Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI



Ngày 15-01-2014 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã ký và cho công bố sứ điệp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Gọi. Năm 1964, Đức Thánh Cha Phaolô VI quyết định cử hành ngày này hằng năm vào Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Phục sinh
Sứ điệp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Gọi lần thứ 51 của Đức Thánh Cha Phanxicô có chủ đề “Ơn gọi, chứng tá cho sự thật” trong đó Đức Thánh Cha yêu cầu người Công Giáo hãy "mở lòng chúng ta ra cho những lý tưởng tuyệt vời, cho những điều cao cả".

Dưới đây là tóm lược sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô:
Trước hết, ĐTC trích dẫn đoạn Kinh Thánh Mt 9,35-38 trong đó có câu: “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy anh em hãy xin chủ gặt sai thợ ra gặt lúa về”. ĐTC lưu ý rằng Đức Giê-su cho biết “lúa đã chín” và đang “thiếu thợ gặt”, Đức Giê-su không hề đề cập đến việc gieo trồng. Vậy ai đã gieo trồng? ĐTC khẳng định “cánh đồng lúa” chính là nhân loại và “tác động đầy hiệu quả đã giúp sản sinh ra nhiều hoa trái là ân sủng của Thiên Chúa”. Thánh Phaolô cũng nhắc nhở các tín hữu thành Côrintô rằng: “Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa” (1 Cr 3:9). Chính Thiên Chúa đã tác động để có một “mùa bội thu” và Ngài mời gọi con người cộng tác trong việc thu hoạch.

THẤY VÀ LÀM CHỨNG


Chúa nhật II TNA (Ga 1,29-34)
Tôi (Gioan Tẩy giả) đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người (Đức Giê-su) là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.
Đi từ cuộc sống: Tiêu chuẩn đầu tiên của người làm chứng là phải nhìn thấy, có vậy lời chứng mới thuyết phục. Tuy nhiên, dưới phương diện đức tin, “nhìn thấy” không chỉ xét ở phương diện thể lý mà thôi nhưng còn là “trải nghiệm” của đức tin.
Lời Chúa soi đường: Ông Gioan Tẩy giả đã nhìn thấy Thần Khí ngự xuống trên Đức Giê-su như lời Chúa Cha, nên ông mạnh mẽ làm chứng trước dân Ít-ra-en. Bối cảnh Tin Mừng Gioan cho ta hiểu chỉ mình Gioan tẩy giả được Thiên Chúa mạc khải cho thấy điều này mà thôi, do vậy, đây không chỉ la cái nhìn thể lý nhưng trên hết là một cảm nghiệm đức tin. Ông đã thấy, đã tin và đã làm chứng.
Tận hưởng niềm vui: Lời chứng của ông Gioan Tẩy gia mang lại niềm vui cho chúng ta. Ông làm chứng Đức Giê-su là Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn. Người chính là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian. Đức Giê-su thi hành sứ vụ này trong sự liên đới với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Niềm vui này đã được Gioan làm chứng và đến lượt chúng ta, chúng ta cũng được mời gọi cảm nghiệm và làm chứng về niềm vui này.
Chung lời cầu nguyện: Chúng con đã nhận lãnh Niềm vui Tin Mừng từ chính Chúa, từ Hội thánh và từ bao chứng nhân khác trong dòng lịch sử Giáo hội. Xin cho chúng con củng cảm nghiệm và chia sẻ niềm vui này cho những người đang sống quanh con.

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

NIỀM VUI ĐƯỢC CHỮA LÀNH


Thứ Bảy - Tuần I TN (Mc 2,13-17)
Đức Giê-su nói với các kinh sư : "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."
Đi từ cuộc sống: Chắc hẳn mọi người còn nhớ hình ảnh đức thánh cha Phanxicô cúi xuống rửa chân cho các tù nhân vào thứ Năm Tuần Thánh vừa qua. Hình ảnh xúc động đó đã phần nào họa lại hình ảnh Đức Giê-su, Đấng đến để kêu gọi người tội lỗi.
Lời Chúa soi đường: Người khỏe mạnh thì an vui trong sức khỏe của mình. Cũng vậy, người công chính an vui trong sự công chính. Đó là niềm vui không ai có thể lấy mất. Thế nhưng có một niềm vui lớn hơn nữa, niềm vui của người tội lỗi biết mình được cứu. Điều đó không có nghĩa là Đức Giê-su bỏ rơi những người công chính, đúng hơn, những người tội lỗi sẽ là đối tượng ưu tiên số một.
Tận hưởng niềm vui: Đó là niềm vui cho tất cả chúng ta. Chẳng ai dám vỗ ngực xưng danh rằng mình công chính. Ngược lại, ai cũng kinh nghiệm sự mong manh của mình trước những dịp tội. Mặc cảm tội lỗi rồi đến niềm vui được chữa lành là kinh nghiệm thường trực của con người. Chính trong kinh nghiệm đó mà Hội thánh đã thốt lên: “ôi tội hồng phúc!”
Chung lời cầu nguyện: Xin Chúa giúp chúng con thường xuyên đến với bí tích Hòa giải để lãnh nhận ơn tha thứ và cảm nghiệm niềm vui được chữa lành.

SỨC HÚT MANG TÊN GIÊ-SU


Thứ Sáu - Tuần I TN (Mc 2,1-12)
Hay tin Người ở nhà, dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết.
Đi từ cuộc sống: Đức thánh cha Phanxicô đã được tạp chí Times bầu là nhân vật của năm 2013. Thực vậy, năm vừa qua, Đức Phanxicô đã tạo nên một sức hút mạnh mẽ nhờ những “thông điệp” người gửi cho thế giới. Một “thông điệp” mang lại niềm vui và hy vọng cho thế giới hiện tại.
Lời Chúa soi đường: Sức hút của Đức thánh cha cần được soi sáng dưới sức hút mang tên Giê-su. Dân chúng biết Đức Giê-su ở nhà đã kéo đến đông đúc đến nỗi không còn chỗ chứa. Bởi đâu Đức Giê-su tạo nên một sức hút mạnh mẽ như vậy? Thưa, bởi thông điệp tình yêu Người mang đến cho họ. Từ lời ăn, tiếng nói, hành động hay lối sống của Người đểu tỏ lộ một Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn.
Tận hưởng niềm vui: Chúng ta có một Thiên Chúa yêu thương con người cách mãnh liệt. Người đã chủ động đến chỉ lối cho con người đường về trời thay vì để con người dò dẫm những bước chân lầm lạc. Thiên Chúa đã chuẩn bị chu đáo để đón đợi tôi ở cửa Nước Trời. Người mời gọi tôi tận hưởng niềm vui này cũng như chia sẻ nó cho người bên cạnh.
Chung lời cầu nguyện: Trong tông huấn “Niềm vui Tin Mừng”, Đức thánh cha khẳng định Đức Giê-su luôn luôn mới mẻ cho những ai trở về tận nguồn để khám phá Tin Mừng. Xin cho chúng con cũng luôn khám phá ra sự hiện diện mới mẻ của Đức Giê-su trong cuộc đời chúng con.  

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

NẾU NGÀI MUỐN


Thứ Năm – Tuần I TN (Mc 1,40-45)

Có người bị phong hủi đến gặp Đức Giê-su, anh ta quỳ xuống van xin rằng : "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch."

Đi từ cuộc sống: Hằng năm, rất nhiều người về Lộ Đức để viếng Đức Mẹ. Đa số họ là những người đang mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo nào đó. Thế nhưng không phải tất cả đều đi hành hương với mục đích xin ơn chữa lành, bởi nhiều người chỉ đơn giản xin ơn can đảm chịu đựng.

Lời Chúa soi đường: Người phong hủi trong bài Tin Mừng đã quỳ xuống van xin Đức Giê-su, thế nhưng trong lời van xin, anh vẫn nhấn mạnh ba chữ “nếu Ngài muốn”. Ba chữ “nếu Ngài muốn” cũng hàm nghĩa rằng anh sẵn sàng đón nhận tình trạng của mình “nếu Ngài không muốn”. Thái độ van xin của anh vừa tha thiết vừa tôn trọng và phó thác vào quyết định của Đức Giê-su.

Tận hưởng niềm vui: Chúng ta đã xin rất nhiều nhưng đa số chúng ta cũng chỉ muốn Thiên Chúa “chiều” theo ý của ta. Ít khi ta tìm hiểu xem Chúa muốn điều gì nơi ta! Chúng ta thường càu nhàu, khó chịu khi thập giá cuộc đời xem ra nặng nề khó vác. Tuy nhiên, có một tin vui là Chúa luôn muốn điều tốt đẹp nhất cho ta. Nếu ta dám buông thả đời mình trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa thì dù thế nào cuối cùng Thiên Chúa cũng sẽ nói với ta: “Ta muốn, con hãy được sạch!”

Chung lời cầu nguyện: Xin cho con can đảm đón nhận thánh ý Chúa trong cuộc đời, dù đôi khi điều đó cực kỳ khó khăn.

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

CẦU NGUYỆN LÀ NỀN TẢNG CỦA ĐỜI SỐNG



Thứ Tư – Tuần I TN (Mc 1,29-39)


Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Đức Giê-su đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó (Mc 1,35).

Đi từ cuộc sống: Một linh mục “hồi tục” sau một thời gian sống và thi hành sứ vụ mục tử đã chia sẻ kinh nghiệm của bản thân: Vì thiếu đời sống cầu nguyện nên tôi đã không chu toàn sứ vụ của mình.

Lời Chúa soi đường: Tin Mừng cho thấy một ngày của Đức Giê-su bận rộn với biết bao công việc: giảng dạy và chữa lành. Thế nhưng, tất cả những lời nói và việc làm của Người đều đặt nền tảng trên đời sống cầu nguyện. Một ngày trải qua với bao vất vả vẫn không ngăn cản việc Người thức dậy từ sớm để đến một nơi thanh vắng cầu nguyện. Dù là Con Thiên Chúa, Đức Giê-su vẫn luôn gắn bó mật thiết đời sống của Người với Chúa Cha.

Tận hưởng niềm vui: Đức Giê-su đã nêu gương cho ta về một đời sống thống nhất. Cuộc sống trần gian không tách rời khỏi mối liên hệ với Cha trên trời. Chúng ta được mời gọi sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Chúng ta không bám chặt vào mặt đất này với những mối bận tâm quá đáng. Một sự kết hợp giữa những lo âu của cuộc sống với niềm tin tưởng phó thác trong cầu nguyện là cần thiết đối với người môn đệ.

Chung lời cầu nguyện: Xin cho chúng con luôn gắn bó đời mình với Chúa qua lời cầu nguyện, để chúng con không khủng hoảng với những thất vọng nhưng cảm nhận được niềm vui vì có Chúa đồng hành.