Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

ĐÂU RỒI LÒNG NHÂN TỪ?

Thứ 2 tuần IIMC (Lc 6,36-38)
Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em trên trời là Đấng nhân từ” (Lc 6,36)
Dư luận mấy hôm nay đang tranh luận sôi nổi xem người việt hiền lành hay hung hãn. Câu trả lời có lẽ sẽ dễ dàng hơn nếu như không có thống kê mới đây về số người nhập viện trong mấy ngày đầu xuân do đánh nhau.
Trong khi chờ những phân tích và kết luận, cư xử nhân từ chính là đóng góp của người môn đệ cho xã hội Việt Nam thân yêu của chúng ta. Lòng nhân từ một khi được thực thi chắc chắn sẽ nhanh chóng lan truyền như chất men Tin Mừng len lỏi trong từng ngõ ngách cuộc sống.

Đó cũng là cách sống mùa Chay thực tế mà Mẹ Giáo hội luôn mời gọi mỗi người.

Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

ANH EM HÃY NÊN HOÀN THIỆN

Thứ 7 tuần IMC (Mt 5, 43-48)

Xã hội đang nhuốm màu bạo lực. Người ta sẵn sàng đâm chém nhau vì những lý do nực cười. Thiếu nền tảng tôn giáo, con người sống hời hợt và gạt qua một bên những giá trị nhân văn.

Trong khi đó, lời mời gọi dành cho người môn đệ vẫn là “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng Hoàn Thiện”. Người môn đệ không được bằng lòng với tiêu chuẩn đạo đức thông thường nhưng cần biết vươn lên không ngừng.

Trong ánh mắt người môn đệ, không còn ai là kẻ thù nữa nhưng tất cả là anh em cùng một Cha trên trời. Nếu chỉ chào hỏi anh em mình thôi thì có gì lạ thường đâu? Người môn đệ cần tiến thêm một bước nữa để chủ động trở nên anh em tất cả mọi người. 

Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

SỰ KHÁC BIỆT CỦA NIỀM TIN

Thứ Ba tuần IV TN (Mc 5,21-43)
Giữa hàng ngàn ngươi hành hương, chỉ có vài người cảm nhận được “ơn chữa lành”. Trong hàng triệu người đi theo Chúa, chỉ có vài người cảm nghiệm được tình Chúa xót thương. Điều gì làm nên sự khác biệt đó. Thưa, chính niềm tin.
Giữa đám đông chen lấn và đụng chạm đến Đức Giêsu, có một người tự nhủ: “tôi sẽ được sạch” và điều đó tạo nên sự khác biệt. Trong đám đông đi theo Người, có một người sấp mình bái lạy và cầu xin, Chúa nhận lời ông với điều kiện: hãy tin.
Nhiều người ngoại giáo sẽ hỏi nhau: tại sao người Công giáo lại làm\suy nghĩ như thế? Thưa, chính niềm tin. Chúng ta hãy tạo nên sự khác biệt không phải bởi lối sống “kỳ dị, xa lạ” nhưng bằng niềm tin vào Đấng yêu thương ta.

Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

TÂM BẤT BIẾN GIỮA DÒNG ĐỜI VẠN BIẾN

Thứ Bảy tuần III TN
(Mc 4,35-41)

Giữa trận cuồng phong dữ dội, Đức Giêsu vẫn tựa đầu ngủ yên. Giấc ngủ an lành của một tâm hồn thanh thản sau khi đã cống hiến thời gian và sức lực cho dân chúng. Ai sống với cái tâm trong sáng thì cũng sẽ ngủ với cái tâm an lành dù cho vạn sự xung quanh có biến đổi vô lường. Tốc độ cuộc sống đang dâng cao với sự phát triển của kỹ nghệ, áp lực cuộc sống như trận cuồng phong vây kín mọi tâm hồn, chúng ta hãy học cùng thầy Giêsu để có được cái “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. có Thầy Giêsu ở cùng, sẽ không có gì lay chuyển được ta!

Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

RÌNH RẬP VÀ TÌM KIẾM

Thứ 4 tuần 2 TN
Họ rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người. (x. Mc 3, 1-6)
Chân lý chỉ tỏ hiện cho những ai khao khát tìm kiếm chứ không phải cho những người rình rập. Khi tìm kiếm, con người khiêm tốn nhìn nhận mình còn thiếu và họ có cơ may được lấp đầy. Khi rình rập, họ nhìn nhận và đánh giá mọi sự theo cái nhìn thiển cẩn của mình. Những người như thế dù nhìn cũng không thấy, gặp cũng không tin. Ngược lại, ai tìm kiếm thì dù chưa thấy, chưa gặp nhưng chân lý đã tràn đầy nơi họ!

Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

ĐỂ ĐÓN NHẬN GIÁO LÝ CHÚA GIÊSU

Thứ Hai tuần 2 TN (Mc 2, 18-22)
Thời đại mới thì con người phải mới. Để đón nhận giáo lý của Đức Giêsu, chúng ta cần chuẩn bị con người trước. Tâm hồn chưa xứng đáng, chưa sẵn sàng thì khó mà nhận biết và sống theo Tin Mừng của Thầy Giêsu. Đó cũng là lý do nhiều người biết đến Tin Mừng nhưng chưa thể tiếp nhận và sống theo “niềm vui Tin Mừng”.
Xin Chúa giúp con thay đổi lối sống để tâm hồn con trở thành vườn ươm Hạt giống Tin Mừng.

Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

NIỀM VUI ĐÍCH THỰC (Ga 3,22-30)

Thứ 7 sau lễ Hiển Linh

“Người phải nổi bật lên còn thầy phải lu mờ đi”, đó là niềm vui thánh thiện và khiêm tốn của Gioan Tẩy Giả, đó cũng là nềm vui trọn vẹn và đích thực vì ông xác định được sứ vụ cuộc đời mình là thế.

Cuộc đời mỗi người có những niềm vui khác nhau. Có những niềm vui chóng đến mau qua; có những niềm vui nhẹ nhàng sâu đậm; có những niềm vui đầy tính nhân văn nhưng cũng có những niềm vui đè trên nước mắt và đau khổ của người khác.

Thế nhưng, niềm vui chỉ trọn vẹn khi gắn bó đời ta với Chúa. Thiếu bóng dáng Chúa, niềm vui sẽ hời hợt chóng qua. Chỉ trong Chúa ta mới có niềm vui đích thực. 

Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

ĐỂ LỜI VANG XA (Mt 4,12-17.23-25)

Thứ 2 sau lễ Hiển Linh

"Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân"


Galilê là vùng đất bao quanh bởi dân ngoại còn Giuđa là trung tâm đời sống tôn giáo của Israel, thế nhưng, Đức Giêsu đã chọn Galilê để khai mạc sứ vụ chứ không phải Giuđa. Tin mừng cần được loan báo cho nhiều người chứ không thể đóng khung trong một nơi bé nhỏ. Nếu mỗi tín hũu đều ý thức điều này thì Lời Chúa sẽ ngày càng vang xa.

Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

LÀM CHỨNG

Thứ 7, ngày 3.1 (Ga 1,29-34)

“Tôi đã thấy nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”

Thấy là điều kiện để làm chứng. Nếu không thấy mà làm chứng thì lời chứng sẽ thiếu sức thuyết phục.
Trái lại, có người thấy nhưng không làm chứng vì sợ phiền hà, vì không có khả năng làm chứng, vì bị đe dọa hay vì lười biếng, vô tâm, v.v..
Nhưng nếu đối tượng cần được làm chứng là người mình yêu thương thì có lẽ ta sẽ “xả thân” để làm chứng!
Tôi đã làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hàng ngày hay chưa?
Tôi chưa “thấy” Chúa hay tôi thấy mà không làm chứng?

Ơn gọi làm chứng nằm ngay trong bản chất người Ki-tô hữu. Khi đời sống tôi chưa làm chứng cho Chúa tức là tôi chưa chu toàn bổn phận Ki-tô hữu của mình.

Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

DỌN ĐƯỜNG ĐÓN CHÚA

Thứ Sáu, Ngày 2.1 (Ga 1,19-28)

"Tôi là tiếng người hô, hãy dọn con đường cho Đức Chúa."(Ga 1,23)

Tôi là ai trong tương quan với Đức Giêsu? Tôi có dám là “tiếng hô” để dọn đường cho Người.
Con đường để Chúa đến đang có nhiều quanh co, lồi lõm, tôi sẽ đứng ở đâu để đón đợi Người?
Hãy sửa con đường cho Đức Chúa, con đường của lòng tôi và con đường của mọi người!