Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

TRUYỀN THỐNG CON NGƯỜI VÀ ĐIỀU RĂN THIÊN CHÚA



Thứ Ba, tuần V TN (Mc 7,1-13)
Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.
Đi từ cuộc sống: Để duy trì nề nếp gia phong, nhiều bậc phụ huynh không ngần ngại bắt con cái mình phá hủy các thai nhi ngoài ý muốn. Để giữ gìn truyền thống gia đình, người ta đang tâm giết chết những mầm sống thiêng liêng mà đáng lý chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền định đoạt. Để duy trì truyền thống, người ta gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa: chớ giết người.
Lời Chúa soi đường: Lời Chúa dạy phải thảo kính cha mẹ, thế mà truyền thống của người Do thái đã chấp nhận miễn thi hành điều răn này nếu người con dâng hiến cho Chúa những gì lẽ ra phải để phụng dưỡng cha mẹ. Theo truyền thống, người con có thể lấy cớ là đã dâng hiến tài sản cho Thiên Chúa và được miễn thi hành nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ. Như vậy, họ đã đề cao truyền thống do chính cha ông họ đặt ra và gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa.
Tận hưởng niềm vui: Đức Giê-su khẳng định lại những điều răn của Thiên Chúa thì có giá trị bất biến, mọi truyền thống của con người không thể thay thế được. Nếu một truyền thống đi ngược lại với điều răn của Thiên Chúa thì đó là truyền thống sai lầm. Truyền thống của con người phải quy chiếu về điều răn của Thiên Chúa chứ không phải ngược lại. Đức Giê-su đã phân biệt rạch ròi giữa truyền thống của con người và điều răn của Thiên Chúa.
Chung lời cầu nguyện: Xin Chúa giúp con biết chu toàn luật Chúa trên mọi thứ luật lệ hay truyền thống của con người.

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

CHÚA LUÔN CHỮA LÀNH

Thứ Hai, Tuần V TN (Mc 6,53-56)

Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người ; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.

Đi từ cuộc sống: Các bệnh viện tại Việt Nam luôn trong tình trạng quá tải. Tình trạng 2, 3 bệnh nhân nằm chung một giường là chuyện bình thường. Thậm chí giường không đủ, bệnh nhân phải trải chiếu nằm dưới nền nhà. Khi các bệnh viện không đáp ứng đủ nhu cầu chữa bệnh thì bệnh nhân chạy đến với thần linh. Hầu hết trong các bệnh viện đều có một nơi “đặc biệt” để các bệnh nhân và người nhà tìm đến với chút hy vọng nào đó.

Lời Chúa soi đường: Lời Chúa hôm nay cho thấy, dù Đức Giê-su đi đến đâu, làng mạc hay thành thị, người ta đều đem các bệnh nhân đến cho Người với hy vọng Người dủ lòng thương. Và Thiên Chúa đã tỏ tình thương khi bất cứ ai chạm đến Người đều được chữa lành. Hành động chữa lành của Đức Giê-su tiếp nối công trình sáng tạo của Thiên Chúa khi làm cho mọi thứ trở về tình trạng tốt đẹp nguyên thủy của nó.

Tận hưởng niềm vui: Ngày nay, Thiên Chúa vẫn tiếp tục dủ thương và chữa lành chúng ta. Những ai tìm đến với Người với lòng thành tín, Thiên Chúa sẽ chữa lành ta theo cách thức của Người. Chắc chắn Người sẽ làm cho đời ta trở nên tốt lành hơn. Người đưa ta trở về với tình trạng tốt đẹp ban đầu với điều kiện là ta phải tìm cách “chạm” đến Người.

Chung lời cầu nguyện: Xin Chúa chữa lành chúng con khỏi mọi bệnh tật thể xác cũng như tâm hồn.



Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

SỨ MẠNG NGƯỜI MÔN ĐỆ



Chúa nhật V TNA (Mt 5,13-16)
Kính thưa cộng đoàn,
Ngay trước bài Tin Mừng này là bản văn nói về Bát Phúc. Bát Phúc chính là hiến chương của Nước Trời, là lối sống của người môn đệ để xứng đáng với Vương Quốc mà Đức Giê-su đã loan báo. Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe hôm nay, Đức Giê-su đề cập đến sứ mạng của người môn đệ. Sứ mạng đó là nên muối cho đời và ánh sáng cho trần gian.
Nói về tác dụng của muối đối với thức ăn, có lẽ mọi người đều biết rõ. Muối không chỉ giữ cho thực phẩm khỏi hư mà còn làm cho thức ăn thêm gia vị. Nấu ăn mà không có muối thì dù có là sơn hào hải vị cũng sẽ trở nên nhạt nhẽo. Muối có tác dụng với thức ăn như thế nào thì sứ vụ của người môn đệ đối với môi trường sống cũng vậy.

HÃY LÀ MUỐI MẶN

Chúa nhật V TNA (Mt 5,13-16)

Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại ? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.
Đi từ cuộc sống: Một Giám mục nọ tha thiết mời gọi các linh mục thỉnh thoảng hãy “đóng cửa” nhà xứ để đến với những con chiên xa xôi. Có ra đi, các ngài mới có cơ hội gặp gỡ nhiều đối tượng khác nhau, nhiều cảnh đời khác nhau. Đó cũng là cơ hội để các ngài tiếp xúc và ướp mặn trần gian. Thiết nghĩ đó cũng là lời mời gọi dành cho mỗi người Ki-tô hữu.
Lời Chúa soi đường: Chúa nói chính chúng ta là muối cho đời. Muối muốn ướp mặn thì phải chấp nhận hòa tan. Không có tiếp xúc và hòa tan thì muối cũng thành vô dụng. Người Ki-tô hữu đã lãnh nhận rất nhiều từ Thiên Chúa và Giáo hội. Nhưng nếu họ chỉ lãnh nhận cho mình mà thôi thì cũng như nén bạc bị chốn dấu. Họ sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa và có khi còn phải trắng tay.
Tận hưởng niềm vui: Trong lịch sử Giáo hội đã có nhiều chứng nhân biết cách ướp mặn cuộc đời bằng sự hiện diện đầy ý nghĩa. Chẳng hạn như thánh Phanxicô Khó Khăn và thánh Đa Minh đã “ướp mặn” thời đại các ngài bằng lối sống đậm chất Tin Mừng; thánh Têrêsa Calcutta đã “ướp mặn” xã hội Ấn Độ bằng sự hiện diện đầy yêu thương bác ái. Mỗi người chúng ta cũng có thể chọn một lối sống tương tự như thế.
Chung lời cầu nguyện: Xin Chúa giúp con luôn ý thức mình là muối và sứ mệnh của con là “ướp mặn” môi trường con đang hiện diện.

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

CON CẦN NGHỈ NGƠI ĐÔI CHÚT

Thứ Bảy, Tuần IV TN (Mc 6,30-34)
Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút
Đi từ cuộc sống: Càng ngày con người càng có khuynh hướng bận rộn: Bận rộn làm ăn, bận rộng học hành, v.v.. Nhiều người còn không có thời gian để nghỉ ngơi, để ở bên gia đình và người thân. Suốt ngày tất bật với công việc, nhiều người không có thời gian để tận hưởng cuộc sống, để nhìn lại chính mình và để sống tương quan với Thiên Chúa.
Lời Chúa soi đường: Sau khi được sai đi loan báo Tin Mừng, các môn đệ hoan hỉ trở về và khoe với Chúa những thành tích của mình. Nhiều người nghe biết còn tiếp tục ùn ùn kéo đến. Đấy là cơ hội không thể tốt hơn để loan báo Tin Mừng cho họ. Thế nhưng Đức Giê-su lại bảo các ông hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút. Đây không đơn thuần là sự nghỉ ngơi của thân xác mà thôi nhưng là sự thinh lặng trong cỏi lòng để gặp gỡ Thiên Chúa. Không được say mê trong “chiến thắng” mà quên mất đời sống tương quan với Thiên Chúa.
Tận hưởng niềm vui: Chúa Giê-su nhắc nhở ta về một đời sống quân bình. Hoạt động trần thế phải luôn đi kèm với đời sống cầu nguyện. Không có thiết lập mối tương quan với Thiên Chúa những hoạt động trần thế của chúng ta cũng chẳng có ý nghĩa gì mấy, nếu không muốn nói là nó có thể khiến ta đánh mất chính mình trong công việc. Chính Đức Giê-su đã nêu gương cho chúng ta về đời sống quân bình này.
Chung lời cầu nguyện: Xin cho chúng con biết tìm gặp Chúa trong công việc chứ không chỉ đơn thuần đắm chìm trong công việc mà thôi.


CÁCH THỨC CHỌN LỰA

Thứ Sáu, Tuần IV TN (Mc 6,14-29)
Vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.
Đi từ cuộc sống: Không ai dám tự nhận mình là vô thần triệt để. Cũng chẳng ai hoàn toàn bán rẻ lương tâm của mình cho quỷ. Con người dù xấu đến đâu thì trong họ vẫn tồn tại mầm móng của sự thiện, dù nhỏ nhỏi. Điều quan trọng là trong cuộc chiến nội tâm giữa ánh sáng và bóng tối, giữa sự thiện và điều xấu, chúng ta chọn đứng về phía nào?
Lời Chúa soi đường: Vua Hêrôđê là một dẫn dụ cụ thể. Vua biết Gioan Tẩy giả là người công chính. Vua thích nghe ông nói dù những lời đó chẳng dễ nghe chút nào. Thậm chí vua còn tìm cách để che chở cho ông. Thế nhưng bấy nhiêu đó thôi vẫn chưa đủ. Chỉ cần một phút hứng khởi trước một điệu vũ, chỉ cần một lời hứa thiếu suy nghĩ, ông đành phải quyết định điều ông chẳng hề  muốn.
Tận hưởng niềm vui: Trong mỗi chúng ta luôn có những cuộc chiến nội tâm như thế. Nhiều điều chúng ta biết là tốt nhưng vì một lý do nào đó ta phải chọn làm điều ngược lại. Rất nhiều lời nói có tính xây dựng và khích lệ nhưng cuối cùng ta lại chọn nói theo ý thích mình, mặc cho hiệu quả để lại nơi người nghe như thế nào. Chúng ta biết nhiều người là ngay lành nhưng lại đối xử với họ theo cách có lợi cho ta. Ngày hôm nay, chúng ta được mời gọi nhìn vào cách chọn lựa của Đức Giê-su, Đấng luôn chọn lựa theo thánh ý Chúa Cha và mang lại ơn cứu độ cho con người.

Chung lời cầu nguyện: xin Chúa giúp con biết chọn lựa theo thánh ý Chúa.

CỘNG TÁC VỚI THIÊN CHÚA

Thứ Năm, Tuần IV TN (Mc 6,7-13)
Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ
Đi từ cuộc sống: Mới đầu năm nay, Đức thánh Cha Phanxicô đã sai 414 gia đình đi truyền giáo ở các châu lục, nhất là các xứ truyền giáo, trong đó có cả Việt Nam. Họ đi cả gia đình, đến ở và sống như bao gia đình khác, chỉ khác một điều là họ luôn ý thức sứ vụ của mình: hiện diện để làm chứng.
Lời Chúa soi đường: Đức Giê-su dư sức để cứu chữa và loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người. Thế nhưng người không làm một mình. Người chọn Nhóm Mười Hai để huấn luyện và sai đi. Người cần sự cộng tác của con người trong sứ vụ của Người. Dù cho con người vẫn còn nhiều thiếu xót, nhiều lỗi lầm, nhưng Thiên Chúa không sợ con người phá hỏng chương trình của Người. Bởi vì Đức Giê-su sai họ đi với chính quyền năng của Người.
Tận hưởng niềm vui: Thiên Chúa trân trọng và mời gọi sự cộng tác của mọi người, trong đó có bạn, có tôi. Dù chúng ta còn nhiều yếu kém nhưng không sao! Thiên Chúa không đòi hỏi nhiều nơi người cộng tác. Người chỉ cần ta từ bỏ mọi sự để đi theo Người. Mọi thứ khác Người sẽ thêm cho.

Chung lời cầu nguyện: Xin cho chúng con luôn ý thức lời mời gọi của Chúa và sẵn sáng cộng tác với Người trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.

SỰ HIỂU BIẾT VÀ ĐỨC TIN

Thứ Tư, Tuần IV TN (Mc 6,1-6)
Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao ? …" Và họ vấp ngã vì Người.
Đi từ cuộc sống: Trên một chuyến xe lửa hướng về Paris, có một cụ già và một chàng sinh viên ngồi cạnh nhau. Thấy cụ già ngồi lần hạt, chàng sinh viên nói: thời buổi nào rồi mà cụ còn lần hạt và tin vào những điều vớ vẫn đó. Thế rồi chàng ta tiếp tục nói một cách say mê về sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Khi đến nơi, với sự nhiệt tình, chàng sinh viên xin địa chỉ của cụ già để gủi cho cụ một số tài liệu nói về khoa học. Cụ già từ từ rút ra một tấm danh thiệp và đưa cho cậu sinh viên. Lướt nhanh trên tấm danh thiếp, cầu bỗng đỏ mặt khi đọc thấy hàng chữ: Louis Pastuer, giám đốc viện nghiên cứu khoa học Paris.
Lời Chúa soi đường: Sự hiểu biết đôi khi là một cản cho cuộc sống của chúng ta. Nhất là trong lãnh vực đức tin, một lãnh vực không đơn thuần thuộc về lý trí. Những người Nazarét đã tiếp cận với Đức Giê-su bằng những hiểu biết về gốc gác của Người. Chính sự tự hào về những hiểu biết đó đã cản trở việc họ nhân biết Đức Giê-su đến từ Thiên Chúa, dù cho Người đã thực hiện bao việc lạ lùng.
Tận hưởng niềm vui: Chúng ta may mắn hơn những người làng quê Nazarét khi được một kho tàng mạc khải cùng với bao chứng nhân nói cho ta biết Đức Giê-su là ai. Thế nhưng, nếu chúng ta chỉ cậy dựa vào những hiểu biết đó mà thôi thì cũng chưa đủ. Sự hiểu biết không đủ là nên đức tin của chúng ta. Chúng ta cần khiêm tốn khám phá Chúa hàng ngày qua đời sống cầu nguyện.

Chung lời cầu nguyên: Xin cho con nhận biết Chúa không chỉ bằng kiến thức mà thôi nhưng bằng những cảm nghiệm sống động của đức tin.

TIN VÀ HÀNH ĐỘNG

Thứ Ba, Tuần IV TN (Mc 5,21-43)
Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người. Vì bà tự nhủ : "Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu."
Đi từ cuộc sống: Niềm tin đang bị thử thách nghiệm trọng. Người ta không còn dám tin vào sự lãnh đạo nghiêm minh, không tin vào nền kinh tế ổn định, không tin vào nền giáo dục lấy “đạo” làm gốc. Niềm tin chân chính đang bị thách thức nghiêm trọng nhường chỗ cho đồng tiền, cho quyền lực, cho “COCC”. Liệu còn nơi nào thích đáng để con người đặt niềm tin tưởng tuyệt đối hay không?
Lời Chúa soi đường: Lời Chúa hôm nay cho ta hai mẫu gương về đức tin: ông trưởng hội đường Gia-ia và người đàn bà bị băng huyết lâu năm. Cả hai đều ở trong hoàn cảnh đáng thương, nghe biết về Đức Giê-su, tin tưởng Đức Giê-su có thể cứu được mình, tìm cách để tiếp xúc với Đức Giê-su theo cách thức riêng của mình và cả hai đã được toại nguyện.
Tận hưởng niềm vui: Chúng ta có một Thiên Chúa có thể giải gỡ mọi khó khăn, sẵn sáng đưa bàn tay uy quyền để giải thoát chúng ta khỏi mọi gian nguy. Liệu chúng ta có đủ tin tưởng và hành động theo niềm tin của mình hay không? Chúng ta có đủ can đảm để “lách qua đám đông” và “chạm vào” Đức Giê-su hay không?

Chung lời cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con tin nhưng đức tin của chúng con vẫn còn thụ động. Xin Chúa cho con người đủ can đảm để hành động theo đức tin của mình.

GIA ĐÌNH ĐỨC TIN

Thứ Ba, Tuần III TN (Mc 3,31-35)
Đức Giê-su rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói : "Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi."
Đi từ cuộc sống: Tình cờ tôi gặp em, một bé trai chỉ mới học lớp sáu. Thế nhưng dáng ngồi trầm tư nhìn về nơi xa xăm cùng đôi mắt u buồn đã gây ấn tượng mạnh nơi tôi. Tôi hỏi thăm, em đưa sấp vé số ra để giới thiệu “nghề nghiệp” của mình. Thì ra cha em đã mất trong một tai nạn. Mẹ em đã bỏ ra đi. Em đang sống với bà ngoại. Ban ngày đi bán vé số, ban đêm đi học. Giờ tôi đã hiểu, đàng sau dáng ngồi đó là một sự thiếu vắng: thiếu vắng một gia đình.
Lời Chúa soi đường: Lời Chúa hô nay cho thấy bên cạnh gia đình theo huyết thống, mỗi người chúng ta còn có một gia đình khác nữa: gia đình của đức tin. Gia đình huyết thống có thể thiếu vắng một bóng dáng thân yêu nào đó nhưng gia đình đức tin thì không. Gia đình đó được Thiên Chúa quy tụ trong đức tin, ai tin và thực thi ý Chúa đều thuộc về gia đình này.
Tận hưởng niềm vui: Chúng ta là một gia đình: gia đình Giáo hội, gia đình giáo phận, gia đình giáo xứ, v.v.. Gia đình chúng ta luôn có Thiên Chúa là cha, là mẹ chăm lo cho con cái mình. Gia đình chúng ta luôn có nhiều thành viên cùng chung một nguồn gốc, chung một lý tưởng, chung một cùng đích.

Chung lời cầu nguyện: Xin Chúa luôn giúp con ý thức mình có một gia đình. Xin cho càng ngày càng có nhiều người thực thi ý Chúa để thuộc về gia đình Giáo hội.