giêsu kể cho dân chúng dụ ngôn này: "Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.
"Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.
"Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.
"Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không? " Họ đáp: "Thưa hiểu." Người bảo họ: "Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ."
Chia sẻ: câu chuyện Nước Trời
Nước Trời không phải là điều gì xa xôi, trừu tượng. Nước Trời là cuộc sống hiện tại với sự hiện diện của Đức Giêsu. Thật vậy, chính biến cố nhập thể đã khai mở Nước Trời. Nước này đã hiện diện, đang hiện diện và sẽ đạt đến trọn vẹn trong ngày sau hết, khi con người được diện đối diện với Thiên Chúa.
Trọng tâm sứ điệp rao giảng của Đức Giêsu chính là Nước Trời. Nước ấy được Đức Giêsu minh họa bằng những câu chuyện rất bình dị trong cuộc sống, mỗi câu chuyện nói lên một đặc trưng, một khía cạnh của Nước Trời.
Câu chuyện Nước Trời trong bài Tin mừng Chúa nhật hôm nay được đề cập đến với nhiều chi tiết khác nhau, nhưng hai đặc tính nổi bật nhất là giá trị cao quý và thái độ của con người đối với Nước Trời.
Giá trị cao quý của Nước Trời
Trong câu chuyện này, Nước Trời được ví như một kho báu hay như một viên ngọc quý. Chính giá trị cao quý này đã lôi cuốn, thu hút con người lên đường, tìm kiếm để sở hữu.
Nước Trời luôn có một giá trị như thế, vĩnh viễn không thay đổi. Thế nhưng ngày nay con người đang bị lôi cuốn bởi nhiều giá trị khác nhau. Có khi chỉ là những giá trị hời hợt, giả tạo bên ngoài. Chẳng hạn một cô gái muốn chứng tỏ mình là người sành điệu và biết dùng đồ hiệu nên sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu để chỉ mua một cái túi xách tay. Hay một bộ phận giới trẻ sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ để đánh bóng tên tuổi của mình.
Nói chung con người ngày nay dễ đề cao và chạy theo những giá trị bên ngoài như danh tiếng, giàu sang, quyền lực… trong khi nhiều giá trị đích thực và cần thiết như nhân bản, tình thương, hy sinh thì họ lại xem nhẹ. Giá trị của Nước Trời dường như đã bị lu mờ. Nhiều người rất lười đến nhà thờ, tham dự các cử hành phụng vụ hay đơn giản chỉ là thiết lập một tương quan thân mật với Thiên Chúa. Trong hoàn cảnh như thế, việc nhắc nhở nhau khám phá lại những giá trị của Nước Trời thật cần thiết biết bao!
Thái độ của con người đối với Nước Trời
Trong bài Tin mừng, giá trị của Nước Trời đã được nhận biết, do đó, con người đã lên đường, làm một cuộc tìm kiếm và khi tìm được rồi anh ta vui mừng, sẵn sàng bán đi tất cả để được sở hữu điều anh hằng mong mỏi.
Là người kitô hữu, là đoàn viên của Huynh đoàn, chắc chắn chúng ta đã được chia sẻ rất nhiều về những giá trị cao quý của Nước Trời. Thế nhưng chúng ta đã sẵn sàng hay đã bao giờ lên đường để tìm kiếm hay chưa? Chúng ta có cảm thấy vui mừng, phấn khởi và hân hoan vì những giá trị Nước Trời hay chưa? Chúng ta đã hy sinh một điều gì đó để có được Nước Trời hay chưa?
Đó là những câu hỏi mà mỗi người chúng ta cần phải suy nghĩ và tự trả lời cho chính bản thân mình.
Cuộc lên đường ở đây là quyết tâm thực hành một điều gì đó, là hành động thực tiễn, là thực thi một chương trình hay kế hoạch. Chương trình, kế hoạch đó phải nhắm mục đích hoàn thiện bản thân, xây dựng tương quan tốt với anh chị em mình và đến gần Thiên Chúa.
Thái độ hy sinh là từ bỏ một nết xấu, một thói quen hay một sở thích bình thường để đạt được những giá trị cao hơn, ý nghĩa hơn.
Làm sao cuộc đời của mỗi người kitô hữu phải là một hành trình liên tục để hướng về Nước Trời như quê hương đích thực, nơi đó ta sẽ đạt được hạnh phúc trọn vẹn trong tình yêu Thiên Chúa. Nơi đó ta sẽ thuộc trọn về Nước Trời và Nước Trời thuộc trọn về ta. Để đạt được điều đó, mỗi người phải luôn nhận thức đâu là những giá trị cần hướng đến và quyết tâm thực hiện điều đó bằng những hy sinh cần thiết.
Gợi ý chia sẻ:
1.      Điều gì làm cho con người ngày nay khó nhận ra những giá trị của cao quý của Nước Trời?

Học viện Đa Minh

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

HOÁN CẢI ĐỜI SỐNG



Thứ Ba tuần XV TN (Mt 11,20-24)
Đức Giê-su làm những phép lạ để bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa, đồng thời đó cũng là những dấu chỉ để dân chúng tin. Thế nhưng phần đông đã ngoảnh mặt làm ngơ.
Lý do có thể là họ cứng tin, cũng có thể là họ đã chai lỳ trong tội. Họ ưa thích lối sống dễ dãi, chiều chuộng thân xác. Cũng có thể họ thiếu khiêm tốn trong tương quan với Thiên Chúa.
Hậu quả là họ không xứng đáng với lòng nhân hậu và thương xót của Người.
Ngày nay, Thiên Chúa vẫn đang làm những dấu lạ và biểu lộ các dấu chỉ qua Giáo hội, qua các cộng đoàn đức tin, qua gia đình và thậm chí trong cuộc sống của mỗi người. Đặc biệt, chúng ta có thánh lễ hằng ngày, chúng ta nghe Lời Chúa thường xuyên, nhưng bấy nhiêu đó có đủ để hoán cải chúng ta? Chúng ta có mấy khi quyết tâm thay đổi lối sống vì Chúa và vì Tin Mừng? Liệu chúng ta có đáng được xót thương hơn những người ở Kho-ra-din, Bết-xai-đa hay Ca-phác-na-um?