Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

HÃY KÝ THÁC ĐƯỜNG ĐỜI CHO CHÚA

Thứ 7 tuần XXX TNC (Lc 14, 1.7-11)
Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14, 11).
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu không nhằm dạy ta một nghệ thuật sống: chọn cái này để được cái kia. Chọn chỗ cuối để được mời lên chỗ vinh dự. Chúa mời gọi ta hãy có lòng khiêm nhường thực sự. khiêm nhường như chính Chúa đã làm gương cho chúng ta. Khiêm nhường thực sự là phó thác đời mình trong tay Chúa. Chỉ có Chúa mới biết vị trí nào phù hợp và tốt cho ta.
Những vị trí ta tự tìm lấy có thể là ảo tưởng. Để đạt được vị trí đó, đôi khi ta phải “xô đẩy” người khác để chen chân vào. Thậm chí, có khi ta còn dùng người khác như viên đá lót đường, như bàn đạp để ta tiến bước. Có thể ta sẽ đạt được những vị trí như mình mong ước nhưng chắc chắn nó sẽ không bền. Người khác cũng sẽ tìm cách để kéo ta xuống.
Cũng có thể có những người khác đưa ta vào một vị trí nào đó. Ta có một nhóm người ủng hộ để nâng ta lên, đưa ta vào vị trí ta thích. Thế nhưng, người ủng hộ ta cũng có giới hạn. Cũng sẽ có nhóm người khác không ủng hộ ta, họ cũng sẽ tìm cách đưa ta xuống để đưa người khác lên. Do vậy, vị trí đó cũng sẽ không bền.

Có một vị trí khác sẽ bền vững hơn, đó là vị trí ta để cho Chúa xếp đặt: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính người sẽ ra tay”. 

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

AI YÊU THƯƠNG THÌ KHÔNG QUAN TÂM ĐẾN VIỆC XÉT XỬ

Thứ Sáu tuần XXIX TN (Lc 12,54-59)
Khi anh đi cùng đối phương ra tòa, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong” (Lc 12,58)
Luật cần thiết trong cuộc sống, nhưng khi đã cạn tàu ráo máng, người ta mới dùng luật với nhau. Đã dùng luật thì sẽ có người thắng kẻ thua. Niềm vui của kẻ thắng dựa trên nỗi buồn của kẻ thua. Nếu cuộc đời luôn phải xử với nhau theo kiểu thắng thua, nghĩa là luôn dùng luật với nhau thì thật nặng nề.
Chúa không muốn chúng ta dùng luật với nhau nhưng mời gọi hãy làm hòa với nhau. Không cần dùng đến luật nhưng hãy “thỏa thuận” với nhau. Đúng hơn, Đức Giêsu chỉ để lại cho chúng ta một luật duy nhất, đó là “Hãy yêu thương nhau” (Ga 15,12).
Chúa dùng một luật duy nhất để xét xử chúng ta, đó là luật yêu thương. Nếu ngay ở thế gian này chúng ta dùng luật yêu thương để đối xử với nhau thì chẳng cần quan tâm đến việc xét xử.


Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2016

HÃY KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN

Chúa nhật XXIX TNC (Lc 18,1-8)
Lời Chúa hôm nay với sứ điệp rất rõ ràng: Anh em hãy kiên trì cầu nguyện. Có lẽ nhiều người sẽ hỏi: Chúa nhân từ quãng đại, Chúa quyền phép vô biên, tại sao không ban ngay mà đòi hỏi ta phải kiên trì? Xin thưa, trước hết, Chúa muốn ta tin tưởng vào Ngài và thứ đến, Chúa muốn ta quý trọng điều sẽ lãnh nhận.
Thực vậy, chỉ ai tin tưởng thì mới kiên trì. Nếu không tin tưởng thì chẳng ai kiên trì làm gì! Một người đi đường chẳng may bị cảnh sát giao thông bắt dừng lại. Thường phản ứng đầu sẽ là “xin xỏ”. Khi xin, ta thường quan sát phản ứng của người đó. Nếu thấy có “hy vọng” ta sẽ kiên nhẫn để xin vì tin  có khả năng sẽ được. Còn nếu ngay từ đầu ta thấy thái độ dứt khoát của họ thì thôi, chẳng phí lời làm gì!
Thứ đến, có kiên trì xin ta mới quý trọng điều sẽ lãnh nhận. Nếu điều gì ta xin được một cách quá dễ dãi thì ta dễ coi thường. Một đứa con xin bố mẹ tiền để mua cái điện thoại hay chiếc xe. Nếu bố mẹ cho ngay mà không xét đến nhu cầu và lợi ích của nó thì sẽ dễ dẫn đến nguy cơ đứa con sẽ xem thường món đồ đó. Nó sẽ không biết giữ gìn. Nó cũng chẳng tiếc, chẳng xót khi món đồ đó bị hư. Trái lại, nếu thay vì chiều lòng con cái ngay, bố mẹ bảo con hãy cố gắng học cho giỏi rồi sẽ mua cho, hay là con hãy đi làm, dành dụm tiền rồi nếu thiếu bao nhiêu bố mẹ sẽ giúp thêm cho. Khi đó, chắc chắn đứa con sẽ trân trọng món đồ hơn, biết giữ gìn cẩn thận hơn. Nó sẽ xót xa khi món đồ đó bị hư bởi vì đó là món đồ mà nó đã đóng góp công sức vào mới có được.
Cũng vậy, khi cầu nguyện, Chúa muốn ta kiên trì, nhất là cộng tác với Chúa, để dạy ta biết trân trọng ơn Chúa ban cho. Quả thật, tất cả mọi ân huệ đều là món quà tặng nhưng không, xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhưng lòng thương xót Chúa không phải là sự dễ dãi. Chúa mời gọi ta phải cộng tác, phải đổ công sức vào để biết trân trọng hơn quà tặng của Thiên Chúa.
Quả thật, trong bài đọc một, Chúa có thể dùng quyền uy của mình mà cho quân Ít-ra-en chiến thắng một cách dễ dàng và mau chóng. Thế nhưng Ngài không muốn làm như vậy. Ngài muốn dân phải cộng tác: Mô-sê cầu nguyện còn Giô-suê thì cầm quân chiến đấu. Muốn chiến thắng thì phải cầu nguyện và chiến đấu chứ không phải ngồi không mà có. Dân Ít-ra-en chiến thắng là nhờ lời cầu nguyện chứ không phải nhờ vào tài năng của ông Giô-suê hay nhờ sức mạnh của dân. Bằng chứng là khi Mô-sê mỏi, hạ tay xuống thì dân Ít-ra-en thua, còn khi ông giơ tay lên thì dân thắng. Dù cho đôi khi Mô-sê có vẻ đuối sức trong khi cầu nguyện nhưng không sao, ông vẫn có thể tìm sự nâng đỡ. Có người nâng đỡ để tay ông luôn giơ lên cao trong tư thế cầu nguyện. Chúa có thể cho dân chiến thắng cách dễ dàng nhưng Người không làm như vậy. Dân phải cố gắng chiến đấu. Mô-sê phải kiên trì cầu nguyện thì chiến thắng mới đến. Chúa muốn dân ý thức chiến thắng đó là hồng ân Chúa ban qua việc cầu nguyện chứ không phải do khả năng của ai.
Trong Tin Mừng, qua câu chuyện quan tòa và bà góa, Đức Giêsu một lần nữa mời gọi ta rất rõ ràng: Hãy kiên trì cầu nguyện, Chúa sẽ cho. Không phải vì sợ ta quấy rầy như quan tòa trong câu chuyện nhưng Chúa nhận lời ta vì lòng thương xót của Ngài. Vì Ngài là người Cha giàu lòng thương xót, luôn ban điều tốt lành cho con cái mình. Ngài biết điều gì cần cho ta hơn chính bản thân ta, nhưng không vì thế mà dễ dãi. Lòng thương xót không phải là sự dễ dãi. Nếu Chúa dễ dãi, con người có nguy cơ xem thường ơn thánh của Ngài. Ngài muốn ta kiên trì cầu xin không chỉ vì muốn ta lệ thuộc vào Ngài nhưng còn vì muốn ta tin tưởng và trân trọng ơn thánh của Ngài. Đặc biệt, Ngài muốn ta cộng tác với Ngài để ơn thánh thực sự mang lại hiệu quả trên cuộc đời mỗi người chúng ta.

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì lòng thương xót của Ngài. Chúng ta hãy kiên trì cầu nguyện trong tin tưởng vì lòng thương xót Chúa chắc chắn sẽ đáp lời. Chúng ta hãy cộng tác để biết trân trọng ơn món quà ân sủng mà Thiên Chúa tặng ban cho ta.